Nhiều công nhân xuất khẩu bị mất việc nửa chừng

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến thị trường xuất khẩu lao động của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

0:00 / 0:00

Nói một cách khác, đã có nhiều công nhân lao động Việt qua các nước bị mất việc giữa chừng vì công ty bản địa không kiếm được hợp đồng mua bán như trước nên buộc lòng phải thu hẹp sản xuất và giảm bớt công nhân.

Hàng ngàn người mất việc

Tại Cộng hoà Czech, từ hai đến năm ngàn lao động Việt Nam bị mất việc. Cục Quản lý Lao động Nước ngoài thuộc Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội Việt Nam loan tin sẽ can thiệp để công nhân không phải trắng tay khi trở về nước.

Tình trạng thất nghiệp của lao động Việt ngày càng rõ nét tại ba thị trường xuất khẩu lao động khác của Việt Nam như Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia.

Tình trạng đáng buồn mà người lao động Việt ở nước ngoài đang đối mặt vào khi kinh tế toàn cầu suy trầm đã khiến một số tổ chức của người Việt Nam ở hải ngoại, chuyên bênh vực quyền lợi cho công nhân Việt ở nước ngoài như CAMSA trong Boat People SOS ở Hoa Kỳ, Uỷ Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam tại Ba Lan và Australia, lên tiếng báo động cũng như tìm cách can thiệp quyền lợi cho họ.

Về phần mình, Chính phủ Việt Nam cũng đang tìm hướng giải quyết ổn thoả một số lượng đông đảo công nhân khăn gói trở về nước.

Từ Đài Loan, nơi có trên tám mươi mốt ngàn lao động Việt, một công nhân nói: "Tưởng nó nói là nghỉ ba tháng thôi. Ba tháng không có việc thì vẫn phải ở trong xưởng đấy mà việc không có làm, không có lương. Trường hợp này thì giải quyết thế nào ạ?"

Từ thành phố Busan của Hàn Quốc, một chị công nhân than vãn: "Mất việc thì không có tiền, không có chỗ ở, có người hai ba tháng không tìm được việc làm, anh em phải ở nhờ chỗ bạn bè cũng là công nhân di trú hoặc là nhờ tạm những người bạn lưu vong. Không có tiền thì vay mượn bạn bè, nói chung thì khó khăn, ai cũng khó khăn cả."

Philippines-Foreign-Worker-305.jpg
Công nhân điền đơn xin việc làm tại một văn phòng môi giới ở Philippines. (AFP PHOTO)

Thanh Trúc xin được nhắc về từ lưu vong mà chị công nhân ở Busan sử dụng, ám chỉ những lao động trong nước khi qua Hàn Quốc mà bỏ trốn ra ngoài kiếm việc khác thì tự gọi mình là lưu vong, có nghĩa là công nhân bất hợp pháp tại xứ này.

Đã khó, còn khổ thêm

Về chuyện thất nghiệp của lao động Việt Nam ở Malaysia, một thị trường xuất khẩu hứa hẹn của Việt Nam với trên dưới một trăm ngàn công nhân.

Hai trong sáu chị đi một lượt từ Việt Nam qua làm cho hãng Sony hồi giữa năm ngoái, đã phải ở nhà từ cuối 2008 đến giờ vì công ty không có việc nên trả họ lại cho môi giới. Sau đó môi giới Malaysia kiếm việc cho họ làm ở một quán cơm:

“Bọn em làm được hơn chục ngày thì bọn em không kham nỗi, không theo đuổi được vì không biết tiếng, với lại công việc và chỗ ở nó phức tạp với con gái như bọn em nên bọn em yêu cầu họ tìm việc làm trong công ty. Trước khi nghĩ em cũng nói cho bà quản lý, bọn em nghỉ nửa tháng nay rồi.

Bà còn đánh em nữa chị ơi, lấy giày của bà đánh em đấy. Đưa tiền cho em mà không đưa tận tay đâu, bà vứt xuống đất, em định không nhặt xong rồi bà lại bắt em nhặt lên.<br/>

Chị Ít, công nhân VN ở Malaysia<br/>

Tháng Một vừa rồi là em không nhận được đồng lương nào. Tháng Hai đây thì bà đưa cho bọn em 230 ringgit tiền Malaysia, không biết đấy là tiền công làm mười ngày tháng Một đấy hay là tiền lương cơ bản. Bà ấy quát bà ấy chửi bà ấy nói nhiều lắm mà bọn em chẳng hiểu cái gì hết. Bây giờ em vẫn cứ ở vậy.”

Người thứ hai, chị Ít, mô tả với Thanh Trúc về bà môi giới người Malaysia này:

“Bà còn đánh em nữa chị ơi, lấy giày của bà đánh em đấy. Đưa tiền cho em mà không đưa tận tay đâu, bà vứt xuống đất, em định không nhặt xong rồi bà lại bắt em nhặt lên.

Tháng trước em toàn vay mượn của bạn em ăn thôi ạ. Từ tháng Mười Hai là em không được một đồng lương nào. Sáu chị em sang cùng một chuyến bay là bây giờ đều nghỉ ở nhà hết.”

Trách nhiệm?

Được hỏi trong tình cảnh chật vật như vậy thì mấy chị có liên lạc với môi giới Việt nam là công ty Vinamoto để nhờ can thiệp không, chị Lệ trả lời:

"Có gọi về Việt Nam đôi ba lần rồi nhưng các anh ấy cứ trả lời quanh co, ý là để gọi điện sang môi giới bên này can thiệp. Nhưng mà vài tuần vừa rồi em gọi thì họ không nghe máy nữa ạ."

Để biết thêm thông tin, Thanh Trúc đã năm lần bảy lượt gọi về cho hai nhân viên trong công ty Vinamoto là ông Hậu và ông Hưng. Điện thoại reo nhưng cả hai không bao giờ bắt máy.

Đó là tình cảnh dở khóc dở cười của công nhân Việt ở Đài Loan, Hàn Quốc và Malaysia, bị chủ sử dụng cho nghỉ việc mấy tháng nay vì kinh tế khó khăn.

Trên đường dây viễn liên gọi qua sứ quán Việt Nam tại Kuala Lumpur, Thanh Trúc được ông Khánh trong Ban Quản Lý Lao Động Việt Nam tại Malaysia tiếp chuyện:

“Cái này là trách nhiệm chung của Đại sứ quán chúng tôi. Chúng tôi đã có văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp cũng như các bên liên quan, gởi về phía bộ và chính phủ Việt Nam rồi.

Cái này là trách nhiệm chung của Đại sứ quán chúng tôi. Chúng tôi đã có văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp cũng như các bên liên quan, gởi về phía bộ và chính phủ Việt Nam rồi.

Ông Khánh, Tòa đại sứ VN ở Kuala Lumpur

Cũng nói rất rõ vấn đề này rồi. Một mặt thì chúng tôi trực tiếp can thiệp với chủ để trường hợp có thể tìm được công việc mới cho họ. Trong trường hợp không thể tìm được công việc mới mà phải đưa về thì chủ sẽ có trách nhiệm. Ngoài ra theo pháp luật Malaysia thì chủ cũng phải có một khoản hỗ trợ nhất định để người lao động khi trở về nước”.

Khi Thanh Trúc nêu câu hỏi là Toà đại sứ Việt Nam có hay biết về sự khó khăn của công nhân bị mất việc nửa chừng như trường hợp sáu chị ở hãng Sony không, ông Khánh nói:

“Chị nói giùm với người lao động là gọi điện hoặc là viết đơn lên ban. Nếu mà thực sự vụ việc đang gấp thì sớm liên hệ để chúng tôi còn có phương án giải quyết. Hay chị cứ cho tôi số trực tiếp của lao động đi, có gì chúng tôi liên hệ trực tiếp với lao động.

Trách nhiệm của đại sứ quán là bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động Việt Nam bên này.”

Việt Nam cũng có cơ quan đại diện ở Đài Loan là Phòng Kinh tế Văn hoá. Trưởng phòng Quản Lý Công Nhân Việt Nam thuộc Phòng Kinh Tế Văn Hoá Việt Nam ở thủ đô Đài Bắc, ông Nguyễn Bá Hải, trình bày về hoàn cảnh công nhân bị thất nghiệp trước khi hết hợp đồng và phương cách mà Phòng Quản Lý Công Nhân Việt Nam phải giải quyết:

“Ở Đài Loan hiện nay thì tình trạng đó là có đấy. Có một số lao động của mình là bị thu hẹp sản xuất. Chủ có thể là cho nghỉ phép một tuần mấy ngày để chờ có việc để làm. Trường hợp thứ hai là cho nghỉ mấy tháng. Trường hợp thứ ba là cho nghỉ luôn.

Thế thì cái này nó thực hiện theo chế độ của Đài Loan là cho giãn thợ do không có việc làm đấy. Từ cuối năm ngoái cho đến tháng Một tháng Hai này là khoảng độ hơn một nghìn người phải về nước thuốc cái diện này.

Theo luật của Đài Loan là nếu như mà họlàm ở đây một năm rồi thì họ được chủ đền bù cho một tháng lương cơ bản hoặc một năm rưỡi thì được một tháng rưỡi lương cơ bản là mười bảy nghìn hai trăm tám mươi (17.280) khoảng độ sáu trăm đô la Mỹ, và chủ cho cái vé về.

Đấy là tôi nói về chế độ của phía Đài Loan. Còn trước khi đi họ có đóng cái phí dịch vụ cho công ty bên Việt Nam thì họ về họ được thanh toán lại.

Ví dụ như sang đây hai năm họ đóng một nghìn đô chẳng hạn, họ mới làm được một năm thì họ về họ được lấy lại 500 đô trong cái số đã nạp cho công ty Việt Nam. Thì cái đó rất là sòng phẳng và Bộ Lao Động cũng đã có văn bản chỉ đạo các công ty phải thể hiện đúng cái qui định của Luật Xuất Khẩu Lao Động.”

Chúng tôi đã có các biện pháp để chỉ đạo các doanh nghiệp để hỗ trợ người lao động trong trường hợp khó khăn. Nó không phải chỉ là một hai biện pháp đơn giản mà nó là một hệ thống các biện pháp tổng thể. <br/>

Ô. Tống Hải Nam

Tình cảnh người lao động

Thưa đó là hướng giải quyết của phía sứ quán Việt Nam ở Kuala Lumpur cũng như Phòng Văn Hoá Kinh Tế Việt Nam ở Đài Bắc.

Trên đường dây gọi về Bộ Lao Động, Thương Binh Và Xã Hội ở Hà Nội, ông Tống Hải Nam, cục trưởng Cục Quản Lý Lao Động Ngoài Nước, cho biết nguyên tắc là phải bảo đảm quyền lợi cho người lao động:

“Chúng tôi đã có các biện pháp để chỉ đạo các doanh nghiệp để hỗ trợ người lao động trong trường hợp khó khăn. Cái này thì chúng tôi không thể nói qua điện thoại được vì mất rất nhiều thời gian. Nó không phải chỉ là một hai biện pháp đơn giản mà nó là một hệ thống các biện pháp tổng thể.

Chính bây giờ tôi đang phải làm cái báo cáo trình các cấp thẩm quyền để báo cáo chính phủ về cái việc này. Tôi phải làm xong trong nửa tiếng nữa.

Chính xác nguyên tắc là phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Trước hết là bảo đảm người lao động không bị thiệt thòi. Đấy là nguyên tắc chung để xứ lý.”

Câu chuyện công nhân xuất khẩu bị mất việc trước khi mãn hợp đồng có thể vẫn là câu chuyện dài ngày nào quyền lợi của người trở về không được giải quyết và hỗ trợ đến nơi đến chốn.

Mong rằng lời lẽ mà viên chức trong và ngoài nước khẳng định mang lại công bình và hy vọng cho những lao động không may trong bài này.

Từ cuối tháng trước phía Malaysia báo với Toà đại sứ Việt Nam ở Kuala Lumpur rằng họ sẽ ngưng nhận công nhân thuộc hai ngành dịch vụ và sản xuất. Ông Khánh của Ban Quản Lý Lao Động tại sứ quán ở Malaysia cho hay:

“Theo thông tin bước đầu mà phía Malaysia cung cấp thì họ sẽ tạm dừng chấp nhận lao động nước ngoài trong hai ngành thôi là ngành service và ngành manufactoring. Cũng chỉ mang tính chất tạm dừng bởi kinh tế nói chung là khó khăn trên toàn cầu thì nhu cầu cũng ít đi.

Cái thứ hai thì chắc là cũng có một số chính sách liên quan đến người lao động trong nước chị nhé. Không có nghĩa là tạm dừng toàn bộ mà chỉ đối với hai ngành là ngành services va manufactoring thôi.”

Trong một chương trình Đời Sống Người Việt Khắp Nơi kỳ trước, Thanh Trúc từng trình bày cùng quí vị là trong lúc nhiều công ty và doanh nghiệp Đài Loan, có thuê mướn công nhân nước ngoài, bị đóng cửa hoặc phá sản vì khủng hoảng tài chánh, thì công nhân Việt Nam vẫn tiếp tục sang đây để rồi không có việc làm.

Tuy nhiên dưới mắt ông Nguyễn Bá Hải, trưởng Phòng Quản Lý Công Nhân Việt Nam ở Đài Bắc, chưa có tín hiệu nào cho thấy Đài Loan sẽ ngưng nhận thêm công nhân nước ngoài như Malaysia:

“Đài Loan hiện nay những ngành nào mà không có việc ví dụ ngành điện tử hoặc sản xuất ô tô là những ngành lớn thì bị ảnh hưởng thì có một số phải ra về.

Và Đài Loan cũng chưa có chính sách nào nói là không nhận lao động nước ngoài, người ta chỉ hạn chế thôi. Hạn chế để bảo hộ lao động bản địa.

Tuy nhiên có nhiều công việc như làm ca, làm kíp, một hai ba ca, làm cả đêm ấy, ở đây thì người Đài Loan cũng không hẳn là người ta đã thích làm thì buộc họ vẫn phải nhận lao động nước ngoài trong đó có lao động Việt Nam.

Thành ra thì họ vẫn xét cho các doanh nghiệp có nhu cầu nhận lao động nước ngoài khi mà họ không tuyển được lao động địa phương.”

Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tối nay tạm ngưng ở đây. Thanh Trúc kính chào và hẹn tái ngộ quí vị tối thứ Năm tuần tới.