Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
Từ bao năm nay, phụ nữ Việt Nam quen được xem như những chiếc bóng phía sau người chồng trong công việc gia đình và chỉ là tác nhân góp phần cho sự thành công của người chồng ngoài xã hội. Tuy nhiên điều này đang được phụ nữ nhiều giới đòi thay đổi cách nhìn và cách nghĩ về vai trò của họ trong xã hội. Mặc Lâm có cuộc nói chuyện về vấn đề này, mời quý vị theo dõi.
Ngày 8 tháng 3 hàng năm được nhìn nhận là Ngày Quốc Tế Phụ Nữ trên nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong ngày này nhiều sinh hoạt vinh danh nữ giới được tổ chức tại hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Lịch sử ngày 8 tháng 3
Theo tài liệu của Liên Hiệp Quốc, để có được ngày này là cả một quá trình tranh đấu hàng thế kỷ của nữ giới trên nhiều nước và qua nhiều giai đoạn, bắt đầu từ những kêu gọi tự do, bình đẳng cho nữ giới trên đường phố Versailles của những phụ nữ Paris trong cuộc cách mạng Pháp năm 1789 vận động cho quyền được bỏ phiếu của phụ nữ.
Từ ngọn lửa cách mạng Pháp, ước muốn chính đáng được bình đẳng với nam giới của người phụ nữ tiếp tục âm ỉ và được thế giới quan tâm dẫn đến ý tưởng tổ chức một ngày chính thức vinh danh phụ nữ vào quãng thời gian đầu thế kỷ 20, khi thế giới bước vào bước ngoặc của sự phát triển công nghiệp, bùng nổ dân số và những tư tưởng cực đoan xuất hiện.
Từ ngày ấy đến nay đã hơn 1 thế kỷ, những đòi hỏi chính đáng của phụ nữ đã được giải quyết bằng cách này hay cách khác trên nhiều quốc gia, tuy nhiên những phát sinh mới không hề ngừng lại, những suy tưởng vượt thoát cũng không thể bị ngăn trở và nhất là những ước muốn vươn lên trong một xã hội đồng đẳng lại càng ngày càng mạnh mẽ và đa dạng hơn.
Phụ nữ Việt Nam thời hội nhập
Người phụ nữ của nhiều nước trên thế giới hôm nay trong đó có Việt Nam có những đòi hỏi khác với trước đây. Khi cánh cửa hội nhập mở ra cùng lúc những suy nghiệm mới mẻ nảy sinh khiến phụ nữ thấy có nhu cầu phải được nhìn nhận như một thành phần chính trong xã hội thay vì chỉ là những cái bóng mờ phía sau nam giới.
Chúng tôi hỏi chuyện bà Tạ Thị Ngọc Thảo, một nữ doanh nhân thành đạt về những suy tư của bà trong ngày 8 tháng 3 và được bà cho biết:
Mặc Lâm: Về vai trò người phụ nữ Việt Nam trong ngày mùng 8 tháng 3 xã hội luôn đề cao người phụ nữ qua nhiều khía cạnh, là một người hoạt động ngoài xã hội bà nghĩ thế nào về những nhìn nhận này?
Tạ Thị Ngọc Thảo: Tôi nghĩ phụ nữ xứng đáng được đề cao vì tất cả những gì nam giới làm được thì phụ nữ chúng tôi làm được. Ngoài ra chúng tôi phải hy sinh nhiều hơn, phải chăm sóc gia đình phải có thiên chức làm mẹ, cái thiên chức mà người nam không thể có.
Chúng tôi còn là người xây tổ ấm cho gia đình do đó nhìn ở góc độ nào đó chúng tôi xứng đáng được xã hội tôn vinh. Thật ra trong cuộc đời của con người chúng ta chỉ có 24 tiếng đồng hồ để sống và làm việc. Nếu chúng ta làm việc này thì phải giảm làm việc kia.
Trước đây rõ ràng là người đàn ông nhất là trong khu vực Á đông thì người chồng trong gia đình thường là bảo bọc cho vợ con mình còn người phụ nữ lo việc trong gia đình là chính nhưng ở thời buổi toàn cầu hóa hiện nay thì ngay như phụ nữ chúng tôi cũng không đồng ý như vậy.
Mặc Lâm: Những ước muốn thầm kín nhưng mãnh liệt của người phụ nữ hiện đại suy cho cùng là điều tất yếu của một xã hội muốn vươn lên. Ngày 8 tháng 3 nếu thiếu vắng những tư tưởng vượt thoát từ nữ giới có lẽ sẽ mất đi phần nào ý nghĩa thật sự của nó.