Trịnh Thanh Tùng, người phụ nữ sống sót trong cuộc vượt biển kinh hoàng

0:00 / 0:00

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, chỉ một thời gian ngắn, làn sóng người Việt bỏ nước ra đi bằng thuyền càng ngày càng tăng. Mặc cho bao hiểm nguy đang chờ đón họ. Không ai có thể thống kê được đã có nhiêu người đã bỏ thây trên biển cả và bao nhiêu con thuyền đã chìm dưới lòng đại dương mênh mông.

BolinaoTrinhThanhTung200.jpg
Chị Trịnh Thanh Tùng và gia đình ân nhân ở Bolinao. Photo courtesy bolinao52.com

Đó là chưa kể những người bị hải tặc bắt đi mất tích. Những câu chuyện thương tâm, những bi kịch trên các chuyến vượt biển rất ít khi được kể lại. Phần lớn, đều muốn quên đi quá khứ để bắt đầu cuộc sống mới. Thế nhưng, vết thương lòng của họ thật khó phai mờ. Có những người vẫn còn bị ám ảnh hay sống trong nỗi dằn vặt bởi chuyến vượt biển hãi hùng.

Trang Phụ Nữ kỳ này xin gửi tới quí vị câu chuyện của chị Trịnh Thanh Tùng, người phụ nữ sống sót trong vụ án Bolinao 52 vào năm 1988, khi thuyền vượt biên của chị bị một chiến hạm Mỹ từ chối không vớt, gây nên thảm cảnh vô cùng khủng khiếp.

Cũng là một phụ nữ rất bình thường như bao nhiêu người khác, chị Trịnh Thanh Tùng sinh năm 1956, cha và anh là sĩ quan cao cấp, phục vụ trong trong quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Thế rồi, biến cố 30-4, cha và anh ruột đều đi tù cải tạo, nhà cửa bị tịch thu, chị kể lại:

“Sau 75 thì mấy ông Cộng Sản vô không cho đi học nữa, phải đi buôn bán, phụ mẹ. Ba thì đi ở tù, anh cả cũng ở tù tới 14 năm…mấy mẹ con ở nhà khổ lắm…bị lấy nhà …họ đuổi ra, không cho ở nhà của mình (khóc)…sau đó phải đi bán buôn, đi làm ruộng..rồi ba tui đi ở tù về thì má tui mất. Anh cả thì vẫn ở tù, tháng tháng phải xách đồ đi thăm nuôi…nhắc tới khổ lắm!”

Chuyến vượt biển định mệnh

Vào ngày 22 tháng 5 năm 1988, sau khi ly dị một thời gian, chị quyết định dắt con trai chưa đầy 5 tuổi xuống thuyền vượt biên cùng với người anh trai, chị kể tiếp:

Xem video clip trailer phim của Bolinao 52

“Lúc đó tui ly dị và dẫn đưá con đi theo, anh trai tui mới ở tù ra cũng đi theo luôn và anh dẫn theo thêm một đưá con của ảnh… Đi cực lắm, đi rồi lại về, năm lần bảy lượt mới được… mà rốt cuộc cũng bị gì đâu…

4 người đi ngõ Bến Tre, chờ cho đến khi lên tàu lớn…khi đi rất ngon lành, tàu chạy nguyên một đêm, ban ngày ra chạy khoảng nửa ngày thì máy tắt, ông tài công sưả…lúc đó ai cũng còn “sặc sừ”, sau đó máy chạy lại, được một chút thì mưa to gió lớn quá…

Ông tài công nói tắt máy vì sợ sóng lớn đánh tàu bị lật, sau khi hết mưa thì cho máy chạy lại thì máy không còn nổ nữa, lúc đó là khoảng 4, 5 giờ chiều, sửa hoài cũng không nổ, vì thế ông tài công nói là không đi được thì thôi để máy trôi vô bờ, lúc đó tụi này thấy núi xa xa…thì mình nghĩ cũng đúng, và ổng còn nói là ai có giấy tờ gì thì xé đi, đồ ăn uống gì thì ăn cho hết đi, rồi lên bờ thì mạnh ai nấy chạy.

Nghe ông ta nói như vậy thì ai cũng ăn, sau đó mọi người đều ngủ. Sáng ra, tui thấy biển xanh như mực, nó không trôi vào mà trôi ra, lúc đó ông tài công sửa máy nhưng nó không chạy và từ đó trôi luôn…”

Theo lời chị cho biết, chiếc ghe cứ trôi trên biển như thế và nhìn thấy rất nhiều tàu qua nhưng không chiếc nào dừng lại…Giữa biển cả mênh mông, chỉ có trời và nước, mọi người đều bắt đầu kiệt sức…chị nói tiếp:

“Không có ai ngừng lại để vớt mình hết, duy nhất ngừng lại là chiếc tàu Mỹ, không có chiếc tàu nào dừng lại hết, toàn là đi ngang qua thôi, gặp nhiều lắm…Ngày thứ 10, gặp tàu Nhật thì có mấy người trên tàu nhảy xuống, đến ngày 19 thì gặp tàu Mỹ ngừng lại cho đồ ăn…

Ngày thứ tư là tui hết đồ ăn rồi, chỉ còn gói bột cam và ống sữa. Khi biết chiếc tàu bị trôi thì gia đình chủ tàu đã dành đồ ăn cho riêng họ, nước cũng vậy, khát nước thì họ chỉ phát cho chút xíú, rốt cuộc cũng hết nước.”

Chuyến đi hãi hùng

Thế rồi, trên chiếc ghe nhỏ với 110 người ấy, ngoài những người đã hoảng loạn nhảy xuống biển, thì bắt đầu có người chết:

BolinaoTrinhThanhTung200b.jpg
Chị Trịnh Thanh Tùng trong chuyến trở về lại Bolinao. Photo courtesy Bolinao52.com

“Người nào chết thì thẩy xuống biển, chết trước nhất là con bé nhỏ 3 tuổi, ngồi kế tui vì nó khóc nhiều quá, nó đòi ăn, đòi uống hoài, nó là đưá chết đầu tiên…Khi gặp tàu Mỹ, ở trên chiếc tàu đó có người Việt Nam, ông ta tên Nghiêm hay Nghiệm gì đó vì tui thấy bảng tên của ông ta, ông ta là lính trên chiếm hạm đó.

Ông Việt Nam đó nói là chiếc tàu của ông ta đang trên đường đi công tác ở vùng Vịnh, không thể giúp tụi tui được, chỉ cung cấp thức ăn trong vòng hai ngày, sau đó, sẽ được đưa vào Nam Dương hay Phi Luật Tân…

Họ cung cấp thức ăn trong hai ngày mà trong khi đó, mình đói 19 ngày rồi, mà chiếc ghe phải có người tát nước, ngày nào nước cũng vô mà không ai chịu tát hết, thành ra, ai tát nước thì mới được phát đồ ăn, đồ ăn có trong hai ngày, ngày thứ ba thì cũng chờ…rốt cuộc không thấy gì hết và không còn đồ ăn nữa.”

Được biết, vì để sống còn, giữa biển cả mênh mông, không nước, không lương thực, chị đã phải uống nước tiểu của con trai mình và chấp nhận ăn thịt đồng loại để giữ mạng sống cho mình và con trai. Chị kể:

“Có người nói là khi nào tôi chết thì lấy thịt tôi làm thức ăn để cho mọi người sống sót còn tới bến bờ chứ nếu không thì không ai biết như thế nào…Nghe nói vậy thì mình không biết ai nói câu nói và ai đã làm chuyện đó…

Ai cũng phải tát nước hết, thành ra, ngoại trừ con nít thôi, ai cũng phải tát hết, cho nên tui quả quyết rằng 52 người còn sống sót người nào cũng phải ăn hết, anh Minh đưa cho tui hai phần vì tui có con nhỏ, nhưng tui cũng phải tát nước.. có những người không chịu làm thì anh ta đánh người ta…

Sáng ra, anh kêu dậy tát nước mà chưa kịp dậy là anh ta múc nước biển đổ lên người mình. Mỗi một đêm, sáng ra là nước ngập nửa ghe rồi.”

Công khai câu chuyện

Ai cũng phải tát nước hết, thành ra, ngoại trừ con nít thôi, ai cũng phải tát hết, cho nên tui quả quyết rằng 52 người còn sống sót người nào cũng phải ăn hết, anh Minh đưa cho tui hai phần vì tui có con nhỏ, nhưng tui cũng phải tát nước.. có những người không chịu làm thì anh ta đánh người ta…

Cuối cùng, đến ngày thứ 37, như một phép mầu, một chiếc tàu đánh cá Phi đi qua đã vớt những thuyền nhân khốn khổ này và đưa vào đảo Bolinao, sau đó, họ được chuyển tới trại tạm cư Palawan và câu chuyện của họ được khám phá.

Vị hạm trưởng chiến hạm Mỹ bị đưa ra toà án quân sự, và những thuyền nhân sống sót lần lượt đi định cư, trong số đó có chị Trịnh Thanh Tùng. Đến Mỹ năm 1991, sau một thời gian ổn định cuộc sống, chị trở thành cô thợ cắt tóc bình thường như bao phụ nữ khác, chỉ biết cố gắng nuôi dậy đưá con trai sao cho nên người.

Những tưởng cuộc sống sẽ bình lặng nhưng không đơn giản như thế, vì mỗi khi đêm xuống, trong một thoáng nào đó, sâu thẳm trong trái tim chị, hình ảnh những người đồng hành trên chiếc ghe năm xưa vẫn còn ám ảnh: "Tui nhớ mãi có một chị đó ngồi ngoài sau chiếc ghe, và ngoài đó thì nắng quá, chị đó người Hoa, không nói tiếng Việt, chị ngồi đó mà chết luôn, người chị khô và đen, y như là bức tượng chứ không phải là người, mắt mũi miệng của cổ sùi bọt trắng bóc, giống như bọt kem đánh răng vậy.

Tui nhớ nhất là chị Năm, nằm cạnh tui, chị cứ nói là: “lạnh quá, Tùng ơi, ôm chị đi.” Tui đưa áo mưa của tui cho chị ấy luôn và ôm chị, sáng ra thì chị ấy chết…”

Cho đến một ngày, một người bạn của chị nói với chị rằng, có đạo diễn Nguyễn Hữu Đức nhắn tin trên Đài phát thanh địa phương đang đi tìm những nhân chứng trong vụ án Bolinao 52 năm xưa.

Suy nghĩ mãi, cuối cùng, chị đồng ý cho gặp mặt và cũng từ đó, câu chuyện về chuyến vượt biển kinh hoàng mới được chị công khai cho mọi người và nhất là cậu con trai nay đã trưởng thành. Và, điều quan trọng hơn cả, tâm nguyện của chị là:

“ Tui muốn đi về Bolinao để cảm ơn họ, mặc dù sống ở đó có 7 ngày nhưng tui ráng nhớ chỗ đó để khi có dịp trở lại, vì theo tui, đó là nơi tui được sanh ra lần thứ nhì, ước nguyện của tui là được trở về thăm lại chỗ đó.

Trước khi tui đi Bolinao, tui cảm thấy mình chưa làm xong điều gì hết, tui muốn trở về để thăm và ra ngoài biển, vái những người bạn của tui cũng như vái những người đã giúp cho tui sống.”

Với một tâm hồn bình dị, đơn sơ và đầy lòng vị tha, khi chị gặp lại một trong những người thuỷ thủ trên chiến hạm Mỹ năm xưa đã ngoảnh mặt làm ngơ, để gây ra thảm cảnh đau lòng, chị chỉ hỏi ông ta rằng:

“Tôi đã hỏi ông ta tại sao không giúp, thì ông ta nói rằng ông chỉ thừa hành lệnh thôi, tất cả những người trên chiếc tàu đều giống như ông ta thôi, đều cảm thấy có tội khi bỏ chiếc ghe mà đi…Chính ông bác sĩ trên tàu của họ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng giường để đón qua, nhưng họ rất sững sờ khi thuyền trưởng ra lệnh đi, vì họ biết chiếc ghe này sẽ chết..”

Can đảm thì cũng không phải là can đảm gì vì gặp hoàn cảnh như vậy thì mình phải làm như vậy thôi…Khi tui ở trên ghe, không bao giờ tui nghĩ tui sẽ chết, tui được như vậy là Trời Phật thương mình lắm rồi, mình không cần phải giàu, không cần phải đi xe đẹp, không cần phải mặc quần áo sang…cuộc sống bình lặng như vầy là được rồi.

Trở lại Bolinao

Giờ đây, sau khi đã về lại Bolinao, nơi chị được cưu mang chỉ có 7 ngày, gặp lại ân nhân đã cứu mạng, cùng ra biển thắp nhang cho 58 người thiệt mạng, lòng chị cảm thấy nhẹ nhàng và thanh thản:

“Sau khi trở về, tui cảm thấy sống bình yên hơn…Tui chỉ ước mơ cho con tui thành tài, mình qua đây đâu phải cho mình đâu, mà để lo cho con mình. Nghĩ về quãng đời qua của mình, tui nghĩ con người ai cũng có số, mình muốn cũng không được, cuộc đời nó đưa đẩy thì mình phải chấp nhận như vậy…

Can đảm thì cũng không phải là can đảm gì vì gặp hoàn cảnh như vậy thì mình phải làm như vậy thôi…Khi tui ở trên ghe, không bao giờ tui nghĩ tui sẽ chết, tui được như vậy là Trời Phật thương mình lắm rồi, mình không cần phải giàu, không cần phải đi xe đẹp, không cần phải mặc quần áo sang…cuộc sống bình lặng như vầy là được rồi.”

Riêng với cậu con trai vượt biên với chị chưa đầy 5 tuổi năm xưa, nay đã là lính thuỷ quân lục chiến trong quân đội Hoa Kỳ, thì cho đến bây giờ anh mới được nghe mẹ kể lại. Chúng ta hãy nghe anh Phan Thanh Lâm tâm sự:

“Tôi chỉ nhớ rằng trên thuyền, tôi rất yếu, chỉ nằm thôi, và đã bị đói khát, tôi phải ăn cả kem đáng răng, nhưng sau cùng, mẹ tôi cũng tìm cho tôi đồ ăn, mà tôi không biết đó là thức ăn gì, cho đến bây giờ tôi mới hiểu ra…

Nhưng tôi nghĩ, chẳng qua vì chúng tôi phải sống mà thôi. Tôi không ngờ suốt mười mấy năm qua, bà đã phải chịu đựng sự dằn vặt như thế. Mẹ tôi đã hy sinh cho tôi rất nhiều và bà ấy là một người mẹ tuyệt vời. Nếu mẹ tôi không can đảm đưa tôi qua đây, để tôi được như ngày nay, thì tôi không biết rằng tương lai của tôi ở Việt Nam sẽ ra sao nữa.”

Qúi vị và các bạn vừa nghe câu chuyện của chị Trịnh Thanh Tùng, người phụ nữ sống sót trong chiếc ghe nhỏ Bolinao 52 năm xưa. Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại qúi vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.