Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA
Hà Nội Mới trang điện tử vừa phổ biến chuyện “1001 kiểu học chui” và cho đó là kiểu cách thường ngày xảy ra tại các trường đại học hay trung tâm ngoại ngữ, tin học, m ở Hà Nội, Saigon, cũng như các thành phố lớn có đông sinh viên lui tới.
Theo Hà Nội Mới thì vì nghèo nên trong giới sinh viên eo hẹp tài chánh mới nảy sinh nhiều kế để học chui, như vờ đi đến muộn, ngồi ngoài hội trường, giả lần đầu học thử, xin thầy cô cho mình khất một ngày quên mang thẻ.
Nếu mua thẻ học sẽ tốn 150 ngàn đồng, một tháng cho một người, nhưng thường thì sinh viên nghèo học buổi nào, đóng tiền buổi đó với giá 10,000 đồng, hôm nào hết tiền, đành phải học chui.
Có nhiều hôm, cả lớp, đến một phần ba số sinh viên xin thầy vui lòng cho học nghèo. Nhiều thầy thương và quý mến trò thì chẵng mấy khi bắt bẻ những trò nghèo mà hiếu học. Có khi, các thầy, thuở còn đi học là con nhà nghèo, nên thấu hiểu và cảm thông với chuyện “học chui”.
Đối với các sinh viên khác, việc học chui trở thành một cách tiết kiệm khá hữu hiệu. Thông thường , giải pháp được nhiều người làm theo là đến muộn, tránh việc bị các thầy, cô bắt gặp.
Tại nhiều trường đại học, lúc nào lớp cũng chật cứng người, đến chậm thì ngồi nghe ngóng ngoài hàng lang . Đây cũng là một cách giúp “học chui” vì các thầy chỉ kiểm tra các bạn ngồi những hàng ghế đầu trong giảng đường, chứ làm gì có giờ để hỏi xem thẻ các sinh viên ngồi bên ngoài.
Đó là cách “học chui” ở những trường lớp có đông sinh viên tập trung, còn những trường hợp lớp chỉ có vài chục người thì sao? Các sinh viên chuyên học chui giải thích với thầy rằng, hôm nay là ngày đầu tiên mình đến lớp, vì muốn học thử nên chưa mua thẻ. Rồi qua hôm sau, nếu giám thị đi kiểm soát thẻ là một người khác thì vẫn lập lại như cũ, còn nếu cùng người hôm trước hỏi thẻ, thì tốt hơn là tránh sang lớp khác.
Anh Thu, một sinh viên trường đại học quốc gia Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm của anh với phóng viên RFA.
Theo Hà Nội Mới thì có nhiều sinh viên sau gần 2 tháng học chui mà chỉ mất vài chục ngàn đồng, nhờ chiêu bài “ em học thử ở đây xem sao” hoặc mượn thẻ của bạn khác chuyền cho.
Ngoài ra còn có những mánh khóe khác bị phanh phui, đó là việc sửa lại ngày hết hạn trên thẻ học của trung tâm hay trường đại học, ví dụ số 3 có thể vẻ lại tháng 8 và số 6 cũng có thể biến thành số 8 dễ dàng.
Không phải chuyện học chui lúc nào cũng êm thắm, trót lọt, nhiều trường hợp bị phát hiện, trục suất khỏi lớp tức khắc.
Ông Khoa, một phụ huynh có các con đang theo bậc đại học hiểu rõ vì sao sinh viên phải học chui, chẵng qua là vì không đủ khả năng tài chánh nên đành chọn kế này hầu rèn luyện, trao dồi kiến thức được tới đâu hay đến đó.
Vẫn theo các báo thì vì nhu cầu phấn đấu của bản thân nên nhiều sinh viên rất kiên trì với chuyện học chui, tuy nhiên cung có nhiều người, nhất là nữ giới, luôn lo lắng, sợ sệt.
Các cô nói rằng, mỗi lần giám thị đi kiểm tra bước vào lớp mình thì tim như muốn nhảy ra khỏi lòng ngực, thà mất tiền mua thẻ chứ không có gan bằng các bạn nam cùng lớp, vì một khi bị phát hiện thì ái ngại lắm, cho chính mình mà còn ảnh hưởng đến cha mẹ nửa.
Hy vọng rằng, bài viết này đến tai các quan chức giáo dục, hầu có phương cách giúp đỡ thiết thực sinh viên nghèo, thiếu tiền nhưng không thiếu năng lực, thiện chí học hỏi.