Ỷ Lan, Phóng viên Ðài Á châu Tự do tại Paris
Trung tuần tháng 7 này, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, đã ký 2 Quyết định công nhận Ban Ðại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại 2 tỉnh Quảng Nam-Ðà Nẵng và Thừa thiên-Huế với số lượng nhân sự hùng hậu. 15 nhân sự tại Quảng Nam-Ðà Nẵng và 32 nhân sự tại Thừa thiên-Huế.
Bản sao thông báo 2 Quyết định này không những gửi đến các cơ quan nội bộ của Giáo hội trong và ngoài nước, mà còn gửi đến Ủy ban Nhân dân hai tỉnh nói trên. Ðây là tín hiệu mới ở vào thời điểm Nhà cầm quyền Việt Nam vẫn chưa chính thức phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Theo sự thăm dò của chúng tôi ở Viện Hóa Ðạo tại Saigon, thì cho đến nay chưa có phản ứng gì từ phía nhà cầm quyền Việt Nam trước hai Quyết định nói trên.
Do đó, chúng tôi đã làm cuộc phỏng vấn các vị Chánh Ðại diện để tìm hiểu hiện tình của Phật giáo trong nước. Hôm nay, qua điện thoại viễn liên, chúng tôi phỏng vấn Hòa thượng Thích Thiện Hạnh là vị Chánh Ðại diện của Ban Ðại diện Lâm thời Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Thừa thiên - Huế nhiệm kỳ 2005-2007, đồng thời Hòa thượng cũng là vị Chánh thư ký Viện Tăng thống.
Bản Kiến nghị thư gửi Thủ tướng Phan Văn Khải
Ỷ Lan: Kính chào Hòa thượng Thích Thiện Hạnh. Chúng tôi có đọc được bản Kiến nghị thư mà Hòa thượng viết gửi Thủ tướng Phan Văn Khải về vụ nhà cầm quyền ở Bình Ðịnh ngăn cấm không cho Phái đoàn Phật giáo Thừa thiên - Huế do Hòa thượng cầm đầu ghé Tu viện Nguyên Thiều vấn an Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang cuối tháng 6 vừa qua, và liền đó đã sách nhiễu và ngược đãi Phái đoàn trong cuộc làm việc tại Uỷ Ban Nhân Dân xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh. Xin Hòa thượng cho biết Thủ tướng Phan Văn Khải phản hồi ra sao bản Kiến nghị thư của Hòa thượng?
Tôi không nghĩ rằng một Nhà nước luôn luôn nói "do dân, vì dân và của dân", đặc biệt hạng nhất trong giai đoạn này, mà lại bỏ qua những đề nghị phản ảnh đúng đắn, trung thực của người dân.
Thích Thiện Hạnh: Dạ, xin kính chào chị Ỷ Lan và toàn thể thính giả Ðài Á châu Tự do. Về bản Kiến nghị mà tôi đã gửi Thủ tướng Phan Văn Khải, cho đến nay đã một tháng, nhưng tôi vẫn chưa nhận được một sự phản hồi nào cả.
Không những riêng bản Kiến nghị thư này, mà trước đây tôi cũng đã từng gửi đến Thủ tướng nhiều Kiến nghị về nhiều vấn đề bức xúc của Phật giáo Thừa thiên - Huế. Nhưng cũng không nhận được bất cứ một hồi âm nào. Hoàn toàn im lặng. Thật là đáng buồn đó thưa chị.
Nguyên nhân của sự im lặng
Ỷ Lan: Hòa thượng nghĩ sao về sự im lặng này của Nhà nước Việt Nam?
Thích Thiện Hạnh: Dạ thưa chị, theo tôi nghĩ thì sự im lặng này có hai lý do. Lý do thứ nhất, là có thể Thủ tướng Phan Văn Khải không nhận được Kiến nghị thư của tôi, vì các cán bộ cấp dưới không chuyển lên cho Thủ tướng, nên có sự im lặng này.
Lý do thứ hai, nếu Thủ tướng đã nhận được mà im lặng, thì chúng tôi thấy theo tập quán của người Việt Nam, thì im lặng tức là đồng ý. Và nếu đồng ý, thì việc giải quyết Kiến nghị thư của chúng tôi như thế nào, thì chúng ta cũng còn phải đợi xem sao.
Tôi không nghĩ rằng một Nhà nước luôn luôn nói "do dân, vì dân và của dân", đặc biệt hạng nhất trong giai đoạn này, mà lại bỏ qua những đề nghị phản ảnh đúng đắn, trung thực của người dân.
Ban Ðại diện Lâm thời Thừa thiên - Huế
Nếu Nhà cầm quyền Việt Nam không để yên, thì chúng tôi thấy sẽ là điều rất đáng tiếc, vì hành xử như vậy là không phù hợp với xu thế phát triển, không đem lại lợi ích gì cho ai hết, mà chỉ làm rối thêm tình huống đất nước ta hiện nay.
Ỷ Lan: Bạch Hòa thượng, được biết là Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, ra Quyết định hôm 18.7 vừa qua chuẩn y thành phần nhân sự Ban Ðại diện Lâm thời Thừa thiên - Huế nhiệm kỳ 2005-2007.
Một Ban Ðại diện hùng hậu với 32 chư Tăng thành viên. Ðã từ lâu, ai cũng biết là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không được nhà cầm quyền Việt Nam cho phép hoạt động, vậy sự kiện công khai hóa Ban Ðại diện Thừa thiên-Huế hôm nay mang ý nghĩa gì?
