Hội Địa lý Việt Nam phản đối việc in sai bản đồ Hoàng Sa

Hội Địa lý Việt Nam đã chính thức phản đối National Geographic Society – NGS (Hội Địa lý Hoa Kỳ) về việc tổ chức này phát hành bản đồ ghi rõ quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Trung Quốc.

0:00 / 0:00

Sau khi National Geographic Society (NGS), Hội Địa Lý Hoa Kỳ, phát hành bản đồ trên mạng ghi chú quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Trung Quốc ngay lập tức người Việt khắp nơi trên thế giới phản ứng mạnh mẽ bằng nhiều hình thức về thông tin không chính xác này.

Hoàng Sa thuộc Việt Nam

Sáng hôm qua Hội Địa lý Việt Nam đã chính thức gửi thư phản đối tới Hội Địa Lý Hoa Kỳ trình bày những bằng chứng lịch sử cũng như địa lý về chủ quyền của Việt Nam.

Mặc Lâm phỏng vấn PGS/TSKH Phạm Hoàng Hải, thường trực Ban Chấp Hành Hội Địa lý Việt Nam để biết thêm chi tiết về vấn đề này.

Hội Địa Lý Việt Nam đề nghị là Hội Địa Lý Quốc Gia Hoa Kỳ xem xét, nên có cải chính để cho nó phù hợp với thực tiễn từ trước tới nay.

TS Phạm Hoàng Hải

Mặc Lâm: Thưa Giáo Sư, chúng tôi được biết Hội Địa Lý Việt Nam đã chính thức gửi thư cho Hợi Địa Lý Hoa Kỳ yêu cầu hội này cải chính tên gọi của quần đảo Hoàng Sa mà ngoại quốc gọi là Paracel Island là của Trung Quốc. Xin Giáo Sư cho biết chi tiết về vấn đề này.

GS Phạm Hoàng Hải: Hội Địa Lý Việt Nam đã có một cái thư gởi cho Hội Địa Lý Mỹ nói về 3 cái ý ngắn gọn. Cái thứ nhất là chủ quyền của Việt Nam về quần đảo Hoàng Sa từ trước tới nay là không thay đổi. Cái này không chỉ nhà nước mà về lịch sử đã chứng minh, cả những minh chứng bằng lịch sử từ đời cha ông để lại, thì chủ quyền đấy là phải là của Việt Nam. Và rất nhiều minh chứng cụ thể bằng lịch sử trước đây cũng như cái gần đây nhất, tức là năm 1974, vẫn là có cái chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa. Đấy là cái đầu tiên.

Cái quan điểm thì chúng tôi luôn luôn ủng hộ quan điểm chung của nhà nước cũng như là của đất nước về chuyện chủ quyền. Và chúng tôi cũng có rất nhiều nghiên cứu. Mặc dù hiện nay đấy là vùng đang tranh chấp, phải nói là đang tranh chấp vì bị Trung Quốc chiếm. Cả một vùng quần đảo Hoàng Sa là Trung Quốc chiếm hết, tuy nhiên phía Việt Nam vẫn tiếp tục đấu tranh bằng mọi hình thức, tất nhiên chủ yếu vẫn là ngoại giao để đòi lại chủ quyền của mình.

Cái ý thứ hai nữa là chúng tôi cũng sẵn sàng đưa ra những minh chứng nói đấy là chủ quyền và có những cái minh chứng từ thế kỷ 19 đến những thế kỷ sau này và gần đây nhất, tức là năm 1974, nói với anh cái mốc lịch sử là năm 1974.

Mặc Lâm: Thưa Giáo Sư, dưới quan điểm của một nhà chuyên môn, Giáo Sư có nhận xét gì về tính chuyên nghiệp của NGS?

GS Phạm Hoàng Hải: Rõ ràng là Hội Địa Lý Việt Nam thì cho rằng Hội GNS chưa đủ những dữ liệu cần thiết để có thể đưa cái bản đồ ấy ra, có thể là người ta thiên về dữ liệu của một phía nào đấy, chưa tìm hiểu kỹ do đó có những cái sai lệch, có những cái làm nó chưa đúng. Chính vì thế nên Hội Địa Lý Việt Nam đề nghị là Hội Địa Lý Quốc Gia Hoa Kỳ xem xét, nên có cải chính để cho nó phù hợp với thực tiễn từ trước tới nay. Đấy là cái quan điểm.

Bản đồ do Hội địa lý Hoa Kỳ phát hành, Hoàng Sa được chú thích là của Trung Quốc. Photo courtesy of nationalgeographic.com
Bản đồ do Hội địa lý Hoa Kỳ phát hành, Hoàng Sa được chú thích là của Trung Quốc. Photo courtesy of nationalgeographic.com

Tất nhiên chúng tôi cũng rất muốn là vì thế này, các nhà khoa học với nhau thì nó có mối quan hệ riêng, phi chính phủ, thì chúng tôi cũng không muốn nó có cái gì đó mang tình nặng nề lắm. Tuy nhiên, cái này nó hoàn toàn quốc gia cho nên dứt khoát là phải có ý kiến mang tính cách rất là chuyên môn thôi chứ không có cái gì gọi là chính trị ở đấy hết.

Thông tin toàn cầu kém

Mặc Lâm: Có nhiều nhận xét cho rằng sở dĩ có tình trạng này một phần rất lớn là do phía chính phủ Việt Nam không nỗ lực công bố với thế giới những dữ liệu cần thiết về bản đồ của Việt Nam đối với những tổ chức tương tự như NGS. Giáo Sư có đồng ý với những nhận định này hay không?

Mình đã có bản đồ từ năm 1838 khẳng định Hoàng Sa là một vùng lãnh thổ của Việt Nam, và hiện giờ tài liệu ấy vẫn lưu trữ ở Việt Nam này. Bản gốc luôn. Đúng là thông tin toàn cầu của mình kém.

TS Phạm Hoàng Hải

GS Phạm Hoàng Hải: Chúng tôi hôm qua họp cũng phải nhận đấy là cái rất yếu về phía Địa Lý Việt Nam. Cái phổ biến thông tin rộng rãi là kém. Vì mình có những cứ lịch sử, ngay cả bản đồ khoa học cũng có từ những năm 1838 tức là có tác giả người Pháp đã vẽ. 1838 thì anh hình dung lúc ấy Trung Quốc đang ở thời kỳ nào? Mình đã có bản đồ từ thời ấy khẳng định Hoàng Sa là một vùng lãnh thổ của Việt Nam, và hiện giờ tài liệu ấy vẫn lưu trữ ở Việt Nam này. Bản gốc luôn. Đúng là thông tin toàn cầu của mình kém. Hôm qua thì anh em chúng tôi cũng đánh giá là chưa hợp lý lắm.

Mặc Lâm: Thư gửi đi đã nhận được phản hồi gì từ NGS hay không, thưa Giáo Sư?

GS Phạm Hoàng Hải: Hiện nay chưa có phản hồi nào. Bọn tôi sáng nay vừa có trao đổi, người ta cũng nói là về phía người ta người ta cũng phải, không phải một người trả lời ngay được. Chắc là người ta cũng phải hội ý với nhau xong người ta mới có trả lời chính thức. Về phía các hội địa lý với nhau thì chắc là người ta sẽ có câu trả lời, người ta sẽ giải thích. Chúng tôi cũng đang chờ, đang chờ trả lời từ phía bên kia.

Mặc Lâm: Một lần nữa xin cám ơn Giáo Sư về những thông tin mà ông vừa đưa cho chúng tôi ạ.

Theo thông tin mới nhất thì bà Cindy Beidel, tùy viên báo chí phân bộ bản đồ của NGS nói với báo Người Việt rằng NGS quyết định ghi chú: Mặc dù Trung Quốc chiếm đóng và quản trị nhưng Paracel Island vẫn đang được Việt Nam đòi chủ quyền. Đài Á Châu Tự Do sẽ tiếp tục theo dõi và đưa tin về vấn đề này đến cùng quý vị trong thời gian sớm nhất, xin quý vị đón theo dõi

Theo dòng thời sự: