Cộng đồng người Việt tại Boston biểu tình chống đoàn văn nghệ do chính phủ VN gởi ra

Đằng Phong, phóng viên đài RFA

Vào cuối tuần vừa qua, cộng đồng người Việt tại thành phố Boston, thuộc tiểu bang Massachusetts, miền đông bắc Hoa Kỳ đã xuống đường biểu tình chống đoàn văn nghệ sĩ từ trong nước ra hải ngoại biểu diễn. Đằng Phong đã hỏi thăm ông Lê Hoàng Hà, một thành viên trong ban tổ chức hôm biểu tình đó để tìm hiểu lý do tại sao cộng đồng người Việt đã biểu tình và ông Lê Hoàng Hà trình bày như sau.

BostonProtest200.jpg
Cộng đồng người Việt tại Boston biểu tình chống đoàn văn nghệ sĩ từ trong nước ra hải ngoại biểu diễn. Photo Le Hoang Ha

Lâu nay, chính phủ Việt Nam đã cố thi hành kế hoạch bình thường hoá sự hiện diện của mình tại Hải Ngoại, nhằm mục đích thâu phục lòng giới trẻ và giảm thiểu sự ảnh hưởng của các cộng đồng người Việt tị nạn mà lâu nay đã gây khó khăn cho chính phủ Việt Nam qua những nỗ lực vận động thế giới chú ý đến tình trạng nhân quyền tại quê nhà.

Kế hoạch này được thể hiện qua Nghị Quyết 36 và những đoàn văn nghệ mà chính phủ Việt Nam thường xuyên gởi ra ngoài Hải Ngoại biểu diễn. Mới cuối tháng 10 vùa qua, báo Thanh Niên và Vietnam Airlines đã đứng ra rầm rộ tổ chức những đêm “Duyên Dáng Việt Nam” tại Úc và đã gặp sự chống đối mãnh liệt của cộng đồng Việt Nam tại đó.

Lý do biểu tình

Học được từ kinh nghiệm này, nay chính phủ Việt Nam đã gởi thêm một đoàn văn nghệ đến Hoa Kỳ trong sự âm thầm, nhưng dù vậy, vẫn không trốn khỏi sự biểu tình của cộng đồng người Việt tại đây. Ông Lê Hoàng Hà, một thành viên trong ban tổ chức biểu tình tại Boston cho biết:

“Tôi có giấy mời của toà đại sứ Việt Nam tại Washington, D.C. vào ngày 22 tây. Trong những thành phần ca sĩ đó là đa số là từ Việt Nam qua. Khi họ hát tại Washington, D.C. thì sự biểu tình tại đó cũng rất là rầm rộ. Ngày sau đó thì đoàn văn nghệ đến Atlanta, nhưng khi đến Atlanta thì gặp sự phản đối của bà con cho nên họ hủy bỏ buổi tổ chức đó. Vào ngày 25 thì họ đến Boston.

Thật ra những thành phần ca sĩ này là từ trong nước ra không. Lý do chúng tôi chống là vì đảng cộng sản Việt Nam đang núp đàng sau những văn nghệ sĩ này để cố tạo sự hiện diện bình thường của họ tại Hoa Kỳ. Đó là lý do chúng tôi chống, chứ chúng tôi hoàn toàn không chống ca sĩ Việt Nam.

Thật ra những thành phần ca sĩ này là từ trong nước ra không. Lý do chúng tôi chống là vì đảng cộng sản Việt Nam đang núp đàng sau những văn nghệ sĩ này để cố tạo sự hiện diện bình thường của họ tại Hoa Kỳ. Đó là lý do chúng tôi chống, chứ chúng tôi hoàn toàn không chống ca sĩ Việt Nam. Nhưng khi họ đi dưới sự tổ chức của đảng cộng sản Việt Nam thì họ đang thi hành Nghị Quyết 36, và chúng tôi không thể chấp nhận điều đó.”

Riêng về đêm biểu tình tại Boston thì ông Lê Hoàng Hà kể lại: "Cuộc biểu tình tại Boston xảy ra trước một hội trường rất là lớn, chứa khoảng 3000 ghế. Nhưng số người tham dự vào đêm văn nghệ đó là khoảng chừng 70 người trở lại, chứ không hơn. Còn số người đứng ngoài tham dự biểu tình thì hơn 400 người, cho dù trời ở ngoài rất là gió lạnh, dưới 3, 4 độ C.

Bà con tham dụ biểu tình thì rất là hăng hái, rất là sôi động. Trong đó có một số chuyện như một số người đã mua vé đi dự, nhưng sau khi thấy đoàn biểu tình và được ban tổ chức giải thích thì họ đã bỏ vé và đi về. Cũng có một số người ở lại và tháp tùng với đoàn biểu tình.”

Quá khích, nuôi dưỡng hận thù?

Gặp những sự chống đối như thế thì chính phủ Việt Nam lại cho rằng là những ai biểu tình là những thành phần quá khích, nuôi dưỡng hận thù. Nhưng theo ông Lê Hoàng Hà thì lý luận đó hoàn toàn sai.

Bạn nghĩ gì về ý kiến này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

“Chúng tôi đấu tranh không phải là vì nuôi dưỡng hận thù. Bằng chứng là đêm kia hơn phân nửa những người tham gia biểu tình là thành phần trẻ. Từ những người sinh viên, đến những người đã ra trường, và một số thành phần trẻ hơn nữa, tức là đang học trung học. Những người này không bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến gì cả. Vì thế không có sự hận thù.

Nhưng những người này ý thức được một điều là dân tộc Việt Nam hiên nay đang rất đau khổ. Đời sống Việt Nam, xã hội Việt Nam, đạo đức, bị băng hoại toàn diện. Chế độ cộng sản dùng thành phần cửa quyền để đàn áp người dân trong nước.

Cho nên họ đấu tranh không vì sự hận thù, nhưng vì họ nhìn thấy các tệ nạn ở trong nước cho nên họ muốn cải thiện những vấn đề đó, để có thể đem lại cho người dân một cuộc sống nhân bản và bình thường như bao nhiêu người khác trên thế giới.”

Căn cứ vào sự kiện đã diễn ra trong vòng mấy tháng qua thì chúng ta có thể tin rằng là chính quyền Việt Nam sẽ tiếp tục gởi các đoàn văn nghệ ra Hải Ngoại để phục vụ những mục đích của họ. Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận thấy rằng là các cộng đồng người Việt tại Hải Ngoại cũng đã tạo nên một thế hệ kế thừa và sẽ tiếp tục chống đối những nỗ lực này của nhà nước Việt Nam. Bên nào kiên nhẫn hơn thì chỉ có thời gian mới cho biết được.

Chúng tôi là Đằng Phong, tường thuật từ Hoa Thịnh Đốn.