![Huy hiệu của Tổ chức Y tế Thế giới WHO.](https://www.rfa.org/resizer/v2/TUJXFWNUBX2B64YOJP5JYGYA5E.jpg?auth=d3f78ac05bf766b21bf0ca5852ddff733f9c8414184c41704ef8058510c3cbfb&width=400&height=304)
Ngày 19-5-2008 tới đây, Đại Hội Đồng Y Tế Thế Giới WHO, cơ quan có thẩm quyền tối cao ban hành các chính sách y tế của tổ chức Y tế Thế giới WHO, sẽ nhóm họp tại Geneva, Thụy Sĩ, với193 phái đoàn đại diện các quốc gia thành viên tham dự để được cập nhật các thông tin và chính sách y tế sẽ được ban hành. Để được tham dự các phiên họp của Đại Hội Đồng Y Tế Thế Giới, Đài Loan tiếp tục một cuộc vận động cho ngôi vị quan sát viên của WHO, tiến hành liên tục từ nhiều năm, nhưng luôn thất bại.
Hậu thuẫn cho tư cách " quan sát viên"
Người đứng đầu văn phòng đại diện Đài Loan tại Hoa Kỳ, tiến sĩ Joseph Ngô, trong cuộc gặp gỡ báo chí tại Câu lạc bộ Báo chí Hoa Kỳ ở Washington D.C. ngày 08-5 vừa qua, cho biết tất cả các cố gắng của Đài Loan về vấn đề này luôn gặp thất bại vì sự cản trở của Trung Quốc. Trong vài năm vừa qua, các phóng viên Đài Loan thậm chí bị ngăn cản tham dự, đưa tin các hoạt động của Tổ chức Y tế Thế giới.
Ông Joseph Ngô nói rằng ông trông chờ một sự ủng hộ rõ ràng từ phía Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada để Đài Loan được tham dự trong tư cách "quan sát viên" tại Đại Hội đồng Y tế Thế giới. Trong khi đó, Đài Loan tin rằng, Liên Minh Châu Âu EU, cùng các quốc gia như Australia và Tân Tây Lan có thể sẽ vận động để Đài Loan được tham dự với tư cách "thành viên có ý nghĩa."
Mặc dù hy vọng vào sự vận động của các quốc gia ủng hộ, tiến sĩ Ngô không tin rằng các quốc gia ấy ủng hộ Đài Loan trong tư cách thành viên tại tổ chức WHO vì tổ chức này đòi hỏi qui chế quốc gia của các thành viên. Tuy nhiên, ông Ngô tin rằng Hoa Kỳ ủng hộ qui chế quan sát viên cho Đài Loan.
Đài Loan đã từng là thành viên của tổ chức Y tế Thế giới cho đến năm 1972, một năm sau khi Trung Quốc lấy qui chế thành viên Liên Hiệp Quốc và Đài Loan mất tư cách này, và từ đó mất luôn ghế tại WHO.
Đài Loan cần lên tiếng nói cho an ninh y tế toàn vùng
Mười hai năm qua, Đài Loan liên tục vận động để được trở lại làm quan sát viên nhằm theo dõi các thông tin và chính sách y tế của WHO. Tất cả các nỗ lực liên quan đến vận động này đều thất bại do sự ngăn cản của Trung Quốc. Đối với Trung Quốc, Đài Loan không có quyền tham dự vào Tổ chức Y tế Thế giới, cho dù với tư cách thành viên chính thức, bán chính thức, hay quan sát viên.
Tiến sĩ Joseph Ngô khẳng định những nỗ lực của Đài Loan để trở lại với WHO có ý nghĩa tích cực không chỉ cho người dân thuộc hòn đảo nhỏ bé này. Bên cạnh đó thế giới không thể bỏ quên một hệ thống y tế lớn như Đài Loan trong thời đại toàn cầu hóa với những biến chuyển nhanh chóng và định hình rõ ràng hơn bao giờ hết.
Tiến sĩ Joseph Ngô phân tích rằng sự phát triển kinh tế của Đài Loan, số du khách, hành khách và hàng hóa đi qua cửa khẩu hàng không và hàng hải cho thấy tầm quan trọng phải chấp nhận Đài Loan trong các kế hoạch ngăn chặn dịch bệnh.
Ông đã trình bày một số bằng chứng cho thấy Đài Loan bị đối xử không công bằng trong quyền được cung cấp thông tin liên quan đến y tế công cộng. Ông nói, năm 2007, khi WHO công bố thông báo khẩn về các lố bắp non bị nhiễm độc có nguồn gốc từ Thái Lan, thì giới chức y tế Đài Loan không hề được thông báo. Mà điều rủi ro lại là, Đài Loan nhập khẩu rất nhiều bắp non từ thị trường Thái Lan.
Tiến sĩ Joseph Ngô cho biết thêm hồi tháng Sáu năm ngoái, trong tổng số 231 thông báo liên quan đến y tế công cộng do WHO loan ra, Đài Loan chỉ nhận được 16 mẫu thông tin.
“Kể từ năm 2005, tức là thời điểm Tổ chức Y tế Thế giới và Trung Quốc ký với nhau một biên bản ghi nhớ, thì đã có hàng ngàn buổi gặp gỡ kỹ thuật liên quan đến các bệnh truyền nhiễm do WHO tổ chức, phía Đài Loan chỉ được thông báo cho biết về khoảng 40 buổi, và được tham dự 9 buổi họp mà thôi.”
An ninh y tế song song với thông tin đại chúng
Năm nay, ngay trước kỳ nhóm họp lần thứ 60 của Đại Hội đồng Y tế Thế giới, Đài Loan lại tiếp tục vận động bằng thư thỉnh nguyện đến Chủ Tịch Hạ Viện Hoa Kỳ là bà Nancy Pelosi, kêu gọi sự ủng hộ của Washington. Trong bức thư này, tiến sĩ Joseph Ngô cũng đề cập đến một chi tiết tiêu cực cho Đài Loan. Qua thỏa thuận giữa Trung Quốc và WHO năm 2005, WHO cam kết tham khảo ý kiến Trung Quốc trước khi quyết định chuyển giao bất cứ thông tin hay sự trợ giúp y tế nào cho Đài Loan, và Trung Quốc có quyền quyết định, bằng cách nào và vào thời điểm nào, những thông tin cũng như trợ giúp ấy được chuyển giao cho giới chức y tế Đài Loan.
Cũng trong buổi họp báo hôm 08-5, Đài Loan cung cấp thông tin cho biết một số tổ chức báo chí quốc tế ủng hộ quyền của các nhà báo Đài Loan được truy cập thông tin và tác nghiệp tại những buổi họp của Đại Hội đồng Y tế Thế giới. Bản thông cáo báo chí viết rằng WHO bắt đầu từ chối cho phép các nhà báo Đài Loan tham dự những buổi họp thường niên của WHO từ năm 2004. Sự khước từ quyền truy cập thông tin y tế của người dân Đài Loan, vì vậy, vi phạm quyền tự do báo chí và nhân quyền căn bản của họ.
Tiến sĩ Joseph Ngô kết luận, quan điểm quân sự và chính trị của Trung Quốc đối với Đài Loan cho thấy Trung Quốc không tích cực trong việc quan tâm an toàn y tế cho 23 triệu người dân Đài Loan. Và hành động này có thể ảnh hưởng lớn lao đến tình trạng y tế thế giới, nhất là trong bối cảnh người dân xứ này ngày càng tham dự sâu hơn vào tiến trình toàn cầu hóa.
Thông tin mà chúng tôi nhận được vào ngày 15-5 từ Cơ quan Báo chí của Uỷ ban Kinh tế Văn hoá thuộc Văn phòng Đại diện Đài Loan tại Hoa Kỳ cho biết Hoa Kỳ duy trì quan điểm rằng Đài Loan nên được cấp qui chế quan sát viên tại Tổ chức Y tế Thế giới WHO. Quan điểm này được thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ John D. Negroponte đưa ra trong buổi điều trần trước Uỷ ban Quan hệ Đối ngoại Thượng Viện Hoa Kỳ cùng ngày 15-5.