Giải thích của Bộ GD&ĐT
Theo dự thảo đưa ra lần đầu thì khối ngoài công lập không được mở ba ngành sư phạm, luật, và báo chí. Thế nhưng chỉ vài hôm sau, trước sự phản đối của dư luận, Bộ Giáo dục- Đào tạo rút lại văn bản thứ nhất, cho rằng qui định bị phản đối đó là do ‘lỗi kỹ thuật’. Chính giải thích này của các quan chức Bộ Giáo dục- Đào tạo lại gây thêm bất đồng trong dư luận.
Ông Đặng Ứng Vận, hiệu trưởng trường đại học tư Hòa Bình ở Hà Nội, cho biết ý kiến về giải thích liên quan của các quan chức hiện nay của Bộ Giáo dục- Đào tạo:
Điều này chắc có liên quan đến qui trình xây dựng văn bản pháp luật. Trong qui trình cụ thể của văn bản đó, tôi không có ý kiến gì, vì tôi không nắm rõ qui trình xây dựng văn bản đó của Bộ thế nào.
Có những văn bản do lỗi kỹ thuật; nhưng có văn bản do có những quan điểm khác nhau. Tuy nhiên văn bản nào đưa ra trước công chúng bao giờ cũng cần khâu rà soát thật thận trọng để tránh trường hợp đáng tiếc.
Ô. Đặng Ứng Vận
Gia Minh : Theo ông cách giải thích do 'lỗi kỹ thuật' có thuyết phục không?
Ông Đặng Ứng Vận: Ý kiến riêng của tôi về điều này, với tư cách một người từng có thời gian tham gia công tác xây dựng các văn bản kỹ thuật như thế, là khi xây dựng một văn bản pháp qui bao giờ cũng có những ý kiến khác nhau; thế nhưng không nên để sơ xuất như vừa qua vì đã không làm tốt trong khâu rà soát văn bản cuối cùng trước khi đưa ra công chúng. Tôi mong muốn trước khi đưa ra công chúng rất nên kiểm tra kỹ lưỡng để tránh trường hợp đáng tiếc như vừa rồi.
Gia Minh : Lâu nay cũng có nhiều trường hợp: đưa ra văn bản xong lại đổ cho lỗi 'kỹ thuật'?
Ông Đặng Ứng Vận: Thật ra tùy mỗi văn bản. Có những văn bản do lỗi kỹ thuật; nhưng có văn bản do có những quan điểm khác nhau. Tuy nhiên văn bản nào đưa ra trước công chúng bao giờ cũng cần khâu rà soát thật thận trọng để tránh trường hợp đáng tiếc.
Khác biệt giữa công và tư
Gia Minh : Còn vấn đề đào tạo giữa công và tư mức độ chênh nhau ra sao? Để tận dụng hoạt động 'xã hội hóa giáo dục' cần làm gì?
Ông Đặng Ứng Vận: Tôi nguyên là phó hiệu trưởng Đại học Tổng hợp Hà Nội, chừng 6-7 năm; sau đó sang làm phó hiệu trưởng trường Đại học Đại Cương. Đó đều là những trường công trọng điểm. Nay sang làm hiệu trưởng một trường tư, tôi thấy điểm khác biệt giữa hai loại trường nằm ở vấn đề đầu tư. Trường công được Nhà Nước 'bao cấp', trường tư phải dùng vốn tư nhân.
Hiện ở Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào giáo dục. Muốn phát triển được như trường công, trường tư cần phải qua quá trình tích lũy. Khó khăn cho trường tư ở chi phí đầu tư ban đầu: đất đai, kinh phí để xây trường. Khoản thu hồi vốn cho chi phí ban đầu chậm.
Tuy nhiên gần đây có những thay đổi như việc mở ngành đào tạo - trừ ba ngành giáo dục sư phạm, luật, báo chí - nếu hội đủ điều kiện, Bộ Giáo dục- Đào tạo cho mở ngay. Đó là trường hợp Đại học Hòa Bình, không biết có phải do mới hay không (Đại học Hòa Bình ra đời tháng 2 năm 2008).
Gia Minh : Về đội ngũ giảng dạy thế nào?
Ông Đặng Ứng Vận: Trong lĩnh vực này nếu có chênh thì chỉ ở nơi đội ngũ giảng viên. Họ thấy công tác ở trường công quyền lợi nhiều hơn, ổn định hơn công tác ở trường tư.
Tôi thấy điểm khác biệt giữa hai loại trường nằm ở vấn đề đầu tư. Trường công được Nhà Nước ‘bao cấp’, trường tư phải dùng vốn tư nhân.
Ô. Đặng Ứng Vận
Trường tôi làm theo cách tuyển dụng những tiến sĩ sau 60 tuổi, phó giáo sư và giáo sư sau 65 tuổi sau khi họ về hưu ở trường công. Lực lượng thứ hai của trường gồm những sinh viên khá - giỏi mới ra trường, rồi tạo điều kiện cho họ đi học cao học, tiến sĩ.
Gia Minh : Hiện nhiều ý kiến than phiền về các giảng viên chạy sô, không có điều kiện nghiên cứu?
Ông Đặng Ứng Vận: Ngoài hai lực lượng vừa nêu, chúng tôi cũng mời một số thỉnh giảng, nhất là những người dạy ngành cơ bản mà lâu nay Việt Nam ít đào tạo. Những người từ các Viện Nghiên cứu và doanh nghiệp có thể mời đến để dạy cũng không ít.
Gia Minh : Cám ơn ông.