Thích Thiện Hạnh: Dạ thưa chị cùng quý vị thính giả, đúng là Nhà cầm quyền Việt Nam không cho phép Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất hoạt động. Có lẽ ai cũng biết Ðảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Lê làm kim chỉ nam.
Nhưng theo trào lưu phát triển của thời đại, thì chủ nghĩa Mác - Lê đã không đáp ứng được những nhu cầu phát triển, nên Liên Xô là thành trì của Chủ nghĩa Xã hội đã sụp đổ tận gốc rễ, các nước Ðông Âu cũng hoàn toàn thay đổi.
Do đó, để tồn tại, dù muốn hay không, Nhà cầm quyền Việt Nam cũng phải có đổi thay để bắt kịp thời đại. Trong xu thế đó, việc chúng tôi công khai hóa Ban Ðại diện Lâm thời Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Thừa thiên - Huế mang những ý nghĩa rất quan trọng. Thứ nhất, đó là khẳng định sự tồn tại và tôn tại liên tục của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất từ trung ương đến dịa phương qua các thời kỳ.
Thứ hai, để thực hiện một cách công khai Giáo chỉ của Ðức Tăng thống cũng như thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nhằm đem lại nhiều lợi lạc cho người Phật tử Việt Nam nói riêng, và cho toàn dân Việt Nam nói chung.
Sẽ được phép hoạt động?
Ỷ Lan: Hòa thượng có nghĩ rằng nhà cầm quyền Việt Nam sẽ để yên cho Ban Ðại diện hoạt động. Nếu không, thì phản ứng hay thái độ của Ban Ðại diện sẽ ra sao?
Bạn nghĩ gì về việc này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Thích Thiện Hạnh: Dạ thưa chị, tôi nghĩ rằng trong chừng mực nào đó, thì Nhà cầm quyền Việt cũng phải để cho chúng tôi hoạt động thôi. Tôi nghĩ rằng đó là xu thế tất yếu, thưa chị.
Và ngược lại, nếu Nhà cầm quyền Việt Nam không để yên, thì chúng tôi thấy sẽ là điều rất đáng tiếc, vì hành xử như vậy là không phù hợp với xu thế phát triển, không đem lại lợi ích gì cho ai hết, mà chỉ làm rối thêm tình huống đất nước ta hiện nay.
Trong trường hợp đó, mọi việc đúng, việc phải, việc lợi ích cho người dân theo tinh thần Phật giáo, thì chúng tôi, là những người Phật tử, người con của Phật, chúng tôi phải làm như đã từng làm.
Và ngược lại, những việc mà xét ra trái với đạo lý, không phù hợp những tín điều quy định trong Luật tạng, thì cho dù có được Nhà cầm quyền cho phép, thậm chí có được chính quyển ủng hộ đi nữa, chúng tôi cũng không làm.
Hãy đoàn kết
Ỷ Lan: Xin Hòa thượng một câu hỏi chót : vì sao Ban Ðại diện còn Lâm thời? Hòa thượng có điều gì nhắn gửi với Phật giáo đồ trong và ngoài nước không?
Thích Thiện Hạnh: Dạ về vế thứ nhất, thì thưa chị, theo Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, thì khi muốn thành lập một Ban Ðại diện thì phải thông qua một kỳ Ðại hội khoáng đại gồm đại diện các quận, các huyện, các Niệm Phật đường, các Khuôn hội Giáo hội Phật giáo.
Ở đây thì hoàn cảnh còn quá nhiều khó khăn, chúng tôi chưa có thể tổ chức một Ðại hội khoáng đại như vậy được, mà chỉ tổ chức một cuộc họp thu hẹp. Cho nên đã dùng hai chữ Lâm thời.
Dạ thưa chị, cũng nhân đây về vấn đề thứ hai, tôi xin gửi đến toàn thể Phật giáo đồ trong cũng như ngoài nước với một tâm nguyện rằng : Xin tất cả hãy vì Ðạo pháp và Dân tộc mà đoàn kết, thống nhất một lòng trong đường hướng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất do Hòa thượng Thích Huyền Quang, Ðệ tứ Tăng thống, và Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, lãnh đạo.
Xin tất cả hãy vì Ðạo pháp và Dân tộc mà đoàn kết, thống nhất một lòng trong đường hướng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
Và tôi cũng tha thiết mong ước chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Ðại đức Tăng Ni và các đoàn thể Phật giáo đồ trong và ngoài nước, những người lâu nay đã và đang tham gia hành hoạt tích cực cùng Giáo hội hãy nỗ lực phát huy hơn nữa.
Còn những người lâu nay đã và đang thầm lặng ủng hộ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, thì nay hãy cùng nhau thể hiện bằng những việc làm cụ thể để chúng ta cùng chung sức cho sự nghiệp phục hoạt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất sớm được thành tựu.
Và sau hết, qua Ðài Á châu Tự do, chúng tôi xin kính lời thăm hỏi đến chư vị lãnh đạo các tôn giáo bạn, các nhân sĩ, sĩ phu, trí thức, các nhà hoạt động cho các phong trào dân chủ, xin cầu nguyện cho tất cả chúng ta ai nấy đều được dồi dào sức khỏe. Tôi xin hết. Kính chào chị, cảm ơn chị và chào chị Ỷ Lan cùng tất cả các thính giả của Ðài.
Ỷ Lan: Xin cám ơn Hòa thượng Thích Thiện Hạnh.
Thông tin trên mạng
- Quyết định của Viện Hóa Ðạo chuẩn y Ban Ðại diện Lâm thời Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Thừa thiên-Huế
- Tập San Nghiên Cứu Phật Học
- Website của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại quê nhà
- MOFA - Thông cáo báo chí số 03 - Ngày 28/2/2005