Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA
Công ty hàng đầu của Hoa Kỳ về cung cấp thông tin trên mạng Internet là Google đã nhượng bộ Trung Quốc, giúp Bắc Kinh phong tỏa những website dân chủ, nhân quyền. Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, tức RSF đang tung chiến dịch phản đối và ngăn chặn hành động này của Google.
Đỗ Hiếu của Ban Việt Ngữ RFA chúng tôi phỏng vấn ông Julien Pain, giám đốc văn phòng Internet của RSF tại Paris, Pháp.
Đỗ Hiếu: Trước hết xin cho ông cho biết phản ứng của RSF trước việc Google bắt tay chặt chẽ với nhà nước Trung Quốc để kiểm duyệt và phong tỏa việc dân chúng Hoa Lục truy cập internet hầu tìm hiểu về vấn đề dân chủ và nhân quyền.
Julien Pain: Chúng tôi rất thất vọng về quyết định mà hãng Google đã chọn để giúp phương tiện hữu hiệu cho nhà cầm quyền Trung Quốc để ngăn cản người dân của họ truy cập internet trong việc tìm hiểu tin tức về dân chủ và nhân quyền.
Giờ đây, bất cứ một ai ở Hoa Lục muốn tìm kiếm những tin tức vô tư, trung thực, độc lập về sinh hoạt chính trị gò bó và cuộc sống khắc nghiệt hiện giờ tại Tây Tạng, hay vấn đề người dân Đài Loan ráo riết vận động độc lập, thì sẽ không còn cách nào làm được điều ấy nữa.
Từ nay về sau, những web site nói lên tất cả sự thật, xét thấy bất lợi cho chế độ cầm quyền Bắc Kinh sẽ bị các hãng cung cấp internet của Mỹ như Google hay Yahoo gạn lọc, ngăn cản, phong tỏa, khóa chặt.
Chúng tôi xin đưa ra một thí dụ, khi một người dân ở Hoa Lục đánh vào máy computer của mình những chữ như: nhân quyền, tự do, dân chủ, Tây Tạng, Đài Loan, Pháp Luân Công…thì chắc chắn họ sẽ thất bại hòan toàn, chỉ có những gì mà Bắc Kinh chấp nhận hay cho phép mới hiện lên màn hình mà thôi.
Chúng tôi rất thất vọng về quyết định mà hãng Google đã chọn để giúp phương tiện hữu hiệu cho nhà cầm quyền Trung Quốc để ngăn cản người dân của họ truy cập internet trong việc tìm hiểu tin tức về dân chủ và nhân quyền.
Đỗ Hiếu: Vậy theo ông thì với chức năng của một tổ chức quốc tế bảo vệ quyền tự do ngôn luận trên tòan cầu, hiện có đại diện tại hơn 120 quốc gia khắp năm châu, thì RSF phản ứng ra sao đối với việc làm của Google đang tính chuyện hợp tác tích cực với Bắc Kinh để ngăn cản tiếng nói hay hoài bảo của những người muốn vận động cho dân chủ và nhân quyền ?
Julien Pain: Đối với chúng tôi, phải nói đây là một công việc hết sức khó khăn, phức tạp, vì RSF đang tìm cách đương đầu với một quốc gia hùng mạnh vào hàng đầu của thế giới, với hàng triệu, triệu người hàng ngày truy cập vào internet, từ nay họ sẽ bị tứơc đoạt món ăn tinh thần đó.
Hơn nữa, so với tiềm năng của các hãng cung cấp dịch vụ internet như Google, Cisco, Yahoo, Microsoft thì tổ chức phóng viên không biên giới chúng tôi không có trọng luợng, hay quyền hạn, tiếng nói gì cả.
Tuy nhiên trước tình thế hiện giờ, RSF không chịu bó tay, chúng tôi đã gởi rất nhiều văn thư khiếu nại đến các công ty internet vừa kể.
Ngoài ra, RSF chúng tôi cũng mạnh mẽ vận động với các cá nhân hay tập đoàn, công ty có phần hùn trong Google, Yahoo, và Microsoft để kêu gọi họ cùng lên tiếng thuyết phục các hãng đó nghe theo lẽ phải và công lý thay vì chỉ đơn thuần chạy theo lợi nhuận khồng lồ thu thập được quan chuyện làm ăn với Bắc Kinh.
Song song với những điều vừa nói, RSF chúng tôi cũng đang tích cực vận động với các nghị sĩ, dân biểu Hoa Kỳ.
Bắt đầu tháng hai tới, RSF sẽ cử một phái đoàn sang Washington để mở cuộc vận động với các dân cử Mỹ, yêu cầu họ trình bày điều ngay, lẽ phải với các công ty cung cấp dịch vụ internet cho Hoa Lục.
Trong trường hợp các công ty Google, Microsoft hay Yahoo không chịu thay đổi lề lối làm ăn của họ hiện đang bị công luận quốc tế phê phán mạnh mẽ thì RSF sẽ vận động quốc hội Hoa Kỳ ban hành những luật lệ nhằm ngăn cấm các hãng đó tiếp tay với Bắc Kinh để thực hiện chính sách đàn áp dân chủ và nhân quyền.
Đỗ Hiếu: Chúng tôi cũng mới nhận được tin tức cho hay dân biểu Chris Smith, chủ tịch tiểu ban nhân quyền thuộc hạ viện Hoa Kỳ đã lên tiếng chỉ trích việc làm của Bắc Kinh trong việc ngăn cấm người dân Hoa Lục tìm hiểu và tham gia vào họat động dân chủ, ông có suy nghĩ gì về sự can thiệp của dân biểu Chris Smith?
Julien Pain: Thật là một điều may mắn, hiện đã có một số nghị sĩ, dân biểu Hoa Kỳ trong đó có ông Chris Smith đã mạnh mẽ ủng hộ quan điểm và lập trường đấu tranh của RSF, vì thế chúng tôi biết là mình không còn bị lẻ loi trong những cố gắng nhằm phanh phui những hành động đi ngược lại quyền tự do ngôn luận mà Google, yahoo hay các hãng khác đang theo đuổi.
Điều mà chúng tôi mong mỏi hơn hết là rồi đây sẽ còn có nhiều nghị sĩ, dân biểu Hoa Kỳ sẽ cùng sát cánh với dân biểu Chris Smith cũng như với RSF để cùng lên tiếng bày tỏ thái độ cứng rắn đối vối các hãng cung cấp internet như Google và Yahoo.