Mỹ - Việt hợp tác khắc phục hậu quả chất da cam

Ngày 16 tháng 12 vừa qua, Việt Nam và Hoa Kỳ vừa ký biên bản thỏa thuận khuôn khổ thực hiện các chương trình y tế môi trường và khắc phục hậu quả chất dioxin, sử dụng tổng kinh phí là 6 triệu đô la do Quốc hội Mỹ phê duyệt. Khoản tài trợ này của phía Mỹ sẽ được dùng để nghiên cứu tẩy độc sân bay Đà nẵng và hỗ trợ những người là nạn nhân chất độc màu da cam.

0:00 / 0:00

Nỗ lực hợp tác

Các cuộc đối thoại và hợp tác nghiên cứu về hậu quả chất độc da cam giữa hai nước Mỹ và Việt Nam đã được tiến hành trong nhiều năm qua tại một số vùng điểm nóng, trong đó có sân bay Đà Nẵng, vốn là sân bay quân sự cũ của Mỹ trước kia tại miền Nam Việt Nam, nơi quân đội Mỹ chứa khoảng 208 lít hóa chất diệt cỏ.

Nói về những nỗ lực từ phía Hoa Kỳ , Tiến sĩ Lê Kế Sơn, Chủ tịch Uỷ ban cố vấn hỗn hợp Mỹ-Việt về chất da cam và chất gây ô nhiễm Dioxin (gọi tắt là JAC), kiêm Phó tổng cục trưởng tổng cục môi trường cho biết: "Thứ nhất là từ chỗ không hợp tác gì cả đến chỗ hợp tác khoa học, rồi đi lấy mẫu dioxin xác định nồng độ ô nhiễm, xây dựng phương pháp xử lý và giúp đỡ nạn nhân thì có thể nói đó là các bước đi tích cực trong quan hệ hai nước, và chúng ta cũng ghi nhận sự tích cực đó từ phía Mỹ.

Thứ hai là hậu quả của cái này nặng nề, lâu rồi, mấy chục năm rồi, bây giờ bắt đầu là muộn. Thứ ba là hậu quả nặng nề nên 6 triệu đô la mà so với nhu cầu khắc phục thì còn quá ít vì không chỉ có Đà nẵng, còn Biên Hoà, Phù cát, còn nhiều vùng bị rải khác nữa. Mà giúp để tẩy độc ở Đà nẵng thì 6 triệu đô la, một nửa cho người khuyết tật, một nửa cho xử lý ô nhiễm thì không đủ đâu.”

Ông Lê Kế Sơn cũng cho biết thêm là tiến trình giải ngân của dự án còn quá chậm trong khi tác hại của chất dioxin thì vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân.

Mức độ ô nhiễm

Trong thời gian chiến tranh Việt Nam, quân đội Hoa Kỳ đã cho rải khoảng 80 triệu lít hoá chất diệt cỏ có chứa dioxin trên chiến trường miền Nam với mục đích là để diệt cây cỏ khiến quân đội miền Bắc không thể sử dụng rừng để nguỵ trang chuyển quân và vũ khí vào miền Nam.

Mức độ ô nhiễm dioxin trong môi trường không còn ở mức cao và mọi người không cần phải quá lo lắng. Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi mà chúng tôi gọi là các điểm nóng thì mức độ dioxin trong môi trường còn rất cao

Ô. Grant Bruce

Phía Việt nam cho rằng hóa chất diệt cỏ này đã gây tác hại nghiêm trọng không những đến môi trường mà còn cả sức khoẻ của người dân, khiến nhiều trẻ em sinh ra sau chiến tranh bị dị dạng. Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân, Phó chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam dioxin Việt nam nói: "Chúng tôi ước tính số nạn nhân ở Việt Nam là khoảng 3 triệu người. Tại sao ước tính bởi vì hàng năm có rất nhiều nạn nhân chết, đồng thời cũng sinh ra các nạn nhân mới. Nạn nhân mới là những người sống ở các vùng điểm nóng và các con của họ được sinh ra với rất nhiều dị tật trên cơ thể."

Liên quan đến số lượng thống kê những người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam tại sân bay Đà Nẵng, ông Lê Kế Sơn cho biết: "Xác định ai là nạn nhân, ai không là nạn nhân trong một số trường hợp là rất khó. Cái đấy khoa học cũng

Nạn nhân da cam dioxin Việt Nam sang Hoa Kỳ vận động dư luận.
Nạn nhân da cam dioxin Việt Nam sang Hoa Kỳ vận động dư luận.

khẳng định, Mỹ cũng khẳng định và ta cũng khẳng định. Mình thì không thể bởi vì phải xét nghiệm máu, xét nghiệm mỡ xem người ta nhiễm dioxin hay không. Thứ hai là có những người bị mấy chục năm nay rồi dioxin thải ra ngoài hết mà bệnh tật còn thì sao? Ngay cả định lượng dioxin với số tiền là khoảng 1,000 đô la là một mẫu thì làm sao có đủ tiền để định lượng!”

