Nhiều người tỏ ra nghi ngờ sự việc Nhà Nước đi tới quyết định đóng cửa vĩnh viễn tổ hợp Vedan Vietnam, 1 công ty với nhiều nhà máy sản xuất qui mô lớn ở Long Thành Đồng Nai thu dụng 1.800 công nhân.
Sông Thị Vải ô nhiễm trầm trọng
Vedan sản xuất nhiều loại mặt hàng nhưng bột ngọt là sản phẩm chính, mỗi năm nhà máy bột ngọt của Vedan tiêu thụ tới 1 triệu tấn khoai mì, miền bắc gọi là sắn, để sản xuất bột ngọt và các phó sản.
Với qui mô sản xuất lớn như thế nên lượng nước thải công nghiệp cũng nhiều không kém. Đối với hậu quả ô nhiễm môi trường khu vực sông Thị Vải. TS Nguyễn Trung Việt, một chuyên gia môi trường ở TPHCM đưa ra nhận định:
"Mười mấy km sông Thị Vải trước khi có Vedan, đã được qui hoạch thành khu để phát triển thủy sản của tỉnh Đồng Nai, từ mép nước lên bờ có nơi rộng đến khoảng từ 1 đến 2 km, cả một diện tích rộng lớn để phát triển thủy sản khi mà có Vedan thì nó đã mất sạch không còn miếng nào, tất cả chỗ ấy chả làm gì được nữa.
Đấy là một trong những thiệt hại của mình, đấy là sự đánh đổi giữa phát triển công nghiệp và phát triển nông ngư nghiệp. Còn việc phải xử lý như thế nào, ảnh hưởng của nó tới thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng thiệt hại kinh tế xã hội liên quan tới sức khoẻ con người là những việc cần phải có thời gian mới làm được.”
Việc qua mắt nhà chức trách xả trực tiếp nước thải độc hại không qua xử lý mang lại thêm nhiều lợi nhuận cho Vedan. Gian dối trong vấn đề xử lý nước thải để bớt chi phí của Vedan, được nhà chức trách VN ước tính lên tới 91 tỷ đồng trong 14 năm hoạt động của của công ty này.
Mười mấy km sông Thị Vải trước khi có Vedan, đã được qui hoạch thành khu để phát triển thủy sản của tỉnh Đồng Nai, từ mép nước lên bờ có nơi rộng đến khoảng từ 1 đến 2 km, cả một diện tích rộng lớn để phát triển thủy sản khi mà có Vedan thì nó đã mất sạch không còn miếng nào, tất cả chỗ ấy chả làm gì được nữa.
TS Nguyễn Trung Việt
Ngày 19/9 trong buổi họp liên ngành tại trụ sở Vedan ở Long Thành Đồng Nai , Ban giám đốc công ty đã thừa nhận 10 nội dung vi phạm trong lãnh vực bảo vệ môi trường và tài nguyên nước, dẫn tới việc làm ô nhiễm nguồn nước sông Thị Vải trong vùng.
Một nhà môi trường học là giáo sư tiến sĩ Lâm Minh Triết, đại học quốc gia TPHCM, trước đây đã báo động về tình trạng ô nhiễm nặng của sông Thị Vải, khi ông tham gia công trình nghiên cứu về ô nhiễm môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Một lần nữa ông lập lại:
"Đã cảnh báo từ lâu việc ô nhiễm môi trường sẽ dẫn đến như các nước khác, là ô nhiễm môi trường mình khắc phục nó tốn kém rất nhiều lần so với cái mình đầu tư hiện tại. Theo tôi, trên thực tế các xí nghiệp công nghiệp họ chạy theo lợi nhuận nhiều hơn việc quan tâm tới vấn đề môi trường, rõ ràng cái đó là một thử thách."
Bao giờ xử lý Vedan?
Theo các thông tin ghi nhận, đoàn kiểm tra liên ngành đã có kết quả phân tích mẫu nước thải của Vedan, nhiều chất độc vượt qui định hàng ngàn lần. Thí dụ chỉ tiêu màu vượt 2.600 lần, hàm lượng ôxy hoá vượt 3.000 lần.
Trên thực tế các xí nghiệp công nghiệp họ chạy theo lợi nhuận nhiều hơn việc quan tâm tới vấn đề môi trường, rõ ràng cái đó là một thử thách.
Lâm Minh Triết
Tuổi Trẻ Online ngày 20/9 đưa tin mặc dù kết quả giám định chất thải đủ căn cứ đình chỉ hoạt động công ty Vedan Việt Nam. Tuy nhiên có dấu hiệu Vedan bất hợp tác với nhà chức trách. Ban giám đốc Vedan trả lời quanh co về hệ thống ngầm xả thẳng ra sông. Và có dấu hiệu Vedan xoá dấu vết hiện trường.
Theo tin này, mặc dù nhà chức trách lập biên bản giữ nguyên hiện trường, nhưng trong mấy ngày qua , các thanh tra đã phát hiện Vedan cố ý sửa chữa một số chi tiết của hệ thống xử lý nước thải chưa qua xử lý.
Ngày 17/9 Bộ trưởng TNMT Phạm Ngôi Nguyên tuyên bố tại Hà Nội là đã có đủ cơ sở để khởi tố công ty Vedan về hành vi vi phạm pháp luật môi trường. Ông Bộ trưởng nói nguyên văn rằng, rất có thể sẽ có khởi tố, bắt giam người có trách nhiệm và đóng cửa công ty Vedan.
Tuy nhiên ngày 20/9 thông tấn xã VN cho biết, việc ra quyết định đình chỉ, đóng cửa sản xuất của công ty Vedan phải do cơ quan có thẩm quyền ra quyết định và cũng phải chờ thêm kết quả thanh tra sai phạm. Còn việc bồi hoàn thiệt hại sông Thị Vải do sự tàn phá của Vedan gây ra thì chưa thể làm nhanh.