Những điều chưa biết về lao động Việt ở Thái

Về hoàn cảnh của lao động Việt tìm đến đất Thái để mưu sinh trong những năm gần đây, mời quí vị theo dõi công việc làm ăn của họ tại nơi xứ người ra sao? Và cuộc sống tinh thần của họ thế nào?

0:00 / 0:00

Những nẻo đường mưu sinh

Sau bao gian khó để đến được đất Thái, những người lao động Việt phải tìm kế mưu sinh nhằm trang trải cuộc sống bản thân và có thể gửi tiền về giúp cho gia đình ở quê nhà.

Một nhóm nữ lao động Việt tại Bangkok cho chúng tôi biết về công việc của họ như sau:

“Bán kem, làm may, đi serve…Ở Thái Lan làm ăn cũng đỡ, người Thái cũng tốt; chỉ có điều sợ công an mà thôi.”

Chừng 60% làm nghề may, 30% đi bán quán - bán hàng, còn 10% đi làm việc nhà. Phục vụ ở quán thì con gái đẹp bưng thức ăn, tiếp khách, người xấu rửa bát, nam thì trông xe…

Một lao động Việt

Người lao động Việt đã đến sinh sống ở Thái 8 năm rồi cho biết đánh giá của anh về những loại công việc mà nhiều đồng hương của anh đang làm:

“Chừng 60% làm nghề may, 30% đi bán quán - bán hàng, còn 10% đi làm việc nhà. Phục vụ ở quán thì con gái đẹp bưng thức ăn, tiếp khách, người xấu rửa bát, nam thì trông xe… Làm may 99% may cho tư nhân, xưởng riêng và ở cùng trong nhà của người ta luôn. May thì may tất cả mọi thứ quần áo bán trên thị trường từ quần áo ngủ cho đến complet. Một thợ may giỏi, ăn uống xong trừ ra mỗi tháng còn dư chừng 8 ngàn bath.”

Một bạn phục vụ nhà hàng cho biết:

“Em sang đây năm năm rồi. Lúc đầu làm may, nhưng làm may chán quá và có chị gái làm nhà hàng nên đi làm nhà hàng. Làm nhà hàng thoải mái hơn, làm may ngồi trong nhà cả ngày, bụi bặm. Làm ở nhà hàng nếu biết tiếng Thái không phải bưng bê gì, chỉ rót nước phục vụ khách. Mỗi tháng lương từ ba đến ba ngàn rưỡi, có hai ngày nghỉ.”

Bưng bê thức ăn cho khách thường là nữ, còn nam lao động làm công việc giữ xe cho khách đi ăn. Cũng có những điểm đáng chú ý trong công việc này. Đó là có người thuê bãi giữ xe và tiền thu là tip do khách cho. Bãi giữ xe cũng được ‘thuê đi, nhượng lại’ giữa các lao động Việt với nhau.

Người lao động Công giáo Việt ở Thái giao lưu sau khi đi lễ nhà thờ. RFA PHOTO.
Người lao động Công giáo Việt ở Thái giao lưu sau khi đi lễ nhà thờ. RFA PHOTO.

Loại công việc nữa nhiều lao động Việt Nam tham gia làm là may áo quần cho các chủ tư. Một anh đang làm may cho biết:

“Em sang đây chuyên may quần Jean nữ, mỗi ngày may được chừng 30 cái. Mỗi cái được trả 17 bath.”

Cũng có người tham gia buôn bán hàng rong như người bản xứ. Họ sắm xe để chở hàng đi bán như bán kem, hay bày hàng ra bán dọc đường. Ngòai ra còn có có người giúp việc nhà cho người bản xứ, hay cả người ngoại quốc đến Thái công tác dài hạn.

Một lực lượng nữa đi theo các chủ đầu tư làm nghề xây dựng khá nặng nhọc.

Lo chuyện tâm hồn

Trước sự có mặt ngày càng đông của những người lao động Công giáo từ Việt Nam sang làm ăn ở Xứ Thái, nhất là ở thủ đô Bangkok; một số tu sĩ Công giáo đã tổ chức các buổi thánh lễ, nhất là vào những dịp lễ trọng cho họ.

Linh mục Antôn Lê Đức, hiện làm công việc mục vụ tại tỉnh Nong Bua Lamphu, cho biết một số thông tin liên quan việc lo cho đời sống tinh thần của những người lao động nhập cư Việt theo đạo Công giáo ở Thái Lan, và nhất là ở Bangkok:

Thực ra việc tập hợp không trở ngại nếu họ lao động hợp pháp. Họ chỉ bị bắt nếu bị bắt gặp đang làm việc, và giấy tờ hết hạn mà thôi.

LM Antôn Lê Đức

" Thực ra việc tập hợp không trở ngại nếu họ lao động hợp pháp. Họ chỉ bị bắt nếu bị bắt gặp đang làm việc, và giấy tờ hết hạn mà thôi. Giấy tờ hết hạn khi đi ra ngoài là vấn đề. Ngoài ra do các bạn làm việc cuối tuần nên họ cũng khó tham gia.

Chúng tôi cũng có đến gặp giám mục ở Bangkok nhưng vì tính hợp pháp của các lao động nên họ cũng chưa trả lời gì. Chúng tôi cũng đã nhờ các Dòng tu bên Việt Nam giúp người nhưng họ cũng thiếu người.

Đối với các bạn thanh niên Việt, thì việc sống chung với nhau trước hôn nhân, có con cái với nhau; rồi có những tệ nạn. Chúng tôi muốn làm thế nào để có thể giúp họ có cuộc sống tích cực hơn để không gây ra những tệ nạn làm mất uy tín cộng đồng. "

Người Việt từ lâu đã có mặt tại Xứ Thái. Họ đến sau những đợt biến động lớn tại quê nhà như thời kỳ Nhà Nguyễn bắt đạo, hay trong đợt chính biến tại Việt Nam. Nay họ nằm trong làn sóng những người ly nông, ly hương vì tại quê nhà ‘đất chật, người đông’, công ăn việc làm khan hiếm, đi xuất khẩu lao động thì phải tốn quá nhiều tiền, trong khi đến xứ Thái số tiền bỏ ra không bao nhiêu; một yếu tố nữa là không quá xa Việt Nam; nếu kiếm được tiền họ có thể về thăm nhà một cách dễ dàng.

Theo dòng thời sự: