Khi nào mới hết kẹt xe?

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng mới đây tuyên bố với báo chí rằng, rất khó nói khi nào ở Việt Nam hết kẹt xe, tắc đường. Theo ông thì nếu muốn đáp ứng cơ bản về giao thông thì phải tính đến chuyện 10 hay 15 năm nữa.

0:00 / 0:00

Trong một diễn biến khác liên quan đến an toàn giao thông mấy ngày Tết, thì số tai nạn lưu thông vào dịp đầu xuân Canh Dần có nơi đã tăng tới 30%.
Mời quý vị nghe Đỗ Hiếu trình bày thêm chi tiết.

Còn nhiều bất cập, phức tạp

Qua câu chuyện đầu năm với người dân Việt, được Cổng Thông tin Điện tử của chánh phủ phổ biến, bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng thừa nhận giao thông tại hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh còn nhiều bất cập, phức tạp với nhiều loại phương tiện khác nhau cùng tham gia lưu thông; Nhiều người vẫn có thói quen tùy tiện, dẫn tới sự hỗn loạn, kẹt xe, tắc nghẽn.

Theo ông , để có thể giải quyết vấn đề này, việc phải làm trước mắt và lâu dài là khi xây dựng các tuyến đường mới, phải tách được các phương tiện giao thông, bằng giải pháp kỹ thuật chứ không phải bằng biện pháp hành chánh như bấy lâu nay.

Ông Hồ Nghĩa Dũng giải thích là tắc đường, kẹt xe là vấn đề khó khăn mà rất nhiều quốc gia luôn phải đối phó. Kẹt xe không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà tại các thủ đô lớn cũng có như London, Paris, MatXcoVa, Bangkok. Tuy nhiên mức độ kẹt xe tại Việt Nam là chuyện khá trầm trọng, khiến người dân phàn nàn, bực dọc và đỗ lỗi cho cá nhân bộ trưởng Giao thông Vận tải.

Dân bị bắt buộc đội mũ bảo hiểm, công an được miễn?
Dân bị bắt buộc đội mũ bảo hiểm, công an được miễn? (Photo courtesy Vietnamnet)

Ông kêu gọi mọi người nên tự điều chỉnh một chút thì áp lực giao thông trên công lộ sẽ giảm, như đi làm việc sớm hơn, hoặc trong phạm vi bán kính vài km, nên đi bộ. Về những điều ước trong năm mới 2010, ông mong rằng tai nạn giao thông, nạn kẹt xe sẽ giảm, Việt Nam hướng đến một xã hội giao thông an toàn, không để xảy ra tai nạn.

Vẫn theo bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng thì điều ông hài lòng là việc toàn dân đều chịu đội mũ bảo hiểm. Đây là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu và kiềm chế tai nạn giao thông trên mọi tuyến đường. Ngay trong năm đầu tiên thực hiện quyết định phải đội mũ bảo hiểm đã có kết quả giảm hơn một ngàn người thiệt mạng. Theo ông thì đây là một bằng chứng, một thành công rõ rệt được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Rất khó nói

Góp ý về phát biểu của ông bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng thừa nhận là rất khó nói khi nào ở Việt Nam hết kẹt xe, ông Nguyễn Chí, một kỹ sư phục vụ cho tổng công ty xây dựng Saigon cho biết:

Khó có thể nói chừng nào và bao lâu mới có thể chấm dứt được vấn đề kẹt xe.

KS Nguyễn Chí

“Là chuyên viên ngành kỹ thuật, xây dựng, tôi nghĩ vấn đề ùn tắc gia thông là nan giải và hết sức bức xúc, nhưng nói đến chừng nào giải quyết được thì khó mà trả lời. Cái gốc của vấn đề là hạ tầng cơ sở nhưng chúng ta không thể có phương tiện để xây đựng cầu, đường, ví dụ như đường trên bộ, trên không, đường ngầm.

Ngoài ra với hệ thống giao thông công cộng, chúng ta cũng không có đủ các loại xe cần thiết, cho nên nói chung là phải dùng đến đồng vốn, mà đồng vốn thì hiện không có. Ngược lại khi có vốn rồi thì giao thông lại tiếp tục phát triển, đó là cái vòng lẩn quẩn, nên việc giải quyết kẹt xe ở Việt Nam là vấn đề rất khó.

Ngoài ra còn phải nói đến chính sách quản lý đô thị, với cơ chế rườm rà, nhiều cửa của chánh quyền Việt Nam, cũng góp phần vào việc ngày càng khó giải quyết ùn tắc giao thông. Khó có thể nói chừng nào và bao lâu mới có thể chấm dứt được vấn đề kẹt xe.”

Chả bao giờ hết được

Traffic-Hemet-250.jpg
Lưu thông trên đường phố Việt Nam. RFA file photo (RFA file photo)

Ông Phú, một người dân Hà Nội vừa xem báo và TV tường thuật cuộc trao đổi giữa ông Hồ Nghĩa Dũng với phóng viên phỏng vấn ông liên quan đến vấn đề kẹt xe, cũng tin rằng đây là một chuyện dài không đoạn kết:

“Chắc chả bao giờ hết được nạn ùn tắc đâu. Ở Hà Nội thì đất quá hẹp, đường nhỏ, lưu lượng người giao thông quá lớn, muôn thuở không thể nào hết kẹt xe. Người dân Hà Nội rất mong mỏi sớm chấm dứt điều ấy, nhưng vì không thể thay đổi được nên không ai muốn mong mỏi nữa. Thành phố Hồ Chí Minh thì đỡ hơn một chút tại vì đường trong ấy rộng hơn ở ngoài Hà Nội này.”

Tết đến, tai nạn giao thông tăng

Cũng liên quan đến tin tức giao thông vào những ngày đầu xuân Canh Dần, báo chí trong nước cho biết, tai nạn giao thông tăng vọt đáng kể nhân dịp Tết tại một số tỉnh thành.

Tại Hải Phòng, số người bị tai nạn giao thông nhập viện tăng cao. Bệnh viện đa khoa Việt-Tiệp đã cấp cứu cho 525 trường hợp, gần một nửa số bệnh nhân phải nhập viện chữa trị.

Bệnh viện đa khoa và bệnh viện hợp lực tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận trên 400 người bị tai nạn giao thông.

Tại Phú Yên, các ca cấp cứu do tai nạn giao thông mấy ngày Tết tăng 30%. Có hàng chục trường hợp bị chấn thương sọ não trầm trọng, trong số đó có 4 người thiệt mạng.

Chắc chả bao giờ hết được nạn ùn tắc đâu. Ở Hà Nội thì đất quá hẹp, đường nhỏ, lưu lượng người giao thông quá lớn, muôn thuở không thể nào hết kẹt xe.

Ông Phú, Hà Nội

Tại Thừa Thiên-Huế, đã có 10 người chết vì tai nạn giao thông, nguyên nhân là do uống bia rượu nhiều, phóng xe nhanh, lái ẩu, không làm chủ tốc độ, thiếu cảnh giác.

Mấy ngày Tết, cảnh sát Hà Nội đã xử lý hơn 650 vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương ở Saigon đã tiếp nhận hơn 2800 ca nhập viện, trong đó có cả ngàn ca do tai nạn giao thông gây ra.

Bác Sĩ Khiết đang phụ trách phiên trực cấp cứu tại bệnh viện trung ương ở Saigon nói, Tết năm nào số tai nạn giao thông cũng tăng vọt:

“Tết thì mức độ tai nạn tăng là do ăn nhậu thôi, thường xảy ra sau những cuộc liên hoan kia nọ. Trong bệnh viện cũng có người từng bị tai nạn mà mất, ở bệnh viện Chợ Rẩy đó, là cũng sau khi liên hoan, đi chúc Tết, ăn nhậu ra rồi bị xe đụng.

Đó là chuyện bình thường năm nào cũng vậy, Tết người ta có thời gian để họp mặt bạn bè nhiều hơn, sau đó quá chén nên xảy ra tai nạn là chuyện bình thường thôi, năm nào ở Việt Nam mình cũng vậy. Đa số vụ tai nạn được đưa vô bệnh viện Chợ Rẩy với bệnh viện 115.”

Với tựa đề “Bỏ ngỏ an toàn giao thông” ngày Tết, báo Dân Trí nói, vào dịp đầu xuân lượng xe lưu thông trong thành phố không nhiều như thường ngày, nhưng ý thức của người tham gia lưu thông không cao. Hơn nữa trong dịp nghỉ lễ lực lượng cảnh sát giao thông hiện diện tại các giao điểm rất ít, vì vậy nhiều người vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, chở người quá số quy định, say sưa, chủ quan, và những hành vi đó đã khiến các hậu quả đáng tiếc dễ xảy ra, trong mùa lễ hội lớn nhất trong năm.

Theo dòng thời sự: