“Vụ Điếu Cày” và “Đề Án Chủ Tịch Xã” trong thế giới blog
Việt Nam có hơn 700 tờ báo, nhưng công luận trong nước cho rằng báo chí Việt Nam hoàn toàn thiếu tính phản biện, do đó không thể đóng vai trò ghi nhận trung thực, phản ánh trung thực,và thúc đẩy có hiệu quả sự thăng tiến xã hội. Mất tính trung thực không phải vì các ký giả thiếu tinh thần hay khả năng nghề nghiệp, mà vì họ bị chi phối, bị sử dụng, không kể giới báo chí của Nhà nước phải nhận lấy vai trò công cụ. Trong bối cảnh đó, nhiều nhà báo cùng với những công dân bình thường khác đã chọn một “kênh” thông tin khác. Đó là loại hình blog, một dạng “nhật ký cá nhân” trên internet. Giới thức giả trong nước nhận định, rằng nhiều trang blog đưa tin chính xác, như những nhiệt kế đo lường nhiệt độ xã hội Việt Nam. Trong tinh thần này, chúng tôi bắt đầu tìm hiểu, ghi nhận, một cách cẩn trọng và có chọn lọc, các thông tin cùng ý kiến được loan tải trên các blog Việt ngữ. Đọc những thông tin này, giới thiệu đến độc giả và thính giả, cũng là một hình thức tiếp cận mới với nội tình Việt Nam.

Blogger Điếu Cày
Ngày 10 tháng Chín vừa qua, blogger Điếu Cày, tức ông Nguyễn Văn Hải, bị đưa ra toà, bị kêu án 30 tháng tù vì tội danh "trốn thuế," một tội danh mà hầu hết những ai quen biết ông đều cho là nhà nước sử dụng để che dấu mục tiêu chính trị.
Điếu Cày đã từng tham gia vào các cuộc biểu tình chống Trung Quốc liên quan đến vấn đề chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ hồi cuối năm 2007.
Ngày Điếu Cày bị mang ra xét xử, hàng loạt bạn bè của ông, kể cả những người không quen biết nhưng đã tham gia biểu tình chống Trung Quốc, lâm vào hoàn cảnh mà họ nói là "nghẹt thở." Công an canh gác trước cửa nhà; công an gởi giấy "mời" làm việc vào đúng ngày xét xử Điếu Cày; có người nhất cử nhất động đều bị công an theo dõi.
Một người bạn của Điếu Cày, là bà Tạ Phong Tần, từng công tác trong ngành Công An, đã kể lại những gì xảy ra cho mình vào buổi sáng ngày 10 tháng Chín. Bà Phong Tần nói rằng "có đến 4 công an theo sát, không cho bà đến với phiên toà diễn ra tại Quận 3, Sài Gòn."
Blogger Tạ Phong Tần
Thân nhân Điếu Cầy bị “khủng bố tinh thần,”
Thời điểm mà bà Tạ Phong Tần kể lại trên blog của mình, có lẽ trùng với thời điểm chúng tôi gọi cho bà để phỏng vấn. Cuộc trao đổi giữa chúng tôi với bà Tạ Phong Tần diễn ra vào khoảng 10, 11 giờ sáng ngày 10 tháng Chín.
Thiện Giao: Vụ Xử Điếu Cày bây giờ đến đâu rồi ạ?
Tạ Phong Tần: Tôi không rõ. Vì sáng đến giờ định sang bên đó xem xét xử nhưng có các anh công an đây bắt uống cà phê với ăn hoài thôi. Tôi mắc "bận" uống cà phê và ăn trưa với các anh công an đây rồi.
Thiện Giao: Vậy công an đang theo chị? Tôi có thể nói chuyện với họ được không?
Tạ Phong Tần: Được, nhưng tôi cần hỏi ý kiến anh ấy.
(Quay sang phía công an)
Tạ Phong Tần: Có một anh ở Đài nước ngoài muốn nói chuyện với anh.
Công An: Em cứ nói anh là bạn em, nói chuyện bình thường thôi.
(Tiếp tục nói chuyện với phóng viên)
Tạ Phong Tần: Anh công an này không đồng ý trả lời.
Thiện Giao: Vậy tôi có thể nói chuyện với 3 người kia không?
Tạ Phong Tần: Anh này là "sếp" mà không đồng ý thì mấy anh kia làm sao nói được.
Trong bài viết có tựa đề "Tôi Bị Cản Trở Đến Phiên Toà Xét Xử Điếu Cày Như Thế Nào?" đăng trên blog của mình, bà Phong Tần thuật lại lời đối thoại với một viên công an:
Công An: Anh đề nghị em không nên tiếp tục lên trên đó mà hãy về làm việc đi, đừng gây khó khăn cho anh em.
Tạ Phong Tần: Có làm gì gây khó khăn? Tại sao lên đó là gây khó khăn? Anh nói có lý do chính đáng thì em nghe, không có lý do chính đáng thì không nghe.
Công An: Vụ ông Hải [Điếu Cày] um sùm từ lâu rồi.
Tạ Phong Tần: Um sùm thì sao? Ông Hải có bị bắt không? Có. Có bị xét xử tội "trốn thuế" không? Có. Đó là những thông tin bình thường, có gì không bình thường? Khi nào ổng bị bắt tội này mà người ta xét xử tội khác thì đó mới là không bình thường.
Công An: Bình thường trong cái không bình thường.
Tạ Phong Tần: Tại sao không bình thường? Không bình thường chổ nào anh nói đi?
Viên công an lảng sang chuyện khác!
Cũng trên blog của mình, bà Tạ Phong Tần kể lại hoàn cảnh của bà Dương Thị Tân, vợ cũ của Điếu Cày trong 3 tháng Điếu Cày bị điều tra.
Bài viết với tựa đề "Trò Chuyện Với Vợ Cũ Điếu Cày," có đoạn kể như sau:
Suốt ba tháng điều tra là thời gian chị [Dương Thị Tân] luôn luôn bị "khủng bố tinh thần," đến mức sợ hãi không dám gặp ai, ngay cả bạn bè cũng từ chối tiếp xúc<br/>
“… Suốt ba tháng điều tra là thời gian chị [Dương Thị Tân] luôn luôn bị “khủng bố tinh thần,” đến mức sợ hãi không dám gặp ai, ngay cả bạn bè cũng từ chối tiếp xúc. Điều tra viên cứ lặp đi lặp lại là “Chị bị “văng miểng”, “tội này là tội của ông Hải” trong khi “chính chị mới là người nhận tiền cho thuê nhà chớ ông Hải có nhận đồng nào đâu”. Rồi người ta còn bảo chị làm đơn tố cáo ông Hải, nhưng chị thẳng thắn trả lời là “ông Hải từ trước đến giờ ngay cả chửi thề cũng chưa bao giờ có, tuy vợ chồng có những bất đồng phải chia tay nhưng chị không nói xấu người khác được”. Ở khu phố thì người ta họp dân tuyên truyền rằng ông Hải là “phản động,” chị đã mạnh dạn nói với mọi người rằng: “Nếu ông ấy “phản động” sao không bắt tội “phản động” đi, tội ấy xử án còn nặng hơn tội này nữa, không bắt về tội “phản động” tức là ông Hải không “phản động”.”
Blogger Hạo Nhiên Vũ
Bí Thư Chi Bộ ỷ thế ăn hiếp hàng xóm
Có lẽ Điếu Cày đã là "cái gai" trong mắt chính quyền địa phương từ trước đó rất lâu. Điếu Cày đã từng phản ứng lại một Bí Thư Chi Bộ Đảng địa phương trong một vụ mà sau đó anh kiện luôn cả công an địa phương.
Blogger Hạo Nhiên Vũ đã từng viết bài báo, có tựa đề là "Đảng Viên Sai, Công An Sửa, Toà Sửa Lại, Càng Sửa Càng Sai," và đăng trên Nhật Báo Người Việt. Hạo Nhiên kể lại:
"Lần đó, Điếu Cày bị dính vào một vụ kiện. Điếu Cày là người có tiền. Anh ấy mua một số căn nhà ở Sài Gòn, trong đó có một căn ngay Ngã Sáu Phù Đổng, Quận 1. Căn này Điếu Cày cho người thuê. Nhà Việt Nam thì san sát nhau, nhà Điếu Cày ở cuối ngõ, sâu hơn nhà bên cạnh, và có cửa sở mở ra nhà hàng xóm. Điều xui cho Điếu Cày, nhà hàng xóm lại là nhà của Bí Thư Chi Bộ Khu Phố." (sb_02)
Xui như thế nào? Và tại sao lại xui khi nhà hàng xóm lại là nhà của Bí Thư Chi Bộ Khu Phố? Blogger Hạo Nhiên Vũ kể tiếp, rằng "Người ta thấy nhà của Điếu Cày mở cửa sổ ra sân sau người ta, thì người ta ghét. Một hôm, hàng xóm kêu thợ đến hàn kín cửa sổ nhà Điếu Cày lại, theo kiểu "chuồng cọp" không mở ra được. Người thuê nhà Điếu Cày báo cho anh biết. Điếu Cày đến và phản đối, nói rằng Bí Thư Chi Bộ hiếp đáp dân. Ông Bí Thư Chi Bộ gọi công an. Công an đến phạt "hành chính" Điếu Cày số tiền tương đương $10. Điếu Cày nhất định không chịu trả, mà kiện ngược lại. Do không có bằng chứng Bí Thư Chi Bộ dính dáng đến công an, Điếu Cày bèn kiện công an phạt vô lý. Kiện ra phường, phường xử theo công an. Điếu Cày bèn kiện lên toà Sơ Thẩm, rồi Phúc Thẩm của thành phố. Lý do là vì Điếu Cày không muốn Bí Thư Chi Bộ hành xử vô lý.
