Việt Nam cho phép lưu hành toàn bộ tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Sau 25 năm cấm đoán nghiêm ngặt, ngày nay Nhà nước Việt Nam đã cho phép lưu hành toàn bộ tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, một nhà văn Hong Kong nổi tiếng toàn thế giới với hơn một trăm triệu ấn bản phát hành ở nhiều nước. Nam Nguyên trình bày thông tin này.

AnhHungXaDieu150.jpg
Hình bìa truyện Anh Hùng Xạ Ðiêu.

Ở miền nam Việt Nam trước năm 1975, truyện chưởng Kim Dung thể loại kiếm hiệp kỳ tình làm say mê độc giả mọi tầng lớp. Từ giới bình dân cho đến các bậc trí giả, mỗi người đọc Kim Dung và thưởng ngoạn theo cách riêng của mình. Đọc và bị lôi cuốn vào nội dung hấp dẫn với nhiều tình tiết và tính cách của nhân vật như là Dương Qua, Tiểu Long Nữ hay Triệu Minh Vô Kỵ.

Hoặc như nhiều nhà văn học giả còn phê bình tường tận từng tác phẩm một của Kim Dung, và cho rằng tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung ảnh hưởng sâu sắc hệ thống triết học đông phương, và các nguồn tư tưởng lớn như Khổng, Phật, Lão. Tiểu thuyết gia Kim Dung sinh năm 1924, tên thật là Trà Lương Dung người Hongkong gọi ông là Louis Cha. Ông Kim Dung từng là viện trưởng Nhân Văn Đại Học Triết Giang và từ chức hồi đầu năm 2005 vì bất đồng ý kiến.

Văn hoá đồi truỵ phản động

Chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975, chính quyền cộng sản nghiêm cấm nhiều tác phẩm của các nhà văn trong ngoài nước mà họ gọi là văn hoá đồi truỵ phản động. Toàn bộ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung cũng nằm trong danh sách cấm, thời gian này nhà văn còn sinh sống ở Hongkong.

Tại Trung Quốc cũng phải đến năm 1984 Bắc Kinh mới bãi bỏ lệnh cấm và chính thức cho phép in ấn toàn bộ 15 tác phẩm của Kim Dung. Từ sự thay đổi ở Trung Quốc, dần dà đến cuối những năm 1990, Bộ Văn Hoá Thông Tin Việt Nam mới cho phép lưu hành các tác phẩm của Kim Dung.

Để ý sinh hoạt văn hoá Việt Nam, qua những tác phẩm được ấn hành của tác giả trong nước lẫn truyện dịch, sẽ thấy rằng những tác phẩm đó đã phản ánh một sự cởi mở chừng mực…không chỉ riêng Kim Dung mà cả các tác giả khác của Trung Quốc như Vệ Tuệ hay Mặc Ngôn, những tác phẩm mà người đọc thấy là có sự bứt phá ác liệt của văn học Trung Quốc.

Ông Nguyễn Quốc Thái, một nhà báo đã nghỉ hưu ở Saigon nhận xét về điều ông cho là có sự thông thoáng hơn ở Việt Nam hồi gần đây:

“Để ý sinh hoạt văn hoá Việt Nam, qua những tác phẩm được ấn hành của tác giả trong nước lẫn truyện dịch, sẽ thấy rằng những tác phẩm đó đã phản ánh một sự cởi mở chừng mực…

Không chỉ riêng Kim Dung mà cả các tác giả khác của Trung Quốc như Vệ Tuệ hay Mặc Ngôn, những tác phẩm mà người đọc thấy là có sự bứt phá ác liệt của văn học Trung Quốc. Có thể nói, cách nhìn của chính phủ Việt Nam đối với tác phẩm nước ngoài có cởi mở và bao dung hơn nhiều mặc dù vẫn còn giới hạn”

Trước năm 1975, truyện chưởng Kim Dung đến Việt Nam qua hình thức Feuilleton tiểu thuyết đăng từng kỳ trên nhật báo. Các báo ở Saigon mỗi ngày dịch lại từ báo Hongkong, và nhà văn Kim Dung cũng viết mỗi ngày theo nhu cầu.

Trong số các dịch giả nổi tiếng lúc ấy có ông Hàn Giang Nhạn, ngoài ra còn có một số bản dịch khác của ông Tiền Phong Từ Khánh Phụng. Sau khi kết thúc trên báo hàng ngày, thì truyện chưởng Kim Dung được in thành sách và xuất bản rộng rãi ở miền nam.

Dịch lại và tái phát hành

Hiện nay Công Ty Văn Hoá Phương Nam có bản quyền và phát hành tất cả các tác phẩm võ hiệp của Kim Dung theo bản dịch mới. Ông Trần Thức Giám Đốc Trung Tâm Sách và Dịch Vụ Bản Quyền của Phương Nam phát biểu với chúng tôi:

“ Từ 1999, Phương Nam đã mua toàn bộ bản quyền tác phẩm của Kim Dung. Hiện nay còn những cuốn nhỏ lẻ cuối cùng, Phương Nam chuẩn bị cho ra đời trong tháng sáu này. Chắc chắn trong năm 2006 này toàn bộ tác phẩm của Kim Dung được dịch lại và phát hành ở Việt Nam.

Đây không phải bản dịch trước 1975, dù trước kia có bản dịch rất hay của Hàn Giang Nhạn. Lý do là bản thân Kim Dung đã chỉnh sửa lại các tác phẩm của mình rất nhiều, đôi khi chỉnh sửa tới hai, ba lần. Trong hợp đồng với chúng tôi ông Kim Dung cũng yêu cầu phải dịch theo bản mới nhất của ông.

Đây không phải bản dịch trước 1975, dù trước kia có bản dịch rất hay của Hàn Giang Nhạn. Lý do là bản thân Kim Dung đã chỉnh sửa lại các tác phẩm của mình rất nhiều, đôi khi chỉnh sửa tới hai, ba lần. Trong hợp đồng với chúng tôi ông Kim Dung cũng yêu cầu phải dịch theo bản mới nhất của ông.

Hơn nữa qua bao nhiêu năm ngôn ngữ cũng thay đổi, nên cũng cần dịch lại để có thể tiếp cận với ngừơi đọc hiện nay về phần ngôn ngữ. Phương Nam đã dịch và phát hành Tiếu Ngạo Giang Hồ, Anh Hùng Xạ Điêu, Thiên Long Bát Bộ, Hiệp Khách Hành, Lộc Đỉnh Ký, Bích Huyết Kiếm. Hiện nay đang in Tuyết Sơn Phi Hồ, Phi Hồ Ngoại Truyện, Liên Thành Quyết và một vài cuốn khác. Đến nay tình hình tiêu thụ khá tốt, dù bản dịch mới còn nhiều ý kiến này nọ, nhưng nói chung người đọc đón nhận rất nhiệt tình”

Trên thực tế trong giai đoạn cấm đoán, sách Kim Dung với bản dịch cũ trước năm 75 vẫn lưu hành trên thị trường không chính thức và thu hút đông đảo người đọc. Một doanh nhân trẻ ở Saigon cho biết ngoài sách Kim Dung, dân Việt Nam ngày nay được thoải mái xem phim chưởng Kim Dung trên truyền hình và dĩa hình DVD.

“ Truyện chưởng Kim Dung đối với ngừơi Việt Nam thì không cần bàn cãi. Bản dịch mới và bản dịch cũ đều có trên thị trường. Ngoài ra còn có thể xem phim trên truyền hình mỗi ngày một tập.”

Sự kiện chính quyền Việt Nam gần đây cho phép lưu hành các tác phẩm của Kim Dung cũng như nhiều tác giả khác, cũng là một bước kịp thời trên tiến trình hội nhập thế giới, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay.