Cần một chiến lược tổng thể cho ngành sản xuất mía đường

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Thị trường Việt Nam có những năm thừa đường không xuất khẩu được vì giá thành quá cao, nhưng năm nay 2005 chính phủ đã phải nhập khẩu 100 ngàn tấn đường cho tiêu dùng trong nước.

OldwomanSugar150.jpg
AFP PHOTO

Mức thiếu hụt được dự báo không dưới 200 ngàn tấn mỗi năm kể từ 2006. Báo chí trong nước cho rằng Việt Nam đang thiếu một chiến lược tổng thể về ngành sản xuất mía đường.

Giá đường tăng cao

Những năm trước đây người tiêu thụ trong nước thường mua đường trắng tinh với giá 5 hay 6 ngàn đồng một kg, giá đường cứ tăng dần mỗi năm đến mức độ khó ngờ.

Một bà nội trợ ở TP.HCM cập nhật cho chúng tôi giá đường bán lẻ ngoài chợ: "Hôm nay tôi đi chợ mua đường trắng tinh giá 10 ngàn 1kg. Những thứ như sữa đặc có đường cũng lên, sữa Cô Gái Hà Lan 10 ngàn một hộp."

Theo Thời Báo Kinh Tế Việt Nam, thật sự phải lo âu khi quan sát toàn bộ thị trường đường Việt Nam, từ khâu nguyên liệu đến sản xuất trong các nhà máy.

Theo tờ báo, thời kỳ chủ trương phát triển chương trình mía đường một cách vội vã, thiếu quy hoạch tổng thể đã kéo theo khủng hoảng thừa, khiến cho hàng loạt nông dân và nhà máy lâm vào cảnh nợ nần và chính phủ không còn cách nào khác là khoanh và xoá nợ.

Trong thời gian phát động chương trình 1 triệu tấn mía đường trong những năm 1990, cả nước đã xây dựng 44 nhà máy đường đa phần là những nhà máy công nghệ lạc hậu mua lại của Trung Quốc. Vì thế trong khoảng hơn một thập niên ngành đường Việt Nam luôn sản xuất ra đường thành phẩm có giá cao hơn khu vực từ 20 đến 40 đô la một tấn, tình trạng này còn kéo dài đến ngày nay.

Trồng xong... rồi chặt

Tầm nhìn của người nông dân là cái lợi trước mắt, thấy có lợi sẽ bỏ tiền vay vốn để làm, khi thất bại thì tất nhiên phải bỏ chạy…Nông dân Việt Nam ngày nay đối diện với kinh tế thị trường, thấy có lợi nhẩy vào làm thất bại phải chịu trắng tay.

Trong thời gian các tỉnh thi đua lập nhà máy mía đường, nông dân cũng hăm hở chuyển đổi sang trồng mía, do thiếu qui hoạch nên đầu ra không trót lọt, mang công mắc nợ nông dân lại chặt mía trồng hoa màu khác.

Một nông gia ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nhận định về vấn đề này: "Tầm nhìn của người nông dân là cái lợi trước mắt, thấy có lợi sẽ bỏ tiền vay vốn để làm, khi thất bại thì tất nhiên phải bỏ chạy…Nông dân Việt Nam ngày nay đối diện với kinh tế thị trường, thấy có lợi nhẩy vào làm thất bại phải chịu trắng tay."

Từ con số 44 nhà máy đến nay chỉ còn 37 nhà máy đường còn hoạt động. Số liệu của Hiệp Hội Mía Đường cho thấy 37 nhà máy đường vừa nói có tổng công suất chế biến khoảng 75 ngàn tấn mía mỗi ngày.

Trong số này chỉ có 6 nhà máy từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài là có thiết bị tiên tiến, công suất bình quân mỗi nơi là 6 ngàn tấn mía ngày. Kỳ dư các nhà máy còn lại, sử dụng máy móc Trung Quốc, công suất nhỏ từ 1 đến 2 ngàn tấn mía mỗi ngày và cho ra loại đường xấu.

Theo Thời Báo Kinh Tế Việt Nam, bộ Thương Mại nhìn nhận tình trạng nông dân chặt phá cây mía để trồng loại cây khác có hiệu quả hơn. Năm 1996 diện tích trồng mía ở Việt Nam chỉ khoảng 200 ngàn hécta với sản lượng đường chế biến khoảng 600 ngàn tấn.

Đến niên vụ 2003-2004, nông dân tăng diện tích lên tới 300 ngàn hécta, sản lượng đường khoảng 1 triệu 100 ngàn tấn, nhưng từ niên vụ 2004-2005 lượng đường do các nhà máy sản xuất chỉ còn hơn 920 ngàn tấn.

6 vấn đề cần giải quyết

Tờ báo đề ra 6 vấn đề mà ngành mía đường cần phải giải quyết. Thứ nhất chưa có vùng nguyên liệu tập trung, nông dân trồng mía tự phát và rải rác. Đây là một trong những yếu tố làm tăng giá thành sản xuất, chi phí vận chuyển trung gian sẽ tăng theo giá xăng dầu.

Điểm thứ hai là, chưa có một qui chuẩn nào cho các nhà máy đường, nên trong nước mới có quá nhiều nhà máy đường với thiết bị lạc hậu, công suất kém sản xuất không hiệu quả.

Điểm thứ ba liên quan tới khâu lưu thông nguyên liệu và sản phẩm đường. Phần lớn các nhà máy không thiết kế được hệ thống thu mua và vận chuyển nguyên liệu nên bị giới trung gian đẩy giá mía lên cao.

Điểm thứ tư theo Thời Báo kinh Tế, trong hoàn cảnh các nhà máy công nghệ lạc hậu, tỷ lệ thu hồi đường thấp, đầu ra phi sản phẩm quá lớn, trong khi khâu tái chế phế phẩm yếu kém gây nên lãng phí rất lớn.

Điểm thứ năm theo tờ báo, chính sách điều hành vĩ mô cân đối cung cầu thị trường đường còn bị động. Khi thiếu thì nhập khẩu và thực tế là thị trường tự do tràn lan đường Thái Lan nhập lậu. Khi nguồn cung thừa thì nông dân bỏ mía trồng lúa, bắp hay cây trồng khác. Tờ báo cho rằng cơ quan chức năng luôn tỏ ra yếu thế trong chống buôn lậu.

Điểm thứ sáu tờ báo cho rằng khâu dự báo nhu cầu thị trường tiêu thụ đường được xem là yếu kém không cập nhật kịp thời. Trước đây các cơ quan chức năng tính toán nhu cầu tối đa mỗi năm khoảng 1 triệu tấn đường, nhưng thực tế nhu cầu hiện nay là 1 triệu 200 ngàn tấn và đến năm 2020 con số này ước tính lên tới 2 triệu tấn mỗi năm.

Hiện nay chính phủ chuẩn bị cho giải thể phá sản một số nhà máy đường quá bết bát, chuyển đổi sở hữu hoặc cổ phần hoá khoảng 24 nhà máy đường thua lỗ nặng, chương trình này dự kiến phải hoàn thành trong quí 1/2006.

Bởi vì từ 2007 Việt Nam phải chấp nhận giảm thuế nhập khẩu đường xúông mức 30%, và đến năm 2010 thì thuế nhập khẩu đường sẽ chỉ còn 5% theo lộ trình cắt giảm thuế quan khu vực mậu dịch tự do Asean.

Thứ trưởng thương mại Phan Thế Ruệ cho rằng, rất cần thiết phải xây dựng chương trình sản xuất đường giai đoạn 2006 tới 2010 và cả tầm nhìn đến năm 2020.