‘Tiếng khóc’ của người sản xuất cà phê sạch

Những ngày vừa qua dư luận cả nước, đặc biệt là giới yêu thích cà phê đã rất bức xúc và hoang mang về câu chuyện 1 cơ sở thu mua nông sản tại xã Đắkwer, huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông đã dùng phế phẩm cà phê nhuộm dung dịch pin do Phòng cảnh sát môi trường và các cơ quan chức năng phát hiện từ ngày 15-17/4/2018.

Mỗi khi có một sự việc được ‘hé lộ’ ra công luận, không chỉ người tiêu dùng bức xúc mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến những cơ sở sản xuất vừa và nhỏ khác, cho dù chính cơ quan chức năng chưa đưa ra câu trả lời cuối cùng.

Ảnh hưởng trực tiếp

Sự việc do báoTuổi Trẻ đưa ra đầu tiên vào ngày 16/4/2018, cho biết gia đình bà Nguyễn Thị Loan, ngụ tại thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp đã mua pin con ó, đập vỡ, lấy bột màu đen trộn với vỏ, phế phẩm từ hạt cà phê để sản xuất thành cà phê bột.

Cho đến ngày 23/4/2018, cũng báo trong nước cho biết cơ quan chức năng đã đủ chứng cứ để khởi tố vụ án cà phê nhuộm than pin. Thế nhưng, theo Đại tá Lê Vinh Quy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, thì những tạp chất phát hiện ở cơ sở bà Nguyễn Thị Loan “được đưa vào thực phẩm nhưng không phải cà phê”.

Tuy rằng câu chuyện được dư luận gọi là “cà phê nhuộm than pin” được chính những tờ báo khác trong nước cho rằng “còn nhiều nghi vấn và cần sớm làm sáng tỏ” thì bề nổi của sự việc vẫn gây hoang mang cho giới yêu thích cà phê và tạo ra những cơn sóng ngầm cho sự tồn tại của những cơ sở sản xuất cà phê trong nước.

Anh Nguyễn Khắc Hoàng, chủ cơ sở sản xuất cà phê sạch Nam Phát, ở Buôn Mê Thuộc, Đắk Lắk cho biết từ ngày vụ “cà phê nhuộm than pin” được báo chí đưa tin, các cơ sở sản xuất cà phê vừa và nhỏ ở Buôn Mê Thuộc gặp nhiều khó khăn, trong đó, có hoạt động kinh doanh của gia đình anh.

“Tôi là 1 cơ sở nhỏ, mà từ khi có thông tin về cà phê nhuộm pin thì đi đến đâu người ta cũng hỏi cà phê có pin không. Các công ty lớn như Trung Nguyên, Trường Giang thì người ta lớn, có uy tín, ít bị ảnh hưởng. Mình là cơ sở nhỏ, đi tới đâu người ta cũng hỏi.”

<i> <i>Tôi là 1 cơ sở nhỏ, mà từ khi có thông tin về cà phê nhuộm pin thì đi đến đâu người ta cũng hỏi cà phê có pin không. Các công ty lớn như Trung Nguyên, Trường Giang thì người ta lớn, có uy tín, ít bị ảnh hưởng. Mình là cơ sở nhỏ, đi tới đâu người ta cũng hỏi. - Anh Nguyễn Khắc Hoàng</i> </i>

Tâm lý của người tiêu dùng, trường hợp này là người uống cà phê bị hoang mang, lo sợ. Đó là lẽ tất yếu. Một chủ công ty rang xay cà phê ở TP. HCM nói với báo trong nước rằng: "Giới kinh doanh cà phê hiện nay bị ảnh hưởng rất nặng trước thông tin trên. Người tiêu dùng khi mua cà phê hạt lẫn cà phê bột đều hỏi rất kỹ trong cà phê có gì. Nhiều người thậm chí còn tẩy chay cà phê vì lo lắng!"

Ngay dưới những bài báo đăng tin về vụ cà phê nhuộm pin, rất nhiều phản hồi từ người độc viết rằng: “Giờ đây mỗi lần vào quán là sợ uống phải "cà phê pin.”

Khi niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm không còn vì lý do chất lượng, thì theo qui luật kinh doanh, nhà sản xuất ra sản phẩm đó phải chịu hậu quả về thiệt hại kinh tế. Thế nhưng, vấn đề ở đây lại là một ảnh hưởng chồng chéo đến các cơ sở sản xuất đúng qui trình và chất lượng khác.

Theo lời anh Nguyễn Khắc Hoàng, để đối phó với cơn bão lòng tin của khách hàng, cơ sở Nam Phát của anh phải nghĩ ra hình thức giao hàng tốn kém hơn so với trước đây, về kinh phí lẫn thời gian.

“Trước đây là đóng gói thành phẩm sẵn rồi chở đi bán. Khi ảnh hưởng bởi cà phê pin thì mình không thể chở cà phê đóng gói đi được, phải chở tất cả là nguyên hạt, trên xe phải chở luôn máy xa, máy ép, máy đóng gói. Đi đến đâu xay đến đó người ta mới tin. Nó hơi khó khăn cho mình.”

Đó là chưa kể đến gần đây, có nhiều đơn hàng đã được gửi đi nhưng do ảnh hưởng của vụ việc cà phê pin, tất cả đều bị gửi trả lại và cơ sở phải thay thế bằng cà phê còn nguyên hạt cho khách.

Lý do thiếu kiểm soát

Một viên chức hiện đang công tác ở Ban Thanh tra, thuộc Sở Công thương, tỉnh Bến Tre cho biết có rất nhiều lý do để dẫn đến vấn nạn thực phẩm bẩn. Điều đáng nói là những cơ sở bị nêu danh tính là sản xuất thực phẩm bẩn đa phần đều đáp ứng đúng điều kiện ở “đầu vào”.

“Khi họ được việc đó rồi thì cũng có 2 trường hợp xảy ra, là họ không đạt điều kiện mà họ làm chui. Thứ 2 là thời gian đầu họ đảm bảo theo yêu cầu, nhưng trong quá trình kinh doanh vì hám lợi nên họ không đảm bảo điều kiện đó trong suốt quá trình kinh doanh, dù đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện.”

Cụ thể đối với vụ việc cà phê pin, tờ Tuổi Trẻ dẫn lời ông Lê Văn Thị, chủ tịch UBND huyện Đắk R'lấp cho biết cơ sở của bà Nguyễn Thị Loan đăng ký kinh doanh lần đầu vào ngày 19-8-2016 về ngành nghề thu mua nông sản và ban chỉ đạo an toàn thực phẩm của huyện cũng thường xuyên kiểm tra và chưa phát hiện vi phạm của cơ sở của bà.

Vấn đề chất lượng của công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm được vị viên chức trên giải thích:

"Nguyên nhân khách quan là lực lượng nó mỏng, không đủ để đi kiểm tra, rà soát đến từng ngõ ngách của các cơ sở. Rồi ngoài ra cũng có trường hợp thói quen của Việt Nam hễ có đơn thư mới làm, tức là phải có 1 cái đơn của cá nhân, tổ chức hay bất kỳ ai gửi tới."

Theo vị này, thời gian sau này, có những vụ việc chỉ cần dư luận bày tỏ bức xúc trên mạng xã hội thì cơ quan quản lý vẫn đưa ra chỉ thị cho cơ quan chức năng tập trung xử lý.

<i>Nguyên nhân khách quan là lực lượng nó mỏng, không đủ để đi kiểm tra, rà soát đến từng ngõ ngách của các cơ sở. </i> <i>Rồi ngoài ra cũng có trường hợp thói quen của Việt Nam hễ có đơn thư mới làm, tức là phải có 1 cái đơn của cá nhân, tổ chức hay bất kỳ ai gửi tới. - Viên chức Sở Công thương</i>

Do người tiêu dùng

Bên cạnh đó, một lý do khác nằm ở phía chính người tiêu dùng được vị viên chức này giải thích qua ví dụ của vụ tẩm trắng bún:

“Những nơi bị ‘đánh’ thì ban đầu họ bị phạt rất nặng. Sau đó hàng đúng chuẩn của họ, không có hoá chất thì lại không được thị hiếu của người dân. Họ nói bún đen, bẩn, nên tìm những cái trắng mà mua. Cũng do người tiêu dùng không thông thái. Cho nên gần đây mới có chuyện kêu gọi người tiêu dùng thông thái để bảo vệ mình trước.”

Vấn đề này cũng được anh Nguyễn Khắc Hoàng, chủ cơ sở cà phê sạch Nam Phát cho biết chính người mua cà phê cũng có tâm lý cho rằng cà phê phải đen thì mới ngon. Do vậy mà xảy ra vụ việc dùng hoá chất khoác áo màu cho bột cà phê.

“Do người tiêu dùng của mình đó. Nếu cà phê sạch của mình thì khi chế ra không có đen thui, đen ngòm. Hạt cà phê cũng không có màu đen hay mùi là lạ. Do người dân ở đó không biết thế nào mà đòi uống phải đen, phải đậm phải đặc. Chỉ cần cà phê sạch hay không sạch nhìn bằng mắt thường là biết. Hạt cà phê rất bình thường và thơm.”

Vụ án “Cà phê pin” chỉ là một sự việc trong rất nhiều những câu chuyện về thực phẩm bẩn được báo chí trong nước phơi bày. Cũng như dùng pin làm 1 công cụ để đẩy nhanh thời gian luộc bắp từng bị nhóm phóng viên trong nước điều tra năm 2013. Hàng loạt những cở sản xuất bún dùng chất huỳnh quang để tẩy trắng. Liên tiếp những thông tin, hình ảnh do người dân phát hiện đưa lên mạng xã hội cho thấy cây trái được tẩm hoá chất hoặc chích thuốc tăng trưởng trực tiếp cho mau chín…

Tất cả những điều đó được gọi chung bằng một câu nói, nặng như một bản án, đó là “người Việt đang giết người Việt.”