‘Bất thường’ hay có định hướng
Những bài viết đang rộ lên trên truyền thông trong nước và mạng xã hội có phải được diễn ra “theo định hướng” hoặc “theo quy trình” hay không? Nhà báo Trương Duy Nhất, chủ trang mạng Một Góc Nhìn Khác khẳng định?:
“Tôi cho rằng có sự định hướng từ nội bộ Trung ương Đảng, từ nội bộ cấp cao để định hướng cho những nhóm cây bút quyền lực trong truyền thông mạng.
“Bây giờ tìm nhân sự nào để thay vào ghế Trần Đại Quang hay là hợp nhất Tổng Bí thư và Chủ tịch nước. Đó là công việc đột xuất buộc phải tuyên truyền, đưa ra những thông tin. Còn định hướng thì những năm gần đây, đặc biệt là nhiệm kỳ này có những luồng định hướng mà đa phần là truyền thông mạng chứ báo chí thì không được. Quyền lực truyền thông của nhà nước bây giờ là con số 0. Quyền lực truyền thông bây giờ là Facebook và truyền thông mạng.”
<i> <i>Không chỉ trước mỗi kỳ đại hội mà thậm chí là trước mỗi kỳ Hội nghị Trung ương đã có những làn sóng vận động, đặc biệt nếu là những hội nghị bàn về nhân sự và sắp xếp nhân sự thì trước đó đã có những chiến dịch vận động nhân sự và dùng truyền thông, đặc biệt là dùng mạng xã hội để tác động. Không chỉ vậy còn có những biểu hiện là tung những đơn thư tố cáo lẫn nhau trên mạng xã hội. </i> <i>Việc này nó đã diễn ra trong suốt 6 năm qua, từ năm 2012 đến giờ. - Phạm Chí Dũng</i> </i>
Ngược lại, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nêu quan điểm khá đối lập. Ông cho rằng những diễn biến báo chí như thế là “một đặc điểm và đồng thời là 1 qui luật diễn biến hoà bình trong nội bộ.”
"Không chỉ trước mỗi kỳ đại hội mà thậm chí là trước mỗi kỳ Hội nghị Trung ương đã có những làn sóng vận động, đặc biệt nếu là những hội nghị bàn về nhân sự và sắp xếp nhân sự thì trước đó đã có những chiến dịch vận động nhân sự và dùng truyền thông, đặc biệt là dùng mạng xã hội để tác động. Không chỉ vậy còn có những biểu hiện là tung những đơn thư tố cáo lẫn nhau trên mạng xã hội. Việc này nó đã diễn ra trong suốt 6 năm qua, từ năm 2012 đến giờ."
Những ai quan tâm đến nội bộ chính trường Việt Nam hẳn chưa quên năm 2012 là thời điểm xuất hiện trang mạng ‘Quan làm báo”. Theo ông Phạm Chí Dũng, 1 số thế lực nào đó trong nội bộ Đảng đã dùng trang đó để công kích và triệt hạ lẫn nhau. Sau đó thì xuất hiện thêm vài trang khác như “Chân dung quyền lực”…
Tín hiệu đặc biệt 2018
Một nhận định khác RFA được nghe từ nhà báo Võ An Dân nói về tính chất đặc biệt đang diễn ra trong văn đàn mạng xã hội
“Người ta gọi trong những trường hợp đặc biệt phải làm việc đặc biệt. Hiện giờ sự đặc biệt là nhân sự chuẩn bị cho Chủ tịch nước mà để phù hợp điều kiện cần và đủ là hoàn toàn không có. Nên đòi hỏi cách truyền thông của nó cũng phải đặc biệt để xử lý trường hợp này.
Những ngòi bút có sức ảnh hưởng cũng có quyền viết về điều đó. Nhưng vấn đề tôi muốn nói ở đây là nên viết 2 chiều và viết trung thực.”
Vào năm 2015, bài viết ‘Bộ Tứ’ của tác giả ký tên Osin Huy Đức đã làm xôn xao dư luận lúc đó khi “công khai” ủng hộ người đắc cử vào vị trí Tổng bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng. Bốn năm sau, ngay trước khi Hội nghị Trung ương 8 khai mạc, một bài viết ngắn được đăng tải trên trang Facebook của chủ tài khoản cũng có tên Osin Huy Đức với tựa “Nhất thể hoá” 1 lần nữa làm dậy sóng dư luận. Lần này, tuy không nhắc đến tên của một nhân vật chủ chốt nào nhưng ẩn ý thì lại rất rõ, ngay câu mở đầu:
“Nhưng nếu quyết định để Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước lần này trở thành tiền lệ thì cũng rất có ý nghĩa. Ít nhất "biên chế" sẽ chỉ còn là Bộ Tam thay vì Bộ Tứ.”
