
Mới đây, đạo diễn Nicolas Simon đã chính thức mua bản quyền tác phẩm này để chuyển thể thành kịch bản phim. Tuy một vài trở ngại đã xảy ra giữa tác giả tiểu thuyết và nhà viết kịch bản nhưng theo nhà văn Bảo Ninh thì mọi việc không nghiêm trọng như báo chí loan tin.
Chiến tranh và Nỗi buồn
Nhà văn Bảo Ninh tên thật là Hoàng Ấu Phương, sinh tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, quê ở xã Bảo Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ông vào bộ đội năm 1969. Trong thời chiến tranh, ông đi bộ đội năm 1969 và chiến đấu ở mặt trận B-3 Tây Nguyên.
Năm 1975, ông giải ngũ. Từ 1984 đến 1986 ông theo học khoá 2 Trường Viết Văn Nguyễn Du, làm việc tại báo Văn Nghệ Trẻ, và là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 1997.
Khác với những tác phẩm viết về chiến tranh trước đó hầu hết đều cổ võ cho những chiến thắng tuyệt đối hay đề cao tính chất anh hùng, Bảo Ninh đã miêu tả chiến tranh dưới cái nhìn nhân bản, anh không cổ vũ chiến tranh một cách máy móc.
Nỗi Buồn Chiến Tranh có lẽ là cuốn sách duy nhất viết về chiến tranh nhưng không đả phá đối phương. Cuốn sách được Frank Palmos và Phan Thanh Hảo dịch sang tiếng Anh và xuất bản năm 1994 với tựa đề "The Sorrow of War", sau đó được ca tụng rộng rãi trên nhiều nước bên ngoài Việt Nam. Nhiều nhà phê bình đánh giá đây là một trong những tiểu thuyết cảm động nhất về chiến tranh.
Cuốn Nỗi Buồn Chiến Tranh viết về kinh nghiệm người lính thì nó có phần dung hoà hơn, có phần thôi, nó có cáí nhìn mà người ta cho là khách quan hơn. Nói đúng ra nó ở trên sự thật hơn. Nó ít bị chi phối của chính trị trong thời kỳ chiến tranh chi phối.
Nhà văn Bảo Ninh
Chúng tôi có cuộc nói chuyện với nhà văn Bảo Ninh chung quanh cuốn sách và những dự định mới đây của đạo diễn Nicolas Simon. Trước hết nhà văn Bảo Ninh cho biết:
Nhà văn Bảo Ninh : Tôi tham chiến ở chiến trường Tây Nguyên từ Năm 1969 cho đến lúc kết thúc chiến tranh, Ngày 30 Tháng Tư đó. Sau đó rồi thì trong vòng nửa năm tôi, sau khi chúng tôi vào Sài Gòn, trung đoàn chúng tôi chiếm sân bay Tân Sơn Nhứt.
Sau đó trong nửa năm tôi làm cái việc gọi là công tác thu nhặt hài cốt liệt sĩ ở những vùng chiến trường Tây Nguyên. Trong vòng nửa năm, sau đó tôi ra Bắc.
Tôi trở về Hà Nội, sống, học hành. Mười lăm năm sau tôi bắt đầu viết văn, thì tôi viết về kinh nghiệm của mình trong thời kỳ chiến tranh. Từ lúc ban đầu thì cuốn sách này nó rất khác thường một chút vào cái thời điểm đó trong nền văn chương viết trong thời kỳ chiến tranh.
Mặc Lâm: Vâng. Thưa nhà văn Bảo Ninh, theo chúng tôi được biết thì các nhà phê bình đều đồng ý rằng đây là quyển tiểu thuyết viết về chiến tranh nhưng không có tính chất cổ vũ hay chống lại phía bên kia một cách tuyệt đối, anh cảm thấy điều này có chuẩn xác hay không?
Nhà văn Bảo Ninh: Cuốn Nỗi Buồn Chiến Tranh viết về kinh nghiệm người lính thì nó có phần dung hoà hơn, có phần thôi, nó có cáí nhìn mà người ta cho là khách quan hơn. Nói đúng ra nó ở trên sự thật hơn. Nó ít bị chi phối của chính trị trong thời kỳ chiến tranh chi phối.
Trong thời kỳ chiến tranh thì nó phân tuyến, nó theo vùng mặt trận. Bên quân đội Sài Gòn thì nói thế này, bên quân đội Miền Bắc nói thế này. Hai bên đối lập nhau hoàn toàn. Nhưng mà cuốn sách thì nó dựa trên cái kinh nghiệm cuộc sống vì thế nó ít tính chính trị đi. Vì thế người ta thấy sự khách quan của nó.
Mặc Lâm: Có phải từ những cách tiếp cận vấn đề hơi khác thường so với thói quen của các nhà văn thời bấy giờ đã khiến cuốn sách bị cách ly trong một thời gian rất dài hay không, thưa anh?
Nhà văn Bảo Ninh : Tất nhiên vào những năm đó thì những câu hỏi như vậy cũng gây ra những phản ứng vì những người xưa giờ họ quen đọc văn chương theo phân tuyến, quen đọc văn chương thời chiến tranh thì người ta không chấp nhận, nhiều người không thích, độc giả cũng thế, nhà phê bình lúc ấy họ cho là cuốn sách này đánh đồng, người ta dùng chữ "đánh đồng địch ta", coi quân đội xâm lược cũng y như quân đội kháng chiến vậy.
Tuy nhiên, nó vẫn có một bộ phận khác người ta lại tán thành, ủng hộ, và thậm chí cuốn sách này của tôi được giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam, nghĩa là nó có hai luồng tư tưởng khác nhau. Trong vòng 20 năm, từ đó cho đến nay khoảng 20 năm thì cái nhìn của con người, người ta nhìn về cuộc chiến tranh - tức độc giả ở Việt Nam - cũng trưởng thành lên. Người ta điều tôi viết không có gì là mới, tức là chỉ nói một sự thật.
Nhưng cuốn sách nó cũng nói rằng cái tổn thất đối với người Việt đã đổ ra cho cuộc chiến tranh đó, cả về hai phía là phía Miền Bắc và phía Miền Nam, nói chung là người dân, vô cùng lớn, người dân và binh lính, thì cái điều ấy thật ra nó cũng là điều đơn giản, chẳng có gì là mới.
Nhưng mà nó cũng phải trải qua 20 năm rồi thì do sự trưởng thành lên của độc giả, người ta thấy điều ấy là điều đúng, bình thường, không có gì đặc biệt. Và cuốn sách đó được tái bản lại. Một khi được tái bản lại thì người ta cũng thấy quả thực đây là một cái...
Tác phẩm đã từng bị nhiều người không thích, độc giả cũng thế, nhà phê bình lúc ấy họ cho là cuốn sách này đánh đồng, người ta dùng chữ "đánh đồng địch ta", coi quân đội xâm lược cũng y như quân đội kháng chiến vậy.
Nhà văn Bảo Ninh
Được dựng thành phim
Mặc Lâm: Mới đây chúng tôi được biết Nỗi Buồn Chiến Tranh được một nhóm làm phim chú ý tới và có ý muốn chuyển thể cuốn tiểu thuyết này. Anh có thể cho biết thêm chi tiết việc này hay không?
Nhà văn Bảo Ninh : Đó là những người nước ngoài và cả người Việt nữa. Họ ở Việt Nam, không phải là của nhà nước mà là một nhóm tư nhân gồm người Mỹ, người Anh, người Đức sống ở Việt Nam, làm việc ở Việt Nam hoặc liên quan đến Việt Nam. Họ góp tài chính, lập hãng phim tư nhân. Họ thuê đạo diễn làm, thuê đạo diễn và kịch bản, chứ không phải là phim Mỹ.
Tất nhiên nó cũng có cái nét độc đáo của nó. Ban đầu thì tôi cũng thấy và mọi người cũng chú ý cái nét độc đáo của việc này, tức là cuốn sách về chiến tranh do một nhà văn vốn là lính Bắc Việt viết, mà đạo diễn lại là một anh đạo diễn người Mỹ, thì người ta thấy cái tính độc đáo của nó. Bản thân tôi cũng thích thế, cũng thấy là lạ.
Mặc Lâm: Hồi gần đây nhất báo chí đã loan tin là dự án này có vấn đề, anh có thể cho biết cụ thể vấn đề ấy là gì, nếu anh không ngại, thưa nhà văn Bảo Ninh?
Nhà văn Bảo Ninh : Nó xuất hiện khó khăn rất lớn. Cái khó khăn đấy là đưong nhiên. Tôi hiểu nó rất là dễ hiểu là vì người Mỹ ngay dù anh ta có am hiểu về Viêt Nam đến mấy đi chăng nữa, một nhà nghiên cứu về Việt Nam hẳn hoi, nhưng nếu anh ta chuyển sang làm lãnh vực văn học điện ảnh thì anh ta sẽ vướng một loạt vấn đề không thể nào mà hình dung nổi, từ cái nhỏ nhặt nhất về vấn đề văn hoá, ăn nói, lời thoại, đủ thứ cả. Anh ta vướng một loạt vấn đề. Lúc ấy tôi mới thấy hoảng hồn.
Tức là người ta có thể cớ những cái sai lạc rất là vớ vẩn. Nhưng mà cái người đạo diễn đôi khi người ta cứ nghĩ rằng ông nhà văn này muốn can thiệp. Họ cho rằng nhà có tật là cứ bắt phim phải giống y như cuốn sách của mình. Thế nhưng thật ra không phải như vậy.
Tôi chỉ muốn họ Việt Nam, họ phải Việt Nam, đây phải là phim Việt Nam chứ không phải phim Mỹ. Vì nó rất dễ mang màu sắc Mỹ, cái cách của người đạo diễn họ nhìn người Việt họ không rành nên đôi khi họ dễ thành ra một cái phim giống như phim Mỹ vậy, thì tôi rất không bằng lòng, và tôi phản đối cái chuyện đấy.
Thế thì hiện nay cũng vẫn còn tranh cãi nhau. Tôi cũng chưa đến quyết định hoàn toàn về việc này. Thật ra thì không phải là tôi có thể quyết định được chuyện này, tôi chỉ có thể nói là nếu không đi được đến thoả thuận với nhau thì tôi rút thôi, tôi sẽ không tham gia nữa. Chứ còn về mặt pháp lý mà nói thì nó cứ tiến hành được.
Chia sẻ của Bảo Ninh
Mặc Lâm: Sau gần hai mươi năm nhìn lại cuốn sách mình đã viết anh có điều gì cần chia sẻ với độc giả của anh hay không?
Nhà văn Bảo Ninh : Tôi nghĩ tôi sẽ viết một cuốn sách khác vựot lên cách nhìn của một người lính cách đây 20 năm, tức là tôi nghĩ rằng cuốn sách Nỗi Buồn Chiến Tranh nó còn chưa thực sự khách quan, chưa thực sự vượt lên trên một cá nhân.
Cuộc chiến tranh Việt Nam rút ra được bài học gì? Đó là hoà bình là trên hết. Hoà hợp, yêu thương nhau là hơn. Và tôi muốn viết một cuốn sách kiểu đó. Chứ còn thì nó vẫn còn duy trì một dòng thôi của sự thù hận.
Nhà văn Bảo Ninh
Tôi biết khi tôi đọc lại sau nhiều năm và tôi hiểu nó có những vấn đề không khách quan và cái tầm tư tưởng của Nỗi Buồn Chiến Tranh này nó phải được thể hiện cao hơn nữa, chứ nếu nó chỉ giới hạn ở mức đó thì đôi khi thậm chí nó còn dẫn đến, trong chừng mực nào nó làm cho hố sâu ngăn cách giữa người cựu chiến binh quân đội Sài Gòn và quân đội như tôi thậm chí đào sâu thêm.
Và tôi nghĩ rằng phải vượt qua những cái đó. Cuộc chiến tranh Việt Nam rút ra được bài học gì? Đó là hoà bình là trên hết. Hoà hợp, yêu thương nhau là hơn. Và tôi muốn viết một cuốn sách kiểu đó. Chứ còn thì nó vẫn còn duy trì một dòng thôi của sự thù hận.
Các nhà văn lớn của thế giới viết về chiến tranh thì nó cũng ở cái tầm đó rồi chứ cũng không phải là cái gì mới, anh. Nhưng mà cái đó để đạt đến phải trải qua cuộc đời nhiều, sau khi ra quân ngũ rồi phải sống, phải đọc, phải học nhiều, rồi phải sống cùng dân chúng nhiều mới hiểu ra được điều ấy. Chứ còn cái chuyện hai bên bắn nhau mà thôi thì đây không phải là thù hận.
Tôi cho chuyện hai ông lính vác súng bắn vào đầu nhau giữa hai chiến hào thì đấy là sự sống, một sống một chết. Cái thù hận nó không phải thế. Thù hận nó là chuyện nuôi dai dẳng, sự căm thù nhau kéo dài một cách phi lý.
Mặc Lâm:
Xin cám ơn nhà văn Bảo Ninh và cuộc phỏng vấn anh dành cho thính giả của Đài Á Châu Tự Do ngày hôm nay.