UNICEF: chăm sóc y tế cho trẻ ở vùng sâu, vùng xa cần cải thiện

Y tế trẻ em của Việt Nam được Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) đánh giá chung cao, nhưng hiện thực chăm lo sức khỏe cho người ở nông thôn, vùng xa cần thêm đầu tư về mọi mặt.

0:00 / 0:00

Tổ chức quốc tế về an sinh của thiếu nhi Save The Children mới đây cho biết chương trình săn sóc sức khoẻ cho trẻ em Việt Nam còn yếu kém.

Ông Trịnh Anh Tuấn, viên chức truyền thông của, từ văn phòng tại Việt Nam, giúp phóng viên đài RFA tìm hiểu về nhận định trên:

Nhã Trân:

Thưa ông, theo UNICEF chương trình chăm sóc sức khoẻ cho trẻ em trên toàn quốc, bao gồm thành thị cũng như vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa,
của chính phủ Việt Nam lâu nay được thực hiện ra sao ?

Ông Trịnh Anh Tuấn:

Chính phủ Việt Nam có sự quan tâm rất là tốt với trẻ em, do đó các chương trình chăm sóc sức khoẻ cho trẻ em, chăm sóc sức khoẻ cho bà mẹ được ưu tiên rất là nhiều. Tuy nhiên, vì nguồn ngân sách còn rất là hạn hẹp nên tất nhiên là sự đầu tư về nguồn lực và về con người chưa thế đáp ứng được nhu cầu. Thế nhưng, dựa trên các chỉ số về sức khoẻ trẻ em thì Việt Nam tương đương với các nước trong cùng khu vực có mức thu nhập đầu người cao hơn Việt Nam nhiều.

Nhã Trân:

Còn các dịch vụ y tế Việt Nam cho trẻ em ở nông thôn, những vùng sâu vùng xa ra sao? Trẻ em những nơi này có được hưởng những dịch vụ căn bản về y tế như trẻ em thành thị không?

Ông Trịnh Anh Tuấn:

Cho vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, thì mặc dù chính phủ có những chính sách và cộng với biện pháp ưu tiên để đảm bảo cho sức khỏe của phụ nữ và trẻ em, nhưng do sự cách biệt về đường xá, cơ sở hạ tầng, về trình độ phát triển, kể cả về ngôn ngữ, trẻ em ở vùng sâu vùng xa ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn so với trẻ em ở miền xuôi hoặc là ở thành thị.

Nhã Trân:

Các dịch vụ y tế của Việt Nam dành cho trẻ vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, cụ thể có những điểm nào mạnh, những điểm nào yếu, xét theo từng mặt như là chất lượng khám chữa bệnh và chất lượng chuyên viên y tế, cùng sự điều hành, quản trị y tế địa phương?

Ông Trinh Anh Tuấn:

Nói chung, nếu mà gọi là đạt yêu cầu thì rất nhiều địa phương chưa đạt yêu cầu và đúng là không đạt yêu cầu trong các mặt như chị vừa nói, tức là về cơ sở trang thiết bị, về chất lượng của các dịch vụ y tế, và cả về trình độ của cán bộ y tế.

Nhã Trân:

Những điểm yếu kém như UNICEF đã đánh giá này có được chú ý hay không, và đã có những đường hướng giải quyết nào?

Ông Trịnh Anh Tuấn:

Tất cả những mặt yếu đó thì đều được chính phủ Việt Nam và các tổ chức quốc tế, trong đó có UNICEF, rất là chú trọng và hỗ trợ. Tuy nhiên, các kết quả đang được cải thiện. Việt Nam được đánh giá là một trong số các nước trên thế giới có thể đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc đề ra trước thời hạn, tức là trước năm 2015.

Xin nhấn lại rằng cộng đồng quốc tế và UNICEF đánh giá cao các nỗ lực của chính phủ và những quan tâm của chính phủ. Tuy nhiên, cả hai bên cũng nhận định rằng vẫn còn rất nhiều những lãnh vực cần phải cố gắng đầu tư hơn nữa.

Nhã Trân:

UNICEF nghĩ Việt Nam cần có những cải cách ra sao để trẻ em ở nông thôn, vùng sâu vùng xa cũng được hưởng các chăm sóc y tế căn bản như là trẻ thành thị ?

Ông Trịnh Anh Tuấn:

Thứ nhất, là phải có sự đầu tư thoả đáng hơn nữa về nguồn lực để làm sao có thể cải thiện được cái cơ sở hạ tầng y tế. Thí dụ như ở vùng sâu vùng xa làm sao để tiếp cận được đến các cơ sở y tế thì người dân phải đi đến được các trung tâm y tế xã, nhưng mà nhiều khi trong các vùng đồng bào dân tộc sống chẳng hạn, để đến trung tâm y tế thì người ta phải đi cả một ngày đường. Như vậy, nếu có thêm nhiều điều kiện về vật chất và nguồn lực chúng ta có thể xây dựng thêm các cơ sở chăm sóc y tế gần dân hơn nữa.

Thứ hai nữa là trang thiết bị của những cơ sở này nhiều khi cũng rất sơ sài, chỉ đáp ứng được nhu cầu tối thiểu thôi, vì rằng nhà nước cũng chỉ trả được một mức lương rất là hạn chế cho các cán bộ y tế nói chung ở cơ sở, cho nên đội ngũ cán bộ y tế ở các vùng sâu vùng xa thì còn rất là thiếu và yếu về trình độ. Nếu có sự đầu tư tốt hơn nữa về nguồn lực và đào tạo cho các nhân viên y tế thôn bản thì chúng tôi nghĩ rằng chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho trẻ em ở vùng sâu vùng xa của Việt Nam sẽ được cải thiện.