Các hành động gia tăng căng thẳng của Trung Quốc
Đánh giá về các hoạt động mới nhất của Trung Quốc tại Biển Đông, Giáo sư Trần Ngọc Vương từ Hà Nội nhắc lại Bắc Kinh đã, đang và sẽ tiếp tục sách lược “tạo sự đã rồi” trên Biển Đông và nguy hiểm hơn chiến thuật “lát cắt salami” là chiến thuật “bào mòn” đang được áp dụng.
“Họ cứ bào mòn từng bước một, bào mòn từng tý một, để rồi cuối cùng cái gì mà họ đã cầm được ở trong tay, thì họ không bao giờ buông ra. Đó là con đường mà họ đang làm.”
Theo GS. Trần Ngọc Vương, trong tương lai gần, các đảo, đá, thực thể nổi mà Việt Nam nắm giữ sẽ không bị Trung Quốc đụng tới, bởi nguy cơ chiến tranh, nhưng tâm lý bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia ở nơi đảo xa của đại đa số người dân Việt Nam có vai trò quan trọng.
“Người dân không trông thấy cái gì ở dưới, chỉ nhìn thấy cái gì nổi lên trên thôi, ta chưa có gì trên đó. Cho nên là cái của trời đất, chỗ ấy nó (Trung Quốc) ra nó xí thì thôi mình yếu, mình kệ nó vậy. Cái tâm lý ấy mà hàng triệu, hàng chục triệu người nghĩ là thành vấn đề lớn. Bởi vì họ không thấy cái đấy là của mình để mà mất.”
Phản ứng của cộng đồng quốc tế ngày càng gia tăng
Trước các hành động quân sự, leo thang căng thẳng của Trung Quốc trên Biển Đông, cộng đồng quốc tế đã có những phản ứng kịp thời, mạnh mẽ và có sự gia tăng về mức độ.
Ngày 25/4/2018, Thượng viện Canada đã thông qua bản kiến nghị lên án mạnh mẽ "thái độ thù địch và leo thang" của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời thúc giục các bên liên quan đến tranh chấp chủ quyền tuân thủ quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực theo đúng luật pháp quốc tế.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra quan điểm vấn đề hòa bình và an ninh trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cần dựa vào luật pháp quốc tế và phản đối chính sách “bá quyền” trong bối cảnh hiện tại nhân chuyến công du Australia hồi đầu tháng 5/2018.
Chia sẻ quan điểm của nước Pháp, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull nhìn nhận, “Một trong các nguyên tắc quan trọng của luật pháp đó là cá lớn không thể nuốt cá bé, lẽ phải không đương nhiên thuộc về kẻ mạnh”. Úc đã nhiều lần phê phán Trung Quốc quân sự hóa, gia tăng căng thẳng trên Biển Đông và đã điều tàu chiến tới khu vực này để thực hiện tự do hàng hải.
Trong khi đó, Ấn Độ gia tăng sự hiện diện hải quân tại Biển Đông và liên tiếp có những chuyến ghé thăm của các nhóm tàu chiến tới các cảng quan trọng của Việt Nam. Mặt khác, Ấn Độ củng cố mối quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực và đặc biệt là với Nhật – Hoa Kỳ - Úc trong chiến lược “Indo-Pacific” để kìm hãm sự bành trướng của Trung Quốc.
Các quốc gia Đông Nam Á có lợi ích trên Biển Đông như Malaysia, Indonesia và Philippines bằng cách riêng của mình cũng thể hiện phản ứng với Trung Quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.
Còn Hoa Kỳ, ngoài các phát ngôn phản đối Trung Quốc, cường quốc này đã quyết định rút lại lời mời Hải quân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận quốc tế định kỳ có tên RIMPAC 2018 ngoài khơi Hawaii. Gần nhất, ngày 27/5/2018, Hoa Kỳ đã điều 2 chiến hạm đi vào vùng 12 hải lý quanh các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa để thực hiện tuần tra, thực hành quyền tự do hàng hải (FONOP).
Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng – Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan nhìn nhận, tuy phản ứng của cộng đồng quốc tế ngày càng đi xa hơn về mức độ và cách thức phản ứng thực chất hơn, hành động nhiều hơn, nhưng chưa thể ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.
“Bởi vì đây nằm trong một chiến lược tổng thể, nằm trong “vành đai – con đường”, nằm trong ý đồ bành trướng ở toàn khu vực. Tuy nhiên, Trung Quốc phải hiểu rằng, với tư cách là một thành viên của P5 (Ủy viên thường trực của Hội đồng bảo an LHQ) mà Trung Quốc tiếp tục hành động như vậy, thì rõ ràng, hình ảnh của Trung Quốc sẽ bị tổn thương trên trường Quốc tế.”
Tuy nhiên, theo đánh giá của GS. Trần Ngọc Vương, Trung Quốc đang vấp phải những khó khăn trong việc thực hiện chiến lược “vành đai – con đường” trong đó có Biển Đông, do nhiều quốc gia “nhận trái đắng” đang xem xét lại việc hợp tác. Nhiều quốc gia đã và đang thay đổi chính sách với Trung Quốc, trong đó có Australia và Malaysia.
“Trung Quốc muốn thôn tính thế giới, nhưng trong thực chất, họ vẫn phải trải tiềm lực ra, công sức ra trên địa bàn chính trị quá rộng so với thực lực đang có của họ. Cho nên, đấy là cái điểm “lực bất tòng tâm”.”
Việt Nam với những diễn biến mới trên Biển Đông
Trong các hoạt động ngoại giao song phương và đa phương, Việt Nam luôn nhận được sự chia sẻ và ủng hộ về quan điểm giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, phản đối việc thay đổi hiện trạng và quân sự hóa trong khu vực tranh chấp.
GS. Trần Ngọc Vương cho rằng, đây là một điều thuận lợi cho Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia.
“Nhiều nước họ bảo vệ, ủng hộ Việt Nam theo tinh thần như vậy. Họ bảo vệ cái gọi là công pháp, công lý, công đạo, chứ không phải vì Việt Nam, mà vì lẽ phải ở đời này, trên thế giới này. Không cứ nước ấy có quan hệ thân thiện hay không thân thiện với Việt Nam.”
TS. Đinh Hoàng Thắng cũng nhìn nhận phản ứng của cộng đồng quốc tế và xu hướng hiện nay đang có nhiều thuận lợi, nên Việt Nam cần có thái độ mạnh mẽ hơn, vận động quốc tế ở mức cao hơn trước các thách thức hiện hữu. Trong đó, các dự án hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam với các đối tác nước ngoài như Repsol của Tây Ban Nha, Exxon Mobil của Mỹ, … trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý luôn bị Trung Quốc gây sức ép, đe dọa dẫn đến gián đoạn hoặc hủy bỏ, gây ra thiệt hại kinh tế lớn.