Từ thiếu ăn tới xuất khẩu gạo
Có thể xem thập niên thứ nhất thế kỷ 21 là bệ phóng để Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ nhì thế giới.
Thống nhất sau 1975, Việt Nam thiếu lương thực nghiêm trọng người dân ăn độn khoai sắn, nhiều năm phải ăn luôn thứ gạo xay từ lúa mì gọi là gạo mì hay nhiều nơi còn gọi là ‘bo bo’, nhập khẩu từ các nước đồng minh xã hội chủ nghĩa.
Từ chỗ phải nhập khẩu hàng triệu tấn lương thực, đến năm 1989 cùng với chính sách ‘Đổi Mới” Việt Nam đã có thể xuất khẩu trong năm đó 1 triệu 370 ngàn tấn gạo, lượng gạo xuất khẩu tăng dần, năm 1999 Việt Nam xuất khẩu 4 triệu 560 ngàn tấn gạo và kể từ đó bắt đầu được xem là nước xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới chỉ sau Thái Lan.
Giai đoạn tiếp theo, có lúc Việt Nam tụt xuống vị trí thứ 3 sau Ấn Độ nhưng đã giành lại ngôi vị từ năm 2003. Những năm kim ngạch xuất khẩu gạo đáng chú ý phải kể tới 2005 cả nước xuất khẩu 5 triệu 200 ngàn tấn gạo.
Năm 2008 lượng gạo xuất khẩu chỉ đạt 4 triệu 670 ngàn tấn, nhưng trị giá hơn 2,6 tỷ USD nhờ giá lương thực thế giới bị biến động.
Gọi là “Sự thần kỳ lúa gạo” vì mỗi năm nông nghiệp đóng góp 20% tổng sản phẩm nội địa GDP, nhưng đầu tư cho nông nghiệp nông thôn chưa tới 9% tổng vốn đầu tư cả nước. Trong hoàn cảnh như thế hàng chục triệu nông dân với thửa ruộng nhỏ bé của mình đã làm nên kỳ tích.
“Đồng lời ít lắm nhưng cũng phải bám ruộng, nông dân bỏ ruộng biết làm gì mà sống. Bà con nông dân mỗi hộ canh tác 1 ha trở lại.”
Giải pháp canh tác chúng tôi đã huấn luyện từ từ nâng cao trình độ bà con nông dân. Yếu tố làm sao tăng năng suất, tăng chất lượng giảm giá thành là việc ở Việt Nam đang làm có hiệu quả.
TS Lê Văn Bảnh.
Năm 2009 trong bối cảnh suy thoái kinh tế, nhưng nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đã làm ra nhiều lúa gạo, để các doanh nghiệp có thể xuất khẩu đạt mức kỷ lục hơn 6 triệu tấn gạo kim ngạch 2 tỷ 400 triệu USD.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định là người nông dân Việt Nam đã mang trên vai gánh nặng suy thoái cho cả nước, nền kinh tế Việt Nam đã có những thành tựu tốt đẹp hơn so với những dự báo ban đầu về tác động khủng hoảng toàn cầu.
“Có được những thành tựu đó là nhờ các nỗ lực chịu khó chịu khổ và năng động của ngừơi nông dân đã bảo đảm an ninh lương thực và đóng góp vào xuất khẩu đến 6 triệu tấn gạo, cũng như là thủy sản và các sản phẩm khác.”
Để có thể làm lúa thành công, người nông dân Việt Nam tuy là vẫn phải bươn chải một mình tiền vốn chạy đầu này vay đầu kia, nhưng họ cũng được hưởng ít nhiều hỗ trợ từ giới khoa học kỹ thuật.
Nói về “Sự thần kỳ lúa gạo trong 10 năm vừa qua, TS Lê Văn Bảnh Viện Trưởng Viện Lúa Vùng đồng Bằng Sông Cửu Long nhận định:
“Lúc trước đa số sử dụng giống lúa mùa năng suất thấp nhiều sâu bệnh, trong thời gian vừa qua chúng tôi đã nghiên cứu chuyển đổi lai tạo được những giống lúa ngắn ngày khoảng 90 tới 100 ngày, nghĩa là có thể giúp cho bà con nông dân trồng trong một năm được ba vụ nhưng chất lượng gạo là không thấp. Chất lượng gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đó là một điểm lớn.
Thứ hai trong vấn đề canh tác cải tạo được hệ thống thủy lợi và đồng ruộng, thành ra trong sản xuất lúa của Việt Nam đã đạt được những tiến triển tốt ổn định được nước tưới cũng như mặt bằng đồng ruộng.
Thứ ba, giải pháp canh tác chúng tôi đã huấn luyện từ từ nâng cao trình độ bà con nông dân. Yếu tố làm sao tăng năng suất, tăng chất lượng giảm giá thành là việc ở Việt Nam đang làm có hiệu quả.