Thêm vào đó, theo nguồn tin nội bộ mà chúng tôi có được, buổi họp của Bộ Chính trị vào chiều ngày 30 tháng 9 đã được quyết định phương án hợp nhất chức vụ Tổng Bí thư và Chủ tịch nước.
Sự “trùng khớp vô tình” vừa nêu được tranh luận khá nhiều trong dư luận những ngày qua. Liệu đó có phải là 1 tín hiệu đặc biệt có định hướng trên mạng xã hội hay không?
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng đưa ra nhận định:
" Mặc dù trong bài viết của Huy Đức hoàn toàn không nêu tên Nguyễn Phú Trọng nhưng có nêu 1 nhân vật quyền lực nhất hiện nay thì không ai khác hơn là Nguyễn Phú Trọng vì không còn đối trọng Nguyễn Tấn Dũng nữa, mà chỉ còn 1 chút đối trọng là Trần Đại Quang mà thôi. Mà Trần Đại Quang cũng không còn nên Nguyễn Phú Trọng không còn đối thủ chính trị.
Thứ hai, Huy Đức đề cập đến nền cộng hoà bán tổng thống thì thật ra tôi cũng không biết nó là cái gì, vì nó rất lạ với nền độc tài độc đảng ở Việt Nam. Nhưng mà cho dù mô hình bàn tổng thống đi nữa thì cũng có nghĩa là bắt đầu 1 phần ngả sang mô hình tam quyền phân lập và dân chủ của phương Tây rồi. Nhưng trong suốt nhiệm kỳ ông Trọng cầm quyền đến nay, không có bất kỳ dấu hiệu gì cho thấy ông Trọng muốn ngả sang mô hình tam quyền phân lập, dân chủ, đa đảng đa nguyên ở phương Tây, càng không có chuyện dân chủ nhân quyền. Trong việc này tôi dám thách bất kỳ ai đưa ra 1 minh chứng nào cho thấy Nguyễn Phú Trọng muốn thay đổi về dân chủ mở mang hơn cho người dân về quyền làm người. Việc Huy Đức đưa ra mô hình cộng hoà bán tổng thống làm gì? Phải chăng tiếp thêm 1 tiếng nói cho sự tuyên truyền lừa mị của chế độ này và tiếp tục làm cho những người ngây thơ, cả tin bị lừa mị thêm 1 nhiệm kỳ nữa?”
<i> <i>Tôi kết luận bài viết đó mang tính định hướng là vì anh ấy nói đi nhưng không nói lại. Vấn đề nhất thể hoá đã được khoá trước mang ra bàn, thì cũng chính phái bảo thủ trong đảng bác bỏ. Anh Huy Đức nên nhắc lại sự thật đó. Đến bây giờ khi những tiếng nói cải cách đã suy yếu rồi thì anh lại đề nghị phái bảo thủ nhất thể hoá. Khi nó đã không công bằng, không sòng phẳng không 2 chiều thì nó mang tính định hướng. - Võ An Dân</i> </i>
Chia sẻ từ nhà báo Võ An Dân được ông khẳng định là “nên dùng bài ngửa với nhau” để nói về sự việc này
“Trương Huy Đức tức Trương Huy San muốn ủng hộ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiến hành nhất thể hoá hợp nhất chức danh trong thời kỳ đặc biệt này là đang thiếu vị trí Chủ tịch nước. Tuy nhiên tôi kết luận bài viết đó mang tính định hướng là vì anh ấy nói đi nhưng không nói lại. Vấn đề nhất thể hoá đã được khoá trước mang ra bàn, thì cũng chính phái bảo thủ trong đảng bác bỏ. Anh Huy Đức nên nhắc lại sự thật đó. Đến bây giờ khi những tiếng nói cải cách đã suy yếu rồi thì anh lại đề nghị phái bảo thủ nhất thể hoá. Khi nó đã không công bằng, không sòng phẳng không 2 chiều thì nó mang tính định hướng.”
Kể từ sau Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời ngày 21 tháng 9, nhiều cái tên được báo chí trong nước nhắc một cách “vô tình” trong các bài báo như Nguyễn Thiện Nhân, Trần Quốc Vượng, Phạm Bình Minh, Phạm Minh Chính…, chưa kể là những bài viết nêu hẳn về nhân vật nữ đầu tiên đảm nhiệm chức quyền chủ tịch nước hiện thời là bà Đặng Thị Ngọc Thịnh.
Thế nhưng, qua những diễn biến “mang tính định hướng” như đã phân tích, có thể thấy rằng dư luận trong nước đang rất rộng đường trong nhận định sắp tới đây Việt Nam sẽ vẫn còn Tứ Trụ hay khác trước là lần đầu tiên có một Tam Trụ như mô thức Trung Quốc hiện nay.