Tiến sĩ Trần Văn Hiển - Trà Mi
Qua cuộc trao đổi với Trà ở hai chương trình trước, tiến sĩ Trần Văn Hiển thuộc trường đại học Houston-Clear Lake đã trình bày về hệ thống giáo dục Mỹ, các bước cần chuẩn bị trước khi đi du học, cũng như những thực tế trong quá trình xin visa.
Trong phần cuối loạt bài về du học Hoa Kỳ hôm nay, mời quý vị cùng Trà Mi tiếp tục tìm hiểu về chi phí học tập, công việc làm cho du sinh, và những nguồn thông tin hữu ích đối với những ai có dự định du học tại quốc gia có nền giáo dục hàng đầu thế giới này.
Tiến sĩ Trần Văn Hiển cũng là giám đốc phụ trách các chương trình cộng tác du học giữa đại học Houston và các trường ở Việt Nam. Trước tiên, ông cho biết về phí tổn trung bình cho một năm học ở Mỹ.
Tiến sĩ Trần Văn Hiển: Đại đa số trường trung học và đại học Mỹ là trường công. Ở bậc TH, chỉ có trường tư nhận học sinh ngoại quốc. Nếu bạn muốn đi du học bậc trung học, tốt nhất nên đi du học vào năm lớp 10 hay 11.
Du học trung học đắt hơn du học đại học vì học sinh còn quá trẻ, phải ở cư túc xá, và cần có người giám hộ. Nhưng vì còn trẻ, các em có thể học nói và nghe tiếng Anh nhanh hơn sinh viên đi du học bậc đại học. Phí tổn 1 một năm cho trung học từ 20,000 đến 30,000 đô la tùy theo sự lựa chọn.
Ở bậc ĐH, trường công và tư đều nhận sinh viên ngoại quốc. Cho ĐH công lập, tiền học tương đối thấp cho người dân địa phương nhưng rất đắt cho sinh viên ngoại quốc. Đại học tư, tiền học đắt cho tất mọi người, dân địa phương hay không không thành vấn đề.
Nếu học community college công, phí tổn hàng năm từ 12,000 đến 25,000 đô la tuy theo sự lựa chọn. Nếu học university công, phí tổn hàng năm khoảng 15,000 đến 30,000 tùy theo sự lựa chọn. Trường tư thường đắt hơn trường công nhiều.
Trà Mi: Những vùng nào ở Mỹ có chi phí đại học tương đối thấp?
Tiến sĩ Trần Văn Hiển: Chi phí đại học thấp hay cao còn tùy vào một vài yếu tố như sau: Chọn community college hay university – Học phí của community college thường rẻ hơn university rất nhiều. Do đó sinh viên nên học community college hai năm đầu và chuyển tiếp lên university hai năm sau.
Chọn thành thị hay vùng quê, vùng xa – Đời sống hàng ngày ở thành thị thường tốn kém nhiều hơn ở vùng quê vùng xa. Tuy nhiên thành thị thì vui hơn, nhất là những nơi có đông người Việt. Bạn có cơ hội học thêm lối tổ chức và đời sống phức tạp của đô thị Hoa Kỳ.
Cơ hội tìm việc làm chuyên môn ở thành thị cao hơn thôn quê. Do đó đô thị cho bạn nhiều cơ hội học hỏi và làm việc hơn. Còn ở vùng quê vùng xa thì buồn hơn. Tuy nhiên nó rất lý tưởng nếu bạn chỉ muốn học, học và học.
Chọn tiểu bang – Nếu bạn học ở community college, hai tiểu bang học phí rẻ nhất là Texas và New Mexico. Nếu bạn chọn university, tiểu bang học phí rẻ nhất là Oklahoma. Tổng quát mà nói, ĐH miền Nam Hoa Kỳ học phí hạ hơn miền Bắc. Trà Mi: Chính quyền Hoa Kỳ quản lý du học sinh quốc tế như thế nào?
Tiến sĩ Trần Văn Hiển: Sinh viên khi xin visa đi du học, Sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội và Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn là nơi quyết định cho sinh viên qua Mỹ du học hay không. Nếu được chấp nhận, sinh viên được visa F-1 hay J-1 qua Mỹ du học. Visa này có giá trị một năm.
Nghĩa là sinh viên có thể dùng visa này đi lại giữa Mỹ và Việt Nam nhiều lần trong một năm mà không cần phải phóng vấn lại. Sau một năm, nếu sinh viên về thăm nhà, cần phải qua một phỏng vấn khác. Khi phỏng vấn lại, sinh viên phải chứng minh nhiều điều như đã nói ở các chương trình trước.
Khi qua đến Mỹ, sinh viên không còn trực thuộc vào sự quản lý của Sứ quán hay Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Việt Nam nữa. Ở Mỹ, cơ quan quản lý sinh viên du học là Sở Di trú và Quan thuế. Sở Di trú ủy quyền cho đại học kiểm soát sinh viên.
