Giới chức Việt Nam vi phạm tự do tín ngưỡng có thể bị cấm vào Hoa Kỳ

Lê Dân, phóng viên RFA

Ủy ban Hoa Kỳ về Quyền Tự do Tín ngưỡng Quốc tế vừa gởi thư cho Ngoại trưởng Condoleeza Rice đề nghị không cho du hành vào Hoa Kỳ tất cả những giới chức Việt Nam có liên quan đến việc đàn áp tín ngưỡng.

0:00 / 0:00
temple_Budha200.jpg
Một ngôi chùa ở Hà Nội đang được sửa chữa. AFP PHOTO/HOANG DINH NAM

Thời hạn chót 15-3

Hôm nay thứ Ba 15-3, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ đưa ra quyết định chính thức là có đề nghị chính phủ Bush cần áp dụng biện pháp chế tài nào hay không đối với Việt Nam, vốn là nước bị xếp vào hàng "những quốc gia cần đặc biệt quan tâm" vì không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người dân đúng mức.

Việc bị xếp hạng này thường đưa đến kết quả là một số biện pháp chế tài, nếu chính quyền nước sở tại không giải quyết rốt ráo các sự vi phạm về quyền tự do tôn giáo của người dân.

Mới hồi tuần trước, đại sứ Hoa Kỳ đặc trách về tôn giáo, ông John Hanford đã đến Việt Nam trong nỗ lực sau cùng, thảo luận với các giới chức liên quan, trong đó có thượng tướng Nguyễn văn Hưởng, ủy viên bộ Chính trị, thứ trưởng Công an.

Về việc này, ông Brad Adams, giám đốc vùng Á châu của tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch, cho rằng chuyuến đi của ông John Hanford khó đạt được kết quả nào cụ thể.

Cố gắng của Hà Nội

Hồi đầu tháng, Thủ tướng Phan văn Khải cũng ban hành chỉ thị về việc đối xử với những người theo đạo Tin Lành, cho phép họ được hành đạo tại gia.

Tất cả những hoạt động có vẻ vội vàng đó được giới quan sát quốc tế xem là nhằm để tránh cho Việt Nam khỏi bị Hoa Kỳ áp đặt thêm một số biện pháp chế tài về kinh tế, vào khi Việt Nam chưa gia nhập WTO và đang chịu áp lực cạnh tranh gay gắt của Trung Quốc tại thị trường Mỹ.

Vào thời hạn chót là ngày mai, 15 tháng Ba, bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phải quyết định là đề nghị Tổng thống chính thúc rút Việt Nam ra khỏi danh sách những nước cần đặc biệt quan tâm, hay xếp Việt Nam vào loại này và ban hành một số biện pháp chế tài cho đến khi nào Hà Nội cải thiện được thái độ của họ đối với quyền tự do tín ngưỡng của người dân.

Khuyến cáo của USCIRF

Ngay trước đó, hôm Chủ nhật, Ủy ban Hoa Kỳ về Quyền Tự do Tín ngưỡng Quốc tế, gởi thư cho Ngoại trưởng Condoleeza Rice, yêu cầu không cho phép nhập cảnh vào Mỹ bất cứ viên chức Việt Nam nào có trách nhiệm, hoặc trực tiếp thi hành những hành vi chà đạp quyền tự do tín ngưỡng của người dân.

Ủy ban không nêu rõ danh tính là những quan chức Việt Nam nào, nhưng những người bị đề nghị cấm nhập cảnh vào đất Mỹ có thể gồm từ cấp bộ trưởng và cao hơn.

Bức thư còn yêu cầu chính phủ Bush giành ra ngân khoản 1 triệu đôla tài trợ cho những chương trình trực tiếp cổ võ cho quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng cùng những quyền tự do cơ bản khác tại Việt Nam.

Dù Tổng thống George W. Bush có quyền quyết định tối hậu là không áp dụng biện pháp nào đối với Việt Nam, nhưng Ủy ban Hoa Kỳ về Quyền Tự do Tín ngưỡng Quốc tế viết rằng "nếu Tổng thống sử dụng quyền đó thì sẽ làm tiến trình tư pháp của Hoa Kỳ trở nên vô nghĩa. Đồng thời cũng phế bỏ chủ trương quốc gia của Mỹ là cổ súy quyền tự do tín ngưỡng khắp thế giới".

Mỹ với nhân quyền và tôn giáo tại VN

Rất nhiều người nước ngoài không hiểu tại sao Hoa Kỳ thường xuyên nhắc tới quyền tự do tôn giáo trong các mối quan hệ của họ với quốc tế. Thậm chí có người còn cho rằng Washington lạm dụng việc đó để bắt chẹt nước khác.

Nhưng nếu ngược về lịch sử thì ta sẽ thấy Hợp chủng quốc Hoa Kỳ được hình thành từ những di dân châu Âu, bị kỳ thị, cấm đoán về tôn giáo nên phải bỏ lục địa phiêu lưu tìm đất sống để được tự do theo đuổi niềm tin của họ.

Ông Brad Adams của tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch cho rằng chủ trương đàn áp tôn giáo của nhà cầm quyền Việt Nam nhắm vào các thành viên người thiểu số theo Thiên chúa giáo, Tin Lành Menonite, hay thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Có hàng trăm người bị tù đày vì niềm tin tôn giáo của họ.

Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Dù quan hệ giữa Hà Nội với Vatican có phần được cải thiện trong thời gian gần đây, nhưng vẫn còn ít nhất là 3 linh mục bị giam hãm. Trong số đó có linh mục Phạm Minh Trí, 64 tuổi, bị giam cầm suốt 18 năm qua dù ông bị mất trí cả thập niên rồi.

Theo ông Brad Adams thì chính quyền Bush cần gởi nhà cầm quyền Việt Nam một thông điệp mạnh mẽ, cho biết là Hoa Kỳ không thể dung thứ loại đàn áp tôn giáo như vậy.