Kỳ vọng của giới trẻ với tân Bộ trưởng giáo dục Nguyễn Thiện Nhân (phần 1)

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Có thể nói khủng hoảng giáo dục tại Việt Nam hiện là nỗi bức xúc của mọi ngừơi trong xã hội, và là đề tài đang được dư luận hết sức quan tâm. Giữa lúc các tranh luận về cải tổ và cứu nguy cho nền giáo dục trong nước đang diễn ra sôi nổi thì Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đón nhận tân Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, với hy vọng hệ thống giáo dục Việt Nam sẽ sớm được thay đổi một bộ mặt mới.

0:00 / 0:00

Từ hiện trạng của nền giáo dục bây giờ, thế hệ trẻ, thành phần đang chiếm trên nửa số dân của Việt Nam và là những người chủ tương lai của đất nước, họ kỳ vọng những gì ở vị tân Bộ trưởng? Theo họ, để vực dậy cơ thể ốm yếu của bộ máy giáo dục, công việc trước tiên của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nên bắt đầu từ đâu?

NguyenThienNhan200.jpg
Ông Nguyễn Thiện Nhân, tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.

Đó cũng là chủ đề của loạt hội luận nói về giáo dục trên “Diễn đàn bạn trẻ” bắt đầu từ tuần này, với sự tham gia của những trí thức trẻ đến từ nhiều miền đất nước: Tân ở Hà Nội, Diệu cư dân Vũng Tàu, Thanh và Thành từ TPHCM.

Xin được mở đầu loạt bài này với phần trao đổi của các bạn về thực trạng giáo dục hiện nay:

Thanh: Chào các bạn. Mình tên Thanh ở Sài Gòn.

Kiên Tân: Mình là Kiên Tân, hiện đang ở Hà Nội.

Diệu: Chào thính giả đài RFA, em là Diệu đang sinh sống ở Vũng Tàu.

Mục tiêu quan trọng nhất của giáo dục phải chú trọng đến việc đào tạo ra nguồn nhân lực để đóng góp cho bản thân, gia đình và xã hội. Thế nhưng hiện giờ giáo dục Việt Nam không chú trọng đến yếu tố con người, mà chỉ quan tâm đến thành tích.

Thành: Mình tên Thành, ở Sài Gòn.

Trà Mi: Các bạn là những người trẻ trong nứơc đã từng hoặc đang ngồi trên ghế nhà trường. Dứơi con mắt của những ngừơi được hửơng thụ nền giáo dục Việt Nam, các bạn nhận xét như thế nào về giáo dục trong nước?

Kiên Tân: Theo mình, các môn học từ lớp 1-12 như đã lập trình sẵn, không có sự linh hoạt và mang tính gò ép, gây cho học sinh cảm giác chán nản khi cầm đến sách vở học. Trong khi đó giáo dục của nước ngoài có nhiều môn cho phép học sinh tự lựa chọn, không mang tính gò ép.

Trà Mi: Đó là nói về nhược điểm, thế còn ưu điểm?

Kiên Tân: Nền giáo dục Việt Nam đựơc mỗi một ưu điểm đó là các thầy cô giáo rất là nỗ lực tận tâm, thế nhưng thực tế không có một chương trình giảng dạy tốt thì mọi thứ nỗ lực đều trở nên vô ích.

Trà Mi: Ý kiến của Diệu thì sao?

Diệu: Em thấy ở nước mình việc dạy và học thêm rất là tràn lan. Rất nhiều trường rất lỏng lẻo trong việc chăm lo đời sống giáo viên, họ chỉ lo cho cán bộ thôi chứ còn đối với giáo viên thì lơ là. Thế nên đội ngũ giáo viên dần dần hầu như chỉ dạy tới tháng lãnh lương thôi chứ không còn yêu nghề như hồi xưa.

Trà Mi: Ý của bạn cho rằng đội ngũ thầy cô giáo hiện nay không đựơc tận tâm so với trước?

Diệu: Dạ đúng, vì họ không đựơc đãi ngộ xứng đáng.

Trà Mi: Thế bạn có thấy mặt mạnh nào trong nền giáo dục Việt Nam hiện nay hay không?

ExamStudent200.jpg
Việt Nam, từ ngàn đời nay vẫn luôn là một quốc gia có truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo. file photo.

Diệu: Cũng có chính sách, chương trình dành cho giáo dục. Việc làm thì nhiều nhưng gặp phải căn bệnh "trên chỉ đạo xuống mà ở dưới không làm theo".

Trà Mi: Xin cảm ơn Diệu. Bây giờ xin mời anh Thành?

Thành: Theo tôi, giáo dục phải chú trọng trứơc hết đến vấn đề con người, bao gồm những ngừơi đang tham gia giảng dạy và những ngừơi đang theo học. Mục tiêu quan trọng nhất của giáo dục phải chú trọng đến việc đào tạo ra nguồn nhân lực để sau này tự họ làm những việc có ích đóng góp cho bản thân, gia đình và xã hội. Thế nhưng hiện giờ giáo dục Việt Nam không đi theo đừơng hứơng này, không chú trọng đến yếu tố con người, mà chỉ quan tâm đến thành tích.

Nói cách khác, giáo dục Việt Nam đặt nặng đến vấn đề thành công, danh tiếng của ngừơi dạy chứ không phải là thành công của ngừơi học. Nôm na là ngừơi học phải chạy theo ngừơi dạy. Cho nên ngừơi học cũng không học đựơc những cái cần thiết mà người dạy cũng không truyền đạt đựơc những kiến thức cần dạy mà tất cả phải chạy theo đáp ứng cho thành tích, chỉ tiêu.

Trà Mi: Đó là bức xúc của anh Thành. Thế còn Thanh, bạn có ý kiến nào khác không?

Thanh: Mình đồng ý hoàn toàn với anh Thành là Việt Nam đang mang một căn bệnh rất nặng là bệnh thành tích. Thầy cô hồi xưa rất tận tuỵ, hết lòng giảng dạy cho học trò, nhưng bây giờ đi học phải mua chuộc, trao đổi bằng nhiều cách để đổi điểm.

Thêm vào đó, chương trình giáo dục của Việt Nam quá nặng về mặt lý thuyết mà thiếu tính thực tế. Cho nên khi rời ghế nhà trường ra xã hội mình rất là bỡ ngỡ. Đó là điều hết sức bất cập trong hệ thống giáo dục hiện nay. Ở các nứơc tiên tiến, ngừơi ta dạy và học dựa trên cơ sở thực tế, đem những gì trong thực tiễn áp dụng vào môi trừơng dạy và học.

Còn Việt Nam mình thì hoàn toàn ngược lại, chỉ học những lý thuyết hỗn độn có sẵn trong sách giáo khoa mà thôi. Đó là chưa kể đến hiện trạng thay đổi chương trình và sách học từng năm dẫn đến việc thầy cô phải chạy theo sách, rồi học trò phải chạy theo thầy cô. Tình trạng học nhồi nhét khiến học sinh phải đi học từ sáng tới tối, quá tải và rất bất cập.

Học sinh bây giờ học quá thụ động, chỉ trông chờ vào thầy cô giáo chứ không dám nói lên ý kiến riêng của mình. Về phía giáo viên, do lương bổng quá kém nên họ không thể toàn tâm toàn ý lo cho sự nghiệp giáo dục. Họ còn phải lo bon chen kiếm sống nên mới xảy ra tình trạng hối lộ chạy điểm bằng mọi giá.

Hiện nay giáo dục trong nứơc thấy mặt yếu nhiều hơn là điểm mạnh. Chính sách đề ra thì nhiều, nhưng năm nào cũng như năm nấy, chưa thấy đựơc một bứơc ngoặt cải thiện nào đáng kể để phù hợp với thực tế và nhu cầu phát triển của thời đại.

Trà Mi: Ý kiến của các bạn dường như chỉ ghi nhận những yếu kém trong nền giáo dục hiện nay. Theo các bạn, nguyên nhân dẫn đến những yếu kém đó là gì?

Kiên Tân: Các trường ở nứơc ngoài tạo điều kiện cho người học đựơc có ý kíên phản hồi về giáo viên, chương trình, và nhu cầu của mình. Người học đựơc tự do suy nghĩ và bày tỏ ý kiến của mình, chứ không gò ép hay thụ động như ở nước mình.

Chính vì thiếu sự tôn trọng đối với ngừơi học và ngay chính người học cũng không ý thức tôn trọng cá nhân mình nên không có sự bác bỏ hay phản đối với những khuông phép già nua, lỗi thời. Mình mong rằng giới trẻ bây giờ nhận biết đựơc nguyên nhân đó, rằng chính vì chúng ta không có sự tự do và chính bản thân mỗi chúng ta không ý thức đựơc sự tự do của chúng ta nên làm sao có thể thay đổi, tiến bộ đựơc.

Trà Mi: Mời ý kiến của Diệu.

Diệu: Em đồng ý với ý kiến cho rằng học sinh bây giờ học quá thụ động, chỉ trông chờ vào thầy cô giáo chứ không dám nói lên ý kiến riêng của mình.

Về phía giáo viên, do lương bổng quá kém nên họ không thể toàn tâm toàn ý lo cho sự nghiệp giáo dục. Họ còn phải lo bon chen kiếm sống nên mới xảy ra tình trạng hối lộ chạy điểm bằng mọi giá.

Trà Mi: Còn quan điểm của anh Thành và Thanh thì sao? Các bạn có ý kiến nào khác đóng góp thêm?

Thanh: Thanh đồng ý với nhận xét của Diệu và Tân. Học sinh ở Việt Nam quá thụ động, vô lớp chỉ chép bài thôi. Thầy cứ đọc, trò cứ chép . Có thầy còn đọc tất cả những gì trong sách cho trò chép nữa chứ không giảng giải gì. Đi thi học sinh cứ việc lắp ráp bài chép là cũng đủ điểm đậu.

(xin theo dõi trong cuộc hội luận này trong phần âm thanh bên trên)

Vì thời lượng chương trình có hạn. Trà Mi xin phép được tạm ngưng chương trình tại đây. “Diễn đàn bạn trẻ” sẽ trở lại với quý vị vào tuần tới, với những phân tích về các nguyên nhân dẫn đến tình hình bất cập trong hệ thống giáo dục ngày nay. Mời quý vị đón theo dõi.

Quý thính giả muốn tham gia thảo luận các đề tài trên "Diễn đàn bạn trẻ", vui lòng email cho chúng tôi qua địa chỉ vietweb@rfa.org hoặc để lại lời nhắn qua hộp thư thoại (202) 530 7775, kèm theo số phone, chúng tôi sẽ liên lạc và mời quý vị góp tiếng khi chương trình có những chủ đề mà quý vị quan tâm.

Từ Việt Nam và các nước khác, xin bấm số 001 trứơc dãy số (202) 530-7775. Trà Mi kính chào.

Theo dòng câu chuyện

- Kỳ vọng của giới trẻ với tân Bộ trưởng giáo dục Nguyễn Thiện Nhân (phần 2)