Những người bước qua khỏi lời nguyền

0:00 / 0:00

Một sự kiện mà sẽ khó có sự trùng lặp lần thứ hai vừa xảy ra với văn đàn Việt Nam, đó là sự ra đi của hai văn sĩ tri thứ Việt Nam, một là nhạc sĩ, một là nhà báo, người còn trong nước, người đã đào tỵ ở nước ngoài cùng qua đời ngày 11 tháng 8 vừa qua, hưởng thọ 91 tuổi.

Đặc biệt là cả hai là những người đã từng thuộc về một “chiến tuyến khác”.

Họ có phải là những hình ảnh hiện thân cho 1 thế hệ thanh niên thời "bấy giờ" hay không?

Tiêu biểu cho một số ít của thế hệ

Nhà văn Uyên Thao, người viết lời giới thiệu cho cuốn “Hồi ký của một thằng hèn” của nhà văn Tô Hải, từ Virginia tâm sự:

“Cái thế hệ của chúng tôi như Bùi Tín, Tô Hải chỉ là 1 trong những thế hệ, trong 1 đoạn đường dài tiếp nối của nhiều thế hệ trước. Thành ra tâm tư của những người đó thì tôi có 1 bài viết nói là tất cả đều không đạt được những tâm tư mong ước của mình vì có 2 cái bệnh: thứ nhất là bệnh ngu và thứ hai là bệnh hèn. Rất nhiều thế hệ Việt Nam đã bị 2 cái bệnh đó. Anh Tô Hải xác nhận mình là “thằng hèn”, là thằng ngu vì mình đã bị lừa gạt trong mùa thu năm 1945. Không những mình đem tai hoạ cho mọi người mà còn gieo tai rắc hoạ cho chính bản thân mình.

Phải nói ngay là có nhiều thế hệ Việt Nam đã lâm vào tình trạng ngu và hèn như anh Tô Hải đã nói.”

<i>Phải nói ngay là có nhiều thế hệ Việt Nam đã lâm vào tình trạng ngu và hèn như anh Tô Hải đã nói. - Nhà văn Uyên Thao</i>

Nếu ai đã được xem qua “Hồi ký của một thằng hèn” sẽ thấy ngay từ những trang đầu tiên, nhạc sĩ Tô Hải đã không ngần ngại, nhưng chắc chắn cũng rất đau đớn khi phải viết rằng:

“Tập “Hồi ký” này tôi đã viết xong từ năm 2000, nhưng do... hèn, tôi đã không dám cho nó ra mắt bạn đọc. Vâng, do...hèn, chứ chẳng phải do cái gì khác, tôi đã giấu nó đi, lại còn cẩn thận ghi thêm một dòng ở ngoài bìa “Để xuất bản vàonăm 2010”.

Như một lời di chúc dặn vợ con, khi tôi đã... chết!”

Ảnh của Nhạc sĩ Tô Hải trong "Hồi ký của một thằng hèn"
Ảnh của Nhạc sĩ Tô Hải trong "Hồi ký của một thằng hèn" (RFA)

<i>Tập "Hồi ký" này tôi đã viết xong từ năm 2000, nhưng do... hèn, tôi đã không dám cho nó ra mắt bạn đọc. Vâng, do...hèn, chứ chẳng phải do cái gì khác, tôi đã giấu nó đi, lại còn cẩn thận ghi thêm một dòng ở ngoài bìa "Để xuất bản vàonăm 2010" - Cố nhạc sĩ Tô Hải</i>

Cũng ngay trong phần mở đầu, nhạc sĩ Tô Hải có nhắc đến hàng loạt những cái tên như Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Lê Hồng Hà, Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Hoàng Tiến, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Thanh Giang, Vũ Cao Quận... Ông cũng nhắc tới những nhà sư, những linh mục thà chết không chịu đứng chung hàng với lũ tu sĩ “quốc doanh”, và nhiều, rất nhiều người khác nữa.