Ngay giữa Sài Gòn, một địa phương được xem là ít tệ nạn chính quyền tác oai tác quái, một đảng viên bí thư chi bộ khu phố đã dùng quyền lực của mình để ra lệnh cho thợ hàn khung sắt bịt kín cửa sổ hàng xóm
"Sau khi Điếu Cày phản ứng, thì người Bí Thư đồng ý tháo khung, và sau đó chính Điếu Cày tự gọi thợ đến tháo khung ra. Vấn đề ở đây không phải là cái khung cửa. Vấn đề là người Bí Thư Chi Bộ ỷ thế ăn hiếp hàng xóm." (sb_03)
Hạo Nhiên Vũ viết trên blog của mình về vụ này, rằng "Ngay giữa Sài Gòn, một địa phương được xem là ít tệ nạn chính quyền tác oai tác quái, một đảng viên bí thư chi bộ khu phố đã dùng quyền lực của mình để ra lệnh cho thợ hàn khung sắt bịt kín cửa sổ hàng xóm. Ðến khi ông hàng xóm khiếu nại, kêu công an, thì người bí thư ra lệnh cho công an phạt người dân tội phá rối an ninh trật tự. Chính người công an khai tại tòa đã được "chỉ đạo" trong việc làm này, thì thay vì sửa sai sự chỉ đạo, tòa án lại xúi cho công an khai lại, "không được khai như vậy!"
Toàn bộ diễn biến phiên toà này đã được ghi âm và cho phổ biến trên Internet.
Blog Osin
“dân chủ trực tiếp” chỉ có thể có, khi một chính quyền là “của dân” và phải “do dân.”
Bước sang một đề tài khác, cũng được dư luận chú ý khá nhiều thời gian qua. Đó là Đề Án Thí Điểm bầu trực tiếp chủ tịch của 500 xã tại Việt Nam. Dư luận chú ý vì đây có thể là bước tiến dân chủ trực tiếp căn bản nhất, đặt nền tảng cho các cải cách chính trị và hành chánh tại Việt Nam.Hồi trung tuần tháng Tám, Việt Nam cho biết sẽ chọn bốn thành phố trực thuộc trung ương cùng sáu tỉnh để thực hiện thí điểm xoá bỏ tổ chức Hội Đồng Nhân Dân cấp quận, huyện, đồng thời bầu trực tiếp chủ tịch Uỷ Ban Nhân Dân cấp Xã.
Trên blog có tên là Osin, nhà báo Huy Đức kể lại tiến trình đưa đến quyết định cho phép thí điểm bầu trực tiếp chủ tịch xã như sau: "Đề án thí điểm bầu trực tiếp chủ tịch ở 500 xã vừa lại được Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng hối thúc hoàn thành. Từ tháng 12-2006, tại Hội nghị toàn quốc về hội đồng nhân dân (HĐND) và ủy ban nhân dân (UBND), vấn đề để cho nhân dân bầu chủ tịch xã đã được Bộ trưởng Nội vụ (lúc ấy) Đỗ Quang Trung đề cập. Nhưng khi đó, ông Trung nói, "chưa biết bao giờ thực hiện". Đề án được Chính phủ đưa ra lần này hy vọng có tính hiện thực hơn thời ông Trung vì "tinh thần Nghị quyết Trung ương 5". Tuy nhiên, bầu chủ tịch xã là một bước tiến dân chủ không chỉ cần ý chí chính trị mà còn phải, đồng thời, được chuẩn bị rất nhiều về kỹ thuật."
phải đợi cho đến khi có một chủ tịch xã được bầu lên bởi nhân dân, "dân chủ trực tiếp" mới thực sự được ứng dụng đúng như những gì mà thiết chế này nhắm đến<br/>
Đề án thí điểm bỏ Hội Đồng Nhân Dân cấp Quận Huyện, bầu trực tiếp chủ tịch xã, có thể được xem là tập trung vào một ý nghĩa duy nhất: dân chủ tập trung. Bỏ Hội Đồng Nhân Dân Quận Huyện, bầu trực tiếp Chủ Tịch Xã là duy trì "mối quan hệ trực tiếp với từng nhóm cử tri," theo nhận định của luật sư Phạm Duy Nghĩa, từ Hà Nội.
"Bỏ Hội Đồng Nhân Dân Quận Huyện là để có dân chủ trực tiếp. Hội Đồng Nhân Dân nào tồn tại là khi họ có quan hệ trực tiếp với từng nhóm cử tri, ví dụ Hội Đồng Nhân Dân cấp Xã, Phường. Còn Quận Huyện thì không gắn trực tiếp với người dân." (sb_04)
Tác giả bài viết trên blog Osin nhận định, rằng khái niệm "dân chủ trực tiếp" chỉ có thể có, khi một chính quyền là "của dân" và phải "do dân." Tác giả viết tiếp: "Dân chủ trực tiếp" là một công cụ bắt đầu được Đảng áp dụng từ đầu thập niên 90, nhưng, có lẽ phải đợi cho đến khi có một chủ tịch xã được bầu lên bởi nhân dân, "dân chủ trực tiếp" mới thực sự được ứng dụng đúng như những gì mà thiết chế này nhắm đến. Nếu đề án này được thông qua thì nó sẽ là một tín hiệu "cải cách", vì không thể có một "chính quyền của dân" nếu chính quyền đó không "do dân". Tuy nhiên, không đơn giản cứ để dân đi bỏ phiếu bầu là có được một chính quyền của dân, nếu trước khi bỏ phiếu, người dân không thấy, không biết, không nghe và không tin vào người mà họ đang được giao quyền lựa chọn.
Tuy nhiên, không đơn giản cứ để dân đi bỏ phiếu bầu là có được một chính quyền của dân, nếu trước khi bỏ phiếu, người dân không thấy, không biết, không nghe và không tin vào người mà họ đang được giao quyền lựa chọn.<br/>
Đến hôm 15 tháng Chín vừa qua, thông tin mới liên quan đến các cải cách vừa đề cập cho thấy còn quá sớm để có thể kỳ vọng vào một ý chí chính trị liên quan đến cải cách. Cụ thể là Văn Phòng Chính Phủ truyền đạt ý kiến của Thủ Tướng, "yêu cầu tập trung làm rõ quan điểm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong quy trình giới thiệu người ứng cử và phê chuẩn kết quả bầu cử."
Điều này đã được đề cập trước đó rất lâu, cũng trong blog Osin. Tác giả từng viết, nguyên văn: "không đơn giản cứ để dân đi bỏ phiếu bầu là có được một chính quyền của dân, nếu trước khi bỏ phiếu, người dân không thấy, không biết, không nghe và không tin vào người mà họ đang được giao quyền lựa chọn…"
Tác giả Osin kết luận, nhấn mạnh tính song hành đóng vai trò điều kiện ắt có và đủ giữa hai khái niệm dân chủ và dân trí: "Dân chủ là một thành tựu và nó chỉ có thể đạt được thông qua một quá trình. Truyền thống dân chủ và dân trí đóng một vai trò quan trọng. Sẽ cần có thời gian và phải có những nỗ lực để giúp dân chúng có được nhận thức, năng lực và kỹ năng để thực hành quyền lực của mình. Tuy nhiên, giáo dục và bằng cấp chỉ là một phần, dân trí sẽ không thể được nâng lên trong một xã hội không có đủ điều kiện để thực hành dân chủ."
MC CUỐI: Vừa rồi là những thông tin, nhận định được ghi nhận từ các blog Việt ngữ liên quan đến một số vấn đề đang xảy ra tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm, sàng lọc và gởi đến quí vị những hình thức thông tin này trong các chương trình sau. Mong quí vị đóng vai trò cầu nối giữa chúng tôi và các thông tin như vậy. Xin gởi cho chúng tôi các thông tin cùng đường liên kết đến các blog hữu ích mà quí vị đọc được, qua địa chỉ vietweb@rfa.org.