Nhiều bài báo từ Việt Nam nói rằng, thời gian gần đây rất nhiều bác sĩ, dược sĩ đang làm việc tại bệnh viện công phân vân, thấp thỏm vì rồi đây, không biết họ có được phép tiếp tục hàng nghề ở phòng mạch hay bệnh viện tư hay không?
Do lương BS thấp
Báo chí cho hay, chỉ còn hơn hai tháng nữa là đến thời hạn cuối để các bác sĩ, dược sĩ công tác tại các bệnh viện, cơ sở y tế công từ trung ương đến địa phương phải “đoạn tuyệt” với việc hành nghề y dược tư nhân. Lên tiếng với cơ quan truyền thông, một số bác sĩ than phiền là bao nhiêu năm qua được mở phòng mạch tư, làm việc ngoài giờ hành chánh hay phiên trực gác mà bây giờ nhà nước bắt phải đóng cửa thì thật là một sự thiệt thòi quá lớn.
Nhiều bác sĩ khác thì cho rằng, mở phòng mạch tư để chăm sóc sức khỏe, điều trị cho các bệnh nhân không phải là nhằm mục đích kiếm thêm tiền mà chính là để đóng góp công sức, tay nghề, khả năng, kinh nghiệm để phục vụ cho xã hội luôn cần đến sự tận tụy và kiến thức chuyên môn của mình.
Bác sĩ Lê Minh Hải, Trưởng Phòng Quản lý dịch vụ, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết, phần lớn bác sĩ có thâm niên trong nghề đang phục vụ trong hệ thống y viện công đều mở phòng mạch tư. Ông cũng nói thêm là hiện nay thành phố Hồ Chí Minh có trên năm ngàn phòng mạch tư. Ra đến các quận huyện ngoại thành cũng có trên 60% phòng mạch tư là do các bác sĩ đang công tác ở bệnh viện công chăm lo, quản lý.
Lương của nhà nước thấp lắm cho nên bác sĩ nào cũng phải mở phòng mạch tư, làm ngoài giờ chứ lương không đủ sống. Nếu bị cấm thì cũng ảnh hưởng đến kinh tế, từ đó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng làm việc.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Trang - BVCR
Tuy nhiên theo dư luận được phản ảnh trên mặt báo thì bên cạnh những phòng mạch tư có trách nhiệm, tinh thần phục vụ cao, hiện vẫn còn nhiều phòng mạch của các bác sĩ đang làm việc cho cơ sở y tế công nhưng mở phòng mạch tư để thu hút, lôi kéo bệnh nhân từ nhà thương công đến với mình. Mặt khác, có nhiều bác sĩ thiếu kinh nghiệm, tay nghề chưa vững lại cứ mở phòng mạch mà hậu quả làm ảnh hưởng đến việc trị liệu và tai biến cho con bệnh.
Lên tiếng với đài chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Thanh Trang, từ bệnh viện Chợ Rẫy, Saigon trình bày vài suy nghĩ của bà về quy định mới này:
"Lương của nhà nước thấp lắm cho nên bác sĩ nào cũng phải mở phòng mạch tư, làm ngoài giờ chứ lương không đủ sống. Nếu bị cấm thì cũng ảnh hưởng đến kinh tế, từ đó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng làm việc. Hiện chưa thấy rõ quyết định ra sao, giấy phép mở phòng mạch tư đến 31 tháng 12 hết hạn, đang làm đơn xin lại, mà không biết được chấp thuận hay không? Việc đó đang được bàn cãi nhiều lắm."
Theo bác sĩ Nguyễn Đình Phú, phó Giám đốc bệnh viện nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, thì bộ Y tế cần sớm ban hành nghị định hướng dẫn việc thi hành luật khám chữa bệnh và quy định rõ ràng là cán bộ, công chức, tức y dược sĩ có được phép tiếp tục hành nghề y, dược tư nhân hay không, bác sĩ Phú cho rằng, nhà nước không nên cấm cán bộ, công chức hành nghề y dược, vì nhu cầu được khám, chữa bệnh cho người dân ngày một gia tăng.
Trong khi đó, đứng trước tình trạng được báo chí mô tả là “đứng giữa hai dòng”, “chân trong, chân ngoài” hay “ngồi trên đóng lửa”, nhiều bác sĩ nói là họ sẽ xin thôi việc ở bệnh viện công để cộng tác với bệnh viện hay phòng mạch tư.
Giảm tải cho BV công
Bác sĩ Nguyễn Thanh Trang cho biết cảm nghĩ của bà về việc này:
"Hiện tại, ở đây có rất nhiều bệnh viện tư, giảm tải được số bệnh nhân đến y viện công, còn nói về ảnh hưởng thì trước mắt là về kinh tế, về thu nhập của bác sĩ nên họ không yên tâm. Sau quyết định mới này, có thể sẽ có một số bác sĩ xin nghỉ làm bệnh viện công để ra hành nghề tư, mới sống được.
Năm rồi quốc hội cũng đã bàn cãi nhiều về vấn đề này rồi, cũng đã có những ý kiến chuẩn bị cho lệnh cấm bác sĩ mở phòng mạch tư, rốt cuộc lại cho tiếp tục, năm nay lập lại chuyện cấm đó nữa. Nói về chuyện bệnh viện công sẽ quá tải thì điều đó khó xảy ra, vì hiện giờ bệnh viện tư có tầm vóc quốc tế nhiều lắm. Vấn đề là phụ thuộc vào túi tiền vì bệnh viện tư nhân hoạt động chất lượng hơn, chi phí cao hơn."
Dược sĩ Phạm Thanh Vân, Tổng thư ký Hội Dược học, thành phố Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh như sau qua câu chuyện với RFA:
"Lương của bác sĩ ở bệnh viện công không đủ để trang trải cuộc sống, không thể so sánh một bác sĩ với một công nhân, với hai triệu mấy một tháng, người công nhân có thể sống được, người bác sĩ thì không thể sống được với số tiền ấy.
Thường thì bác sĩ mở phòng mạch tư để làm thêm ngoài giờ làm việc, dùng công sức của mình để giúp các bệnh nhân ở y viện công, trong những lúc không làm việc cho nhà nước, đồng thời cải thiện cuộc sống.
Dược sĩ Phạm Thanh Vân - Hội dược học
Thường thì bác sĩ mở phòng mạch tư để làm thêm ngoài giờ làm việc, dùng công sức của mình để giúp các bệnh nhân ở y viện công, trong những lúc không làm việc cho nhà nước, đồng thời cải thiện cuộc sống. Trong khi đó, các phòng mạch tư rút đi một số bệnh nhân với các bệnh thông thường, tránh cho bệnh viện công bị quá tải.
Nếu không cho mở phòng mạch tư thì đó là một cú sốc đối với các bác sĩ, rất khó khăn về kinh tế, với đồng lương của nhà nước. Ngoài ra còn chuyện tất cả bệnh nhân sẽ đổ dồn về bệnh viện công, sẽ chịu nhiều áp lực nên có lẽ bên Bộ Y tế sẽ nghiên cứu lại phần đó."
Về phía người dân thì có nhiều ý kiến đề nghị, ủng hộ việc nhà nước nên cho duy trì lệnh cho cán bộ, công chức ngành y dược tư nhân sau ngày 31 tháng 12 năm 2010, tuy nhiên cơ quan chức năng cũng cần phải chấn chỉnh sự lạm dụng, không tuân thủ đúng đắn các quy định tiêu chuẩn về nghề nghiệp, đạo đức, luân lý, nói tóm lại là việc mở phòng mạch tư cần phải hội đủ các điều kiện và quy tắc nghiêm minh.