Giới lãnh đạo mới và khả năng để lèo lái đất nước (phần 2)

Việt Long, phóng viên đài RFA

Trong một buổi phát thanh trước nhà phân tích chính trị quốc nội Hoàng Thanh Phong đã nêu ý kiến về Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhân vật lãnh đạo mới tại Việt Nam, nổi bật trong dư luận quốc tế. Hôm nay ông Phong tiếp tục trao đổi ý kiến với Việt Long về những khuôn mặt mới trong chính phủ Việt Nam.

DungTrongTriet200.jpg
Từ trái sang phải: Ông Nguyễn Tấn Dũng, tân Thủ tướng chính phủ, ông Nguyễn Phú Trọng, và ông Nguyễn Minh Triết, hôm 27-6-2006. AFP PHOTO

Việt Long: Ông vui lòng cho biết nhận định về một số nhân vật mới- hoặc vừa mới được nắm giữ chức vụ quan trọng - như các ông Phạm Gia Khiêm Bộ trưởng ngoại giao, Phùng Quang Thanh Bộ trưởng quốc phòng, Lê Hồng Anh Bộ trưởng công an, Lê Doãn Hợp Bộ trưởng văn hoá thông tin, Nguyễn Thiện Nhân Bộ trưởng giáo dục đào tạo. Và các phó Thủ tướng Sinh Hùng, Vĩnh Trọng, Gia Khiêm.

Hoàng Thanh Phong: Nhìn chung, thì chính phủ mới ở Việt Nam có các thành phần có quyền lực và học vấn cao hơn trong các chính phủ trước đây. Trước tiên, là cả ba ông phó thủ tướng đều là uỷ viên bộ chính trị, đây là điều không có trong chính phủ của ông Khải.

Việc đưa các nhân vật có quyền lực cao vào bộ máy điều hành trực tiếp là vì ban lãnh đạo mới muốn cải thiện vị thế của đảng, sau nhiều năm họ đã đặt ra các vị trí lãnh đạo cao trong đảng nhưng nhiều người đó đã thiếu khả năng hoạt động thực tiễn, hay nói cách khác là duy trì một mô hình quan liêu trong bộ máy chính trị.

Thêm nữa, có thể họ cũng muốn chú trọng đến nâng cao hiệu quả của cải cách hành chính, vượt qua tình trạng cán bộ chính phủ thiếu quyền lực trong thực thi nhiệm vụ, như dân ta nói nôm na là khắc phục bệnh “trên bảo dưới không nghe”.

Tuy nhiên, việc thành lập một chính phủ mới trong khi phải cố gắng vượt qua “cái bóng” hay các yếu điểm của chính quyền trước đây không phải là việc dễ dàng. Thí dụ, đưa ông Phạm Gia Khiêm giữ chức bộ trưởng ngoại giao, trong khi ông ta không thông thạo tiếng Anh đang là một quyết định không thoả đáng, gây thất vọng cho nhiều cán bộ có kinh nghiệm của ngành ngoại giao Việt Nam.

Việc đưa các nhân vật có quyền lực cao vào bộ máy điều hành trực tiếp là vì ban lãnh đạo mới muốn cải thiện vị thế của đảng, sau nhiều năm họ đã đặt ra các vị trí lãnh đạo cao trong đảng nhưng nhiều người đó đã thiếu khả năng hoạt động thực tiễn, hay nói cách khác là duy trì một mô hình quan liêu trong bộ máy chính trị.

Hay việc đưa ông Lê Doãn Hợp, trước là bí thư đảng của tỉnh Nghệ An và mới đây là phó ban Tư Tưởng văn hoá trung ương lên làm bộ trưởng văn hoá cũng không thật sự thích hợp, vì một nước Việt Nam của thời đại toàn cầu hoá cần một người phụ trách văn hoá có tầm hiểu biết toàn diện về văn hoá của đất nước và cả thế giới bên ngoài, chứ không chỉ đơn thuần là người chỉ biết nhấn mạnh đến bảo tồn các di sản tự nhiên như mấy cái hang đá hay vài điệu hát xẩm hay làm đồ chơi tò he.

Việt Long: Phó Thủ Tướng Nguyễn Sinh Hùng được nhận xét ra sao?

Hoàng Thanh Phong: Ông Nguyễn Sinh Hùng, là một người cháu họ rất gần của ông Hồ Chí Minh, vốn được tín nhiệm bởi các cấp lãnh đạo cao nhất của chế độ, nay lên phó thủ tướng phụ trách kinh tế vì trên thực tế ông ta đã nhiều năm nay giám sát hoạt động chi tiêu của cả nước, và ông Trương Vĩnh Trọng, nay phụ trách chống tham nhũng vì cũng đã nhiều năm nay ông ta nắm công tác an ninh, có quyền theo dõi đời tư và tài sản cá nhân của các cán bộ đảng.

Việt Long: Mời ông nói tiếp về các Bộ Trưởng mới được chuẩn thuận?

Hoàng Thanh Phong: Bổ nhiệm ông Phùng Quang Thanh lên vị trí Bộ trưởng quốc phòng nhằm mục tiêu đoàn kết vì ông Thanh được coi là thân với tướng Giáp, và là người có quan điểm khác biệt với cựu bộ trưởng Phạm Văn Trà.

Người nắm vị trí trung tâm về an ninh của nhà nước sẽ là ông Lê Hồng Anh. Hiện có ý kiến là Việt Nam cần xây dựng một lực lượng an ninh thống nhất, tức là cần kết hợp các lực lượng an ninh và tình báo của cả công an và quân đội lại dưới quyền bộ An Ninh.

Tuy nhiên việc này đang gặp phải sự phản đối của một số cựu lãnh đạo vì họ cho rằng một sự kết hợp như vậy là đi ngược với các nguyên tắc truyền thống về an ninh và sẽ là rất khó quản lý rủi ro. Hiện cũng có nhiều cán bộ an ninh cho rằng ông Lê Hồng Anh không có đủ năng lực và kinh nghiệm để giữ chức bộ trưởng.

Việc bổ nhiệm ông Nguyễn Thiện Nhân vào vị trí bộ trưởng giáo dục được coi là một quyết định khá thích hợp – thích hợp một cách hiếm hoi – vì có nhiều người cùng chia sẻ quan điểm là ông Nhân, một người sinh ra trong một gia đình trí thức, cũng đã được du học ở Hoa Kỳ, và đã từng phụ trách mảng khoa học công nghệ của thành phố Hồ chí Minh trong những năm gần đây, có thể giúp mang lại các cải cách cần thiết cho nền giáo dục nước nhà, mà hiện đang trong khủng hoảng trầm trọng.

Ban lãnh đạo mới sẽ gặp nhiều thách đố, mà một trong số đó là họ phải xây dựng được một bộ máy tham mưu mới, bao gồm gần hai mươi vị trí bộ trưởng mới cho chính phủ từ nay đến kỳ họp quốc hội sang năm. Việc xắp đặt nhân sự cho các vị trí còn lại này sẽ rất quan trọng, vì có nhiều lĩnh vực như y tế, môi trưòng, xây dựng đang cần sự chú ý đặc biệt và đòi hỏi những người vừa có khả năng vừa có tâm huyết với nhiệm vụ họ được giao.

Ban lãnh đạo mới sẽ gặp nhiều thách đố, mà một trong số đó là họ phải xây dựng được một bộ máy tham mưu mới, bao gồm gần hai mươi vị trí bộ trưởng mới cho chính phủ từ nay đến kỳ họp quốc hội sang năm. Việc xắp đặt nhân sự cho các vị trí còn lại này sẽ rất quan trọng, vì có nhiều lĩnh vực như y tế, môi trưòng, xây dựng đang cần sự chú ý đặc biệt và đòi hỏi những người vừa có khả năng vừa có tâm huyết với nhiệm vụ họ được giao.

Hiện công chúng có lo ngại là với sự xuất hiện của ông Hồ Đức Việt trong vị trí trưởng ban tổ chức trung ương, thì có thể sẽ có nhiều người Nghệ An được bổ nhiệm. Ông Việt là cháu nội của ông Hồ Tùng Mậu, một người quê Nghệ An và hoạt động chính trị cùng thời với ông Hồ.

Việt Long: Qua thành phần chính phủ mới có thể dự đoán hướng đi trong tương lai của chính quyền Việt Nam về ngoại giao, kinh tế và nội trị như thế nào?

Hoàng Thanh Phong:Thưa ông, ban lãnh đạo mới đã bắt đầu công việc được ít ngày, và trên thực tế thì họ cũng đang tiêp tục một phần các công việc họ đã chịu trách nhiệm trước đây. Do đó nếu nhìn một cách toàn diện thì các hành vi của họ vẫn còn đơn lẻ, chưa thể nói được là cuối cùng thì chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ hoạt động hiệu quả như thế nào.

Việc cải tổ bộ máy chính trị hiện hành không phải là công việc đơn giản. Tôi có thể nói ngắn gọn là về ngoại giao, vì Việt Nam bị ràng buộc bởi vị trí địa lý và quan hệ lịch sử, trong tương lai chính quyền Việt Nam chắc chắn vẫn sẽ duy trì quan hệ cân bằng giữa Trung quốc và Hoa kỳ. Việt Nam muốn các quan hệ đươc đẩy lên chỉ đơn thuần vì lợi ích phát triển kinh tế.

Về đối nội, với mức tăng dân số khoảng 1.3 triệu người một năm, những thách đố về cải thiện môi trường sống ở Việt Nam cũng đang tăng nhanh. Tuy nhiên vì chính quyền Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì cơ chế đảng lãnh đạo, thiếu dân chủ, nên đất nước sẽ vẫn bị kìm hãm dưới các chính sách quản trị sai lầm.

Trong cuộc họp chính phủ hôm thứ sáu vừa qua, ông Nguyễn Tấn Dũng đã kêu gọi phải giải phóng được các tiềm năng của đất nước cho mục tiêu phát triển. Tôi không rõ là ngôn từ “giải phóng tiềm năng” đó của ông có bao hàm ý niệm dỡ bỏ các rào cản về chính trị tư tưởng cho 84 triệu người Việt Nam của chúng ta hay không.

Việt Long: Xin cảm ơn ông Hoàng Thanh Phong.

Theo dòng câu chuyện:

- Giới lãnh đạo mới và khả năng để lèo lái đất nước (phần 1)