Trường Văn, phóng viên đài RFA
Trong dự thảo Báo Cáo Chính trị đưa lên Đại hội 10 của Đảng Cộng Sản Việt Nam có ghi rõ nhiệm vụ là “xây dựng cơ chế vận hành của nhà nước pháp quyền”. Vậy nhà nước pháp quyền là gì? Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, trong một bài báo phổ biến trên Tuổi Trẻ online có nêu ý kiến cơ chế vận hành nhà nước pháp quyền chính là chế độ pháp trị.
Xin mời quý vị thính giả theo dõi bài tổng hợp về chế độ pháp trị xuyên qua ý kiến của 2 luật sư tại thành phố Hồ Chí Minh do Trường văn thực hiện.
Theo ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, thì pháp trị là một trật tự pháp lý độc lập với chính trị, tôn giáo.
Pháp trị bao gồm 3 ý nghĩa cơ bản: Thứ nhất pháp trị là công cụ để điều chỉnh nhà nước, điều chỉnh quyền lực. Thứ hai, pháp trị có nghĩa là tất cả mọi chủ thể đều bình đẳng trước pháp luật và thứ ba pháp trị có nghĩa là bảo đảm công lý về thủ tục và hình thức.
Tóm lược một cách dễ hiểu hơn, một chế độ pháp trị là một chế độ trong đó tinh thần thượng tôn pháp luật được mọi người tôn trọng, không kể là dân thường hay những người có chức, có quyền, những người được trao nhiệm vụ qủan lý nhà nước.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm thuộc Luật sư Đoàn thành phố Hồ Chí Minh có ý kiến về chế độ pháp trị như sau: "Phải dùng pháp luật làm công cụ quản lý. Pháp luật phải minh bạch rõ ràng."
Bạn nghĩ gì về việc này? Xin email về Vietweb@rfa.org
Bổ túc thêm ý kiến của Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết: "Nhà nước pháp quyền là một nhà nước bất vị thân."
Để thực hiện một chế độ pháp quyền, Luật sư Nghiêm cho rằng các cán bộ công chức phải được học về luật. "Học về luật trước khi học nghị quyết."
Trong khi đó Luật sư Hậu có ý kiến là phải mang tinh thần thượng tôn luật pháp dạy cho các học sinh kể từ lúc mới bước chân vào trường "Phải dạy công dân pháp luật từ nhỏ và dạy một cách sinh động."
Tuy nhiên vấn đề đặt ra là các nhà lãnh đạo Việt Nam có quyết tâm thực hiện một nhà nước pháp quyền hay không.