"Mồ cha không lậy, đi lậy tổ mối"
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai - Giám đốc Trung tâm Minh Triết đánh giá, việc Việt Nam tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh Karl Marx - một nhà tư tưởng là điều bình thường, có tính văn hóa, nhưng lại thể hiện tư duy "mồ cha không lậy, đi lậy tổ mối".
Ông Nguyễn Khắc Mai nói rõ thêm, năm 2017 là dịp kỷ niệm 110 năm phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục - một phong trào được nhìn nhận là tiến bộ về tư tưởng, là cuộc "quốc gia khởi nghiệp" đầu tiên của Việt Nam đầu thế kỷ 20, nhưng Chính quyền Việt Nam không tổ chức kỷ niệm.
Việt Nam tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh Karl Marx - một nhà tư tưởng là điều bình thường, có tính văn hóa, nhưng lại thể hiện tư duy "mồ cha không lậy, đi lậy tổ mối" - nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai<br/>
Điều này có thể được lý giải rằng, bởi vì Đảng Cộng sản và chính quyền hiện nay đi theo chủ thuyết của Karl Marx, không đi theo đường hướng tư tưởng của Đông Kinh Nghĩa Thục, do vậy, họ "nhất bên trọng, nhất bên khinh" đối với 2 dịp kỷ niệm như vậy.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Khắc Mai đặt nghi vấn rằng, Việt Nam có thực sự đi theo những giá trị tư tưởng của Marx hay không.
"Thế còn anh coi ông ta (Marx) là ông tổ sư của mình, rồi coi là người dẫn đường cho tới hôm nay, rồi anh nói là nó (chủ nghĩa Marx) hợp thời đại, là kim chỉ nam, v.v... Đấy là quyền của anh thôi, anh nghĩ thế nào, anh nói như thế thôi. Nhưng có là sự thật hay không, có đúng hay không, có lừa dối hay không, có đánh tráo khái niệm hay không, lại là vấn đề khác."
Marx phủ nhận chính Marx
Ông Nguyễn Khắc Mai cho rằng, Marx có 3 nhân cách khác nhau chia theo lứa tuổi: Marx thời trẻ, Marx thời trung niên và Marx khi đã già. Chủ nghĩa Cộng sản được Marx sinh ra ở lứa tuổi trung niên với hàng loạt tác phẩm như Tư bản luận, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, …
Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Vịnh - nhà nghiên cứu triết học, có hai điểm nổi bật của Chủ nghĩa Marx là tư duy biện chứng và đấu tranh giai cấp. Trong đó, tư duy biện chứng là sản phẩm của lịch sử triết học và đỉnh cao là triết hoc cổ điển Đức mà người tổng kết lại là Hegel. Do vậy, chỉ còn đấu tranh giai cấp là điều nổi bật duy nhất của Marx và khi áp dụng nó thì hậu quả để lại rất bi thảm như Đại cách mạng văn hóa do Mao Trạch Đông gây nên tại Trung Quốc.
"Trong giai đoạn trước của cách mạng Việt Nam thì đã có hẳn một khẩu hiệu "Trí, Phú, Địa, Hào / Đào tận gốc, trốc tận rễ". Trí thức là đối tượng được coi là tội phạm nặng nhất. Trí thức, địa chủ, cường hào thì sẽ không có tên, không được phép tồn tại trên mặt đất này, bởi vì đào tận gốc, trốc tận rễ. Những quốc gia xã hội chủ nghĩa, hay những quốc gia cộng sản thì người ta đã làm theo cách đó."
Trong giai đoạn trước của cách mạng Việt Nam, trí thức là đối tượng được coi là tội phạm nặng nhất. Trí thức, địa chủ, cường hào thì sẽ không có tên, không được phép tồn tại trên mặt đất này, bởi vì đào tận gốc, trốc tận rễ. Những quốc gia xã hội chủ nghĩa, hay những quốc gia cộng sản thì người ta đã làm theo cách đó - tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh
Theo ông Nguyễn Khắc Mai, khi về già, Karl Marx đã phủ định lại tư tưởng của chính mình thời trung niên và dường như đã "sám hối", từ bỏ cương lĩnh xây dựng chủ nghĩa cộng sản.
"Ông đã trò chuyện với người bạn thân, người giúp ông nên người là Engels. Thì Engels đã thổ lộ trong bài từ của tác phẩm của Marx "Những cuộc đấu tranh giai cấp ở Pháp" và Engels khẳng định rằng, chẳng có chủ nghĩa cộng sản gì cả, không có lý tưởng cộng sản vĩ đại gì hết đâu. Nó chỉ là những điều suy nghĩ trẻ con lúc thiếu thời của Marx, mà nay về già thì ông đã từ bỏ. Tức là bản thân Marx đã từ bỏ cái thời trung niên của mình."
Trong tác phẩm "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản", Marx và Engels nhấn mạnh đến việc xóa bỏ chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, nhưng đến cuối đời Marx lại cổ súy cho quyền tư hữu để tạo động lực cho xã hội phát triển. Còn về cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, Marx đã dự đoán về việc sẽ hình thành nên một "bọn tham vọng mới".
"Marx trò chuyện với Bakunin, Marx nói rằng: một khi giai cấp công nhân nắm được chính quyền, họ sẽ thúc đẩy một chế độ ủy trị, để cho một nhóm người tự bầu cử và ứng cử - y như ở Nga, ở Tàu, ở Việt, để cai trị và đại diện cho công nhân. Ngay lập tức công nhân thấy mình bị lừa dối, bị lệ thuộc. Sau một hồi hưng phấn cách mạng trong một kiểu nhà nước mới thì công nhân sẽ bừng tỉnh thức dậy và thấy mình là nô lệ, là con dối, đặc biệt là con mồi, nạn nhân của những tham vọng mới."
Ông Nguyễn Khắc Mai chia sẻ thêm, thời trẻ, Marx là một người chịu ảnh hưởng của cách mạng dân chủ tư sản, cổ súy cho nhân quyền và các quyền tự do, trong đó có tự do báo chí.
Việt Nam áp dụng cái gì của Chủ nghĩa Marx
Trong thực tế lịch sử, Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành, … và nhiều lãnh tụ cộng sản khác đã vận dụng tư tưởng chủ nghĩa cộng sản của Marx vào trong quốc gia của mình, đặc biệt là quan điểm đấu tranh giai cấp. Tại Việt Nam, cho đến dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh Karl Marx, Đảng Cộng sản vẫn tôn vinh quan điểm đấu tranh giai cấp này. Theo ông Khắc Mai, thì đây chính là việc người ta đã thu nhận những gì mà Marx đã từ bỏ, thải đi và phủ nhận.
Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, giới lãnh đạo Việt Nam không thực sự hiểu về Marx và toàn bộ tư tưởng của Marx, và áp dụng những thứ mà Marx đã phủ nhận, bỏ đi lúc cuối đời. Ông Mai đánh giá, Marx đã dự đoán đúng về giới cầm quyền theo chủ nghĩa cộng sản là đám "tham vọng mới", trong đó có giới lãnh đạo Việt Nam ngày nay.
Cho đến nay, chỉ còn 5 quốc gia đi theo chủ nghĩa cộng sản, đó là Trung Quốc, Bắc Hàn, Lào, Cuba và Việt Nam. Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Vịnh, các quốc gia cộng sản còn lại đã "vận dụng sáng tạo" chủ nghĩa Marx bằng cách thêm vào những yếu tố khác, như Trung Quốc là Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc, tư tưởng Mao Trạch Đông; Việt Nam là Chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh ...