Hà Nội sẽ cho phép Việt kiều đầu tư xây dựng và kinh doanh nhà ở

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Trong lúc Việt kiều vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi về nước làm ăn, thì mới đây Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội loan báo sẽ cho phép doanh nhân Việt kiều đầu tư xây dựng và kinh doanh nhà ở. Hà Nội là thành phố đi tiên phong, trong nỗ lực phá tảng băng trì trệ đối với chính sách về người Việt Nam ở nước ngoài.

BuildingInvest150.jpg
Hà Nội sẽ cho phép Việt kiều đầu tư xây dựng và kinh doanh nhà ở. AFP PHOTO

Trong khi các bộ, ngành còn quá chậm chạp, sau 3 năm mà vẫn chưa có sự đột phá nào để triển khai nghị quyết 36 của Bộ Chính Trị, thì mới đây báo Hà Nội Mới đưa tin, tháng 10 tới đây Uỷ Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội sẽ ban hành qui định về giao đất cho các tổ chức kinh tế, người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài thuê đất xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê.

Hai bên đều có lợi

Theo tin này, cho đến nay chính phủ Việt Nam vẫn chưa có các qui định cụ thể về việc cho phép Việt kiều được phép xây dựng nhà ở. Vì vậy, Uỷ Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội đã giao cho sở Tài Nguyên Môi Trường và Nhà Đất tham khảo, lấy ý kiến của các bộ, ngành để xây dựng qui định vừa nói, trước khi chính thức ban hành qui định vào tháng 10 sắp tới.

Được biết, có khuynh hướng bảo thủ trong đảng, cũng như trong chính phủ, e ngại về việc người Việt Nam ở nước ngoài có thể lũng đoạn đầu cơ thị trường nhà ở, do họ có khả năng tài chánh lớn lao.

Tuy vậy, một doanh nhân Việt kiều làm ăn ở Việt nam từ nhiều năm qua cho rằng nhà nước có thể có biện pháp hữu hiệu mà cả hai bên đều có lợi:

Bạn nghĩ gì về quy định mới này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

"Khi nhà nước Việt Nam cho phép việt kiều về kinh doanh trong vấn đề địa ốc, thì việc đầu tiên mà nhà nước phải làm là ban hành các luật lệ rành mạch, chỗ nào có thể làm được…chỗ nào không làm được… thì như vậy, thì người Việt kiều ở ngoài về cũng như con cá nằm trên thớt rồi …sao lại nghĩ rằng họ có thể tung hoành.

Nếu mình có luật lệ đàng hoàng rõ ràng rồi, anh mua nhà anh lời bao nhiêu, anh phải đóng thuế bao nhiêu? Thí dụ anh lời một triệu anh đóng thuế 50%, nếu anh lời 2 triệu đô la thì anh phải đóng thuế 70% chẳng hạn. Như thế là rành rọt hết, làm sao mà một người Việt kiều ở nước ngoài về có thể phá rối thị trường được.”

Chính sách quá hạn chế

Về mặt kinh doanh nhà cửa thì như vậy, còn về chuyện Việt kiều mua nhà để ở hoặc làm việc, doanh nhân Việt kiều ở TP.HCM mà chúng tôi hỏi chuyện, tỏ ý không tán thành về chính sách quá hạn chế hiện nay, dù có được mua nhà cũng không có quyền sở hữu đất đai:

“Quyền mua nhà của Việt kiều tôi thấy là rất hạn chế, chỉ mua nhà mà không có đất thì làm sao mình có thể nghĩ tới tương lai. Tôi không có ý định mua nhà vì qui hoạch ở Việt Nam không rõ ràng, tất cả những khu mình ở thì ngày trước ngày sau có thể biến thành những khu thương mại.

Bữa nay anh ở cái nhà này rất yên tịnh, ngày hôm sau sẽ có một cái quán cà phê mọc sát kế bên…cái đó rất phiền phức cho Việt kiều ở nước ngoài về, sau khi làm việc căng thẳng, họ về nhà muốn nghỉ ngơi. Tôi nghĩ ở Saigon rất khó có được những khu vực như vậy.”

Trong một hội nghị hồi cuối tháng 8 tại TP.HCM, phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm tuyên bố, vấn đề tạo điều kiện cho Việt kiều mua nhà, làm visa nhập cảnh, chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu trên tinh thần thu thập ý kiến của các nhà tư vấn.

Triển khai chậm chạp

Ông Phạm Gia Khiêm cũng hứa hẹn là chính phủ sẽ tạo môi trường pháp lý ổn định, để kiều bào về đầu tư hợp tác với trong nước có thể yên tâm và tin tưởng. Tuy vậy đa số ý kiến việt kiều có kinh nghiệm làm ăn ở Việt Nam đề quan ngại tình trạng triển khai nghị quyết chậm chạp cũng như căn bệnh gọi là trên bảo dưới không nghe:

“Việt nam ngày càng mở cửa, tôi nghĩ ở trên cũng có những ý muốn rất rộng rãi, nhưng cấp dưới khi mà thi hành chủ trương của trên thì rất là chậm trễ hoặc chưa có gì chuyển động cả.”

Trong bối cảnh chính phủ Việt Nam muốn thu hút nguồn lực Việt kiều cả về trí tuệ lẫn tài chánh, sự đột phá của thành phố Hà Nội cho phép việt kiều thuê đất, được đầu tư xây dựng gia cư và kinh doanh trong lãnh vực này là điều đáng được ghi nhận. Tuy vậy sự hình thành qui định pháp lý rõ ràng minh bạch là yếu tố quan trọng mà nhà nước cần phải quan tâm.