Thiện nguyện viên của Bút Nhóm Lửa Việt về Việt Nam cứu trợ bão lụt

0:00 / 0:00

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Trận bão số sáu thổi qua miền Trung Việt Nam trung tuần tháng Mười Một vừa qua, để lại một vùng ngập nước mênh mông, nhà cửa đổ sập, đất canh tác bị hư hại, ba mươi chín người thiệt mạng, cả trăm người bị thương tích.

LuaVietCharityPoorPeople200c.jpg
Thiện nguyện viên của Bút Nhóm Lửa Việt về Việt Nam cứu trợ bão lụt. Hình do Lửa Việt cung cấp. >> Xem hình lớn hơn

Theo sau lũ lụt thì khí lạnh ập đến, khiến nỗi sầu khổ vì thiếu lương thực, thiếu nước sạch, và nỗi lo âu về dịch bệnh chừng như nặng nề hơn.

Góp một bàn tay vào công tác cứu trợ sau cơn bão số sáu ở miền Trung, người Việt hải ngoại đã tổ chức nhiều buổi gây quĩ để gởi tiền về giúp bà con bị nạn bên nhà.

Bút Nhóm Lửa Việt, tổ chức từ thiện mà Thanh Trúc từng đề cập đến trong bài hồi tháng Mười Một, nói về một người trẻ Mỹ gốc Việt tên Phương Thảo, tình nguyện chạy đường trường New York Marathon 2007 để kiếm tiền giúp mổ tim cho trẻ em nghèo bên Việt Nam, mới rồi một số thành viên Lửa Việt đã từ Hoa Kỳ lên đường về miền Trung, phối hợp cùng người của Lửa Việt trong nước để góp phần uỷ lạo bà con vùng quê nghèo.

Mời quý vị nghe câu chuyện cứu lụt miền Trung dưới mắt người phương xa. Từ Saigon, hai thiện nguyện viên trong Bút Nhóm Lửa Việt trình bày chuyến đi vừa rồi của họ ra miền Trung :

“Tôi là Lê Kim Lan, tôi ở California, thành viên của Bút Nhóm Lửa Việt bao nhiêu năm qua, tôi thường đi về Việt Nam cho những chuyến công tác xã hộ. Bút Nhóm Lửa Việt cũng hổ trợ cho nhóm Medical Mission của bác sĩ Quỳnh Kiều, thì tôi cũng thường về Việt Nam hàng năm cho những chuyến medical mission về y tế ở những vùng Hà Nam, Hà Nội và Kiên Giang trong những năm qua.”

“Tôi là Lê Xuân Vinh, tôi cũng ở tromg chương trình thiện nguyện của bác sĩ Quỳnh Kiều và Bút Nhóm Lửa Việt. Tôi đã về Việt Nam nhiều lần để trợ giúp những vấn đề như khám sức khỏe cho bệnh nhân nghèo, vá môi cho trẻ em sứt môi, mổ tim cho trẻ bị bệnh tim mà không có tiền, cùng với những chương trình giúp đỡ người nghèo, quyên góp và giúp đỡ nạn nhân bão lụt,phát gạo phát mền cho những người nghèo ở dọc đường.”

LuaVietCharityPoorPeople200.jpg
Những căn nhà rất nghèo không thể tưởng tượng được.. Hình do Lửa Việt cung cấp.>> Xem hình lớn hơn

Lê Kim Lan: Về đến đây thì chúng tôi cũng có theo dõi tin tức trên đài và làm việc với những người đại diện của Bút Nhóm Lửa Việt ở đây. Trước đó chúng tôi có về Hà Tĩnh, về miền quê, thấy nó nghèo vô cùng, rất nghèo. Ngày 28 tháng Mười Một là ngày chúng tôi ra Huế, tới ba địa điểm thì thấy những căn nhà nó nghèo không thể tưởng tượng được.

Coi như nước cuốn trôi tất cả những gì mà họ có mà thực ra họ cũng không có đồ gì nhiều. Họ nói với chúng tôi là họ mất hết, thậm chí những chiếc chiếu để nằm ngủ cũng không còn, quần áo cũng không còn.

Phái đoàn đã tới và phát quả cho ba xã Phong Xuân, Điền Hải và Điền Học. Đó là ở thành phố Huế. Trong ngày 28 chúng tôi đã phát bốn trăm phần quà, gồm có mì gói, nước mắm, gạo và dầu ăn.

Có những cụ già lúc cầm được bị gạo thậm chí có bị rớt ra, đổ ra, mà cụ cũng đòi hốt lại, đưa cho cụ một bịch khác rồi cụ cũng ngồi nhìn những hột gạo rớt xuống đất mà tiếc nuối.

Cũng ngày đó thì tỉnh Bình Định xa quá chúng tôi không đến kịp nhưng có gởi cho cha Bùi Ninh hai trăm phần quà cho xã Nam Đình tỉnh Bình Định. Cũng trong chiều hướng đó Bút Nhóm Lửa Việt có gởi tới cho một tổ chức từ thiện Liên Toan một trăm cái mền và năm trăm phần thuốc cho Tủ Thuốc Gia Đình cộng với tiền thuốc cho những bác sĩ khám bệnh ở tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Đó là xong ngày 29.

Tiếp tục trong ngày 29 thì chúng tôi đi qua vùng Quảng Trị, phát quả tại huyện Hải Lăng, trong đó có tất cả mười thôn. Chúng tôi cấp phát năm trăm phần quà, mỗi phần có mì gói với mười cân gạo.

Giờ phát quà được thông báo là tám giờ sáng, nhưng lúc mình tới đã có cả trăm cả trăm người đứng chờ ở đó rồi. Lúc đưa tận tay những gói mì tôm và gạo thì họ mừng lắm. Họ nói họ chỉ mong những cái như vậy để về chia nhau ra mà ăn.”

Thanh Trúc: Ngày 30 tháng Mười Một, những người trong Bút Nhóm Lửa Việt rời Quảng Trị để qua chùa An Trung ở Quảng Nam. Tại đây, trong một buổi sáng Lửa Việt đã phát ba trăm năm mươi phần quà, với sự giúp đỡ của sư cô Diệu Cảnh.

Buổi chiều cùng ngày, đoàn của Lửa Việt đến chùa Trung Lương của sư cô Hạnh Tâm, phát thêm hai trăm phần quà. Chị Lan và anh Vinh cho Thanh Trúc biết trong đợt cứu trợ ngày 30 này, đặc biệt có sự bảo trợ của Hội Quảng Đà miền Đông Bắc Hoa Kỳ.

LuaVietCharityPoorPeople200b.jpg
Người dân chở quà về nhà. Hình do Lửa Việt cung cấp.>> Xem hình lớn hơn

Hội Quảng Đà miền Đông Bắc qui tụ những con dân và thân hữu của Quảng Nam Đà Nẵng, cư ngụ tại các bang Maryland, Virginia và Washington DC mạn Đông nước Mỹ. Hội Quảng Đà tặng chùa An Trung và chùa Trung Lương mỗi nơi một trăm phần quà.

Lê Kim Lan: Qua ngày mùng Một tháng Mười Hai thì chúng tôi đến xã Duy Hoà thuộc tỉnh Quảng Nam, buồi sáng phát năm trăm phần quà, được sự giúp đỡ của các xơ giòng Thánh Phao Lồ. Lúc đến đó cũng vậy, người dân cũng tới ồ ạt hơn và đông hơn. Nhiều cụ già đi vô nhân quà mà không khiêng ra được… Lê Xuân Vinh: có những nhóm thanh niên tình nguyện giúp người mang quà đi về nhà, vì có nhiều cụ già không mang nỗi. Họ cũng hợp tác với mình dữ lắm.

Thanh Trúc: Thưa chi Lan và thưa anh Vinh, khi anh chị đi từ Huế ra tới Bình Định rồi Quảng Nam thì lúc đó thời tiết miền Trung có lạnh không?

Lê Kim Lan: Những ngày ở Huế thì lạnh lắm, tới đó thì nước rút hết rồi nhưng mà cái bùn thì còn, thành ra khi đi có những chỗ khô thì nó khô cái kiểu đất bùn, nhưng có nhiều chổ vẫn còn nhầy nhợt. Hôm ở Huế lạnh lắm, tụi này đem quần áo xin được ra cho họ. Đến Đà Nẵng thì buổi sáng rất là lạnh, trưa mặt trời lên thì ấm hơn. Nhưng mà đó là so với mình ở ngoại quốc về, còn dân chúng trong làng thì người nào người nấy than lạnh dữ lắm.

Lê Xuân Vinh: Tôi cũng là người Trung, nạn lụt tôi cũng đã gặp nhiều, thiên tai miền Trung tôi cũng đã chứng kiến nhiều lúc tôi còn là thanh niên. Lần này về thực sự vấn đề thiếu thốn vật chất hay nhà cửa bị hư hao thì vẫn còn. Học sinh đã đi học lại rồi. Mình đến giúp thì áo quần, gạo muối là rất cần tại vì mọi thứ bị lụt cuốn trôi hết rồi, mà nhiều gia đình thì không có tiền.

Sách vở thì mình cho mấy em, nhưngtại vì nó nặng quá mình không mang được nhiều. Lúc tụi này ra đến Huế thì vì gạo đã có sẳn nên chúng tôi phát mỗi người một phần gạo, rồi mắm ruốc, nước mắm, mì gói. Cũng có những gia đình đông con mình phải cho nhiều phần, nhà đông con thì phải cho nhiều gạo hơn, áo ấm thì dành cho những người già yếu sức.

Thực ra mình chỉ giúp được phần nào thôi, chứ còn một thùng mì hay là một bao gạo tôi nghĩ họ chỉ ăn chừng mười ngày là hết rồi.. Không rõ sau mười ngày đó thì thế nào. Tôi nghĩ phải cần có sự giúp đỡ tiếp tục nếu được.

Thanh Trúc: Anh nói cần có sự giúp đỡ tiếp tục, nếu được, như vậy sự giúp đỡ tiếp tục đó phải đến từ đâu?

Lê Xuân Vinh: Giúp đỡ tiếp tục đó là tuỳ khả năng của từng nhóm, từng cá nhân. Tại vì thường sau khi bão lụt là cơn đói, sau đó sẽ còn bịnh hoạn. Vì thế theo tôi nghĩ tiếp tục có thểvẫn là gạo, quần áo ấm vân vân…Nhưng còn vấn đề thuốc men thì cũng rất cần sự giúp đỡ và càng nhiều càng tốt. Dân vùng lũ rất cần sự giúp đỡ.

LuaVietCharityPoorPeople150c.jpg
Mỗi phần có mì gói với mười cân gạo. Hình do Lửa Việt cung cấp>> Xem hình lớn hơn

Thanh Trúc: Báo chí trong nước đưa tin là nhà nước Việt Nam chi ra những số tiền lớn để cứu trợ khẩn cấp miền Trung bị bão lụt, nhất là để đối phó với dịch bệnh mà ngay từ lúc này đã thấy rồi, đó là dịch tiêu chảy, sốt xuất huyết, các bệnh về mắt, bệnh ngoài da…Chị Lan và anh Vinh có thể cho biết tình hình dịch bệnh đã gây khó khăn nhiều cho ba con ở miền Trung chưa?

Lê Kim Lan: Thanh Trúc biết là ngày cả những người ở trong nước mà khi nghe chúng tôi nói ngày nọ ngày kia sẽ đi ra Huế đi ra Đà Nẵng thì họ nói trời ơi dám đi như vậy sao, ở ngoài đó bịnh hoạn dữ lắm.

Thật ra nếu mà Thanh Trúc hỏi cái câu là có sợ những cái đó hay không thì dạ thưa có, nhưng đến khi ra tới ngoài đó rồi thì cái đầu mình nghĩ và sợ nó còn nhỏ lắm, là tại vì cái tình người mà, thấy một bà cụ già run rẩy vì đói, đưa cho bà thùng mì thì bà mở ra lấy một gói để ăn, Lan nói thật với Thanh Trúc ngay lúc đó Lan không còn nghĩ tới bịnh hoặc là sợ hãi nữa.

Nhưng mà Lan có nhìn thấy những người ngồi ủ rũ mà họ mệt hay sao đó thì có nhiều lắm. Thành ra Bút Nhóm Lửa Việt có đem thuốc cho những Tủ Thuốc Gia Đình ở Quảng Ngãi Quãng Trị đó Thanh Trúc.

Lê Xuân Vinh: Vấn đề bão lụt ở Đà Nẵng hay Huế thì chính phủ Việt Nam cũng có giúp nhiều lắm rồi. Mà cũng có nhiều hội đoàn giúp lắm, chúng tôi chỉ là một phần. Mình giúp trong phần nào thì mình chỉ biết phần ấy thôi. Còn chính phủ Việt Nam thì giúp rất là nhiều. Bịnh hoạn thì thực sự cũng được kiểm soát hết rồi. Thành ra cái vấn đề dịch bệnh thì không gây sợ hãi lắm.

Vả lại tụi này cũng đi làm thiện nguyện nhiều, khám bệnh cho nhiều người lắm thành cũng quen với cái đó rồi. Còn báo chí thì họ đưa tin nhiều lắm, có khi họ nói đã xong rồi, có khi họ nói chưa tới, mình không theo sát thì cũng không biết đâu mà lần. Nhưng mà khi tụi này đến thì chuyện thiếu thực phẩm là có, dù lụt đã xong rồi.

Thanh Trúc: Phải chăng đến giờ phút này chị Lan và anh Vinh đều thấy nhu cầu cứu lụt cho miền Trung vẫn còn rất cần thiết, nghĩa là chưa thể gọi là xong được?

Lê Kim Lan: Đúng. Những cái mà mình đưa cho họ bây giờ thì giống như lọ thuốc đỏ để bôi lên những vết thương mà thôi. Còn thí dụ bây giờ những cái lúa giống họ cất để làm giống thì đã bị lụt cuốn trôi hết rồi, đâu còn để trồng cho mùa tới. Thì bây giờ chính phủ Việt Nam đang cố gắng đi mua lúa giống ở ngoài rồi đem tới cho dân chúng để mà bắt đầu trồng trọt cho mùa sau. Nhìn xa hơn thì thiếu thốn vẫn còn là thiếu thốn và vẫn cần sự giúp đỡ của bên ngoài.

Thanh Trúc: Chị Lan và anh Vinh còn cho Thanh Trúc biết ngoài chuyện cứu lụt miền Trung, một nhóm khác của anh chị em Lửa Việt cũng đang tiếp tục những công tác xã hội mà Lửa Việt chủ trương như chương trình xây nhà cho người nghèo, học bổng cho học sinh nghèo, giúp đỡ sinh hoạt với trẻ mồ côi. Đó là nhưng công việc thường kỳ hang năm của Lửa Việt.

LuaVietCharityPoorPeople150.jpg
Mỗi phần có mì gói với mười cân gạo. Hình do Lửa Việt cung cấp>> Xem hình lớn hơn

Sau chuyến cứu trợ miền Trung, trở về Saigon, buổi tối thứ Ba chị Lan và anh Vinh đánh một vòng thành phố, mang theo một trăm cái mền và một ít tiền để phát cho người lớn hay trẻ em mà có thể là không nhà hoặc có thể vì lâm cảnh cơ nhỡ sao đó nên phải ngủ đường ngủ chợ:

Lê Xuân Vinh: Đêm hôm qua tụi này phát một trăm cái mền, cho tiền những cụ già bảy tám chục tuổi, có thể là họ từ quê lên thành thị mà không có chổ ở nên phải ngủ ngoài đường. Hiện bây giờ tụi này làm là vì cái tấm lòng thôi, chứ còn tiền thì cũng hạn chế lắm, cũng không đủ.

Nhưng nếu mà mình càng có được nhiều thì cái chương trình sẽ tiếp tục được mãi. Người nghèo lúc nào cũng cần nhiều thứ lắm. Cái chính là tụi này đi ngoài đường lúc hai giờ sáng, tất cả mọi người đều ngũ rồi, thì những người không có mền họ lạnh lắm, họ co ro lắm.

Vừa rồi là câu chuyện cứu trợ nạn nhân lũ lụt miền Trung mà những thành viên Lửa Việt ở trong và ở ngoài nước thực hiện, bên cạnh những chương trình xã hội khác.

Hiện tại các thiện nguyện viên Lửa Việt từ ngoài về như chị Lê Kim Lan và anh Lê Xuân Vinh đang lập danh sách gần năm chục trẻ em nghèo cần được mổ mắt.

Với những tấm lòng sẳn sàng chia sẻ ban trao cho người nghèo ở quê nhà, Thanh Trúc có thể đoan chắc với quí vị sẽ có một vài bạn trẻ trong Bút Nhóm Lửa Việt đứng ra làm một việc ý nghĩa nào đó hầu gây quĩ cho chương trình mổ mắt, giống như bước chân và nhịp đập con tim mà bạn trẻ Phương Thảo đã chứng tỏ để hổ trợ chương trình mổ tim cho các em nghèo ở Việt Nam.

Mục Đời Sống Người Việt khắp nơi xin tạm dừng ở đây. Thanh Trúc sẽ trở lại cùng quí vị tối thứ Năm tuần tới.