Nghệ sĩ Văn Hường, vua vọng cổ hài

Thanh Quang, phóng viên đài RFA

"Dạ, tôi nghe anh Tám Thưa, anh Tám Thưa hồi xưa ảnh ca rất hay. Đọ rồi ảnh "ợ…ợ" không. Còn tôi, tôi sáng tạo ra cái "ự…ự". Cái "ự" ăn khách dữ lắm.". Trên đây là lời của nghệ sĩ hài hước Văn Hường, đề cập tới một nét độc đáo trong nghệ thuật ca vọng cổ hài của ông.

0:00 / 0:00

Lối “ự…ự” rất riêng biệt và khó bắt chước của nghệ sĩ Văn Hường, kết hợp vời nhiều yếu tố đặc biệt khác mà lát nữa chúng tôi sẽ đề cập tới, đã làm cho Văn Hường một thời được vinh danh là vua vọng cổ hài.

Quý vị vừa nghe một trích đọan trong bản “Tâm Sự Văn Hường” do danh hài Văn Hường diễn tả qua giọng ca độc nhất vô nhị của ông, như sọan giả Nguyễn Phương – một sọan giả cổ nhạc hàng đầu của Việt Nam – nhận xét sau đây:

Nguyễn Phương: "Văn Hường biết sáng tạo, khai thác thêm ở giọng ca và cách ca cho khác lạ và phù hợp với vọng cổ hài. Đó là cách luyến lái, nhấn nhá và kéo dài phụ âm "R", hoặc lên giọng thật cao ở những chữ mang dấu sắc, dấu hỏi, đặc biệt vô vọng cổ với chữ ự…ự…ự lên xuống trước khi xuống Hò, hoặc chữ ư…ư khi dứt câu 2, nghe rất độc đáo, mang nhản hiệu riêng biệt của Văn Hường mà nghệ sĩ khác khó bắt chước theo."

Giọng ca ấy lại càng làm cho khán thính giả “khoái chí tử” - như lời nhà văn Võ Phiến mô tả sự mê thích văn chương Nam Bộ, khi lối vừa ca vừa kể chuyện một cách hài hước và rất chắc nhịp của Văn Hường cũng đượm chất mùi mẫn mượt không kém, thể hiện trọn vẹn mọi khía cạnh của cuộc đời.

Quý vị vừa nghe giọng ca Văn Hường qua một trích đọan trong bản "Đời Là Gì ?". (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Nghệ sĩ Văn Hường tên thật là Nguyễn Văn Hường, sinh năm 1934 tại xã Long Thạnh Mỹ, Thủ Đức. Ông thứ Sáu trong gia đình nông dân đông con, nên thường được bạn bè gọi là anh Sáu Văn Hường. Nhờ sự dìu dắt của bạn bè ở Sàigòn, ông ca hát vững vàng và được các nghệ sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ, kể cả nhạc sĩ Năm Cơ, Văn Vĩ, tạo điều kiện phát triển thêm giọng ca thiên phú của ông qua những đám tiệc địa phương.

Cuộc đời ca hát của nghệ sĩ Văn Hường bước sang một ngã rẽ thuận lợi quan trọng khi ông đang hợp tác với giải trí trường Lệ Liễu ở Thị Nghè, Saigòn, thì sọan giả Viễn Châu phát hiện giọng ca hài đặc biệt ấy và mời ông hợp tác với hãng dĩa Asia. Nghệ Sĩ Văn Hường kể lại bước đường nghệ thuật xuôi buồm thuận gió của ông:

Văn Hường biết sáng tạo, khai thác thêm ở giọng ca và cách ca cho khác lạ và phù hợp với vọng cổ hài. Đó là cách luyến lái, nhấn nhá và kéo dài phụ âm “R”, hoặc lên giọng thật cao ở những chữ mang dấu sắc, dấu hỏi, đặc biệt vô vọng cổ với chữ ự…ự…ự lên xuống trước khi xuống Hò, hoặc chữ ư…ư khi dứt câu 2, nghe rất độc đáo, mang nhản hiệu riêng biệt của Văn Hường mà nghệ sĩ khác khó bắt chước theo.

Văn Hường: "Lúc đó anh Viễn Châu thấy Văn Hường ca được quá mới bèn mời về hợp tác với hãng dĩa, với cái bài đầu tiên của tôi ca, đó là cái bài "Đêm Tân Hôn" cuả sọan giả Viễn Châu. Rồi lần hồi ảnh viết qua các bài "Tư Ếch Đi Sàigòn", "Vợ Tôi Nói Tiếng Tây", "Pháp Sư Giải Nghệ"…nhiều bài lắm, bây giờ kể không hết được.

Lần hồi anh Bảy Cao đoàn Hoa Sen cũng về đó hát và mời tôi hợp tác với đoàn này. Hát được mấy năm, đoàn Kim Chung mời tôi ký giao kèo hơi lớn, hát cho đoàn này trong mười mấy năm…”

Theo tài liệu của sọan giả Nguyễn Phương, người từng viết nhiều bộ dĩa cải lương hài hước cho Văn Hường, thì danh hài này không dành độc quyền cho hãng dĩa nào cả. Nên ông tự do thu thanh ở nhiều hàng dĩa khác nhau với thù lao cao – từ hãng Asia, Continental, Quê Hương tới Capitol, và được các sọan giả nổi tiếng như Viễn Châu, Quy Sắc, Nguyễn Phương viết nhiều bài ca hài hước nhằm khai thác lối ca diễn độc đáo của Văn Hường..

Giọng ca thiên phú cộng thêm sự may mắn như vậy đã giúp đưa nghệ sĩ Văn Hường lên ngôi vị một thời vang bóng.

Trong các thập niên 60, 70 – giai đọan vàng son của ngành ca kịch cải lương nói chung và sự nghiệp của Văn Hường nói riêng, qua những bài vọng cổ hài hước như “Pháp Sư Giải Nghệ”, “Vợ Tôi Đi Coi Bói”, “Văn Hường Năm Con Vợ”, “Văn Hường Mê Số Đề”…, giọng ca độc đáo của Văn Hường đã nhẹ nhàng chăm biếm mặt trái cuộc đời, từ mê tín dị đoan, hủ tục đa thê…cho tới nạn hút sách, mê cờ bạc.

Thưa quý vị, trích đọan trong bản “Văn Hường Mê Số Đề” đã kết thúc chương trình Cổ Nhạc tuần này. Thanh Quang kính chào tạm biệt và xin hẹ n gặp lại quý vị trong chương trình kỳ tới.