Công nhân Việt ở Bahrain bị khấu trừ lương

Một số lao động Việt Nam qua Bahrain làm việc trong công ty xây cất Sung Won , mà chủ là người Hàn Quốc, hiện vẫn đối mặt với khó khăn về lương bổng bước qua tháng thứ Hai.

0:00 / 0:00

Tình trạng nhập nhằng này được giải quyết ra sao là điều Thanh Trúc tìm hiểu để trình bày đến quí vị sau đây:

Bahrain là đảo quốc Hồi Giáo nằm phía Tây xứ Ả Rập Xê U Đi, có đơn vị tiền tệ là BD , được coi là quốc gia có mức phát triển kinh tế nhanh chóng trong khu vực.

Tháng Tám 2008, một số thanh niên từ Kiên Giang, Rạch Giá miền Nam, đến Phú Thọ, Nam Định miền Bắc, sang Bahrain theo diện xuất khẩu lao động qua trung gian của Công Ty Cổ Phần Tiến Bộ Quốc Tế AIC, văn phòng ở Hà Nội và Kiên Giang.

Bị khấu trừ 15% mức lương

Thế nhưng mức lương của tháng đầu tiên đã không đúng với con số ký trong hợp đồng mà lại thấp hơn. Anh công nhân tên Toàn, đang làm việc cho công ty Sung Won, cho biết:

Muốn gặp là phải nghĩ, mà một hai người đi thì nó cũng không làm rõ được vấn đề. Nếu mà muốn thì phải đồng loạt đi, mà như vậy là bị ghép vào cái tội đình công phạm luật nữa. Ai cũng sợ như vậy. Cái đó là trước khi mà tụi em ký kết hợp đồng ở bên Việt Nam cũng có điều khoản tụi em mà đình công là phạm luật là phải bồi thường đó.

Anh Toàn

“Họ đưa người đại diện công ty AIC qua, người đại diện đến gặp tụi em và nói là mấy tụi em ký hợp đồng là như thế nhưng mà về phía công ty Sung Won bảo là cái việc lương mà bị giảm 15% là cái việc rất bình thường của công ty, đặt trụ sở ở nước nào họ cũng như vậy. Người đại diện bảo chắc chắn trong vòng ba tháng sau thì lương của tụi em là 117 trở lại như cũ.”

Lãnh lương trễ

Theo lẽ đến ngày 31 tháng Mười là ngày lãnh lương tháng thứ hai nhưng chuyện đó không xảy ra và mọi người được báo phải đến ngày 11 tháng Mười Một mới có lương:

“Tháng lương thứ hai bị dời lại, bữa nay ngày 31 nè, chính thức là ngày lãnh lương thì tụi em được nghe thông báo là ngày 11 tháng Mười Một có nghĩa là tới mới được lãnh lương. Cái lý do thì không biết là tại sao nữa, chỉ nghe thông báo như vậy thôi.

Chuyện này khiến tinh thần anh em công nhân suy sụp thêm vì ai cũng mong có tiền lương để gởi về cho gia đình:

Nói chung anh em nhiều người điện về nhà hứa gởi tiền nhưng mà rốt cuộc không có được lãnh lương thì anh em cũng bức xúc lắm Nghe nói dời lại thì ai cũng mất tinh thần , có nhiều người hổng muốn đi làm nữa, thứ nhất lương bị giảm sút, thứ hai là không đúng thời gian nữa thì anh em làm là làm cho có lệ chứ không có tinh thần làm việc.

Với câu hỏi là tại sao anh em công nhân không tìm cách hỏi thẳng ông chủ công ty Sung Won để hiểu rõ nguyên nhân việc giảm lương và việc lãnh tiền trễ, anh Toàn trả lời:

“Thứ nhất là tụi em đi làm mà về là trễ rồi, office đóng cửa rồi. Muốn gặp là phải nghĩ, mà một hai người đi thì nó cũng không làm rõ được vấn đề. Nếu mà muốn thì phải đồng loạt đi, mà như vậy là bị ghép vào cái tội đình công phạm luật nữa. Ai cũng sợ như vậy. Cái đó là trước khi mà tụi em ký kết hợp đồng ở bên Việt Nam cũng có điều khoản tụi em mà đình công là phạm luật là phải bồi thường đó. Phía công ty AIC đưa ra qui định như vậy.”

Bị la mắng, hà hiếp

Trước đó các công nhân Việt ở công ty Sung Won còn kể là vì ngôn ngữ bất đồng, nhiều anh em bị đốc công người Đại Hàn la mắng to tiếng, thậm chí dùng nón bảo hộ của họ dộng lên mũ bảo hiểm mà anh em đang đội trên đầu khiến nhiều người không chịu nỗi. Anh Toàn nói rõ:

“Chuyện này thì hiện giờ cũng ít đi rồi, cũng hơi đỡ rồi nhưng mà bị la bị mắng là chuyện thường hàng ngày thôi. Mấy hôm trước có một trường hợp như vầy: Thường là khoảng chừng chín giờ tụi em được nghĩ để ăn bánh, xong có hai anh đó thì cái người nói tiếng Cô Rê A theo cái hành động đưa tay vô miệng thì em nghĩ là nó bảo là ăn xong phải đi làm việc gì đó. Khi mà người đó quay lại, thấy cái chú đó với cái anh đó còn đang ngồi ăn bánh thì nó mắng hai người công nhân lao động đó, nó cắt không cho làm việc năm ngày không có lương. Hiện giờ họ vẫn không được đi làm. Cái đó rất tức mà không nói gì được.”

Chính vì sự việc tháng lương đầu bị khấu trừ 15%, rồi tháng lương thứ hai không được lãnh đúng ngày mà chắc chắn cũng chỉ có 85%, nên anh công nhân tên Tín đâm ra chán nản và đã xin với công ty môi giới AIC điều đình cho anh về lại Việt Nam. Anh chờ hai tuần mà không được đáp ứng , không đi làm trong lúc sức khỏe không được tốt:

“Bữa có người foreman (đốc công) Đại Hàn, hỏi tụi em có muốn về Việt Nam vì vụ lương bổng này thì nghe vậy em lên trển nói em muốn về. Xin về thì công ty hai bên đưa qua đưa lại hoài riết em nằm ở đây hoài, cái em bịnh cũng cả nửa tháng nay rồi, nó không có cho em đi làm nữa, bữa em xin về là nó kêu em nghĩ rồi nó không giải quyết tới giờ luôn.”

Lo lắng không đủ tiền trả cho ngân hàng

Khi mà tụi em ký ở bên Việt Nam tụi em phải vay ngân hàng quá cao, bốn mươi mấy triệu lận. Qua đây giờ còn phải đóng thuế thu nhập ở Bahrain nữa. Em tính sơ sơ hai năm tụi em mất khoảng mười triệu đồng tiền Việt Nam rồi.

Anh Toàn

Đó là tình cảnh khó khăn hiện tại của năm sáu chục công nhân Việt mới qua làm trong công ty xây cất Sung Won ở Bahrain hai tháng nay. Điều mà người lao động lo lắng nhất, như anh Toàn thổ lộ, là không đủ tiền trả lại cho ngân hàng bên nhà sau hai năm làm việc ở Bahrain:

“Khi mà tụi em ký ở bên Việt Nam tụi em phải vay ngân hàng quá cao, bốn mươi mấy triệu lận. Qua đây giờ còn phải đóng thuế thu nhập ở Bahrain nữa. Em tính sơ sơ hai năm tụi em mất khoảng mười triệu đồng tiền Việt Nam rồi. Đó là bức xúc chung, tụi em tính có khả năng là tụi em đình công, nói chung là hết sợ rồi, liều rồi.”

Công Ty AIC vẫn chưa giải quyết được

Cô Loan, đại diện của Công Ty Cổ Phần Tiến Bộ Quốc tế AIC, đã tới Bahrain để giàn xếp. Về câu hỏi của đài Á Châu Tự Do, cô giải thích:

“Sang bên đây, khi nhận tháng lương đầu thì tất cả người lao động người ta đều phản ánh là không giống mức lương ký ở tại nhà. Sau khi kiểm tra thì công ty bên đấy bảo bây giờ mức lương trong ba tháng thử việc thì trả là 85%. Công ty AIC đã thắc mắc là tại sao công ty Sung Won lại không thông báo cho AIC để bây giờ lao động người ta bức xúc thì AIC chúng tôi bị ảnh hưởng. Thì người ta bảo với AIC rằng đây là chính sách của công ty . Tôi cũng đã nói với tất cả toàn thể lao động ở đây là chúng tôi đã rất nhiều lần can thiệp nhưng mà bây giờ chính sách đối với 100% công nhân của công ty đều như thế, là không chỉ vì khoảng năm đến sáu mươi công nhân Việt Nam mà công ty Hàn Quốc thay đổi chính sách cho một nghìn người lao động ở đây cả. Và chúng tôi đã lấy được cái cam kết về lương của công ty Sung Won đối với lao động Việt Nam rồi. Đấy là sau ba tháng thử việc thì mức lương này sẽ đúng như cũ, đúng như mức lương đã ký bên nhà.”

Cho đến lúc này sự việc coi như chưa ngã ngũ vì các công nhân bị giảm lương ở Sung Won không đồng ý với chính sách trả 85% mức lương trong ba tháng thử việc, điều mà họ không hay biết khi ký hợp đồng.