Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Các nhà xuất khẩu Việt Nam đã thành công bước đầu trong tiếp cận mua bán cà phê trên thị trường kỳ hạn Luân Đôn. Đã có 6 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam tham gia giao dịch trên thị trường kỳ hạn Luân Đôn.
Tin này được ông Vân Thành Huy, chủ tịch hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam tức VICOFA loan báo trong một cuộc hội thảo chuyên ngành về kỹ thuật phòng ngừa rủi ro trong kinh doanh cà phê được tổ chức vào hôm 12/3 tại Saigon.
Theo tin này, các doanh nghiệp đã đặt lệnh mua bán trên mạng, thực hiện theo hợp đồng tương lai, đơn vị tính cho mỗi hợp đồng là 5 tấn cà phê nhân, giá cả được tính theo giá giao dịch theo thị trường tương lai.
Thí dụ ngày 11/3 giá cà phê Robusta loại hai của Việt Nam giao hàng tháng 5/2005 được bán với giá 1070 đô la một tấn. Giá này là giá đã thoả thuận và không thay đổi, dù đến tháng 5 là thời điểm giao hàng thị trường có biến động ra sao cũng vậy.
Cần có cơ chế mới
Nhà nước cần có một cơ chế mới, tức là cho phép đầu tư vốn ra nước ngoài. Bởi vì muốn tham gia thị trường thì phải có tiền đặt cọc, tiền mua chỗ ở Luân Đôn. Muốn vào thị trường đó thì phải bỏ tiền ra trước…
Tuy nhiên cho tới hết năm nay 2005, các doanh nghiệp Cà phê Việt Nam thực hiện mua bán trên thị trường kỳ hạn Luân Đôn đều phải thông qua môi giới của Techcombank tức Ngân hàng Cổ Phần Kỹ Thương. Đây là đơn vị được chính phủ Việt Nam ủy nhiệm thí điểm giao dịch tài chánh và thanh toán ở nước ngoài, cũng như giữ vai trò đại lý giao dịch làm cầu nối cho nhà xuất khẩu Việt Nam và doanh nhân cà phê quốc tế. Sở dĩ phải làm như vậy vì khung pháp lý của Việt Nam chưa đầy đủ đối với loại hình kinh doanh theo thông lệ quốc tế.
Nhận định về vấn đề vừa nói, ông Đoàn Triệu Nhạn phó chủ tịch VICOFA phát biểu với đài chúng tôi: "Nhà nước cần có một cơ chế mới, tức là cho phép đầu tư vốn ra nước ngoài. Bởi vì muốn tham gia thị trường thì phải có tiền đặt cọc, tiền mua chỗ ở Luân Đôn. Muốn vào thị trường đó thì phải bỏ tiền ra trước…để rồi sau khi mua bán diễn tiến, tiền đó sẽ được chuyển hoá ở nước ngoài…cái này là bỏ vốn ra nước ngoài thì phải được nhà nước cho phép đầy đủ."
Trở lại 6 doanh nghiệp Việt Nam tiên phong thực hiện giao dịch kỳ hạn, ông Lê Đức Thống giám đốc công ty xuất nhập khẩu cà phê 2/9 ở Đắc Lắc cho biết, sau ba tuần thực hiện đặt lệnh mua bán trên mạng của Thị Trừơng Kỳ Hạn Luân Đôn, công ty của ông đã bán được 1 ngàn tấn cà phê nhân, bao gồm 200 hợp đồng tương lai mỗi đơn vị 5 tấn. Ông Thống không nói rõ chi tiết nhưng cho biết là cả 200 hợp đồng vừa nói đều có lãi.
Phải có bảo hiểm
Được biết phương thức mua bán theo hợp đồng tương lai trên sàn giao dịch kỳ hạn rất phức tạp, đòi hỏi kỹ năng ngoại thương quốc tế. Nhưng nôm na là mua bán với nhiều công cụ phòng chống rủi ro.
Bảo hiểm hết sức cần thiết để chống rủi ro, hiện buôn bán đối với chúng tôi chống rủi ro là vấn đề hết sức quan trọng…đối với ngành cà phê Việt Nam
Ông Đoàn Triệu Nhạn Giới chức hiệp hội cà phê Việt Nam phân tích: "Nếu làm ở thị trường kỳ hạn Luân Đôn thì có bảo hiểm... được thì có thể không lớn lắm, nhưng mất thì cũng không mất lớn… Bảo hiểm hết sức cần thiết để chống rủi ro, hiện buôn bán đối với chúng tôi chống rủi ro là vấn đề hết sức quan trọng…đối với ngành cà phê Việt Nam."
Trong giao dịch kỳ hạn, các nhà xuất khẩu Việt Nam phải hiểu biết việc chốt giá ở vị thế bán và chốt giá ở vị thế mua, bởi vì chính nhà xuất khẩu Việt Nam có thể trở thành người mua, nghĩa là họ có thể chủ động nguồn hàng trong trường hợp thị trường khan hiếm, với khả năng nhận hàng từ thị trường kỳ hạn. Tuy nhiên điểm quan trọng nhất là muốn tham gia thị trường kỳ hạn quốc tế như ở Luân Đôn hay New York, nhà xuất khẩu Việt Nam phải có nguồn vốn rất lớn, hàng chục hàng trăm triệu đô la.
Con số 6 doanh nghiệp cà phê tham gia mua bán trên thị trường kỳ hạn, có thể xem là bước khởi sự tốt cho ngành cà phê của Việt Nam. Dù chịu thiệt hại khoảng 20 tới 30% sản lượng cà phê niên vụ 2004-2005, nhưng năm nay Việt Nam vẫn dự kiến xuất khẩu 700 ngàn tấn cà phê nhân, phần lớn là theo phương thức cổ điển ăn xổi ở thì.
Hàng tồn kho bị giảm sút
Điểm đáng chú ý là công tác dự báo thị trường của Việt Nam vẫn chưa tốt, trong vòng vài tuần lễ vừa qua giá cà phê thế giới tăng đến mức chóng mặt, từ hơn 650 đô la một tấn những tháng cuối năm 2004 nay tăng dần tới mức 1050 đô la và còn có chiều hướng tăng hơn nữa. Do đó giá thu mua cà phê của nông dân cũng tăng tới mức hơn 15 ngàn một kg, tuy nhiên người dân cần tiền trang trải chi phí đã bán hết từ khi giá còn thấp:
thu hoạch về thì phải thanh toán nợ nần tiền lãi tiền này tiền kia thì giá nào cũng phải bán thôi, chúng tôi bán từ lúc giá chín ngàn tư chín ngàn sáu…bây giờ nghe đâu lên tới mười lăm ngàn mấy trăm lận.
"Giá lên thì nông dân rất vui mừng, nhưng đáng tiếc một điều là đến khi giá lên thì nông dân cũng hết cà phê rồi…thu hoạch về thì phải thanh toán nợ nần tiền lãi tiền này tiền kia thì giá nào cũng phải bán thôi, chúng tôi bán từ lúc giá chín ngàn tư chín ngàn sáu…bây giờ nghe đâu lên tới mười lăm ngàn mấy trăm lận."
Các chuyên gia thị trường ước tính rằng từ tháng 10/2004 đến nay doanh nghiệp Việt Nam đã ký bán khoảng hơn 350 ngàn tấn, tức một nửa sản lượng niên vụ hiện nay kết thúc vào tháng 10/2005. Thương gia quốc tế đang quan sát kỹ lượng hàng tồn kho của các nhà xuất khẩu Việt Nam. Giá cả thế giới biến động lần này đến mức cao nhất trong vòng 5 năm qua, một phần cũng do hạn hán ở Việt Nam khiến nguồn cung bị giảm sút.