Không phải lần đầu tiên
Tại buổi tiếp xúc với các cử tri TP.HCM vào ngày 19/6, ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói ông "đồng tình với kiến nghị cử tri cần có Luật Biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về nội dung này". Đây là nội dung ban đầu trong bài viết có tựa đề "Chủ tịch nước đồng ý cần ban Luật Biểu tình" được báo Tuổi Trẻ online đang tải.
Ngay sau đó, mặc dù bài viết không lâm vào tình trạng “bị gỡ bài” như những trường hợp đã từng, nhưng lời phát ngôn của vị Chủ tịch nước đã biến mất.
Việc những phát ngôn của lãnh đạo cấp cao ở đẳng cấp như Chủ tịch nước bị “biến dạng” hoặc “làm cho mất dạng” không phải chưa từng xảy ra trong lịch sử báo chí chính trường Việt Nam.
Một sự việc liên quan đến nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được nhà báo Nguyễn An Dân nhắc lại:
"Đó là phát ngôn trong buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập lực lượng Công an Nhân dân. Ông Dũng phát biểu nguyên văn là không có vấn đề chống thế lực thù địch, ổng chỉ nói về vấn đề an ninh quốc gia, rồi bảo vệ độc lập chủ quyền. Sau đó báo chí đưa tin là ổng có phát biểu là phải chống, đề phòng các thế lực thù địch gì đó. Sau đó Văn phòng chính phủ phải ra 1 thông báo, không phải là đính chính mà là thông báo rõ lại lời phát ngôn của Thủ tướng."
Theo nhà báo Nguyễn An Dân, sự việc này xảy ra vào năm 2015 hoặc 2016 và không gây ồn ào trong dư luận vì lý do lúc đó, người dân chưa quan tâm đến vấn đề chuyển hoá trong nội Đảng nhiều như lúc này.
<i>Nhớ lại hồi xưa ông cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt có bài viết về việc đổi mới thể chế gởi cho các báo, nhưng không có báo nào dám đăng vì có lệnh của trưởng ban tuyên huấn Nguyễn Khoa Điềm không được đăng. Điềm là đàn em rất xa của ông Kiệt, nên ông Kiệt đã điện mắng cho Điềm một trận ra trò. Điềm cúi đầu chịu trận dù biết lệnh ấy không phải từ Điềm mà từ cấp trên của Điềm và cấp nào đó trên nữa. - Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh</i>
Xa hơn nữa là một sự việc được nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, cựu Thư ký toà soạn báo Thanh Niên kể lại trên trang cá nhân của ông như sau:
"Nhớ lại hồi xưa ông cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt có bài viết về việc đổi mới thể chế gởi cho các báo, nhưng không có báo nào dám đăng vì có lệnh của trưởng ban tuyên huấn Nguyễn Khoa Điềm không được đăng. Điềm là đàn em rất xa của ông Kiệt, nên ông Kiệt đã điện mắng cho Điềm một trận ra trò. Điềm cúi đầu chịu trận dù biết lệnh ấy không phải từ Điềm mà từ cấp trên của Điềm và cấp nào đó trên nữa." (Facebook Huỳnh Ngọc Chênh).
Nội chiến hay khác biệt đường lối?
Nhận định về sự việc này là những tranh luận và ý kiến khác nhau từ nhiều phía. Bài viết của tác giả ký tên Thiền Lâm trên tờ Calitoday có cách trả lời cho câu hỏi "Vì sao phát ngôn về Luật Biểu tình của ông Trần Đại Quang lại bị thẳng tay cắt xén?". Theo tác giả này, ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang khi còn là Bộ trưởng Công an chính là người được giao soạn thảo Luật Biểu tình. Nhưng thời điểm đó, cũng chính Bộ Công an rất nhiều lần trì hoãn một dự luật vốn là món nợ mà chính phủ đã hứa với người dân từ năm 1992.
Nhà báo Nguyễn An Dân cho biết chi thêm chi tiết về lịch sử trì hoãn của dự Luật Biểu tình:
“Cái vụ làm Luật Biểu tình này là Quốc hội đã nói từ năm 2012. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói từ năm 2011 khi ông trúng cử nhiệm kỳ thứ 2. Vậy là kéo dài 7 năm nay rồi. Nhưng chỉ có lần này bị tháo.”
Thế nhưng lần này, chính ông Trần Đại Quang trên cương vị Chủ tịch nước đã nói trước các cử tri: Sẽ báo cáo Quốc hội về nội dung này.
Và để trả lời cho câu hỏi vì sao phát ngôn đó “biến mất”, tác giả Thiền Lâm cho rằng đó là liên quan đến cuộc tổng biểu tình ngày 10 tháng 6 vừa qua: “Cũng còn một mẩu chuyện bí ẩn khác cần tham khảo: sau cuộc tổng biểu tình ngày 10 tháng Sáu và đặc biệt là cuộc biểu tình thành công ở Sài Gòn, một số ý kiến cho rằng cuộc biểu tình này có thể được ngấm ngầm hậu thuẫn bởi một thế lực chính trị nào đó trong nội bộ đảng cầm quyền.”
Một ý kiến khác của nhà báo Nguyễn An Dân về câu chuyện phát ngôn bị đánh tráo của ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang là, theo ông, vấn đề quan trọng không phải ai là người nói, Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước đây hay Chủ tịch nước hiện tại Trần Đại Quang. Nguyên nhân sâu xa chính là cái gọi là “thời điểm nhạy cảm”.
“Đang thời điểm là có những cuộc biểu tình xảy ra trên khắp cả nước. Đang cái thời điểm nhạy cảm. Thời điểm này qua rồi thì tôi nghĩ người ta không đến nổi cắt xén lời nói của lãnh đạo đâu mặc dù khác biệt đường lối với nhau.”
<i> <i>Đang thời điểm là có những cuộc biểu tình xảy ra trên khắp cả nước. Đang cái thời điểm nhạy cảm. Thời điểm này qua rồi thì tôi nghĩ người ta không đến nổi cắt xén lời nói của lãnh đạo đâu mặc dù khác biệt đường lối với nhau. - Nhà báo Nguyễn An Dân</i> </i>
Do đó, nhà báo Nguyễn An Dân phủ nhận quan điểm cho rằng đây là dấu hiệu của cuộc chiến nội bộ. Ông đưa ra phản biện trên lập luận đánh giá về đường lối và chủ trương của Đảng Cộng sản.
“Chỉ nên nhận định dừng lại ở mức là nó có khác biệt về đường lối, chứ dùng chữ xung đột hay nội chiến thì không nên với những người trong nước. Và đường lối giữa các lãnh đạo Đảng cũng có sự khác biệt.
Khác biệt này có đưa đến mâu thuẫn hay không thì nó phải nằm ở vấn đề là các thế lực nước ngoài ảnh hưởng đến nội bộ Đảng như thế nào.”
Một câu trả lời khác cho hiện tượng “biến mất” lời phát ngôn của Chủ tịch nước Trần Đại Quang được Tiến sĩ khoa học Vũ Thế Long, người từng phụ trách Tạp chí khảo cổ học, chia sẻ khá thú vị.
“Về mặt thông tin thì cái tin ấy ông Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam nói ở 1 nơi nào ấy là tin chính thống. Nhà nước này mà có tiếng nói là câu ấy không đúng, chúng tôi thay lại thì đấy mới gọi là rút xuống. Còn bây giờ ghi tiếp hay không ghi tiếp thì kệ họ, tôi vẫn cho đấy là một công bố công khai.
Tôi không bao giờ công nhận là bị rút xuống. Ai bảo rút xuống? Không tìm thấy chứ không phải rút xuống. Trừ khi công bố câu ấy là sai.”
<i> <i>Tôi không bao giờ công nhận là bị rút xuống. Ai bảo rút xuống? Không tìm thấy chứ không phải rút xuống. Trừ khi công bố câu ấy là sai. - TS Vũ Thế Long</i> </i>
Theo ông Vũ Thế Long, ông vẫn xem đó là một công bố chính thức của ông Chủ tịch nước, chỉ khi nào truyền thông nhà nước hoặc ông Trần Đại Quang đính chính lời nói đó là sai.
“Nó chỉ là tần suất của phát ngôn thôi. Theo tôi, mọi thứ đã đưa lên mà không phải là tin giả thì đó là tin chính thức.”
Tình trạng kiểm duyệt hay nói cách khác, vấn đề tự do báo chí ở Việt Nam là một đề tài được quan tâm và bàn luận rất nhiều, không chỉ trong nước và cả tổ chức thế giới. Năm 2017, tổ chức Freedom House công bố phúc trình thường niên cho thấy Việt Nam đứng thứ 177 trong tổng số 198 quốc gia trên toàn cầu về tự do báo chí. Riêng trong khu vực 40 nước Châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam chỉ hơn 3 quốc gia là Lào, Trung Quốc và Bắc Hàn.