Cuối cùng là sự kiện, lâu nay trước thu họach làm rất “ngon”, các giống lúa rồi gieo cấy chăm sóc rất tốt, nhưng khâu thu hoạch và sau thu hoạch kém mỗi năm thất thu khoảng trên 15%. Trong những năm vừa qua chúng tôi đã sử dụng máy gặt đập liên hợp để giảm thất thu trong thu họach và dùng máy sấy để đảm bảo tốt.
Đó là một thắng lợi, hơn nữa mỗi một năm trong 4 năm nay, ở Việt Nam tăng sản lượng lúa thêm 1 triệu tấn mặc dù chịu áp lực sâu bệnh và diện tích đất sản xuất bị giảm do công nghiệp hóa, đô thị hóa, làm sân golf…Nhưng mỗi năm tăng trên 1 triệu tấn là điều đáng mừng.”
Bất công với nông dân
Trong 10 năm vừa qua nông dân Việt Nam, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long, đã lao động cật lực trên đồng ruộng, để các doanh nghiệp có thể xuất khẩu tổng cộng hơn 43 triệu tấn gạo, trị giá hơn 12,6 tỷ USD.
Điều có thể nói là chúng ta phải tiếp tục thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với đô thị, phải tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cho phát triển nông nghiệp.
Sự kiện Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới trong thập niên đầu của thế kỷ 21, còn được nhìn theo một nhãn quan khác. Một nhà nghiên cứu kinh tế nông nghiệp nổi tiếng của Việt Nam đã cho rằng “nông dân bị vắt kiệt sức lao động, bị bần cùng hóa để phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa của Nhà nước Việt Nam”.
Nhân vật này là Giáo sư Viện Sĩ Đào Thế Tuấn 78 tuổi, nguyên Viện Trưởng Viện Khoa Học Kỹ Thuật Nông Nghiệp Việt Nam, hồi tháng 6/2009 Đại Sứ Quán Pháp tại Hà Nội đã thay mặt chính phủ Pháp trao tặng GSVS Đào Thế Tuấn Nông Nghiệp Bội Tinh Đệ Nhất Hạng, là huân chương vinh danh những cá nhân có cống hiến lớn cho nông nghiệp.
Trả lời Vietnam Net hồi tháng 7 năm ngoái, GSVS Đào Thế Tuấn gây chấn động dư luận khi ông nhận định rằng, Việt Nam đang diễn lại đúng kịch bản ở Trung Quốc và Liên Xô trước kia.
Theo đó trong thế kỷ 20, Liên Xô sau khi tiến hành Cách mạng Tháng Mười, không có nguồn lực để công nghiệp hóa nên họ buộc phải dùng nông nghiệp để làm công nghiệp.
Trung Quốc từ thời Mao Trạch Đông cũng vậy, bóc lột nông dân, vắt kiệt nông nghiệp để dồn lực cho công nghiệp.
Các chuyên gia đang phục vụ Nhà nước khó thể chia sẻ quan điểm với GSVS Đào Thế Tuấn, những thành tích về giảm đói nghèo được đề cập tới, cũng như sự kiện Việt Nam đang là nước xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới trong thập niên này. Tuy vậy họ cũng nhìn nhận sự tụt hậu của nông thôn so với thành thị.
TS Đặng Kim Sơn, Viện Trưởng Viện Chính Sách và Chiến Lược Phát Triển Nông Nghiệp Nông Thôn nhận định, nông dân nông thôn đóng góp và hy sinh cho thành tựu nông nghiệp nhiều lần hơn là những gì mà họ nhận lại từ xã hội.
Mức tăng thu nhập của cư dân nông thôn chỉ bằng một nửa so với đô thị, TS Đặng Kim Sơn nhấn mạnh:
“Điều có thể nói là chúng ta phải tiếp tục thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với đô thị, phải tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cho phát triển nông nghiệp. Nói như thế thì hợp lý hơn, chứ còn nói thời gian vừa qua là bóc lột là bần cùng hóa nông thôn nông nghiệp thì chúng tôi nghĩ rằng là không công bằng.”
Nếu nhìn vào sự kiện xuất khẩu 6 triệu tấn gạo trị giá hơn 2,4 tỷ USD của năm 2009, chẳng thể phủ nhận đây là “sự thần kỳ lúa gạo” của Việt Nam.
Nhưng chọn một giải pháp để nâng cao thu nhập và mức sống của nông dân để thấy rằng, họ không bị bóc lột khi làm ra lượng gạo xuất khẩu kỷ lục trong lịch sử nông nghiệp đất nước, thì còn rất nhiều điều phải xem xét.