Elena Trần, người sáng lập hội Sunflower Mission, xây trường học cho trẻ em miền quê Việt Nam

0:00 / 0:00

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Trong những năm gần đây, càng ngày, càng có khá nhiều bạn trẻ lớn lên ở Hoa Kỳ mà người Việt hải ngoại thường gọi là thế hệ di dân thứ hai, đã đóng góp nhiều công sức vào các công việc xã hội từ thiện ở Việt Nam. Nhiều nhóm bạn đã tự động rủ nhau về quê hương của ông bà, cha mẹ để tìm hiểu về nguồn cội của mình.

SunflowerMissionWeb200.jpg
Trang web của Sunflower Mission Sunflowermission.org

Qua những chuyến đi thực tế ấy, xúc động trước nhiều cảnh quê còn nghèo khó, nhất là thấy nhiều vùng xa xôi hẻo lánh thiếu thốn, không có trường học…các bạn đã trở thành những tình nguyện xuất sắc trong các công việc từ thiện cho quê nhà. Hoặc, có người đã tự đứng ra thành lập tổ chức nhân đạo, kêu gọi mọi người góp bàn tay nhân ái để giúp xây trường xây lớp.

Một trong những người ấy là cô Trần Nhật Thuỳ hay còn gọi là Elena Trần, chủ tịch và cũng là người sáng lập hội Sunflower Mission, xin tạm dịch, Hội Hoa Hướng Dương, trụ ở Houston, Texas. Trang Phụ Nữ kỳ này xin được gửi đến qúi vị những chi tiết về chị Elena Trần và đôi nét về Hội Sunflower Mission.

Giúp đỡ học sinh nghèo

Cũng như những thanh niên thiếu nữ Việt lớn lên ở hải ngoại, khi còn bé, Elena Trần được nghe cha mẹ kể về quê hương Việt Nam. Rời Việt Nam khi mới chỉ lên 8, Elena hầu như không nhớ gì về quê hương của mình. Mãi cho đến 20 năm sau, khi trở về Việt Nam lần đầu tiên với tư cách là tình nguyện viên của một tổ chức từ thiện, Elena mới thực sự cảm nhận tình cảm gắn bó của mình với đất nước. Chị tâm sự:

“5 năm về trước, em có dịp về Việt Nam đi với một đoàn thiện nguyện cũng xây lớp học cùng với một số người bạn. Sau chuyến đi đó, em về Mỹ và chia xẻ kinh nghiệm thiếu thốn của những em ở miền quê Việt Nam. Em và những người bạn thân đã thành lập Sunflower Mission.”

Sau khi chứng kiến cảnh các em nhỏ ở vùng quê hẻo lánh không có cơ hội đến trường, chị cùng hội Sunflower Mission đã quyết định thực hiện các dự án xây các lớp học cho các em. Bằng nỗ lực của chính mình cùng các bạn trong nhóm, Elena Trần tìm đến xin các nhà hảo tâm, hoặc tổ chức các buổi “fashion show”, bán hàng gây quỹ để kiếm tiền xây lớp học ở vùng quê xa xôi.

5 năm về trước, em có dịp về Việt Nam đi với một đoàn thiện nguyện cũng xây lớp học cùng với một số người bạn. Sau chuyến đi đó, em về Mỹ và chia xẻ kinh nghiệm thiếu thốn của những em ở miền quê Việt Nam. Em và những người bạn thân đã thành lập Sunflower Mission.

Chị nói: "Năm đầu tiên em đi là đến Bến Tre, Thanh Thới A và Thanh Thới B. Lớp học mà Sunflower Mission xây là ở miền quê mà thôi. Lúc đầu là ở Đồng Tháp và Bến Tre. Hiện nay, đã xây thêm ở Phú Yên, An Giang và Kiên Giang."

Khi được hỏi làm thế nào để có thể xây các lớp học dễ dàng, chị cho hay: "Hội có những cộng tác viên ở Việt Nam họ đã làm những thủ tục giấy tờ và xây cất, khi đoàn về đến Việt Nam thì chỉ ở vài ngày để có dịp làm quen với người dân, các thầy cô và các em học sinh."

Hiện nay, là kế toán trưởng cho một công ty tư vấn, công việc của Elena Trần rất bận rộn, đã vậy, còn là mẹ của hai cháu bé, và việc điều hành Sunflower Mission, tổ chức xây lớp học ở Việt Nam đã chiếm hết thời gian của chị. Được hỏi, điều này đã ảnh hưởng nhiều đến thời gian riêng tư của chị như thế nào, chị cho hay:

“Ảnh hưởng dĩ nhiên là có. Cho đến bây giờ, công việc của Sunflower Mission cũng là của em. Gia đình em rất ủng hộ. Và trong Sunflower có Ban Quản Trị rất tích cực và có nhiều ủng hộ viên sẵn sàng giúp đỡ.”

Nông thôn Việt Nam

Ngoài ra, với bản thân chị, chị cho rằng, ngày nay, tình trạng ở thôn quê Việt Nam hãy còn rất nghèo, khác hẳn với cuộc sống ở thành thị. Cho nên, có rất nhiều nhu cầu cần thiết để giúp họ có cuộc sống khá hơn. Tuy nhiên, theo chị, vấn đề giáo dục là quan trọng hơn cả. Chị nói:

“Em thấy rằng phần đông, những vùng quê hẻo lánh của Việt Nam đang ở trong tình trạng rất thiếu thốn, không có cơ sở căn bản giáo dục cho các em, những điều kiện rất yếu kém về thực phẩm, dinh dưỡng, y tế và giáo dục. Nhưng theo em nghĩ, chỉ có một phương thức hữu hiệu để có thể cải tiến đời sống tương lai của người dân Việt Nam nói chung và của thế hệ trẻ hôm nay nói riêng là giáo dục.”

Nhân đây, Phương Anh cũng hỏi thăm kinh nghiệm bản thân chị qua 5 năm làm việc đi xây trường xây lớp, chị tâm sự:

ElenaTranFamily200.jpg
Gia đình chị Elena Trần. Hình do Chị cung cấp.

“Chuyện vui buồn thì rất nhiều. Các em ở Việt Nam tuy sống rất thiếu thốn, nhưng hạnh phúc. Em còn nhớ năm ngoái, khi tụi em phát cơm trưa cho các em ăn khi tụi em làm việc ở đó. Các anh chị có hỏi là các em thích ăn cái gì? Thì hoàn toàn hơn 90% các em muốn ăn thịt gà.

Năm ngoái có dịch cúm nên thịt gà rất đắt…Các em ở miền quê nên không được ăn. Lúc tụi em phát cho các em hộp cơm thì thấy một số đưá bé chỉ ăn vài miếng, rồi đóng lại hộp cơm và cầm rất kỹ. Tụi em có hỏi tại sao, có em nói rằng nó để dành để đem về nhà. Có đưá thì nói rằng nó mang về cho mẹ.

Em thấy là trong khi các em thiếu thốn như thế mà lúc nào cũng nghĩ đến gia đình, và trong những trái tim nhỏ bé như vậy mà đã biết nghĩ đến người khác. Nếu chúng ta cho các em có cơ hội để học thì hy vọng các em sẽ giúp được cho người khác được nhiều hơn.”

Đồng cảm và đồng thuận

Theo lời chị cho biết, những công việc chị đang làm hiện nay nếu không có sự thông cảm và đồng thuận của người bạn đời là anh Trần Triệu Tùng thì khó có thể thành tựu. Nhân đây, Phương Anh cũng hỏi thăm anh Tùng vì sao mà lại ủng hộ vợ hết lòng và hơn nữa, cũng trở thành hội viên của hội Sunflower Mission, anh cười và cho biết:

“Em và vợ em là một trong những người đầu tiên về xây trường. Em nghĩ là chuyện này rất tốt. Thứ nhất, con cái mình sẽ học hỏi được những điều tốt. Thứ hai, Việt Nam mình vẫn còn nghèo nên cần nhiều người giúp nên em ủng hộ vợ em làm những việc này. Thứ ba nữa là vợ mình ở ngoài việc cộng đồng thì mình ở nhà coi sóc việc gia đình.

Năm ngoái, vợ em và cháu lớn về Việt Nam, còn em có cháu nhỏ nên ở lại. Dĩ nhiên em cũng muốn về chung, về Việt Nam lúc nào em cũng thích hết, nhưng mà con em còn nhỏ, nên em phải ở lại trông con.”

Và theo anh Trần Triệu Tùng, một điều quan trọng hơn cả là qua việc chia xẻ với vợ những công tác xã hội, anh đang cảm thấy mình là tấm gương cho con cái noi theo. Hơn nữa, anh cho rằng, tuy lớn lên ở Mỹ, nhưng mình là người Việt thì phải luôn nhớ đến quê cha đất tổ. Anh nói:

Em thấy là trong khi các em thiếu thốn như thế mà lúc nào cũng nghĩ đến gia đình, và trong những trái tim nhỏ bé như vậy mà đã biết nghĩ đến người khác. Nếu chúng ta cho các em có cơ hội để học thì hy vọng các em sẽ giúp được cho người khác được nhiều hơn.

“Em thấy mình làm như vậy sẽ làm gương cho con em. Mình uống nước phải nhớ nguồn, em là người Việt Nam, em vượt biên sang đây lúc còn nhỏ…Em muốn làm một chuyện gì tốt cho Việt Nam. Hơn nữa, làm như thế con em sẽ noi theo và bắt chước giúp cho người khác.”

Trở lại với chị Elena Trần, khi được hỏi bí quyết nào giúp chị có thể giữ quân bình trong đời sống của mình khi thời gian của chị thật ít ỏi, mà công việc lại quá nhiều, chị tâm sự:

“Ai cũng vậy thôi, mình đi làm việc về rồi còn làm công tác xã hội nữa, nhưng nếu mình tin tưởng trong công việc của mình thì lúc nào mình cũng có thể tìm cách giải quyết được, thí dụ mình không có thời gian, không có kinh nghiệm, nhưng vì mục đích chung, mình sẽ làm được.”

Theo lời của chị Elena Trần cho biết, cho đến hôm nay, Sunflower Mission đã xây được hơn 60 lớp học tại Việt Nam ở những vùng như Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang và có hơn 100 hội viên tình nguyện.

Điều làm cho chị vui mừng hơn cả là thấy các em nghèo ở vùng thôn quê hẻo lánh, nơi các lớp học do Hội Sunflower Mission đến xây dựng, đã có phương tiện học tập như mong ước của chị là giúp cho các em có một nền giáo dục căn bản. Có thế may ra mới giúp cải thiện đời sống nghèo nàn của người nông dân chân lấm tay bùn.

Qúi vị và các bạn vừa nghe những chi tiết liên quan đến chị Elena Trần, người đi xây lớp học cho các em nghèo ở vùng quê Việt Nam. Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.