Nam Nguyên trình bày vấn đề này.
Cách đây 30 năm không ai có thể tiên đoán con cá tra Việt Nam lại có thể xuất khẩu đi khắp năm châu, kim ngạch năm 2008 đạt 1 tỷ 400 triệu USD. Thật ra cá tra ở miền tây lục tỉnh đã có từ thập niên 1960 hoặc trước nữa, nhưng lúc đó là con cá tra nuôi trong ao có nhà vệ sinh gọi là cá tra nuôi cầu. Con cá tra loại này bán ở các chợ, nhưng không phải ai cũng dám ăn vì nhiều lý do khác nhau dù thịt rất béo.
Bảo đảm vệ sinh
Một phụ nữ nuôi cá ở Gò Công hy vọng sự giải thích của bà sẽ làm sáng tỏ những nghi vấn về cái tên cá tra:
“Con cá nuôi cầu với con cá người ta nuôi xuất khẩu nó khác nhau, con cá nuôi cầu da nó bị đen dù hình dạng cũng giống nhau. Bây giờ ngoài chợ ít bán cá đó, tuy cũng còn nhưng người dân ít nuôi, đa số người ta nuôi công nghiệp nhiều hơn.”
Thứ hai là phải thực hiện hệ thống mã hóa truy suất, để kiểm soát được khi một lô hàng phát hiện ra có vấn đề về an toàn thực phẩm hay có vấn đề dịch bệnh, phải biết ngay nó xuất phát từ đâu và dồn sức vào đó để ngăn chặn.
Ông Nguyễn Tử Cương
Ngày nay không còn lục tỉnh miền tây mà là 13 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Con cá tra nuôi cầu vẫn còn, nhưng đó không phải là con cá được xẻ thịt làm phi lê đông lạnh, xuất khẩu đi 145 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp thế giới. Để có thành tựu này, phải ghi công các nhà khoa học đã nhân giống sinh sản nhân tạo cá tra cá basa vào năm 1998, nhờ đó có đủ nguồn giống cho nghề nuôi cá tra thương phẩm. Cá tra basa xuất khẩu phải nuôi bằng thức ăn công nghiệp có kiểm soát dịch bệnh. Người Việt Nam nếu chưa thấy tận mặt các nhà bè nuôi cá tra, thì cũng từng xem qua phim ảnh những làng bè như thế.
Áp dụng khoa học kỹ thuật
Nghề nuôi cá tra đồng bằng sông Cửu Long qui tụ khoảng 200 ngàn người. Tương lai hoạt động kinh tế quan trọng này như thế nào, ông Nguyễn Tử Cương, thường vụ Hội Nghề Cá Việt Nam đặc trách về chất lượng, dịch bệnh và thị trường đưa ra nhận định:
“Nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay chúng tôi nhìn rất rõ là phải đối diện ba vấn đề lớn. Thứ nhất nếu không giải quyết được triệt để vấn đề môi trường do cá tra thải ra, thì sẽ dẫn tới những hậu quả khó lường, rất may là đã nhận thức và cương quyết thực hiện. Thứ hai là phải thực hiện hệ thống mã hóa truy suất, để kiểm soát được khi một lô hàng phát hiện ra có vấn đề về an toàn thực phẩm hay có vấn đề dịch bệnh, phải biết ngay nó xuất phát từ đâu và dồn sức vào đó để ngăn chặn. Thứ ba phải theo dõi trên thế giới có những ai đang nuôi cá da trơn, họ sẽ phát triển ra sao và khi nào thị trường bão hòa về sản phẩm này. Do vậy phải điều tiết tốc độ phát triển, cũng như phải biết lúc nào mình có những đối thủ cạnh tranh mới, nếu không sẽ dẫn tới tình trạng khủng hoảng thừa và điều này thường xuyên xảy ra trong kinh tế thị trường. Đó là ba vấn đề đối với cá tra mà chúng tôi phải đối mặt.”
Nông dân đồng bằng sông Cửu Long đã nuôi cá tra cá basa theo các hình thức, nuôi thâm canh, bán thâm canh qua nuôi bè trên sông, nuôi trong ao hầm, ngoài ra còn có thể nuôi cồn và đăng quần cũng đạt hiệu quả. Cá tra và basa có thể nuôi và thu hoạch quanh năm.
Nếu năm 2001 sản lượng cá tra chỉ đạt 130 ngàn tấn, thì đến năm 2007 đã xuất khẩu tới 1 triệu tấn, năm 2008 tuy lượng xuất khẩu chỉ đạt 640 ngàn tấn nhưng trị giá tới 1 tỷ 400 triệu USD. Năm nay 2009 do suy thoái kinh tế và rào cản kỹ thuật ở nhiều nước nhưng kim ngạch dự báo sẽ bằng hoặc kém hơn năm ngoái một ít. Các thị trường nước ngoài ngày càng đòi hỏi thủy sản Việt Nam phải đạt chuẩn mức quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm. Do vậy sản xuất cá tra Việt Nam sẽ phải đổi thay nhiều mặt và tương lai sẽ đối diện muôn vàn khó khăn.
Do vậy phải điều tiết tốc độ phát triển, cũng như phải biết lúc nào mình có những đối thủ cạnh tranh mới, nếu không sẽ dẫn tới tình trạng khủng hoảng thừa và điều này thường xuyên xảy ra trong kinh tế thị trường.
Ông Nguyễn Tử Cương
Liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi
Nuôi trồng theo phương pháp khoa học kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, áp dụng mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ ao nuôi, qua người thu gom, doanh nghiệp chế biến, nhà xuất khẩu mới chỉ là một phần của vấn đề sản xuất bền vững. Điều quan trọng là khâu tiêu thụ, nhiều năm liền mỗi khi đầu ra ách tắc, giá xuất khẩu giảm thì chỉ có nông dân chịu thiệt, cá tới độ thu hoạch không xuất bán được thì người nuôi chịu phí tổn rất lớn về thức ăn chăn nuôi, càng để lâu càng lỗ. Khi giá cao cá tra nguyên liệu khan hiếm thì ngược lại nông dân lại làm giá với doanh nghiệp. Nói chung giữa người nuôi cá và doanh nghiệp chế biến không có mối liên kết ổn định.
Điều quan trọng là phải có sách lược quốc gia về nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là giải pháp nuôi và tiêu thụ cá tra. Phải có qui hoạch diện tích nuôi phù hợp với khuynh hướng thị trường tiêu thụ. Về lâu dài phải phát triển hạ tầng cơ sở các vùng nuôi tập trung, để áp dụng khoa học kỹ thuật bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và giảm được giá thành. Khi những giải pháp như vậy được thực hiện, sự cạnh tranh trên thị trường sẽ buộc các hộ nuôi nhỏ lẻ không đủ tiềm lực và kiến thức khoa học kỹ thuật chuyển nghề hoặc sáp nhập vào các tổ chức lớn hơn.