Trong chiều dài lịch sử cận đại của Việt Nam, theo nhà báo Đinh Quang Anh Thái, số người cộng sản cốt lõi vận động cuộc cách mạng cộng sản của họ so với số đông của dân tộc Việt Nam không là bao nhiêu cả.

"Cái lúc đuổi được người Pháp đi thì người Cộng sản cướp công của dân tộc. Trong khối dân tộc ấy có Việt Nam Quốc Dân Đảng, có Đại Việt, có nhiều lực lượng quốc gia khác. Những lực lượng ấy hoàn toàn chống lại Cộng sản nhưng vẫn yêu nước. Cho nên Bùi Tín, Tô Hải, Trần Độ hay Hoàng Minh Chính chỉ là biểu tượng cho một tầng lớp không nhiều lắm của thanh niên hồi đó.

“Còn biết bao nhiêu người khác cũng yêu nước nồng nàn, cũng muốn đuổi Pháp đi, cũng muốn xây dựng đất nước Việt Nam tốt đẹp nhưng họ không hề chọn Chủ nghĩa cộng sản. Họ ý thức được rằng CNCS là một căn bệnh ung thư của nhân loại nên họ chống ngay từ lúc đầu.”

Nhấn mạnh thêm, ông kể rằng, có một nhà tri thức người Pháp đã nói một câu nói mà sau này một số tri thức Việt Nam cũng hay nói với nhau câu ấy, đó là “Tuổi đôi mươi mà không đi theo cộng sản thì không có trái tim. Tới tuổi 50 ngoài mà còn đi theo cộng sản là không có cái đầu.”

Nhạc sĩ Tô Hải lúc sinh thời cũng cho rằng thời kỳ theo đảng Cộng sản là sai lầm.

Bước qua khỏi lời nguyền

Vì cái sai lầm đó mà phải chăng đã có một người vượt qua nỗi khiếp sợ mấy mươi năm, ngửa mặt và vỗ ngực thốt lên hai tiếng “thằng hèn”?

Từng có dịp phỏng vấn nhạc sĩ Tô Hải lúc sinh thời, nhà báo Đinh Quang Anh Thái hiểu rõ về tâm thế của một người mà ông cho rằng “bây giờ ông ấy đã rất thanh thoát.”

“Khi mà chọn đặt tên cho mình như vậy thì nhạc sĩ Tô Hải đã vượt qua được ít nhất là những điều sau đây: Thứ nhất là nỗi sợ hãi trong 1 chế độ toàn trị như vậy. Cái điều thứ hai quan trọng hơn là ông vượt qua chính nỗi sợ hãi về bản thân ông, bởi vì trên cuộc đời này người ta có thể bảo người khác hèn nhưng tự nhận mình hèn thì khó lắm. Nhưng ít nhất Tô Hải là 1 trong số rất ít những người sống trong chế độ Cộng sản đã can đảm nhìn thẳng vào sự thật đó và nhìn nhận 1 cách công khai rằng ông hèn.

Chính sự nhìn nhận đó đã làm cho ông không “hèn” nữa mà ông “lớn hẳn lên”.

Còn biết bao nhiêu người khác cũng yêu nước nồng nàn, cũng muốn đuổi Pháp đi, cũng muốn xây dựng đất nước Việt Nam tốt đẹp nhưng họ không hề chọn Chủ nghĩa cộng sản. họ ý thức được rằng CNCS là một căn bệnh ung thư của nhân loại nên họ chống ngay từ lúc đầu. - Nhà báo Đinh Quang Anh Thái

Và cũng vì cái sai lầm đó, mà phải chăng đã có một nhà báo Bùi Tín, cựu đại tá quân đội Nhân dân Việt Nam quyết định xin tị nạn tại Pháp vào tháng 9 năm 1990, khi sang Pháp dự hội hàng năm của báo L’Humanite của đảng Cộng sản Pháp?