Đại học dùng một hệ thống computer tên là SEVIS báo cáo cho Sở Di trú và quan thuế tình hình học tập của sinh viên. Nếu sinh viên học tốt, trường tiếp tục quản lý sinh viên đến khi học xong. Sau khi học xong một bằng, sinh có thể tiếp tục nghi danh học một bằng khác và tiếp tục ở Mỹ học.
Trà Mi: Du học sinh có được đi làm ở Mỹ hay không?
Tiến sĩ Trần Văn Hiển: Theo luật di trú của Hoa Kỳ, du học sinh không được phép đi làm ngoại trừ những trường hợp sau:
1. Đi làm tạm thời cho đại học mình đang học – Nếu bạn tìm được việc làm tạm thời trong đại học, bạn không phải xin phép chính quyền. Research và teaching assistantship là một hình thức làm tạm thời cho đại học.
2. Đi làm bên ngoài khi được đại học cho phép - Du học sinh có thể xin phép đại học cho đi làm bên ngoài vào những ngành liên quan đến sự học để học hỏi thêm kinh nghiệm chuyên môn.
3. Đi làm bên ngoài khi người tài trợ bị khó khăn về kinh tế. Khi người tài trợ, như bố mẹ bị khó khăn về kinh tế, sinh viên có thể xin phép sở Di trú giấy phép đi làm bên ngoài.
Đi thực tập sau khi tốt nghiệp – Sở Di trú cho phép sinh viên đi làm, thời hạn một năm, ngay sau khi tốt nghiệp.
Đi làm lâu dài khi được công ty Mỹ bảo lãnh – Những sinh viên có chuyên môn mà nền kinh tế Mỹ cần, họ có thể ở lại Mỹ làm việc lâu dài khi được công ty Mỹ xin cho một loại visa gọi là H1-B.
Đi làm lâu dài sau khi đính hôn với công dân Mỹ - Sau khi đính hôn và được sở Di trú chấp nhận, sinh viên có thể đi làm và được mọi quyền kinh tế như người dân Mỹ. Trà Mi: Xin Giáo sư giới thiệu thêm về các nguồn thông tin hữu ích liên quan đến du học Hoa Kỳ?
Tiến sĩ Trần Văn Hiển: Sau đây là một số nguồn thông tin hữu ích trong việc du học Hoa Kỳ.
1. Institute of International Education hay IIE – Đây là một tổ chức vô vụ lợi của Hoa Kỳ. Văn phòng IIE ở Việt Nam có nhiều thông tin về du học Hoa Kỳ mà bạn có thể tham khảo. Địa chỉ ở Sài Gòn là Saigon Centre, 65 Lê Lợi, Lầu 9, Quận 1. Địa chỉ ở Hà Nội là số 2 Ngô Quyền, Phòng 505.
2. Web site cho TOEFL, SAT and GRE là www.ets.org, nơi đây bạn có thể tìm đủ mọi thông tin về ba môn thi này.
3.Muốn tìm một danh sách các trường trung học tư thục ở Hoa Kỳ - Web site này HTTP://WWW.EDUFAX.COM/ISL.HTML cho bạn tên và địa chỉ của rất nhiều trường trung học Mỹ nhận du học sinh.
4. Muốn tìm một danh sách các trường đại học ở Hoa Kỳ - Bạn có thể dùng Web site này HTTP://APPS.COLLEGEBOARD.COM/SEARCH/INDEX.JSP để tìm một đại học thích hợp với bạn nhất.
5. Muốn chuẩn bị đi du học bậc trung học – Trường tư thục Nam-Mỹ ở Sài Gòn, số 23, Đường 101 Phạm Thế Hiển, Quận 8 là một trường song ngữ Việt Mỹ. Trường có dạy chương trình GED, hay trung học Mỹ. Học sinh Nam-Mỹ có thể thi lấy bằng GED từ xa, do tiểu bang Maine cấp.
6. Muốn chuẩn bị đi du học bậc đai học ở Saì Gòn – Sàigòn Tech, Quang Trung Software City, Quận 12 là một community college của người Việt liên kết với Houston Community College System đào tạo nghề. Sinh viên tốt nghiếp Sài Gòn Tech sẽ được Houston Community College System cấp bằng Associate of Applied Science về ngành Computer Technology.
Muốn chuẩn bị đi du học bậc đại học và cao học ở Saì Gòn - Trung tâm đào tạo quốc tế của ĐH Quốc Gia, 166 Nguyễn Văn Thủ, Quận 1 có những chương trình đào tạo 2+2 cho đại học và 1+1 cho cao học trình độ master’s.
Chương trình 2+2, sinh viên học chương trình Mỹ, 2 năm đầu ở Việt Nam, hai năm sau ở một đại học Mỹ, và nhận bằng cử nhân từ đại học Mỹ. Chương trình 1+1, sinh viên học chương trình Mỹ một năm ở Việt Nam và một năm ở Mỹ, và nhận bằng master’s từ đại học Mỹ.
Theo dòng sự kiện:
- Những bước cần chuẩn bị khi đi du học Mỹ (phần 2)
- Những bước cần chuẩn bị khi đi du học Mỹ (phần 1)