Rất nhiều lao động nhập cư, nghĩa là từ quê lên tỉnh thành, bị mất việc đã tìm lối thoát bằng cách nhảy qua công ty khác, trở về quê làng hoặc đi bất cứ đâu hầu kiếm việc phù hợp với tay nghề. Thanh Trúc có bài sau đây:
Trong tình cảnh công ăn việc làm khó khăn như hiện giờ ở Việt Nam, những giải pháp vừa nói đối với công nhân mất việc từ các hãng xưởng lớn xem ra cũng chỉ là tạm bợ hay ngắn hạn bởi không có gì bảo đảm cho cuộc sống về lâu về dài của họ và gia đình họ.
Về quê, kiếm việc khác
Đó là lời anh Diễn cùng các công nhân khác trong công ty cơ giới Vinashin chuyên đóng tàu thủy ở Hải Dương. Là một công ty lớn với trên 50% vốn nhà nước, từng tuyển dụng cả ngàn lao động làm trong các khâu, bắt đầu từ tháng Bảy 2008 thì Vinashin gặp trở ngại và nay chỉ còn ba trăm công nhân mà thôi. Anh Diễn cho biết:
Công nhân thì chả biết làm thế nào được thì tự tìm việc khác mà làm, lương chậm thì cũng không kiện cáo ai được, chịu vậy thôi.
Anh Diễn, Hải Dương
“Bắt đầu từ năm 2008 thì lương bắt đầu chậm dần, nghĩa là mỗi tháng trả lương thì kéo dài đến hai tháng thậm chí ba tháng. Bây giờ là tháng Sáu rồi thế mà vẫn chưa có lương tháng Hai vì công ty khó khăn. Công ty nhà nước thì chắc chắn gặp khó khăn hơn là những công ty tư nhân với lại các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Công ty nhà nước đầu tư vốn nhiều nhưng hiệu quả rất là thấp. Như một cái nhà xưởng của Vinashin đầu tư đến năm trăm tỷ đồng mà bỏ rỗi có làm gì đâu.
Từ đó thì bắt đầu người ta cắt giảm dần, trước trợ cấp cho ăn ba bữa giờ thì cho ăn một bữa thôi. Xong bắt đầu cắt giảm giờ làm, ví dụ sáu buổi một tuần thì bây giờ chỉ còn năm buổi thôi. Khi mà lương trả chậm thì người ta tự chán tự bỏ. Người ta tự bỏ là nhiều. Còn số ít người thấy ít việc thì đi xin những ngành khác. Khi mà bỏ về thì người ta không gọi lên làm nữa. Công nhân thì chả biết làm thế nào được thì tự tìm việc khác mà làm, lương chậm thì cũng không kiện cáo ai được, chịu vậy thôi. Công ty trước kia một ngàn người giờ chỉ còn ba bốn trăm người thì chắc chắn sáu trăm người bỏ đi nơi khác. Không có việc khác thì ở nhà, phải chấp nhận thôi.”
Thế là anh Diễn bỏ Hải Dương về tận Móng Cái để kiếm việc trong một công ty xây dựng tư nhân:
“Cái công ty này không làm theo hợp đồng. Như em mới lên công ty này được hơn một tháng thôi. Đơn giản thì người ta khoán sản phẩm cho mình. Người ta nhận công trình lúc thì Hà Nội lúc thì Móng Cái lúc thì lại ở những nơi khác nữa thì cũng cứ phải đi theo.”
Vẫn theo lời anh Diễn thì tình trạng nợ nần thua lỗ của công ty Vinashin không phải là duy nhất. Một công ty lớn khác ở Hải Dương cũng lâm cảnh tương tự:
“Những công ty như là Sumidenco sản xuất dây cáp điện cũng ở Hải Dương, lúc đông đảo thì lên đến năm nghìn người, nhưng khi công ty này bị khủng hoảng về dây cáp điện ô tô đấy, hàng không xuất được nữa, thế là người ta cắt giảm dần. Năm ngàn người thì người ta chỉ dùng ba ngàn người thôi, trong khi đó hai nghìn thì trở về quê hoặc chuyển qua những ngành nghề khác.”
Trở lại với Vinashin, anh Đức, công nhân của công ty này, đã trở về quê ở Bắc Ninh, theo người bà con đi làm nghề nhỏ lẻ:
Làm ở nhà thì hơn ở công ty đấy ạ nhưng mà nói chung là không có bảo hiểm. Nói chung lúc khó khăn thì cũng phải tìm ra một cái hướng nào đấy.
Anh Đức, Bắc Ninh
“Cháu làm ở cái xưởng chú ấy mở gần nhà, đi làm kiểu như cửa và cổng hay các thứ cho người dân ở trong làng. Sau một thời gian mà quen việc thì ý định của cháu là cũng muốn mở một cái xưởng nho nhỏ ở nhà. Làm ở nhà thì hơn ở công ty đấy ạ nhưng mà nói chung là không có bảo hiểm. Nói chung lúc khó khăn thì cũng phải tìm ra một cái hướng nào đấy.”
Theo lời anh công nhân tên Đức, phần lớn công nhân làm trong các hãng xưởng lớn thường là lao động từ thôn quê nhập cư lên thành phố. Cuộc sống xa nhà rất tốn kém và phải tính trước tính sau:
“Rất nhiều anh em ở các tỉnh xa đến thì chi phí kèm theo rất là nhiều, nhà trọ, nhà ở, các thứ linh tinh. Cuộc sống khó khăn mà công ty đông thì không phải là một hai người mà rất nhiều người chịu hoàn cảnh như thế chứ không phải một mình cháu.”
Công nhân thứ ba mà Vinashin nợ cả ba tháng lương, phải tự bươn chải đi kiếm việc khác theo khả năng chuyên môn là anh Khoa. Là người có bằng điện và có nghề hàn, anh Khoa rủ người cùng làng đi làm việc với mình:
“Công việc của em thường ngày là đi làm mái tôn và làm điện nước cho các hộ dân họ thuê làm. Thu nhập thì hơn trong công ty, công thì cũng độ khoảng một trăm nghìn một ngày. Như thế là hơn trong công ty.”
Mong muốn làm cho công ty lớn
Thế nhưng đối với những công nhân tự bung ra, tự bỏ đi ra ngoài kiếm việc khác trong lúc công ty chính gặp khó khăn thì việc làm hiện tại dù công hay tư cũng chỉ là tạm bợ. Ước muốn của họ là làm sao được trở lại với công ty lớn như Vinashin vì ở đó có bảo hiểm và có chế độ hưu bổng có thể bảo đảm cho cuộc sống về sau:
“Vào công ty thì nó ổn định và có bảo hiểm với lại mọi cái chế độ sau này có hưu, thu nhập đảm bảo cho gia đình, vợ con. Với lại vào trong công nhân thì có tiếng nói của cộng đồng anh em cũng vui, còn làm ở ngoài dân thì nhiều lúc cũng phức tạp, làm thợ là làm dâu trăm họ, công việc nhiều lúc không như ý mình muốn.”
Đây là hướng nhìn thực tế của lao động trong nước, nghĩa là dẫu có thế nào mà bám được vào các công ty lớn có vốn nhà nước thì vẫn bảo đảm hơn và nhất là có bảo hiểm và có chế độ hưu bổng.
“Nhưng mà công ty cứ nợ lương như thế thì cũng chết, công ty bây giờ nợ em ba tháng lương. Em nghĩ là để phục hồi công ty thì đấy là việc của trên chứ bọn em là chịu chết. Đó là công ty nhà nước đấy, 51% vốn nhà nước.”
Số liệu của Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội cho thấy năm 2008, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị vào khoảng 4,6%.
Vẫn theo ước lượng từ bộ này, nếu trong năm 2009 mà GDP đạt 6,3% thì tỷ lệ thất nghiệp trên toàn quốc sẽ là 5% và có thể cao hơn.