Văn hóa giao thông ở Việt Nam

Từ khi Việt Nam áp dụng chính sách mở cửa về kinh tế, các trung tâm đô thị lớn phát triển với tốc độ nhanh. Bên cạnh những mặt tích cực thì một số vấn đề xã hội cũng phát triển theo chiều hướng ngày càng xấu hơn.

Trong số đó nạn kẹt xe, tắc đường đang trở thành nỗi ám ảnh đối với cư dân thành phố, và làm bộc lộ sự yếu kém về văn hóa ứng xử trong giao thông.

Các trung tâm đô thị lớn ở Việt Nam như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang phát triển với mật độ dân cư đông đúc nhưng cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu cống chỉ phát triển có giới hạn, nên hệ quả là trong những năm trở lại đây vấn đề tắc nghẽn giao thông đô thị là một bài toán hóc búa chưa có lời giải.

Thêm vào đó cách ứng xử trong giao thông của những người đồng hành trên đường cũng quan trọng không kém để góp phần giải quyết nạn ùn tắc giao thông hay lại là một yếu tố làm sự tắc nghẽn trở nên trầm trọng thêm.

Đúng là không ai nhường ai hết nên gây ra ách tắc giao thông nặng nề hơn. Rất là khổ sở khi kẹt xe.

Cô Phạm Thị Bích Liễu

Phân tích lý do vì sao trong khi giao thông người ta thường tranh nhau chen lên phía trước lúc xảy ra tắc đường, ông Lê Huỳnh, Giám Đốc một công ty tư vấn nội thất nêu nhận định:

“Theo suy nghĩ của người Việt là thuận tiện cho cá nhân họ nhưng lại trở thành không thuận tiện cho cái chung. Thí dụ như chợ búa, văn hóa của người Việt là thích bày bừa ra ngay chỗ đường đi để thuận tiện mua bán.

Vấn đề giao thông cũng vậy, khi đi trên đường người ta có thói quen thấy chỗ nào trống là lách lên để khẳng định vị trí và thuận tiện cho cá nhân của họ. Chính vì họ không nghĩ đến sự thuận tiện chung cho toàn cục nên gây ách tắc giao thông rất nhiều. Đó là chưa kể văn hóa của từng cá nhân, mỗi người mỗi tính cách nên cách ứng xử cũng khác nhau.”

Ý thức giao thông

Nói về văn hóa giao thông khi xảy ra tắc đường, phải nhìn nhận rằng nguyên nhân sâu xa xuất phát từ vấn đề quy hoạch đô thị, đường sá cộng với ý thức của những người tham gia giao thông trên đường. Việc quy hoạch đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng đường sá của Việt Nam còn quá yếu kém.

Kế hoạch xây dựng và phát triển hạ tầng không mang tính lâu dài, chiến lược. Do vậy khi muốn nâng cấp, phát triển lên thì rất tốn kém và lãng phí do chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn, vì thực tế ngân sách nhà nước không thể cáng đáng nổi khoản kinh phí khổng lồ này. Do vậy mặc dù được các định chế tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ hay Ngân hàng Phát triển Á Châu cho vay vốn tài trợ các dự án xây dựng xa lộ quốc lộ, nhưng hệ thống đường sá của Việt Nam còn cần phải được cải thiện nhiều hơn nữa.

Vấn đề thứ hai, mọi người thường đề cập đến là ý thức của người tham gia giao thông, đặc biệt trong những tình huống tắc đường.

Cô Phạm Thị Bích Liễu, Trưởng phòng Nhân sự của một Công ty nước ngoài cho biết:

“Đúng là không ai nhường ai hết nên gây ra ách tắc giao thông nặng nề hơn. Rất là khổ sở khi kẹt xe. Nhiều khi mình ăn mặc chỉnh chu đi làm lại gặp những người không có ý thức, họ chạy xe qua những vũng nước với tốc độ nhanh làm nước văng tung tóe lên người mình và mình phải mang bộ đồ nhếch nhác như vậy đến công sở thì thật là khổ.”

Đa số các trường hợp người tham gia giao thông trong những tình huống tắc đường không nhường nhịn, tuân thủ theo đúng làn đường của mình đang đi, chen lấn, lạng lách. Có khi dẫn đến việc va chạm quẹt vào xe hay có khi đưa đến tai nạn.

Nhiều người còn có thói quen hễ ùn tắc đường là cứ cố mà đi, bất kể là đường ngược chiều, thậm chí xe leo lên chạy cả trên vỉa hè. Và chẳng mấy chốc vỉa hè cũng tắc không có lối cho người đi bộ.

Ngoài luật chung ra thì vấn đề ý thức về hành xử theo văn hóa và nề nếp mới hạn chế được vấn đề ách tắc giao thông.

Ông Lê Huỳnh

Ông Hoàng Văn Mạnh, Phó thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội khi nói về văn hóa đi đường cho rằng, một số người thiếu ý thức không đi đúng làn đường đã khiến tình trạng tắc đường nghiêm trọng hơn. Ông Phó thanh tra nói:

“Đáng lẽ trong đám ùn tắc thì mọi người phải nhường nhịn, nhìn nhau mà đi.

Có thể nói người Việt mình hầu như chưa có thói quen xếp hàng để chờ đến lượt mình. Nếu ai đã từng ra nước ngoài thì sẽ thấy ở nhiều nước người dân rất kiên nhẫn xếp hàng đợi đến phiên mình, tuyệt nhiên không có cảnh chen lấn, ồn ào cải vả.

Người ta luôn phải xếp hàng, mọi chỗ mọi nơi; xếp hàng ở quầy trả tiền, xếp hàng vào thang máy, xếp hàng lấy đồ ăn trong quán, xếp hàng chơi trò chơi, lên tàu điện... Và trong lưu thông cũng thế. Tại sao họ xây dựng được ý thức như vậy? Xin thưa là các biện pháp chế tài ở các nước đó rất nghiêm, cảnh sát sẽ phạt rất nặng với những hành vi vi phạm.

Chính vì các chế tài đã hình thành và áp dụng từ lâu nên đã hình thành trong ý thức của từng con người, họ ý thức là không nên vi phạm luật, thậm chí khi không có cả lực lượng giám sát, như cảnh sát..."

Văn hóa ứng xử

Tuy nhiên ở Việt Nam có thể do tâm lý ức chế của người tham gia giao thông trong các trường hợp đường thì xấu, chật chội, người thì đông đúc, nhiều khói bụi, ô nhiễm lại cộng thêm những ứng xử khó coi của đám đông tham gia giao thông thiếu tự giác.., nên việc kiên nhẫn, nhường nhịn sẽ chẳng duy trì được bao lâu.

Người ta có thể chờ đợi vài phút, nhường đường trong trường hợp cần thiết để tránh đường, chứ chờ đợi hàng giờ đồng hồ, nhường hết người này đến người khác thì sẽ bắt đầu cảm thấy khó chịu, bực mình.

Nên cho dù không gấp gáp, nhưng đối với nhiều người thời gian của họ cũng không phải là để đứng giữa đường, hít khói bụi, ồn ào. Và cứ thế cuối cùng thì chẳng ai nhường ai.

Luật giao thông chỉ dạy cho các em đi đúng hướng, đúng chiều thôi chứ chưa dạy về văn hóa giao thông. Tôi nghĩ chúng ta nên phát triển thêm mặt này.

Cô Phạm Thị Bích Liễu

Do vậy để thực hiện văn hóa ứng xử trong giao thông ở Việt Nam cần phải có một cuộc vận động trong quần chúng, và phải có những biện pháp xử phạt những vi phạm, để mọi người vừa tự giác và phải nghiêm chỉnh chấp hành. Việc này cần được giáo dục rèn luyện từ khi các em còn là học sinh để xây dựng ý thức tự giác.

Cô Bích Liễu nói thêm:

“Luật giao thông chỉ dạy cho các em đi đúng hướng, đúng chiều thôi chứ chưa dạy về văn hóa giao thông. Tôi nghĩ chúng ta nên phát triển thêm mặt này.”

Ông Lê Huỳnh cũng cho rằng cần giáo dục ý thức tôn trọng Luật Giao thông:

“Ngoài luật chung ra thì vấn đề ý thức về hành xử theo văn hóa và nề nếp mới hạn chế được vấn đề ách tắc giao thông.”

Bên cạnh những lo toan, căng thẳng trong công việc, khi đi trên đường người dân vẫn còn phải chịu đựng những điều chướng tai gai mắt. Những mệt mỏi bực dọc cứ thế mà chất chồng tạo thêm áp lực đè lên cuộc sống của cư dân đô thị.