VN sẽ “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng” với báo chí

Ban Bí Thư Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam vừa ban hành Chỉ Thị số 25 với nội dụng chủ yếu nhấn mạnh đến công tác “đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản về chính trị, tư tưởng và tổ chức đối với các cơ quan báo chí.”

0:00 / 0:00

Chỉ Thị này được công bố vào khi giới quan sát cho là đang có cuộc tranh giành ảnh hưởng lên Dự Luật Sửa Đổi Luật Báo Chí sắp được đệ trình Quốc Hội. Câu hỏi là: Liệu sẽ có báo chí tư nhân hay không?

Sự giằng co giữa 2 khuynh hướng

Có vẻ như những cuộc vận động, vừa ngấm ngầm vừa công khai, để ảnh hưởng lên “Dự Luật Sửa Đổi Luật Báo Chí hiện hành” đang diễn ra khá gay gắt trên nhiều phương tiện và thành phần truyền thông.

Giới quan sát cho rằng họ đã và đang chứng kiến những cuộc “ăn miếng trả miếng” giữa 2 khuynh hướng, một bên muốn nới lỏng báo chí và bên kia thì xiết chặt thêm nữa.

Nhưng có lẽ, cuối cùng thì câu hỏi là nới lỏng báo chí thực chất có nghĩa là gì? Còn xiết chặt kiểm soát báo chí thì chẳng lẽ báo chí đã và đang được tự do?

Vấn đề báo chí tư nhân thì hầu hết nhà báo tại đây đều muốn như vậy. Thật ra là, báo chí tư nhân thì không phải là không bị kiểm soát. Còn vấn đề chỉ có báo chí Nhà Nước, thì thông qua công cụ nhà nước, họ sẽ kiểm soát toàn bộ.

Ký giả Văn Lang, Sài Gòn

“Tôi thấy là vấn đề báo chí tư nhân thì hầu hết nhà báo tại đây đều muốn như vậy. Thật ra là, báo chí tư nhân thì không phải là không bị kiểm soát. Còn vấn đề chỉ có báo chí Nhà Nước, thì thông qua công cụ nhà nước, họ sẽ kiểm soát toàn bộ.”

Anh Văn Lang, một nhà báo tự do từ Sài Gòn đưa ra nhận định vừa rồi khi được hỏi về nguyện vọng của giới báo chí trong nước về vấn đề tư nhân hoá.

Một nhân vật cao cấp của Quốc Hội Việt Nam trả lời trên tờ Lao Động gần đây, rằng “xã hội hoá báo chí đã định hình,” một phát biểu được dư luận hiểu rằng ảnh hưởng của tư nhân đã và đang hiện diện trong thị trường truyền thông Việt Nam.

Mặc dầu có ảnh hưởng của tư nhân, và mặc dầu “xã hội hoá” đã định hình, nhiều nhà báo tại Việt Nam cho rằng điều ấy không nhất thiết được hiểu là báo chí Việt Nam nằm trong tay tư nhân về mọi phương diện, nhất là nội dung.

Nhà báo tự do Trần Tiến Dũng, sống tại Sài Gòn, nói rằng cần phân biệt 2 yếu tố nội dung và thương mại khi bàn về báo chí Việt Nam:

“Tôi cho rằng, thời gian gần đây, những chuyện liên quan đến cái gọi là “sửa đổi luật báo chí” thực tế cũng có tác động phần nào dư luận. Nhưng nếu nhìn lại bản chất vấn đề, chúng ta thấy thực chất báo chí Việt Nam là hết hơn 1 nửa do tư nhân mua lại “măng sết.”

International-Vietnam-305.jpg
Các nhà tài trợ quốc tế kêu gọi Việt Nam mở rộng tự do báo chí, như một phần trong cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay. (AFP PHOTO.)

Nhà nước có kiểm soát, và kiểm soát về mặt nội dung, còn về phần kinh doanh, đầu tư, phát hành, quảng cáo, vân vân, thì ở trong tay tư nhân. Lợi nhuận là nằm trong tay tư nhân.”

“Xã hội hóa”, “Tư nhân hóa”

Ông Nguyễn Minh Thuyết, trưởng Đoàn Giám Sát Tình Hình Thi Hành Luật Báo Chí của Quốc Hội, đã 2 lần xuất hiện trên báo Lao Động.

Lần thứ nhất, ông nói rằng những biến chuyển mới khiến Việt Nam “phải sửa đổi luật cho phù hợp với thực tế.” Và lần thứ hai, ông nhận định rằng hiện tượng tư nhân đứng đằng sau các đơn vị báo chí là “lách luật,” nhưng đã “mang lại một số lợi ích nhất định.”

