Tiến sĩ Trần Văn Hiển - Trà Mi
Trong chương trình trước, chúng tôi đã gửi đến quý vị phần một loạt bài về du học Hoa Kỳ, bàn tới hệ thống giáo dục Mỹ và các bước sinh viên cần chuẩn bị khi quyết định du học tại đây.
Hôm nay, mời quý vị cùng Trà Mi tiếp tục tìm hiểu về những thực tế và thông tin cần biết khi xin visa du học Mỹ, qua cuộc trao đổi với tiến sĩ Trần Văn Hiển, giáo sư trường đại học Houston-Clear Lake ở bang Texas, giám đốc phụ trách các chương trình cộng tác du học giữa đại học Houston và các trường Việt Nam, người rất am tường về các vấn đề liên quan đến du học.
Trà Mi: Từ kinh nghiệm làm việc của mình, GS có thể cho biết những thực tế về thủ tục xin visa du học Mỹ tại Việt Nam. GS có những lời khuyên gì đối với các bạn học sinh - sinh viên có dự định du học Mỹ?
Tiến sĩ Trần Văn Hiển: Dựa vào kinh nghiệm của tôi trong những năm qua làm việc với sinh viên Việt Nam muốn đi du học Mỹ, tôi có một số nhận xét hữu ích như sau:
1. Viên chức ngoại giao của Mỹ phỏng vấn du học sinh, thường là những người chuyên nghiệp và tận tâm. Đại đa số theo luật pháp Mỹ, đề cấp hay từ chối visa của bạn. Nếu bạn hiểu luật visa du học và chuẩn bị kỹ, xác suất bạn được visa sẽ rất cao.
2. Những sinh viên đến xin visa mà không chuẩn bị kỹ hay không theo đúng luật, thường bị từ chối. Tôi sẽ không ngạc nhiên, nếu xác suất này lên đến 80-90%.
3. Mỗi lần bạn bị từ chối visa, xác suất được visa lần tới sẽ giảm đi nhiều. Viên chức sẽ ít tin bạn hơn, khi bạn phỏng vấn lần tới. Lần tới có thể là một vài hôm sau, hay một vài năm sau. Do đó tôi thành thật khuyên bạn, là đừng đi xin visa, nếu bạn không hội đủ điều kiện để đạt được visa.
4. Người ngoài không có ảnh hưởng được các viên chức trong việc cấp visa cho bạn, do đó đừng tin bất cứ những ai hứa hẹn giúp bạn xin được visa.
Trà Mi: Nhìn chung có mấy loại visa du học, những ưu tiên và giới hạn của từng loại như thế nào?
Tiến sĩ Trần Văn Hiển:Cho du học sinh, có 2 hai loại visa thường dùng, là F-1 và J-1. F như Florida. J như Johnson. Đây là một số điều cần biết về hai loại visa này.
1. Visa F-1 – Đại đa số du học sinh được loại visa này. Sinh viên cần mẫu I-20 của trường cấp để xin visa F-1. Visa cho phép du học sinh qua Mỹ du học và thường có giá trị là một năm. Trong một năm đó, sinh viên có thể qua lại Mỹ nhiều lần mà không cần phải đi phỏng vấn lại. Sau khi học xong, nếu được công ty Mỹ giữ lại làm việc lâu dài, sinh viên có visa F-1, có thể tiếp tục ở lại Mỹ đi làm.
2. Visa J-1 – visa này thường dành cho sinh viên thuộc những chương trình trao đổi văn hóa hoặc chương trình học bổng của chính phủ Việt Nam hay Hoa Kỳ. Sinh viên cần mẫu DS-2019 của trường, hay cơ quan Mỹ cấp đề xin visa J-1. Visa J-1 cho phép du học sinh qua Mỹ du học, trao đổi văn hóa, hoặc nghiên cứu, và thường có giá trị là một năm.
Trong một năm đó, sinh viên có thể qua lại Mỹ nhiều lần mà không cần phải đi phỏng vấn lại. Vì có học bổng, đa số sinh viên xin J-1 visa, được cấp visa. Sinh viên có J-1 visa thường phải rời Mỹ it nhất hai năm sau khi học xong, do đó sinh viên không thể ở lại Mỹ đi làm, như sinh viên có visa F-1.
Trà Mi: Thông thường các viên chức Hoa Kỳ phụ trách về thủ tục cấp visa, họ dựa vào những yếu tố nào để quyết định việc đồng ý hay từ chối cấp visa cho du học sinh ?
