Lê Dân, phóng viên đài RFA
Trong thời gian gần đây, những vụ đình công ào ạt của công nhân xem chừng lắng dịu. Tuy nhiên với tư cách đại biểu cho dân, Ủy ban Các Vấn đề Xã hội của Quốc hội hôm thứ Năm đưa ra lời cảnh báo là thời gian tới các cuộc đình công có thể diễn ra phức tạp hơn.
Theo số liệu của bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thì từ ngày bộ Luật Lao động có hiệu lực cho đến ngày 24 tháng Ba vừa qua thì cả nước đã xảy ra 1,171 cuộc đình công, tính bình quân là 98 vụ mỗi năm. Tuy nhiên dồn dập nhất với quy mô lớn, có tính chất gay gắt kéo dài hơn thì chỉ mới xảy ra hồi cuối năm ngoái, đầu năm nay.
Nguyên nhân nổi bật nhất, chiếm đến trên 90% các vụ đình công là do thu nhập của người lao động quá thấp, đặc biệt là trong khu vực doanh nghiệp có đầu tư nước ngoài.
Từ năm 1999 tới nay, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, đời sống đắt đỏ hơn, giá nhân công trên thị trường lao động đã thay đổi gấp mấy lần. Lương tối thiểu trong khu vực doanh nghiệp Nhà nước đã được điều chỉnh tới 3 lần, nhưng bên khu vực FDI vẫn bị giữ nguyên, thậm chí còn bị thụt lùi do phải áp dụng tỷ giá đôla do bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định từ nhiều năm trước.
Một người dân Sàigòn, vốn là nơi xảy ra nhiều vụ đình công với cả chục ngàn công nhân tham gia, đã đưa ra nhận xét: "Chỉ có cái chỗ tiền lương. Tiền lương bên Nhà nước thì tăng, còn lương của công nhân thì không tăng..."
Vai trò của các công đoàn
Họ phải bảo vệ lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư, mà cũng phải bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của người lao động, chứ không thể bảo vệ một bên nào cả...
Sau khi khảo sát nhiều nơi, Ủy ban Các Vấn đề Xã hội của Quốc hội hôm thứ Năm đưa ra nhận định rằng nhìn chung thì không có cuộc đình công nào diễn ra theo đúng trình tự pháp luật quy định, tức là tự phát, không báo trước và không do công đoàn cơ sở khởi xướng. Mặt khác, các cuộc đình công nổ ra là do sức chịu đựng quá mức của công nhân đối với việc lương trả quá thấp, điều kiện làm việc và điều kiện sống tệ hại, nên người lao động không có cách nào khác hơn là đình công.
Luật Lao động có quy định vai trò của các công đoàn, tuy nhiên những tổ chức này là ngoại vi của đảng, đoàn, mặt trận, nên phải theo chủ trương mời gọi đầu tư nước ngoài của Nhà nước đưa ra. Thêm vào đó, quan chức công đoàn lại là những người ăn lương của chủ sử dụng lao động, nên việc bênh vực quyền lợi công nhân xem chừng chỉ có trên giấy mà thôi.
Tiến sĩ Đinh Sơn Hùng, một chuyên viên kinh tế ở Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét: "Họ phải bảo vệ lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư, mà cũng phải bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của người lao động, chứ không thể bảo vệ một bên nào cả..."
Chủ nhiệm Ủy ban Các Vấn đề Xã hội, bà Nguyễn thị Hoài Thu, cho rằng dù nghị định số 03/2006 điều chỉnh lại mức lương tối thiểu trong khu vực doanh nghiệp FDI nhưng do không được chuẩn bị đúng mức nên sau khi ban hành vẫn vấp phải nhiều khó khăn.
Đối với chủ sử dụng lao động, việc buộc điều chỉnh lương tối thiểu một cách vội vàng vào đầu năm 2006 đã gây trở ngại không nhỏ. Lý do là các hợp đồng đã được ký kết cả nửa năm trước, tính theo mức lương khoán cũ, gây khó khăn về tài chánh cho doanh nghiệp.
Nghị định 03/2006 và những thông tư hướng dẫn sau đó cũng không đưa ra được một thang bảng lương theo như bên doanh nghiệp Nhà nước, nên nhiều doanh nghiệp FDI điều chỉnh lương mới chưa hợp lý giữa người lao động mới với lao động thâm niên. Nhiều doanh nghiệp lấy luôn lương tối thiểu làm mức cơ bản, hoặc cắt giảm bớt các phụ cấp khác...
Nhu cầu của công nhân
Do đó, Ủy ban Các Vấn đề Xã hội của Quốc hội hôm thứ Năm đã đưa ra cảnh báo là nếu không thay đổi kịp thời thì trong thời gian tới, các cuộc đình công sẽ có thể nổ ra vì đó là võ khí chính và duy nhất của công nhân.
Bạn nghĩ gì về việc này? Xin email về Vietweb@rfa.org
Một trong những nhu cầu chủ yếu nhất là làm sao cho công nhân có những tổ chức công đoàn cơ sở độc lập của họ để tự bảo vệ quyền lợi của chính mình, như lời bộc bạch của một lao động ở Sàigòn cho biết: "Chúng tôi có quyền thành lập công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi của giới công nhân chúng tôi."
Nhu cầu đó là chính đáng, nhưng chắc chắn là sẽ không được phép thành hiện thực vì tấm gương Công đoàn Đoàn kết Ba Lan năm nào vẫn còn ám ảnh nhiều Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa.
Nhưng nếu không giải quyết rốt ráo cho quan hệ giữa công nhân với đầu tư nước ngoài được êm đẹp thì khó lòng giữ chân doanh nghiệp ngoại quốc, vào khi cả Nhật Bản, Nam Hàn và nhiều nước khác đang muốn chuyển sự đầu tư của họ vào một môi trường thuận lợi hơn là Trung Quốc. Một người nước ngoài nhận xét.
Tại kỳ họp thứ 9 sắp tới, Ủy ban Thường vụ sẽ báo cáo trước Quốc hội về tình hình đình công của người lao động trong thời gian gần đây, làm tư liệu để thẩm tra, sửa đổi dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ Luật Lao động, liên quan đến tranh chấp lao động và đình công.