Một nhà báo Việt Nam phân tích rằng, cụm từ “xã hội hoá” chỉ là một cách nói hoa mỹ của thực tế “tư nhân hoá.”

“Có 3 chữ quan trọng cần để ý. Đó là “xã hội hoá.” Trong các quốc gia Xã Hội Chủ Nghĩa, các yếu tố tư nhân không tồn tại. Những gì là tư nhân bị đả kích trong một thời gian dài. Sau đó, chính quyền bắt đầu sửa sai.

Vì từng đã kích “tư nhân hoá,” nay họ không gọi là “tư nhân hoá” mà gọi là “xã hội hoá.” Cụ thể, sau khi “xã hội hoá” giáo dục thì có trường dân lập, sau khi “xã hội hoá” y tế thì có bệnh viện tư. Vậy thì, khi nói “xã hội hoá báo chí đã định hình” thì có nghĩa là hiện tượng tư nhân tham gia đầu tư vào hoạt động truyền thông, báo chí đã có rồi.”

Xen giữa 2 lần ông Thuyết phát biểu với khuynh hướng ủng hộ vai trò của báo chí tư nhân, thì quan chức của Bộ Thông Tin và Truyền Thông khẳng định trên BBC, rằng “Việt Nam sẽ không có báo chí tư nhân, nhưng không loại trừ ‘liên kết’ với cá nhân hay tổ chức để phát triển.”

Sau khi “xã hội hoá” giáo dục thì có trường dân lập, sau khi “xã hội hoá” y tế thì có bệnh viện tư. Vậy thì, khi nói “xã hội hoá báo chí đã định hình” thì có nghĩa là hiện tượng tư nhân tham gia đầu tư vào hoạt động truyền thông, báo chí.

Một nhà báo torng nước

Cho đến những ngày gần đây, một số tờ báo trong nước liên tiếp cho đăng tải các ý kiến cho thấy khuynh hướng bảo thủ đang đẩy mạnh những vận động của họ.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng

Tờ Sài Gòn Giải Phóng, trong bài báo ngày 5 tháng Tám, đã nhắc đến những “đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức đối với các cơ quan báo chí.”

Bài báo viết rằng, Ban Bí Thư Trung Ương Đảng, trong Chỉ Thị Số 25 ban hành gần đây, khẳng định “tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí.”

Bài báo dẫn lời Chỉ Thị 25, rằng hoạt động báo chí trong thời gian qua “bộc lộ một số yếu kém mặc dầu được nhắc nhở nhiều lần.”

Nguyên nhân đưa đến yếu kém, được lý giải là do “công tác quản lý bị buông lỏng” và “công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí chưa được coi trọng đúng mức.”

Cũng theo bài báo này, để thực hiện Nghị Quyết của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng, Ban Bí Thư yêu cầu phải làm cho các Đảng viên trong các cơ quan báo chí “nhận thức về vai trò quan trọng của báo chí là tiếng nói của Đảng,” “đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ thị trực tiếp của Đảng.” Đồng thời, phải “xây dựng đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các cơ quan báo chí vững mạnh” và “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về chính trị, tư tưởng đối với các cơ quan báo chí.”

Cùng thời gian đăng tải Chỉ Thị này, ông Lê Doãn Hợp, Bộ Trưởng Thông Tin và Truyền Thông cũng đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến, rằng Bộ của ông quản lý thông tin, Internet, blog “gồm cả đạo lý và nguyên lý,” tạo ra hành lang hành động mà “đi ngoài hành lang không được và không an toàn.”

Cùng với 2 thông tin này, thì đến ngày 7 tháng Tám, Bộ Tài Chính cũng vào cuộc, ban hành thông tư với nội dung có thể hiểu là báo chí từ nay không được tổ chức cứu trợ, mà phải trao tiền tặng dữ cho tổ chức nhà nước phân phối.

Một nhà báo đã từng làm việc ở nhiều tờ báo lớn của Việt Nam cho rằng đây là hành động nhằm ngăn chặn mọi ảnh hưởng tích cực của báo chí đến với xã hội.

Những động thái như vừa nêu được giới quan sát cho là cuộc cạnh tranh ảnh hưởng lên Dự Luật Sửa Đổi Luật Báo Chí đang diễn ra rất mạnh trong những ngày vừa qua, trong đó, phía bảo thủ có vẻ đang chiếm phần ưu thế, ngay cả trên mặt truyền thông.

Điều cuối cùng, cũng được một số người nhắc đến, là phía ủng hộ báo chí tư nhân muốn dự luật được đệ trình Quốc Hội vào cuối năm nay.

Trong khi đó, phía bảo thủ khẳng định là phải đến sang năm. Mà sang năm cũng là thời điểm tổ chức Đại Hội giữa nhiệm kỳ của Đảng Cộng Sản Việt Nam!