Ngay từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước, Việt Nam và một số tổ chức phi chính phủ đã cho tiến hành nghiên cứu sự ảnh hưởng của chất độc màu da cam lên môi trường và sức khoẻ người dân Việt Nam.

Ông Grant Bruce, Phó Chủ tịch công ty tư vấn về môi trường Hafield ở Canada, một công ty đã thực hiện nhiều nghiên cứu về đề tài này tại Việt Nam từ năm 1995 cho biết: "Các nghiên cứu của chúng tôi về cơ bản cho thấy 2 điều quan trọng. Thứ nhất là việc ô nhiễm không bị lan quá rộng trong môi trường. Như đã biết, có đến 10% diện tích miền Nam Việt Nam bị phun hoá chất diệt cỏ, và nhiều người lo lắng là một phần lớn diện tích đất nước vẫn bị ô nhiễm hoá chất này. Nhưng nghiên cứu của chúng tôi cho thấy phần lớn các diện tích bị phun hoá chất giờ đây mức độ ô nhiễm dioxin trong môi trường ở đó không còn ở mức cao có thể đo được và mọi người không cần phải quá lo lắng.

Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi mà chúng tôi gọi là các điểm nóng thì mức độ dioxin trong môi trường còn rất cao. Đó là các sân bay quân sự cũ của Mỹ. Và đó là mối lo ngại cho mọi người vì nó có khả năng lan ra môi trường xung quanh, gây ô nhiễm thực phẩm và các thứ khác, thậm chí cho đến bây giờ.”

Thiện chí của Mỹ

Phía Việt Nam trong rất nhiều năm qua đã yêu cầu phía Mỹ phải có những hợp tác nghiên cứu, thậm chí bồi thường cho các nạn nhân chất độc màu da cam. Phía Mỹ trong một thời gian dài không chịu nhìn nhận vấn đề về hậu quả của chất dioxin tại Việt Nam.

Năm 2002, hai bên tổ chức một buổi hội thảo về sức khỏe con người và các ảnh hưởng của chất độc màu da cam lên môi trường. Tiếp theo hội thảo đó, hai bên bắt đầu thực hiện các trao đổi khoa học và đàm phán. Năm 2005 những đàm phán này không đạt kết quả bởi cả hai bên đều không nhất trí về cách thức nghiên cứu và do đó dự án bị huỷ bỏ.

Mức độ nguy hiểm về ô nhiễm dioxin ở Việt nam là không còn nghi ngờ gì nữa. Vì thế , phía Hoa Kỳ nên nhìn nhận vấn đề này

Ô. Michael Marine

Nhưng sau đó, hai nước đã đạt được những bước tiến nhất định trên lĩnh vực môi trường. Bằng chứng là Uỷ ban cố vấn hỗn hợp Mỹ Việt về chất da cam và chất gây ô nhiễm dioxin được thành lập năm 2005. Năm 2007, Tổng thống Bush thông qua một khoản chi 3 triệu đô la cho các chương trình khắc phục hậu quả chất dioxin tại các sân bây quân sự cũ của Mỹ và chương trình sức khoẻ cộng đồng ở các khu vực lân cận.

Cựu đại sứ Mỹ tại Việt nam, Michael Marine nói rằng: "Mức độ nguy hiểm về ô nhiễm dioxin ở Việt nam là không còn nghi ngờ gì nữa. Rõ ràng là việc quân đội Mỹ trữ một lượng dioxin tại đây đã gây tác hại. Vì thế phía Hoa Kỳ nên nhìn nhận vấn đề này."

Tuy nhiên, cho đến giờ, chính phủ Mỹ vẫn cho rằng không có đủ bằng chứng khoa học để chứng minh là hóa chất diệt cỏ gây tác hại lên sức khoẻ của hàng triệu người Việt Nam.

Hơn 30 năm đã trôi qua, đối với rất nhiều người, cuộc chiến tranh Việt Nam dường như đã lùi rất xa. Nhưng đối với những người vẫn còn chịu những hậu quả của chiến tranh thì cuộc chiến thực sự vẫn chưa kết thúc.