Việt Hùng, phóng viên đài RFA
Ngày thứ Sáu 20-10-2006 này, một tin vui đến với những người công nhân tại Việt Nam đó là sự ra đời Nghiệp đoàn Ðộc lập, một tập hợp của những người có tâm huyết, dấn thân, bảo vệ quyền lợi cho người lao động tại Việt Nam.

Ngay sau khi chính thức công bố ra đời, ông Lê Trí Tuệ, đại diện Ban điều hành đã dành cho Ban Việt Ngữ - Ðài Á Châu Tự Do cuộc trao đổi. Cuộc phỏng vấn do Việt Hùng thực hiện.
Bối cảnh thành hình
Việt Hùng: Thưa ông Lê Trí Tuệ, từ những yếu tố nào mà ngày 20-10-06 một Nghiệp đoàn Ðộc lập được thành hình tại Việt Nam?
Lê Trí Tuệ: Kính thưa quí thính giả của Ðài Á Châu Tự Do, từ 20 năm nay khi Đảng và Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới và mở cửa kinh tế, trên đất nước Việt Nam ngày càng có nhiều chủ tư bản nước ngoài vào đầu tư để khai thác nguồn lao động rẻ mạt của nhân dân Việt Nam.
Khu vực kinh tế tư nhân cũng ngày càng phát triển, cho đến nay khu vực kinh tế tư bản nước ngoài và tư bản nội địa đã đóng vai trò chủ đạo trong vai trò phát triển kinh tế của nước Việt Nam và chiếm hơn một nửa tổng sản lượng nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là hàng hóa xuất khẩu. Song song với việc phát triển kinh tế tư nhân là sự phát triển đội ngũ công nhân ở những khu vực này.
Tình hình thực tế trong hơn 20 năm qua giai cấp công nhân Việt Nam đã lớn mạnh không ngừng về số lượng cũng như trình độ tay nghề, thế nhưng một nghịch lý là cuộc sống vật chất và tinh thần vẫn rất cơ cực.
Công nhân thường xuyên bị chủ ức hiếp đe dọa sa thải thậm chí bị làm nhục, không có ai bênh vực bảo vệ và chính vì vậy mà trong những năm qua có hàng ngàn những cuộc đình công với hàng trăm ngàn người tham gia đời cải thiện đời sống, điều kiện làm việc, nhưng những yêu sách và đòi hỏi chính đáng này của người công nhân vẫn chưa được đáp ứng.
Việt Hùng: Nghiệp đoàn độc lập này thành hình mục đích chính là để làm gì?
Lê Trí Tuệ: Ðể tạo ra những điều kiện tốt nhất để bảo vệ quyền của người công nhân về quyền lao động, quyền đình công hợp pháp và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp về đời sống cũng như tinh thần của người công nhân.
Mục tiêu hoạt động

Việt Hùng: Như vậy phải chăng sự khác biệt giữa Nghiệp đoàn Ðộc lập này với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là ở chỗ nào, bởi vì theo mục đích tôn chỉ mà ông vừa trình bày và căn cứ theo mục đích tôn chỉ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì không khác xa là bao?
Lê Trí Tuệ: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong thực tế thời gian qua cho thấy, công đoàn này không phải là do công nhân bầu ra mà do đảng Cộng sản VN chỉ định.
Còn hệ thống công đoàn của chúng tôi là trực tiếp do công nhân bầu ra và những người này mới quan tâm, lưu tâm tới quyền lợi chính đáng của người dân. Còn những công đoàn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam của nhà nước qua thực tế là hoàn toàn bất lực trước những yêu cầu của công nhân.
Việt Hùng: Nhưng mà Nghiệp đoàn Ðộc lập này, cơ cấu hoạt động và điều hành sẽ như thế nào thưa ông?
Lê Trí Tuệ: Hiện nay do là chúng tôi mới công bố hoạt động độc lập, Ban đại diện lâm thời gồm 3 người và có 11 ủy viên. Ban đại diện lâm thời gồm có:
- Chủ tịch, ông Nguyễn Khắc Toàn - Luật sư Trần Thiên Ân - Lê Trí Tuệ
Ngoài ra có 11 ủy viên:
- Ông Nguyễn Công Lý - Ông Ngô Công Quỳnh - Bà Nguyễn Thị Phương - Ông Trần Hoàng Dương - Ông Phạm Sử Thiện - Ông Nguyễn Xuân Ðạo - Ông Trần Hiền Thanh - Ông Lương Hoài Nam - Ông Lê Trí Dũng - Bà Trần Khải Thanh Thủy - Ông Trần Quốc Thủy
Hiện tại Ban đại diện lâm thời là như vậy. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ cơ cấu chặt chẽ hơn và sẽ có Ban đại diện ở các Tỉnh & Thành phố.
Những công việc trước mắt
Việt Hùng: Nhiệm vụ chính của Nghiệp đoàn Ðộc lập ông nói là để báo vệ cho người công nhân, giả thử như bây giờ những người công nhân làm việc trong các hãng xưởng trực thuộc nhà nước thì làm thế nào để Nghiệp đoàn Ðộc lập có th8ẻ can thiệp và giúp đỡ họ?
Lê Trí Tuệ: Qua sự khảo sát thực tế từ những sự phản ảnh từ các khu công nghiệp nhất là từ những khu doanh nghiệp tư nhân và những doanh nghiệp ngoài quốc doanh hoặc liên doanh thì chúng tôi sẽ bám sát vào những cơ quan đơn vị này qua sự phản ánh của các anh chị em công nhân ở các khu vực tư nhân và quốc doanh này thì họ sẽ phản ảnh, chúng tôi sẽ cử đại diện tới nắm tình hình rồi sau đó chúng tôi căn cứ vào luật pháp ở Việt Nam cũng nhu luật về quyền công dân để tuỳ theo những sự can thiệp.
Việt Hùng: Từ trước đến nay ở tại Việt Nam chưa bao giờ hình thành Nghiệp đoàn Ðộc lập, phản ứng của các cấp chính quyền như thế nào?
Lê Trí Tuệ: Qua thực tế ở Việt Nam điều 53 và điều 69 Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN VN đã minh định rõ là công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận chung các vấn đề của cả nước và địa phương và kiến nghị với cơ quan nhà nước và biểu quyết khi nhà nước trưng cầu dân ý.
Và công dân cũng có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền được hội họp, lập hội và biểu tình theo quy định của pháp luật.
Dựa trên những minh định của Hiến Pháp và nhu cầu cần phải bảo vệ người công nhân nên chúng tôi đã thành lập công đoàn này. Tất nhiên là Nghiệp đoàn Ðộc lập của chúng tôi hiện nay chưa được Tổng Liên đoàn Lao động VN và chính phủ công nhận, nhưng mà chúng tôi đã gửi đơn tới Quốc Hội, tới Tổng Liên đoàn Lao động VN.
Hiện nay chúng tôi đang chờ ý kiến của họ nhưng mà chúng tôi vẫn tiến hành theo những lộ trình mà chúng tôi đã hoạch định nhằm để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người lao động tại Việt Nam.
Việt Hùng: Mới đây cựu Tổng thống Ba Lan ông Lech Walesa cũng như Công đoàn Ðoàn kết Ba Lan đã lên tiếng ủng hộ công nhân Việt Nam cũng như Nghiệp đoàn Lao động Ðộc lập tại Việt Nam?
Lê Trí Tuệ: Về cộng đồng quốc tế cũng rất hưởng ứng, tôi nghĩ rằng trong tương lai gần sẽ có những Tổ chức Quốc tế sẽ hậu thuẫn cho chúng tôi.
Còn ở Việt Nam từ trước đến giờ về đa nguyên, đa đảng hay ý niệm thành lập Công đoàn độc lập không trực thuộc hệ thống của nhà nước tức Tổng Liên đoàn lao động VN hay dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng Cộng sản Việt Nam thì đảng và nhà nước VN luôn luôn né tránh và không thừa nhận.
Nhưng mà trong tiến trình hiện nay cùng với việc Việt Nam sắp được gia nhập WTO cũng như trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu hóa về dân chủ thì đây là điều kiện rất là thuận lợi để cho những công đoàn độc lập hay những tổ chức đảng phái chính trị ở Việt Nam hiện nay có thể ra đời vào thời điểm này rất là thuận lợi và chúng tôi sẽ làm tất cả những gì tốt nhất để bảo vệ quyền lợi của người công nhân.
Và công đoàn độc lập của chúng tôi không phải là một tổ chức chính trị, chúng tôi dựa trên Hiến pháp của nước Cộng hòa XHCN VN cũng như công ước quốc tế và chúng tôi chấp nhận tất cả những sự đàn áp của chính phủ Việt Nam.
Việt Hùng: Xin cám ơn ông Lê Trí Tuệ và thay mặt quí thính giả của Ðài chúc các ông cũng như Nghiệp đoàn Ðộc lập tại Việt Nam hoàn thành được sứ mệnh mà các ông đang đeo đuổi.
Lê Trí Tuệ: Xin cám ơn anh Việt Hùng và cám ơn tất cả các quí vị đã quan tâm theo dõi.