Nữ quyền vẫn chưa được tôn trọng đúng mức

Một phúc trình được công bố hôm thứ sáu 5 tháng 3 vừa qua nêu bật tên 36 quốc gia trên thế giới vẫn còn có những luật mang tính phân biệt giới tính, xem phụ nữ như những công dân hạng 2.

Còn nhiều thiệt thòi

Phúc trình của tổ chức theo dõi nhân quyền có tên Equality Now cho biết số quốc gia được nêu bật chỉ là đại diện của nhóm những quốc gia chưa loại bỏ những luật lệ phân biệt phụ nữ liên quan đến hôn nhân, vị trí xã hội - kinh tế, cũng như những hành vi bạo lực.

Bản phúc trình vừa nêu được công bố bên lề hội nghị hai ngày do Ủy ban Về Vị trí Phụ nữ tổ chức. Mục tiêu của hội nghị nhằm xem xét lại tiến triển trong việc thực thi những chỉ tiêu về bình đẳng giới được 189 quốc gia thông qua tại hội nghị Bắc Kinh hồi năm 1995. Lúc đó các nước đưa ra quyết tâm loại bỏ những luật có tính chất phân biệt với phụ nữ vào năm 2005.

96 triệu bé gái “biến mất”

Theo một phuc trình của Liên Hiệp Quốc công bố nhân Ngày Quốc Tế Phụ Nữ năm nay, tại Á Châu đã có khỏang 96 triệu bé gái “biến mất” do quan niệm trọng nam khinh nữ còn phổ biến ở khu vực này.

WomenDay-Indonesia-200
Vận động cho quyền bình đẳng của phụ nữ ở Indonesia nhân Ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8-3-2010. (AFP PHOTO/Romeo Gacad)

Báo cáo của Liên Hiệp Quốc vào ngày Quốc tế Phụ Nữ cho biết do khỏang cách về giới ngày càng lớn, nhiều phụ nữ không tiếp cận được với các chính sách chăm sóc y tế và lương thực đã dẫn đến gia tăng tỉ lệ phá thai ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Thêm vào đó, tiến bộ khoa học cho phép biết trước giới tính của trẻ đã khiến cho số thai nhi nữ bị “mất tích” ngày càng nhiều, gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính ở nhiều quốc gia châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ.

Cũng theo báo cáo trên, Đông Nam Á là khu vực có tỉ lệ chênh lệch giới cao nhất thế giới với 110 bé trai/100 bé gái.

Cần lưu tâm đến phụ nữ Miến Điện

Nhân Ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8-2-2010, nguyên Thị trưởng thành phố Sydney của Úc, bà Lucy Turnbull, kêu gọi Liên Hiệp Quốc lên tiếng bênh vực cho phụ nữ Miến Điện.

Trong bài phát biểu của mình, bà Lucy Turnbull đề cập đến những bất công, thiệt thòi của người phụ nữ Miến dưới sự cai trị của chính quyền độc tài quân sự. Đặc biệt, bà Lucy nhắc đến cuộc bầu cử sắp diễn ra trong năm nay của Miến Điện.

Bà cho rằng cuộc bầu cử sẽ không tự do và bình đẳng. Quân pháp sẽ là hiến pháp và Tổng tư lệnh của Bộ Quốc phòng sẽ là người đứng đầu đất nước. Đa số nghị sĩ sẽ là các quan chức quân sự.

Kinh nghiệm quân sự là một tiêu chuẩn để trở thành ứng viên tổng thống. Như vậy, phụ nữ sẽ bị lọai trừ.

Riêng trường hợp của bà Aung San Suu Kyi, bà Turnbull cho rằng có nhiều điều chưa rõ ràng, trong đó có quy định bất cứ ai có vợ/chồng hoặc con cái không phải là công dân Miến Điện thì không đủ tiêu chuẩn ứng cử.

Như vậy, bà Aung San Suu Kyi có thể bị lọai trừ vì người chồng sau và các con của bà là công dân Anh.

Bà Lucy Turnbull kêu gọi Liên Hiệp Quốc phải ra tay can thiệp bằng tòa án quốc tế hoặc qua một bước trung gian là Hội đồng Bảo An để giám sát trường hợp của Miến Điện.

Cũng trong ngày 8/3, Hiệp hội trợ giúp tù chính trị (AAPP) của Miến cho biết hiện có 177 phụ nữ đang bị ngược đãi trong các nhà tù vì có họat động liên quan đến chính trị và nhân quyền.