Với nhà báo Bùi Tín, ông Đinh Quang Anh Thái cho biết sự thức tỉnh của ông liên quan đến lịch sử của khối Cộng sản thế giới. Thời điểm ông Bùi Tín sang Pháp và đào tỵ ở lại cũng là thời điểm sụp đổ của Cộng sản Liên Xô và Cộng sản Đông Âu.

“Lúc đó ông Bùi Tín có mang theo một thông điệp không phải của riêng ông Bùi Tín mà của một nhóm người có suy nghĩ giống ông Bùi Tín mà biểu tượng có thể là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bởi vì trong những lần gặp gỡ ngay khi ông Bùi Tín đặt chân đến Pháp rồi sau đó qua Mỹ lần đầu tiên thì ông hỏi rằng ông tướng Giáp muốn có 1 sự đổi mới tại Việt Nam chứ không như thời của Lê Duẩn, Lê Đức Thọ…

Nhưng ông Bùi Tín vẫn nghĩ rằng cái lớp lãnh đạo thời đó như Lê Duẩn, Lê Đức Thọ làm hỏng cái lý tưởng cộng sản của những người như ông Bùi Tín, nên ông muốn cùng với Võ Nguyên Giáp làm sạch lại CNCS mà họ cho là nguyên chất của thời ngày xưa. Nhưng sau 1 thời gian rất ngắn ông Bùi Tín nhận ra rằng CNCS đang bị nhân loại vứt vào sọt rác, và thực tế ở xã hội Việt Nam ngày càng cho ông thấy rằng con đường cuối cùng là phải bỏ chủ nghĩa đó đi.”

Và cuối cùng ông cương quyết đấu tranh cho 1 nước Việt Nam tự do và dân chủ.

<i>Hầu hết bọn tôi đều có cái ý nghĩ mà có lẽ mình ngu như vậy. Vào lúc đó bọn tôi 13,14 tuổi cho đến 16, 17 tuổi thì bọn tôi vỗ tay hoan hô những lời tuyên truyền là đất nước mình sẽ đi đến Tam vô, sẽ đạt tới thế giới đại đồng. Mình không hiểu nhưng mình cứ vỗ tay hoan hô, và lao vào hành động. </i> <i>Khi lao vô rồi thì cái ngu nó dắt mình đi, và khi mình tỉnh rồi thì nhìn ra những cái đó chả là gì cả, reo rắc tang thương cho đất nước mình. - Nhà văn Uyên Thao</i>

“Hồi ký của một thằng hèn” của nhạc sĩ Tô Hải hay “Hoa Xuyên Tuyết” của nhà báo Bùi Tín tựu trung là ước mơ, là khát vọng, là nỗi ê chề của một lý tưởng thuộc về một thế hệ từng cháy bỏng khát vọng cống hiến cho tổ quốc. Nhà văn Uyên Thao cũng ngậm ngùi nhớ lại:

"Hầu hết bọn tôi đều có cái ý nghĩ mà có lẽ mình ngu như vậy. Vào lúc đó bọn tôi 13,14 tuổi cho đến 16, 17 tuổi thì bọn tôi vỗ tay hoan hô những lời tuyên truyền là đất nước mình sẽ đi đến Tam vô, sẽ đạt tới thế giới đại đồng. Mình không hiểu nhưng mình cứ vỗ tay hoan hô, và lao vào hành động. Khi lao vô rồi thì cái ngu nó dắt mình đi, và khi mình tỉnh rồi thì nhìn ra những cái đó chả là gì cả, reo rắc tang thương cho đất nước mình."

Có lẽ bên cạnh cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thì hai ông và sẽ có một thế hệ nối tiếp hiện tại là những người hiểu rõ nhất những lời ca:

“Mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh

Chị vỗ tay hoan hô hòa bình

Người vỗ tay cho thêm thù hận

Người vỗ tay xa dần ăn năn.”