Xu hướng mới
Thế nhưng gần đây lại xuất hiện một xu hướng mới, đặc biệt ở các bạn trẻ, là phong trào đi du lịch vào ngày Tết.
Phải chăng giới trẻ bây giờ không quan tâm đến các tục lệ kiêng cữ xưa?
Càng gần Tết, những lời mời gọi, tìm bạn du lịch càng xuất hiện nhiều trên các trang mạng internet. Điều đáng lưu ý là các chuyến du lịch trên thường nằm ngoài các tour du lịch thông thường do các công ty lữ hành tổ chức. Các bạn trẻ Việt Nam thường gọi những chuyến đi như thế là “đi phượt”.
Ở đây có một số bạn đồng hành họ thích cảm giác khám phá, chinh phục thành ra đi những cung đường khó khăn, thay vì đi đường nhựa thì đi những đường lâm nghiệp, thời chiến tranh…
Anh Hùng ở TPHCM
Anh Hùng, cư ngụ tại TPHCM, chỉ mới post nhu cầu tìm bạn để tổ chức đi xuyên Việt trong dịp Tết Canh Dần này vài ngày, đã có rất nhiều người hưởng ứng lời mời gọi của anh, chỉ tiếc là chiếc xe Jeep của anh chỉ có thể chở được 4 người. Anh cho biết:
Ở đây có một số bạn đồng hành họ thích đi tìm cảm giác khám phá, chinh phục, tìm cảm giác mạnh thành ra đi những cung đường khó khăn, tức là thay vì đường nhựa thì không đi, phải đi những đường lâm nghiệp, thời chiến tranh…
Sinh hoạt, ăn uống thì không đem theo phương tiện, tự túc giống như là lữ hành vậy. Nói chung đi vào mùa này là mùa lạnh thì thời tiết cũng hơi khó khăn nhưng có thể vì thời tiết như vậy đi sẽ tạo cảm giác gay cấn hơn.
Những năm gần đây, nhu cầu đi du lịch vào dịp Tết ngày càng tăng cao, đặc biệt trong thanh niên. Các cụ ngày xưa thường quan niệm con cái dù ở xa hay đang đi đâu cũng tranh thủ về nhà trước lúc Giao thừa để tránh phải bôn ba trong năm mới, hoặc kiêng xuất hành vào những ngày như “Mồng năm, mười bốn, hăm ba. Đi chơi cũng thiệt nữa là đi buôn”.
Phong tục và giới trẻ
Thế nhưng đối với nhiều bạn trẻ, quan niệm trên chẳng mấy khi được lưu tâm. Nhiều nhóm trẻ thậm chí còn tổ chức đi du lịch xa từ những ngày trước Tết để kịp đón giao thừa ở một địa điểm du lịch lý tưởng nào đó. Hỏi có tin vào ngày lành, ngày dữ để đi du lịch không thì Chip, một bạn trẻ ở Hà Nội, cho biết:

Không tin gì đâu chị. Đi cẩn thận thôi, tốt nhất trong đoàn nên có một người đi tiền trạm trước rồi thì mình sẽ yên tâm hơn. Thứ nhất là về cung đường, thứ hai là phải cần chuẩn bị gì, trên đường có gì thì người ta biết rồi, sẽ đỡ cho mình hơn một chút. Em thì sắp xếp công việc gia đình ổn định, hòm hòm rồi mình đi, không vấn đề gì hết. Ba mẹ không đồng ý thì mình thuyết phục thôi.
Còn việc mọi người bảo kiêng đi những ngày ba, ngày bảy thì nếu có ai đó tránh thì tránh chứ em không tránh gì hết. Cái gì cũng nên lưu tâm một chút, có kiêng có lành. Các cụ bảo rồi, mình có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Tóm lại là không đến mức độ phải quá như thế. Nếu mình có thời gian, sắp xếp được công việc thì đi thôi.
Tuy nhiên, đối với những bạn thường xuyên “đứng mũi chịu sào” trong việc tổ chức thì thời điểm tổ chức đi cũng là một yếu tố quan trọng nếu muốn có nhiều người tham gia. Tuấn, một bạn trẻ ở Hà Nội có nhiều kinh nghiệm tổ chức đi phượt, nói về tour du lịch sắp tới của mình:
Trong dịp Tết này bọn em có tổ chức một chương trình đi phượt từ Hà Nội lên Tuyên Quang rồi lên Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang rồi sang Sa Pa bằng mink. Bọn em dự định đi từ ngày 13 âm lịch. Người Việt Nam thường quan niệm ngày Tết đi chơi, thăm gia đình, họ hàng, anh em quanh nhà. Chương trình của bọn em là đi sau ngày Tết, tức là cách ngày Tết khoảng chục ngày, chứ không phải trong ngày Tết của Việt Nam.
Thời buổi bây giờ khác đi, nhất là kinh tế thị trường nên lớp trẻ bây giờ cũng ít quan tâm đến phong tục. Ở đây có sự giao lưu vừa là xung đột, vừa là đối thọai giữa các thế hệ. Cũng chẳng trách họ được!
TS. Nguyễn Thừa Hỷ
Theo nhận xét của PGS. TS. Nguyễn Thừa Hỷ, một chuyên gia nghiên cứu về lịch sử văn hóa, phong trào đi du lịch xa là một khuynh hướng mới của giới trẻ gần đây. Ông nói:
Thời buổi bây giờ khác đi, nhất là kinh tế thị trường nên lớp trẻ bây giờ cũng ít quan tâm đến phong tục. Họ thích đi chơi, thích những thú vui hiện đại và họ cho những phong tục là cổ lỗ. Ở đây có sự giao lưu vừa là xung đột, vừa là đối thọai giữa các thế hệ. Cũng chẳng trách họ được!
Không những không kiêng cữ gì, mà đối với một số bạn trẻ, thời điểm Tết âm lịch là dịp tốt nhất để đi du lịch vì theo bạn Chip ở Hà Nội, thì:
Đi như thế thì lại thuận tiện hơn cho em vì mình đi làm. Đầu năm đi vào những ngày nghỉ của mình, tận dụng được thì cứ đi thôi, không sao hết. Em thấy tiện hơn nữa vì Tết thì vắng vẻ hơn, mình đi không có vấn đề gì cả, lại thuận tiện về thời gian. Mình nghỉ Tết dài hơn, mình đi sẽ đỡ ảnh hưởng đến công việc.
Có lẽ đúng như nhận xét của TS. Nguyễn Thừa Hỷ, cuộc sống bận rộn cộng với những thay đổi của cuộc sống hiện đại đã làm nảy sinh những khuynh hướng mới. Đối với nhiều bạn trẻ, những tục lệ kiêng cữ không còn quá quan trọng so với những điều kiện hiện tại bó buộc về công việc, thời gian, nhất là khi điều kiện về tài chính đã rộng rãi hơn so với trước đây.