Vinh danh, ghi công
Hôm nay là dịp kỷ niệm năm mươi lăm năm Ngày Thầy Thuốc Việt Nam, nhiều bác sĩ được phong tặng danh hiệu Thầy Thuốc Nhân Dân.
Ngày Thầy Thuốc Việt Nam cũng là dịp để nhìn lại thành quả của ngành y và những công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng trong một năm qua.
Vì Ngày Thầy Thuốc Việt Nam rơi vào thứ Bảy nên từ hôm qua nhiều bệnh viện hay cơ sở y tế đã tổ chức lễ tiệc để vinh danh các lương y, điển hình như một bệnh viện ở tỉnh Lâm Đồng:
Ngày truyền thống này là ngày tôn vinh và ghi công công lao đóng góp trong công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
BS Nguyễn Thái Học
“Tôi là bác sĩ Nguyễn Thái Học, giám đốc Bệnh Viện Điều Dưỡng và Phục Hồi Chức Năng tỉnh Lâm Đồng. Ngày truyền thống này là ngày tôn vinh và ghi công công lao đóng góp trong công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Ngày này thường được nhà nước tặng cho các danh hiệu như là thầy thuốc ưu tú, thầy thuốc nhân dân, rồi các bằng khen của chính phủ, của nhà nước. Cán bộ nhân viên thì được các tổ chức xã hội rồi bệnh nhân đến chúc mừng tặng hoa, tặng quà các thứ. Cho nên ngày này rất lớn đối với Việt Nam. Đang là tổ chức kỷ niệm trong hội trường, văn nghệ, rồi chào mừng, rồi các đoàn thể của tỉnh và các nơi đang làm náo nhiệt cả hội trường đây.”
Đó là không khí Ngày Thầy Thuốc Việt Nam tại Bệnh Viện Điều Dưỡng và Phục Hồi Chức Năng tỉnh Lâm Đồng.
Tâm tư, nguyện vọng
Ngày lễ liên quan đến chức năng nghề nghiệp của mình thì người thầy thuốc nào cũng có mơ ước, có khi mơ ước rất nhiều nữa là khác. Đó là lời bác sĩ Bùi Quang Đi, chuyên khoa Tiêu Hóa và Ký Sinh, phục vụ tại bệnh viện Hoàn Mỹ.
Đối với bác sĩ Bùi Quang Đi, là một lương y có nghĩa là phải học hỏi không ngừng, phải cập nhật kiến thức từng ngày, phải gần gũi với người bệnh mà mình đang chăm sóc và điều trị:
“Phải coi bệnh nhân như người nhà của mình thì mình mới làm việc được. Ở bệnh viện Hoàn Mỹ thì tiêu chí là như vậy.
Nói chung ước vọng thì mình phải cập nhật những kiến thức mới nhất, của Mỹ, của Pháp hay các nước Châu Âu, rồi áp dụng để điều trị cho bệnh nhân một cách thành công hơn. Những phương tiện hiện đại thì bệnh viện cũng sắp xếp trang bị được rồi, nhưng mà tương lai vẫn phải tiếp cận những cái mới hơn nữa. Việt Nam mình đang tiếp cận bên ngoài rất nhiều là do nhiều bác sĩ đi học nước ngoài, cập nhật những thông tin mới nhất, trang thiết bị thì càng ngày càng hiện đại hơn rồi. So với cách đây hai chục năm thì hiện tại phát triển rất nhiều.”
Từ bệnh viện Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, bác sĩ A Vương, người dân tộc B’nar, giải thích lý do vì sao chọn làm việc ở thành phố thay vì vùng cao là nơi mà những người sắc tộc miền núi rất cần một bác sĩ có cùng ngôn ngữ với họ:
“Em mới đi tham dự lễ 27 tháng Hai. Hiện tại thì em công tác ở dưới Sài Gòn, hầu như là phục vụ ở Sài Gòn này không. Sau khi tốt nghiệp em chưa từng về quê hương. Nói chung ước vọng thăng tiến thì ai cũng muốn, một phần ý định của em là về đây đặng học hỏi thêm, trau đồi thêm kinh nghiệm, có thêm kiến thức về y khoa để sau này sẽ về phục vụ lại cho quê hương. Ý em là như vậy.
Còn trên đó như thế nào thì đồng bào trên em cũng được nhà nước quan tâm về vấn đề chăm sóc sức khỏe ban đầu. Đôi lúc cũng được ưu tiên hơn. Một số có phiếu bảo hiểm y tế, ưu tiên cho đồng bào thiểu số với người nghèo, thì nhà nước cũng ưu tiên miễn phí cho những lần khám có kỹ thuật cao tại Sài Gòn này.”
Ngày Thầy Thuốc, bác sĩ A Vương mong mỏi sao cho có nhiều người dân tộc đi ra khỏi làng, đi học ra y sĩ hay bác sĩ như anh đã từng cố gắng:
Em chỉ ao ước có thêm nhiều người như em nữa, càng nhiều người như em hay là giỏi hơn em thì càng tốt, để mà giúp cho đồng bào mình có thể có nhận thức và có sự hiểu biết cũng ngang bằng người Kinh.
BS A Vương
“Do nhận thức của đồng bào còn rất hạn chế, nguyên nhân là do tỷ lệ đồng bào có học, có trình độ còn ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi. Em chỉ ao ước có thêm nhiều người như em nữa, càng nhiều người như em hay là giỏi hơn em thì càng tốt, để mà giúp cho đồng bào mình có thể có nhận thức và có sự hiểu biết cũng ngang bằng người Kinh.”
Là bác sĩ khoa nội nhi, nay về hưu và mở phòng mạch riêng, bác sĩ Thúy Nga cho rằng trong một đất nước đang phát triển thì vấn đề y tế công cộng và sức khỏe cộng đồng phải đặt lên hàng đầu:
“Cũng nhân Ngày Thầy Thuốc Việt Nam thì nói chung các bác sĩ đều mong muốn ngành y tế càng ngày càng phát đạt để tiến kịp với trình độ của các nước tiến bộ trên thế giới trong giai đoạn mà đất nước đang phát triển. Về sức khỏe của nhân dân nói chung và các gia đình còn gặp nhiều khó khăn thì cái này là toàn xã hội phải cùng chung tay cùng góp sức chứ không phải đơn độc ngành y tế có thể làm được. Bởi vì ngành y tế chỉ chăm sóc sức khỏe, còn kinh phí thì toàn xã hội phải đóng góp để sức khỏe của toàn dân được chăm sóc một cách công bằng và hợp lý.”
Với kinh nghiệm khám chữa bệnh nhiều năm, điểm tích cực trong ý thức bảo vệ sức khỏe của người Việt Nam mà bác sĩ Thúy Nga thấy rõ trong hai ba năm trở lại đây là:
“Bây giờ người ta không phải lo ăn no mặc ấm nữa mà là ăn ngon mặc đẹp. Ăn ngon ở đây không phải tất cả những miếng ngon cứ nhồi nhét mà ăn có khoa học, ăn theo như cầu phát triển của cơ thể thôi chứ không ăn theo kiểu thỏa mãn thỏa sức như trước đây nữa. Cho nên về vấn đề ăn uống thì ý thức người ta đã tiến bộ rất nhiều. Người nào cũng cập nhật kiến thức như thế thì sức khỏe được nâng cao hơn.”
Đối với bác sĩ Nguyễn Đăng Phấn, khoa Mạch Máu, Bướu Cổ Lồng Ngực tại bệnh viện Bình Dân, Ngày Thầy Thuốc là dịp để nhớ lại cái chức năng lương y của mình.
“Là mình cố gắng đừng la mắng bệnh nhân khi mình cũng đang mệt mỏi quá. Phải tôn trọng bệnh nhân. Đó là mơ ước cho bản thân tôi. chứ còn giàu có thì khó lòng lắm.”
Là một thiện nguyện viên thường điều trị cho những bệnh nhân HIV/AIDS, bác sĩ Phấn tâm sự:
Ở Việt Nam vẫn còn sự phân biệt đối xử với những bệnh nhân này do không hiểu rõ rằng bệnh này không phải hơi tí thì lây. Nó chỉ lây qua đường chích chung kim ma túy hay qua đường tình dục không an toàn, hay từ mẹ có bầu mà chuyển sang con mà người mẹ cũng không biết mình bị HIV. Bằng cớ anh em chúng tôi ngành Y đã làm nhiều năm nay mà cẩn thận thì không ai bị lây HIV cả. Thậm chí có những người bị kim nước biển đâm vào tay nhưng nhờ phát hiện kịp và uống thuốc ngay lập tức thì chưa thấy ai xét nghiệm mà bị HIV cả.
Nếu chúng ta có sự hiểu biết thì đừng phân biệt đối xử với họ. Khi mà mình phân biệt đối xử thì vô tình mình làm nỗi đau của người vợ bị HIV hay nỗi đau của em bé bị HIV nó tăng gấp năm gấp mười lần. Mình phải cố gắng vượt qua nỗi sợ hãi để nâng đỡ và thương yêu họ.”
Là mình cố gắng đừng la mắng bệnh nhân khi mình cũng đang mệt mỏi quá. Phải tôn trọng bệnh nhân.
BS Nguyễn Đăng Phấn
Ngày Thầy Thuốc Việt Nam mà chỉ đề cập đến Tây Y và bỏ qua Đông Y quả là một thiếu sót lớn. Thật vậy, từ lâu những kiến thức về Đông Y hay thuốc Nam, thuốc Bắc, là ngành điều dưỡng và phương pháp chữa trị phổ biến trong dân gian cũng như trong sức khỏe cộng đồng.
Bác sĩ Đặng Đình Hòa, giám đốc Bệnh Viện Y Học Dân Tộc Phạm Ngọc Thạch:
“Ông Tuệ Tĩnh là ông tổ thuốc Nam, có nói rằng “Nam Dược Trị Nam Nhân”. Là những người đi sau thì chúng tôi cũng mong làm được như lời tiền nhân dạy thôi. Tôi quan niệm chỉ có một nền y học thôi. Dù là Tây Y hay Đông Y thì cũng đều có giá trị, xử dụng cả hai vào trong điều trị bệnh nhân là tốt hơn là phân biệt ra một nền Tây Y một nền Đông Y. Dù rằng bệnh nhân đến là sau khi mổ, sau đó có thể sử dụng thuốc Nam hay thuốc Bắc để điều trị tiếp theo cho bệnh nhân vẫn là mong ước của chúng tôi. Thành công điều đó là tốt nhất.”
Tại buổi mít tinh hôm nay chào mừng Ngày Thầy Thuốc Việt Nam, Sở Y Tế thành phố Hồ Chí Minh loan báo tiêu chuẩn sức khỏe của dân thành phố được nâng cao, sinh xuất tăng trong lúc tỷ lệ tử vong nơi trẻ dưới năm tuổi chỉ còn 0,49 phần ngàn.