Tiến sĩ Trần Văn Hiển: Viên chức cấp hay từ chối visa, tùy thuộc vào người xin phải chứng minh được 3 điều sau đây:
1. Lý do đi Mỹ, chính là để học.
2. Sinh viên hay người tài trợ, phải có đủ tài chính lo cho sinh viên ít nhất là năm đầu. Nếu đủ tài chính cho suốt thời gian học ở Mỹ thì chắc chắn hơn.
3. Sinh viên có nhiều gắng bó với Việt Nam, và sẽ trở về Việt Nam sau khi học xong để làm gì đó cho chính bản thân mình, gia đình mình và xã hội mình.
Nếu muốn được visa, sinh viên phải chứng minh được cả 3 điều trên.
Trà Mi: Du học sinh cần phải chứng minh 3 điều trên ra sao khi đi phỏng vấn visa?
Tiến sĩ Trần Văn Hiển: Mỗi một điều cần chứng minh khác nhau:
1. Để chứng minh đi học thật sự, bạn cần nói và nghe tiếng Anh tốt, được một trường có kiểm định chất lượng tốt ở Mỹ nhận vào học chính thức, có điểm TOEFL cao, bạn là một học sinh giỏi ở Việt Nam, hay những gì khác chứng minh được là bạn sẽ thành công trong sự học khi đến Hoa Kỳ.
2. Để chứng minh tài chính, bạn cần cho viên chức thấy là bạn có đủ tiền đi du học Mỹ qua một trong hai hình thức:
a. Hình thức thứ nhất - Bạn hay người tài trợ, có tiền trong ngân hàng lâu dài, và số tiền này đủ trang trải ít nhất một năm đầu ở Mỹ. Nếu đủ cho cả thời gian học ở Mỹ thì tốt nhất. Thêm vào đó, bạn cần chứng minh được nguồn tiền từ đâu ra. Ví dụ như, gia đình bạn, bán một căn nhà cho bạn đi du học, hoặc bạn để dành tiền khi đi làm có thu nhập cao.
b. Hình thức thứ hai - Người tài trợ có công ăn việc làm với thu nhập hàng tháng hay hàng năm cao, và có thể tài trợ sinh viên trong suốt thời gian học ở Mỹ.
3. Để chứng minh là bạn sẽ trở về Việt Nam hay có nhiều gắng bó với Việt Nam, bạn cần ghi danh học một ngành nào thích hợp với nền kinh tế Việt Nam, ngành giúp bạn làm nhiều tiền khi trở về Việt Nam, và sự đi du học ở Mỹ là một đầu tư tốt cho bạn.
Bạn phải linh động giải thích được những điều này bằng tiếng Anh, do đó khả năng nói, và nghe được tiếng Anh, rất quan trọng trong giai đoạn này. Cho những bạn đã có gia đình hay được công ty bên Việt Nam cam kết sẽ giữ việc và chờ bạn trở lại, bạn được xem là có nhiều gắng bó với Việt Nam.
Trà Mi: Nếu du học sinh có thân nhân ở Mỹ, có nên nhờ thân nhân tài trợ hay không?
Tiến sĩ Trần Văn Hiển: Bạn cần phải cân nhắc, trước khi nhờ thân nhân ở Mỹ bảo lãnh tài chính. Người ở Mỹ thường có thu nhập cao và có thể tài trợ bạn một cách khá dễ dàng. Tuy nhiên viên chức có thể đánh giá thấp, sự gắn bó của bạn với Việt Nam, ngoại trừ bạn chứng minh một sự gắng bó cao khác như đã có gia đình ở Việt Nam, và đi du học Mỹ sẽ giúp bạn thành công hơn khi trở về Việt Nam.
Quý vị vừa nghe phần 2 loạt bài nói về du học Hoa Kỳ, qua cuộc trao đổi giữa Trà Mi với tiến sĩ Trần Văn Hiển, giám đốc phụ trách các chương trình cộng tác du học giữa đại học Houston-Clear Lake và các trường đại học ở Việt Nam.
Trong buổi phát thanh tiếp theo, giáo sư Hiển sẽ trình bày về mức chi phí học hành, công việc làm cho du học sinh, và những trang web hữu ích cung cấp thông tin về du học Mỹ. Mời quý vị đón theo dõi.
Theo dòng sự kiện:
- Những bước cần chuẩn bị khi đi du học Mỹ (phần 3)
- Những bước cần chuẩn bị khi đi du học Mỹ (phần 1)