Bây giờ, Khánh An xin mời mọi người tự giới thiệu.
Diệu: À, chào mọi người. Đây là Diệu, sinh năm 1975, tuổi con mèo, cùng phe với con cọp đó. Mình mới đám cưới được 4 tháng. Mình ở Đức, thành phố Munich, chỗ có đội bóng Bayen Munich đó.
Khánh An: Bây giờ thì tới hàng xóm người Pháp.
Hoàng: Xin chào chị Khánh An. Em là Hoàng, đang du học ở Pháp, năm nay 28 tuổi.
Thủy: Mình là Thủy, sinh năm 1978. Mình qua Mỹ khoảng gần 2 năm. Mình đã kết hôn.
Kỷ niệm Tết
Khánh An: Hôm nay, mình sẽ nói chuyện về Tết. Khánh An muốn hỏi các bạn là các bạn ở nước ngoài bao lâu rồi. Có kỷ niệm nào về Tết Việt Nam mà các bạn nhớ nhất?
Diệu: Mình qua Đức tới bây giờ là đựơc 7 năm rồi. Hồi mình còn nhỏ thì có đốt pháo. Mấy đứa nhỏ tụi mình mặc quần áo mới xúng xính và canh xem nhà nào pháo nổ to nhất. Còn tối giao thừa, má mình hay nấu chè, thường là chè bắp rồi bày lên bàn. Cả gia đình cùng đọc kinh vì nhà mình theo đạo Chúa.
Đọc kinh xong thì đốt pháo và ăn giao thừa. Mình nhớ một chi tiết rất rõ là những xác pháo màu hồng màu đỏ bắn lung tung trên sàn nhà và cả trong chén chè nữa. Nhưng mà khi quét nhà thì không nên quét nó ra ngoài, chỉ tấp vào trong góc nhà thôi vì màu đỏ của xác pháo đem lại may mắn. Rồi bây giờ mấy người kia kể tiếp đi…
Vùng em ở là làm nông nghiệp cho nên năm nào được mùa hay mất mùa là biết liền. Vừa bước xuống xe nhìn cái chợ là biết năm đó huyện này đói hay có ăn liền!
Bạn Hoàng, du học Pháp
Thủy: Ở Việt Nam, lúc nhỏ Thủy sống ở dưới quê, Tết vui lắm. Bắt đầu từ 23 Tết đưa ông Táo về trời là ở dưới quê bắt đầu nhộn nhịp làm bánh trái. Nói chung, không khí Tết vui lắm, kỷ niệm trong Tết thì nhiều. Hồi lúc nhỏ Thủy thích nhất là ngày mùng Một bởi vì ngày mùng Một được lì xì và mình cũng được lì xì cho những đứa nhỏ hơn. Vui lắm!
Hoàng: Em thì từ lúc vào đại học, vì nhà em ở ngoài miền Trung nên học trong Sài Gòn phải 6 tháng mới về nhà một lần. Thành thử những thay đổi của nơi mình sống mình thấy rõ lắm vì trong đầu mình vẫn là phiên bản cũ, mỗi 6 tháng cập nhật một lần. Trong khi đó, vùng em ở là làm nông nghiệp cho nên năm nào được mùa hay mất mùa là biết liền. Vừa bước xuống xe nhìn cái chợ là biết năm đó huyện này đói hay có ăn liền!
Có một năm em về đi chợ Tết vì nhà em ở gần chợ, năm đó lạnh lắm, hình như khoảng 18, 19 độ. Bên mình như vậy là lạnh lắm. Có một đôi vợ chồng già lắm rồi, họ ngồi ở chợ chỉ để bán 2 nải chuối xanh thôi. Hai người cứ ngồi co ro trong một cái áo mưa, cứ ngồi mãi mà chỉ có 2 nải chuối xanh thôi. Em nghĩ, họ bán như vậy chắc chỉ mong mua được một gói trà về để đón Tết thôi.
Đó là kỷ niệm gây cho em một xúc động rất mạnh. Mình thấy cái Tết đối với những người bình dân, lao động là một cái gì đó rất thiêng liêng.
Khánh An: Người ta nói rằng, Tết là một dịp mà có thể nhìn thấy rõ nhất sự chênh lệch, khoảng cách giàu nghèo của xã hội Việt Nam. Các bạn có thấy điều này đúng không?
Hoàng: Đúng vậy. Chỗ em mà muốn thấy sự chênh lệch giàu nghèo thì nhìn ra chợ là biết liền. Nhìn những người đi chợ, nhìn vào cái giỏ người ta xách trên tay, mình thấy sự chênh lệch giàu nghèo kinh khủng lắm. Như em nói, có người đi chợ Tết mà trong giỏ chỉ có một gói trà thôi, trong khi có người phải chạy 2, 3 chuyến xe mới hết. Rồi nhìn vật dụng người ta mua nữa, có những người nghĩ đến việc trang trí, có người chỉ mua có mấy lạng thịt heo thôi để ăn Tết…
Diệu: Ừ, nhưng theo mình thấy thì mặc dù Tết làm người ta thấy rõ sự giàu nghèo nhưng đối với người giàu hay nghèo gì đi nữa thì cái không khí Tết, cái mà người ta gọi là “Tết” đó thì đối với người giàu người nghèo gì cũng rất thiêng liêng, quan trọng và cảm nhận rất rõ. Ví dụ nhà mình mà sắp đến Tết tự nhiên trong nhà rộn ràng. Như Hoàng mới nói, không có được một ký mà chỉ có vài lạng thịt heo đi nữa thì cũng gọi là “ngày ba mươi Tết có thịt heo trong nhà”…
Thủy: Ở dưới quê Thủy thì giàu nghèo gì ai cũng có một nồi thịt kho Tàu và một nồi khổ qua dồn thịt hết.
Khánh An: Ừ, ở nhà các bạn chắc là thế nào cũng có kinh nghiệm về tục xông đất. Các bạn có thấy nó vui không? Có nhiều người là tự người trong nhà xông đất vì sợ người khác đến xông đất thì không tốt. Đó thì…
Hoàng: Đúng, đúng rồi. Ở nhà em, chuyện đó cũng hơi coi trọng đó. Có nhiều năm mà mình không nháy trước người nào đó tới xông đất nhà mình là ba mẹ cũng hơi căng thẳng, không biết là ai sẽ tới đầu tiên.
Mặc dù Tết làm người ta thấy rõ sự giàu nghèo dù gì đi nữa thì cái không khí Tết cũng rất thiêng liêng, quan trọng và cảm nhận rất rõ.
Bạn Diệu, ở Munich
Diệu: Nhà mình theo đạo Chúa nên không tin nhưng mà cái đó mình nghĩ, một cách vô thức người ta cũng tin. Cho nên để tránh nạn đó, chỗ mình ở năm nào cha Xứ cũng là người đi thăm giáo dân. Nhưng trong giáo xứ có hai cha, một cha phương phi khỏe mạnh hồng hào, một cha thì gầy gầy ốm ốm nói năng nhỏ nhẹ. Cho nên năm nào mà cha khỏe mạnh hồng hào, cha Xứ đến thăm thì người ta nói “Chà, năm nay làm ăn được!”. Còn cha kia mà tới thăm thì mấy bạn biết rồi…
Hoàng: Em cũng đạo Công Giáo mà nếu theo cách của chị nói thì ông cha Xứ ở chỗ em chỉ có chết, tại vì giáo xứ của em có tới 2000 hộ. Bây giờ, mỗi hộ mà ông cha Xứ chỉ cần đi qua 1 phút thôi thì chắc cũng không kịp!!!
Tết Tây, Tết Ta
Khánh An: Chắc ở đây Thủy là người ra khỏi Việt Nam gần nhất. Thủy chỉ mới 2 năm thôi, còn các bạn khác thì nhiều năm hơn. Nhưng dù nhiều hay ít, các bạn cũng có kinh nghiệm đón Tết của người Tây và Tết ta của mình ở Việt Nam. Giữa hai cái Tết đó, các bạn thích gì ở Tết tây và cái gì ở Tết ta?
Thủy: Có lẽ mình là máu Việt Nam rồi nên mình thấy Việt Nam dù sao cũng vẫn hơn. Bên Việt Nam, tình nghĩa gần gũi, người ta thích qua lại. Còn ở bên này, nhà ai nấy ở, Tết mình cũng chỉ ăn trong nhà mình thôi. Còn không thì cứ ra đường, chứ ở bên đây không có kiểu xóm chòm, không có tình thân mật đó…
Diệu: Mình thì thấy Tết tây bên này không có cái ý nghĩa mà mình gọi là “Tết” hoặc là năm mới bắt đầu không như mình nghĩ mà nó gộp chung lại trong kỳ nghỉ Giáng Sinh. Nó có một điểm tương đồng mà mình thấy là Tết là thời gian người ta dành cho gia đình. Bên châu Âu, nước Đức, chỗ mình ở, mình thấy cũng như vậy.
Mùa Giáng Sinh người ta đã chuẩn bị rất kỹ. Nó giống như bên mình là trước khi Giáng Sinh tới, Tết tới, một tháng trước Noel cũng như vậy: tưng bừng, hàng hóa hạ giá, ai cũng lo sắp xếp về thăm ông bà. Cái đó là cái mà mình thấy là điểm chung, hay gặp nhau giữa hai cái Tết.
