Chính phủ Việt Nam quyết định ngưng chương trình đánh bắt xa bờ

Trường Văn, phóng viên đài RFA

Đầu năm 2006, chính phủ Việt Nam quyết định tạm dừng việc thực hiện chương trình đầu tư đánh bắt xa bờ được phát động kể từ năm 1997 để kiểm điểm, đánh giá lại hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, Thủ tướng Việt Nam còn yêu cầu điều tra, phát hiện những sai phạm để xử lý theo pháp luật.

fishingship2_200.jpg
Có 3 nguyên nhân chính khiến chương trình đánh bắt xa bờ thất bại. AFP PHOTO

Chương trình đánh bắt hải sản xa bờ được phát động kể từ năm 1997 sau khi cơn bão số năm tàn phá một số lớn tàu thuyền của ngư dân tại các vùng ven biển Việt Nam. Chương trình được giao cho Bộ Thủy Sản phối hợp với Quỹ Hỗ Trợ Phát Triển và Ngân Hàng Phát Triển và Đầu Tư Việt Nam thực hiện.

Chương trình được triển khai tại 29 tỉnh, thành phố với tổng vốn tín dụng ưu đãi được cấp lên đến gần 1400 tỉ đồng. Sau gần 7 năm thực hiện, dự án đánh bắt xa bờ không đạt được mục tiêu đề ra.

Theo công bố của Thanh Tra chính phủ sau khi điềiu tra khảo sát kể từ tháng 10/2004 thì hiệu quả kinh tế của dự án rất thấp. Trong số 1000 tàu được cải tiến hoặc đóng mới, có đến khỏang 520 tàu đánh bắt không có lời và 250 tàu nằm bờ, không đi biển.

Ngoài ra dự án còn làm nẩy sanh nhiều tiêu cực. Thanh tra chính phủ cho biết thêm là tổng số tiền sai phạm là 110 tỉ đồng bao gồm các vụ tham ô, chiếm dụng vốn.

Số nợ thu hồi được cũng rất ít, chỉ vào khỏang 1/10 trong tổng số tiền ngân hàng hay quỹ Hỗ Trợ Phát Triển cho vay.

3 nguyên nhân chính:

Có 3 nguyên nhân chính khiến chương trình đánh bắt xa bờ thất bại. Thứ nhất là ngư trường ngày càng cạn kiệt, cá ít dần mà tàu cá lại nhiều: "Đánh cá bị đói, không được gì cả."

Ngoài ra tàu cá Việt Nam không tối tân bằng tàu đánh cá nước ngoài nhất là tàu Trung Quốc nên tàu Việt Nam không thể cạnh tranh với tàu Trung Quốc tại các ngư trường đánh bắt chung của hai nước.

Thứ hai là vấn đề tham ô nhũng lạm đã làm người dân phải trích ra một khỏang tiền không nhỏ trong số tiền được vay để chi cho các người có chức, có quyền.

Một người dân ở Bà Rịa Vũng tàu cho biết: "Có nhiều thứ tiền phải chi kể từ lúc vay cho đến khi đóng xong con tàu."

Và thứ ba là do ảnh hưởng của các thế lực tỉnh, huyện, một số lớn tiền được vay không dùng để đóng tàu mà để làm các chuyện khác chẳng hạn như tại xã Điện Ngọc thuộc tỉnh Quãng Nam, một công an ninh xã và một công nhân lái xe lửa, không hề biết nghề đi biển được chủ tịch xã cho lãnh dự án.

Hoặc như tại tỉnh Thanh Hóa, qua phản ánh của báo chí, thì có tất cả khỏang 50 hợp tác xã nghề cá ra đời chỉ để vay vốn. Hầu hết các xã viên chưa hề đi biển. Thành thử sau khi thành lập và vay vốn, các hợp tác xã này tự giải tán.

Ngân hàng hay quỹ hỗ trợ không biết ai mà đòi nợ: "Con ông cháu cha lấy tiền để làm việc khác như kinh doanh bất động sản chẳng hạn. Các ông mượn gió bẻ măng. Ông tung ra đường lối chính sách nhưng thực chất đệ tử của ông quay lại làm."

Một cư dân tỉnh Phú Yên phản ánh những tiêu cực tại quê hương ông như sau: "Có bàn tay của các ông lớn địa phương trong các vụ vay mượn thì người dân mới làm được."

Ngoài việc kiểm điểm, đánh giá lại và trừng phạt những vi phạm, Thủ tướng chính phủ Việt Nam còn chỉ thị cho Bộ Thủy Sản và các cơ quan chức năng liên hệ nghiên cứu xây dựng một chương trình khai thác hải sản xa bờ mới, trình chính phủ trong qúy 3 năm nay.