Nhưng cái mà ở bên này mình thấy nó không thể có được là cái không khí Tết. Có lẽ đúng như Thủy nói, tại cái máu mình là người Việt, mình nói tiếng Việt nữa thành ra chỉ có ở Việt Nam, gặp nhau đúng ở nhà thì mới gọi là Tết. Còn nếu người Việt sống bên này gặp nhau lại, cũng bánh chưng bánh tét, mặc áo dài y như ở Việt Nam thì nó vẫn có một cái gì đó ngậm ngùi, mang mác, không thể nào vui như một cái Tết ở nhà được.
Hoàng: Dạ. Chỗ em ở hầu như không có một người Việt Nam. Cho nên, em hình dung Tết cũng giống như một kỳ nghỉ, một weekend thôi. Trong khi đó ở Việt Nam mình, nó có giá trị về mặt tinh thần khác. Bởi vì nó không chỉ đơn giản là một dịp nghỉ mà ở ngày đó, cho dù năm cũ có như thế nào đi nữa, người ta cũng hy vọng vào một năm mới sẽ tốt hơn hay là đặt nhiều kỳ vọng, dự định, kế họach mới vào năm mới chứ đó không phải là một kỳ nghỉ.
Khánh An: Ừ, vậy khoảnh khắc nào các bạn thích nhất trong những ngày Tết đó?
Hoàng: Em thích ngày mùng Hai nhất tại vì ngày mùng Một cũng còn mệt, thường là nghỉ ngơi thôi vì gia đình em buôn bán, ngày 30 là mình cày hết cỡ rồi, phải thu nợ nần nữa, căng thẳng lắm. Thành ra ngày mùng Một hầu như là ở nhà ngủ. Ngày mùng Hai mới thực sự bắt đầu Tết đối với gia đình em.
Diệu: Còn mình, nếu phải chọn một ngày nào đó mà phải bỏ mấy ngày kia thì mình không thể nào chọn được vì Tết đối với mình là mình đã ăn mừng từ sớm rồi, tức là những ngày trước Tết, khi trời bắt đầu hơi lạnh, ba mình quét vôi lên các gốc hồng để bảo vệ nó khỏi cái lạnh, rồi trong nhà cũng quét sạch là thấy nó rộn ràng rồi.
Mình rất thích ngày mùng Hai Tết. Ở nhà lúc nhỏ đi theo ba má để được lì xì. Mùng Ba Tết thì bạn bè gặp nhau để đi thăm thầy cô giáo. Tục lệ đó mình thấy rất hay, không biết bây giờ học sinh ở Việt Nam có còn làm không, chứ ngày xưa tụi mình cứ ngày mùng Ba gặp nhau đi thăm thầy cô giáo…
Khánh An: Còn đối với Thủy, khoảnh khắc nào trong những ngày Tết mà Thủy thích nhất?
Thủy: Thủy thích lúc giao thừa nhất tại vì ở dưới Thủy thường 30 là nấu nướng nhiều lắm. Nấu để ăn suốt mấy ngày Tết luôn. Tối 30, thường thường gia đình nào cũng họp nhau lại, ai có gì trong năm không vui thì nói ra hết vào buổi tối đó. Đến lúc giao thừa, qua năm mới là coi như qua hết mọi chuyện.
Có lẽ mình là máu Việt Nam rồi nên mình thấy Việt Nam dù sao cũng vẫn hơn. Bên Việt Nam, tình nghĩa gần gũi, người ta thích qua lại. Còn ở bên này, nhà ai nấy ở, Tết mình cũng chỉ ăn trong nhà mình thôi.
Bạn Thủy, ở Mỹ
Khánh An: Ừ, Khánh An cám ơn mọi người rất nhiều đã đến tham gia với chương trình Café Wifi trong dịp Tết này. Bây giờ vì mỗi người ở một quốc gia khác nhau nên Khánh An mời mỗi người chúc một câu ngắn bằng tiếng nước của mình, được không?
Diệu: OK.
Khánh An: Bắt đầu từ Thủy trước nha.
Thủy: Happy New Year!
Khánh An: Mời ở bên Đức…
Diệu: Frohes Neues Jahr und alles Gute! Chúc mừng năm mới và chúc mọi điều tốt đẹp!
Khánh An: Cám ơn chị Diệu từ Đức. Bây giờ xin mời Hoàng từ Pháp.
Hoàng: Bonne année et bon santé! Chúc mừng năm mới và chúc sức khỏe!
Khánh An: Cám ơn tất cả mọi người đã đến với chương trình ngày hôm nay. Khánh An chúc mọi người cũng như quý thính giả một năm mới an khang thịnh vượng và thành công trong những dự định sắp làm trong năm mới. Cám ơn mọi người rất nhiều. Bye bye nha.
Thủy: OK, chúc mừng năm mới nha.
Góp ý kiến và liên lạc để tham gia chương trình: 202-533-4900 (để lại tin nhắn) hoặc email số điện thọai về: wificoffee.rfa@gmail.com . Cám ơn!